Cầu ngói Thanh Toàn - Nét đẹp kiến trúc đặc biệt xứ Huế

Cầu ngói Thanh Toàn, một cây cầu cổ xưa, mang kết cấu đặc biệt, nằm ở địa phận làng Thanh Thủy Chánh, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8 km về phía Đông. Trải qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử cây cầu vẫn còn lưu giữ được những nét kiến trúc đặc trưng một thời.


Đôi dòng lịch sử:
 
* Lịch sử hình thành làng Thanh Thủy

Sử ghi lại rằng làng Thanh Thủy xưa kia vốn là làng Thanh Toàn, làng được lập ra vào khoảng thế kỷ XVI bởi những người Thanh Hóa. Xưa có 12 vị tộc trưởng đầu tiên của làng đi theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa và khai phá ra làng (từ năm 1558). Đến thời vua Thiệu Trị (1841 - 1847) làng Thanh Toàn "đụng chạm" tới việc kỵ húy trong hoàng tộc nên đổi tên thành Thanh Thủy và mang tên ấy cho đến nay. Thời đó làng Thanh Thủy rất đông nên được chia thành 2 địa phận với 2 tên gọi: Thanh Thủy Chánh và Thanh Thủy Thượng, cho đến nay 2 địa phận với 2 tên gọi trên vẫn được giữ nguyên vẹn như ngày nào mới phân chia.

* Quá trình hình thành cầu ngói Thanh Toàn

Quá trình hình thành cầu ngói Thanh Toàn gắn liền với tên tuổi của bà Trần Thị Đạo. Công lao to lớn của bà trong việc xây dựng cây cầu đã được lưu truyền trong thơ ca:

Trần Thị phu nhân xã chúng ta

Tiếng tăm vang dội khắp gần xa 

Cúng đâng ruộng đất dân cày cấy 

Xây đắp cầu kiều khách lại qua

Khăn yếm khoe khoan ngời khí tiết 

Phấn son tô điểm rạng sơn hà

Sắc phong ân tứ ngời công đức

Hương khói nghìn thu kỉ niệm bà.


(Trong dịp khánh thành đợt tu sửa cầu năm 1956, một nhà thơ địa phương đã cảm hứng làm bài thơ này ca ngợi bà Trần Thị Đạo khắc lên cầu)

Theo các bô lão kể lại rằng: bà Trần Thị Đạo là người làng Thanh Thủy, cháu 6 đời của một trong 12 vị khai canh làng Thanh Thủy, có chức tước "đặc kiến phụ quốc thượng tướng quân cẩm y vệ phó quản lĩnh". Bà kết hôn với một quan lớn thuộc hàng đầu triều ở xứ Thuận Hóa. Vào thời nhà Trịnh đánh chiếm Phú Xuân, Bà theo chồng ra bắc, nhưng được một thời gian bà trở về bản quán sinh sống.

Làng bà sống có một con sông nhỏ chảy qua, ngày ngày những người dân địa phương đi làm đồng đều phải chèo thuyền qua sông mới tới nơi làm việc, khách bộ hành qua lại thì phải chờ đò vất vả. Nhìn cảnh dân mình ngày hè đi gặt lúa khó nhọc, lại phải chờ đò chở lúa qua sông.

Cũng như ngày đông đi làm đồng rét mướt, bà nghĩ mình phải làm một cái gì đấy để chia sẻ phần khó nhọc cùng người dân quê mình. Với tấm lòng đức độ, thương người dân quê mình lam lũ, bà đã tự bỏ tiền túi của mình để lầm chiếc cầu có mái lợp cho người dân đi về có nơi nghỉ chân, cho khách lữu hành có nơi dừng bước và cho trai thanh gái lịch trong làng có nơi ngắm trăng, hóng gió, ca hát, giao duyên, hẹn hò tình tứ. Căn cứ vào tờ Sắc của vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 7 thì cây cầu được xây vào năm 1776.

Không gian và kiến trúc:

* Không gian

Làng Thanh Thủy (Thanh Toàn) là vùng đất rộng nên được chia thành 2 bộ phận. Cầu ngói Thanh Toàn hiện đang nằm ở làng Thanh Thủy Chánh thuộc xã Thủy Thanh, hượng Hương Thủy, tỉnh Thùa Thiên Huế.

Theo sử sách năm 1925 ghi lại thì vua Khải định đã ban tặng cho bà Trần Thị Đạo tước vị "Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù". Và hạ lệnh cho dâ làng lập bàn thờ trên cầu để thờ bà và mong bà phù hộ độ trì cho dân làng.

