Chấm mực đen trên tờ giấy trắng

Một trong những điều giúp chúng ta có ý chí phi thường, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, đó chính là lòng tin.


Trong đạo Phật cũng vậy, lòng tin nơi Tam Bảo chính là hành trang quý giá nhất mà Phật tử mang theo bên mình trong suốt quãng đường đi tìm đạo lộ bất tử. Tuy nhiên, để hình thành một lòng tin vững chắc và đúng với chánh pháp thật sự không dễ.

Thời đức Thế Tôn còn tại thế, có một anh chàng tên là Vô Não. Vì muốn đắc đạo quả, nên nghe lời của người Thầy tà đạo, đã chặt một ngàn ngón tay của những chúng sanh vô tội để kết thành sợi chuỗi đeo vào cổ, với lòng tin mù quáng là hành động như vậy, sẽ được đắc quả vị tối thượng. Anh chàng này không ngần ngại lao vào như một con thiêu thân, lầm tưởng rằng việc mình làm sẽ có kết quả tốt đẹp. May mắn thay, khi còn thiếu một ngón tay cuối cùng, đức Thế Tôn đã thị hiện và đưa anh ta trở về với con đường chánh pháp.

Cũng vậy, quý Phật tử khi muốn tìm hiểu bất kỳ pháp môn nào, dù là Tịnh độ, Mật tông hay Thiền tứ niệm xứ, thì cũng phải tìm hiểu cho rõ, cho đúng với bản chất của từng pháp môn ấy. Có lòng tin nhưng không hiểu bản chất vấn đề, tin một cách mù quáng, thì đó thực chất là mê tín.

Trong kinh Tăng Chi Bộ, đức Thế Tôn có dạy rằng: “Này các Kalama, chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì theo truyền thống, chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng, chớ có tin vì lý luận suy diễn, chớ có tin vì diễn giải tương tự, chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện, chớ có tin vì phù hợp với định kiến, chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình”. Vậy thì chúng ta phải tin như thế nào mới là đúng?

Cũng trong kinh Đại Bát Niết-Bàn, đức Thế Tôn chỉ dạy rằng: “Các điều ấy (những lời đã được nghe thuyết giảng) cần được đối chiếu ở kinh, cần được xem xét ở luật, và chỉ khi nào chúng hiện diện ở kinh và được thấy ở luật, thời đều kết luận có thể rút ra ở đây là: điều này chắc chắn là lời giảng của đức Thế Tôn, và đã được vị trưởng lão ấy tiếp thu đúng đắn”.

Người Phật tử tại gia khi muốn tin vào bất kỳ điều gì, xem điều đó có đúng chánh pháp hay không, thì cần phải mở kinh, mở luật ra mà xem và đối chiếu. Ngoài pháp học ra cũng cần có pháp hành. Cách tốt nhất là tự mình kiểm chứng, tự mình thực hành. Nếu là pháp thiện, tự khắc thân tâm sẽ được an vui, tự tại vì đã đúng với chánh pháp, đúng với những gì đối chiếu trong kinh luật.

Một khi đã đi đúng con đường, quý Phật tử sẽ có lòng tin vững chắc nơi Tam Bảo. Lòng tin ấy sẽ không bị bất cứ thứ gì có thể làm lay chuyển. Đó được gọi là niềm tin chân chánh.

Hiện nay, trên các trang báo mạng thường xuất hiện những tin tức không hay về một vị sư Thầy hoặc một ngôi chùa đó, khiến cho quý Phật tử cảm thấy lòng tin nơi Tăng bảo đang dần bị mai một. Để củng cố lại niềm tin ấy, quý Phật tử phải có cái nhìn tổng thể và khách quan hơn nữa.

Ở bất cứ nơi đâu cũng tồn tại hai mặt thiện và bất thiện. Kể cả chư thiên cũng có chư thiên thiện và chư thiên bất thiện. Vì thế, có nhiều vị Thầy hoặc các ngôi chùa đã làm những việc không đúng với chánh pháp, gây cho quý Phật tử nhiều hoang mang và làm mất lòng tin nơi Tam Bảo. Khi ấy, quý vị phải suy xét thật kỹ, ví như đây là những con sâu làm rầu nồi canh vậy. Trong một cộng đồng lớn thì chắc chắn sẽ có người này người kia, có người thiện và bất thiện. Tuy nhiên, nếu xét kỹ và sâu hơn nữa thì quý vị sẽ thấy được rằng, tất cả những gì quý Thầy, quý Sư cô đã làm để phụng sự Tam Bảo, tăng trưởng và củng cố niềm tin của mọi người đến với Phật giáo còn nhiều hơn, mãnh liệt hơn và thiết thực hơn so với những tin tức tiêu cực đầy rẫy trên mạng ấy.

Lão Hòa thượng Hư Vân đã từng dạy rằng: “Nếu một quân đội mà có một vài người lính không y mệnh, không thể trách vị tướng quân kém cỏi. Nếu có một vài học trò không thành đạt thì không thể trách giáo lý không thiết thực. Phải trái đúng sai cần là người có trí tuệ để nhìn nhận”. Vì thế, lòng tin nơi Tam Bảo là rất quan trọng. Và muốn có một lòng tin kiên cố, cách tốt nhất là quý Phật tử phải thực hành chánh pháp, siêng đọc kinh điển và quan trọng là luôn luôn nhìn nhận sự việc dưới cái nhìn Phật giáo (Chánh kiến). Chúc quý Phật tử tu hành tinh tấn trên con đường đi tìm sự giác ngộ, giải thoát.

Bài viết: "Chấm mực đen trên tờ giấy trắng"
Tâm Lưu/ Vườn hoa Phật giáo