Với chiều dài là 16,85m và chiều ngang 4,63m. Nó được chia làm 7 gian. Đứng bên ngoài nhìn vào ta thấy câu cầu như một ngôi nhà, khi vào bên trong cây cầy điều đó càng rõ hơn. Bởi bên trong cách bố trí và bày biện nó giống như một ngôi nhà, 7 gian như 7 căn phòng nhỏ trong một ngôi nhà lớn.

Trong ngôi nhà ta luôn thấy bàn thờ tổ tiên, ngoài nơi thờ cúng còn có nơi để sinh hoạt. Ở đây, cầu cũng có bàn thờ để thờ người có công xây dựng cây cầu, bàn thờ đặt ở gian giữa thể hiện lòng thành kính với người có công, 6 gian còn lại đều có bục gỗ hai bên để nghỉ ngơi, Mang hình của chiếc giường hay những bộ bàn ghế được bày trong gia đình. Có lẽ chính vì điều này mà một người nghiên cứu mỹ thuật cổ Việt Nam Louis - Bezacier đã xếp cầu ngói Thanh Toàn vào loại "Thượng Gia Hạ Kiều".

Khi xây dựng cây cầu này, chủ nhân của nó suy nghĩ làm sao để chia sẻ phần khó nhọc của người dân trong những ngày hè nóng và trong những ngày đông giá rét. Vì lẽ trên nên cây cầu được cấu truc như một ngôi nhà bình thường nhưng lai dạt dào tình thương, một ngôi nhà ấm áp khi đông về và mát mẻ khi nắng lên.

Nơi phía chân cầu là một vùng đất rộng, người ta dùng vùng đất này để sinh hoạt, vui chơi và họp chợ. Nơi đây còn có một cái đình thường diễn ra những sinh hoạt của cộng đồng, từ bao giờ hình thức sinh hoạt, giao lưu buôn bán diễn ra nơi đây cũng không ai rõ. Người xưa kể lại rằng chợ trước đây khồn lớn như bây giờ, người ta chỉ buông bán những mặt hàng rất nhỏ như mớ rau, mớ cá,... 

Người dân họ tự làm được, tự đánh bắt đem về đây, tự trao đổ với nhau tạo thành một cái chợ làng. Dần Dần đời sống phát triển, các mặt hàng xuất hiện ngày càng đa dạng hơn, hình thức buôn bán cũng lớn hơn. Nhưng nó vẫn mang nét gì đó của chợ quê của Việt Nam. Có lễ chính vì mang đậm nét bản sắc làng quê cho nên nơi đây được chọn làm hội chợ quê, vào những ngày lễ hội festival (theo dõi định kỳ tổ chức lễ hội festival của Huế chúng ta sẽ thấy rõ hơn điều này).

Ngoài lễ hội chợ quê 2 năm 1 lần thì vào ngày mồng 3 tết nguyên đán hàng năm, nơi đây vẫn tổ chức lễ hội bài chòi. Đây là một trò chơi dân gian xưa mang đậm bản sắc và văn hóa của người Việt Nam. Ngoài ra còn có một lễ hội ữa cũng được tổ chức linh đình không kém vào ngày rằm tháng 8, theo lời kể của người dân địa phương thì đây là ngày giỗ của bà Trần Thị Đạo. Hình thức tổ chức lễ sẽ được tiến hành tại đình, họ mường tượng hình ảnh của bà sau đó họ rước bà từ đình ra cầu làm lễ, lại rước bà trở lại đình.

Hình thức tổ chức cúng tế xong đâu đó, người chủ trì sẻ đứng ra tổ chức các trò chơi cho nhân dân trong làng tham gia như ca hát, hò giả gạo, đui thuyề trên soog và kéo co...

* Kiến trúc

Ngoài Bắc có 2 cây cầu nổi tiếng nhất thuộc loại cầu này là cầu Khúc Thoại và cầu  Phú Khê. Còn ở miền Trung có cầu Ngói Thanh Toàn ở Huế và cầu Nhật Bản (chùa Cầu) - Quảng Nam. Đây là loại cầu có lối kiến trúc đặc biệt và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu ở Việt Nam.

Kiến trúc của cầu ngói Thanh Toàn, cầu nằm trên hệ thống trụ đỡ có 3 hàng, mỗi hàng có 6 cột, mỗi hàng đều có trụ bằng đá, tất cả đều có chung một khối mộng để chống lún. Hai đầu là hai mố cầu, có 7 hệ thống thống thoát nước, nối liền các đầu mối cầu là hệ thống trụ đỡ, các thanh bê tông chay dọc từ 2 đầu vào giữa dốc dần lên đến gần gian giữa thì nằm ngang tạo sự gãy khúc cả mặt cầu lẫn mái cầu, đồng thời nâng cổng giữa lên cao để tạo cho một độ cao khỏe đẹp và cho ghe thuyền qua lại dễ dàng.

Trên cầu các hệ thống trụ cầu có dầm gỗ bắc ngang qua để trên đó dựng cột làm khung nhà. Mỗi vi có 4 hàng cột, ở giữa 2 cột là lòng cầu để làm lối đi lại và từ 2 bên cột cái trở ra cột hiên thì được nâng lên cao làm chỗ hóng mát, bên ngoài có lan can chấn song kiểu "con tiện bình hoa" để ngồi khỏi ngã. Chỉ có phần sườn cầu làm bàn thờ thì bịt kín còn đều để cho thông thoáng. Các hệ thống xà thượng, xà hạ đều là hệ thống xà kép, xà trên nằm trên đầu cột, xà dưới thì di chuyển qua mộng cột.

Các bộ phận kiến trúc đều bằng gỗ, nhưng lại có đặc điểm thú vị là không chạm khắc hay trang trí mà ở đây chỉ gồm hai loại tiết diện tròn và vuông để tạo vẻ đẹp. Bộ mái cây cầu các nghệ nhân đã chạm khắc hình con vật với chủ đề tứ linh: Long - Lân - Quy - Phụng.

Về trang trí, trước đó chỉ có con Giao Long, sau này thay bằng con Rồng ở hai đầu và đôi phượng chầu mặt trười ở giữa. Cầu được chia làm 7 gian, gian giữa dùng để thờ cúng.

Ở 2 lối vào của cây cầu có đôi hàng câu đối chữ Hán được khắc trực tiếp lên trên cầu, nhưng do thời gian tần phá nên khó tìm ra câu nguyên vẹn. Đây là một trong những câu đối trên cây cầu:

Kiệt cấu thiên thu truyền thắng tích

Ngỏa kiều thắng cảnh cựu quy mô


Tạm dịch là:

(Kiệt tác kiến trúc này là một di tích lưu truyền mãi nghìn năm sau...Cầu Ngói là một thắng cảnh làm theo quy mô cũ).

Nếu ta đem so sánh cầu ngói Thanh Toàn của Huế và chùa Cầu Nhật Bản ở Quảng Nam thì sẽ thấy được nhiều điểm tương đồng và khác biệt.

+ Điểm tương đồng:

- Đều làm bằng gỗ

- Đều chia thành các gian

- Có bàn thờ đặt ở trong cầu

- Có kết cấu "Thượng gia hạ kiều"

- Nằm tọa lạc ở vùng bản địa.

+ Điểm khác biệt:

- Ở cầu ngói Tahnh Toàn hai đầu cây cầu có đôi câu đối bằng chữ Hán nói về nét đẹp riêng và chức năng của cây cầu.

- Ở chùa Cầu Nhật Bản cũng có cặp câu đối bằng chữ Hán nhưng câu đối ở bên cửa phía Đông nói đến đối tượng thờ thần Khỉ và thần Chó được thờ trong cầu:

Hội An có bốn nàng tiên

Hai nàng tuổi Tuất hai nàng tuổi Thân


Còn hai câu đối ở phía Tây mô tả cảnh nhộn nhịp của du khách đến thưởng lãm cảnh.

- Cầu ngói Thanh Toàn thờ cúng người có công xây dựng cầu, còn ở chùa Cầu Nhật Bản thờ vị thần có nguồn gốc phương Bắc gọi là Bắc Đế Trấn Võ, mục đích thờ thần này là để khống chế con Câu Long không cho nó quẫy mình để gây ra địa chấn.

Tuy có những khác biệt, nhưng về cấu trúc, cầu ngói Thanh Toàn và cầu Nhật Bản có kết cấu "Thượng Gia Hạ Kiều".

Thay lời kết

Trải qua hơn 200 năm hình thành và phát triển trong một vùng đất với nhiều biến cố về thiên tai và lịch sử, nhưng cây cầu vẫn mang giáng dấp nguyên vẹn của buổi đầu "lọt lòng". Nó vẫn mang giá trị nghệ thuật cao trong kho tàng kiến trúc cầu cổ ở Việt Nam.

Cầu ngói Thanh Toàn hiện hữu không chỉ mang chức năng đón đưa người qua lại, mà nó còn mang giá trị thẩm mỹ và nhân đạo sâu sắc. Thanh toàn không còn là một cái tên xa lạ với du khách thập phươn, đó là "Món quà của một tấm lòng đã được vua và dân ghi khắc".

Thanh Toàn tiếng dậy khắp gần xa

Công đức Trần hương sáng mọi nhà

Sắc tứ vua ban ghi sử sách

Toàn dân qua lại nhớ ơn bà.

 
Trần Tiến Đạt - Vườn hoa Phật giáo