Ngậm ngùi

- Sáng nay em nói hoa hồng không" mau nước mắt" tại sao bây giờ hoa phượng lại đẵm sương? Phải có cái tàn tạ theo thời gian và phải có cái mới thay thế. Cuộc sống ấy mà, cuộc sống luôn luôn có thay đổi. Luyến tiếc làm gì?


Một buổi sáng mùa thu, trời trong như căng bằng giấy bóng kính. Trên cao, lặng gió, những làn mây đứng yên, hình dáng hồi lâu không thay đổi. Mây trắng và trong như được gọt bằng những thỏi bạch lạp. Sáng hôm nay nắng thu đẹp lắm. Nắng đọng trên tóc Phượng. Tóc nàng ánh lên màu nâu mật ong. Nắng rơi trên trên tà áo nàng vàng tươi ngan ngát cam chanh. Hôm nay lần đầu tiên Phượng được chamẹ cho phép theo tôi đi chợ mua hoa quả trầu cau cho lễ cưới chúng tôi. Chúng tôi âu yếm nắm tay nhau như sợ lạc giữa chợ đông người.

Chúng tôi dừng lại hàng hoa. Phượng chọn một bó hồng nhung. Những bông vừa mới cắt trong vườn còn đọng nhiều hạt sương li ti trên lá. Tôi thấy cả hoa và Phượng cùng đẹp và cùng thanh khiết như nhau. Sắc đẹp của nàng là điều không ai chối cãi. Tôi chỉ còn phân vân về óc tưởng tượng và sự thông minh của người con gái sắp làm vợ tôi, sắp sinh cho tôi những đứa con mang phần lớn di truyền người mẹ về tư duy và trí tuệ. Tôi làm cuộc thử nghiệm nho nhỏ về óc tưởng tượng, tôi hỏi:


- Em thấy những giọt sương mai li ti đọng trên hoa lá, chúng nó tròn, gót nhỏ, trông như những hạt thuỷ ngân rơi trên giấy. Theo em sánh với hình ảnh gì giống hơn cả?

Tôi đinh ninh nàng sẽ nói hạt sưong mai giống hạt kim cương, hạt thuỷ tinh, giống viên ngọc mắt mèo, giống những hạt cườm bé tí tẹo đủ màu sắc đính trên đôi hài nhung tím của má... Hay lãng mạn hơn nữa là giọt nước mắt của người thiếu nữ khóc cho cuộc tình vừa tan theo mây gió. Giọt nước mắt người cô phụ lăn trên đôi gò má héo hon, khoc cho người chinh phu ra đi không về...Nhưng không, Phượng nhìn tôi cười, nụ cười chế riễu:

- Anh cũng như nhiều người khác rồi. Thế mà cũng đòi làm nhà khoa học. Đó không phải là những giọt sương mai !

Tôi kinh ngạc, hỏi:

- Thế chúng là gì?

- Là chất nhựa dư thừa trong cây trào ra.

- Sao em biết?

- Đã có người khám phá và cũng đã có người thử nghiệm. Nếu là sưong thì nó phải là nước nguyên chất. Người ta thử đem phân tích, thành phần của nó còn có nhiều muối khoáng. Mà này anh quan sát kỹ đi. Những giọt nước đó không trải đều trên phiến lá. Nó tập trung ở mép lá và những đường viền của cánh hoa. Những nơi ấy có nhiều khí khổng là những lỗ rất nhỏ cho lá lưu thông không khí.


Tôi không ngờ nàng hiểu biết khá tường tận. Tôi hỏi:

- Thế nay ta gọi chúng là gì?

- Thực tế một chút thì gọi là nhựa cây. Nôm na goi là mồ hôi cây. Văn vẻ gọi là" nước mắt hoa". Không phải hoa hồng mau nước mắt đâu. Cũng không phải đêm nào hoa cũng khóc. Chúng nó khóc đều có duyên cớ. Cây chỉ khóc vào những đêm trời rét và ẩm, không khí đã bảo hoà nước. Hơi nước trong cây thoất ra không được mới ngưng tụ lại thành những giọt trong ngần đó.


Sáng hôm ấy, ở giữa chợ trong chốn đông người tôi được học bài học thực vật lý thú. Cô bán hàng ngồi tỉa hoa, cô thành thạo lắm. Tay cô thoăn thoắt cắt bỏ đo một phần thân và lá và những cành mà cô cho là thừa. Hình như Phượng đau lòng khi thấy người đối xử tàn tệ với hoa. Tội nghiệp, một vài bông hoa không được sống để khoe sắc với đời. Đế giày tôi suýt dẫm phải một đoá hoa. Phượng níu tay tôi tránh và cúi xuống nhặt bông hoa kia lên. Nàng thì thầm:" Tội nghiệp mầy..."

Tôi bắt đầu lo sợ cho tính lãng mạn và yếu đuối của cô gai này.Tôi sợ ngày sau lại đươc chứng kiến cảnh" Táng hoa" của câu chuyện đẫm nước mắt Hồng Lâu Mộng. Song tôi lại nghĩ, lo gì, ngày sau va chạm cuộc đời gồ ghề cứng như đá gai góc như rừng cô gái sẽ cứng cỏi và mạnh dân lên, sẽ biết sống tỉnh táo dửng dưng. Thôi việc rèn luyện ấy hãy để cho cuộc đời . Mua hoa xong chúng tôi kéo nhau đi tìm hàng trầu cau.
 

OOO


Tôi còn nhớ ngày trước chợ quê hay chợ thị thành nào cũng có gian hàng bán trầu cau. Trầu cau thời trước là mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống. Khách khưa đến nhà phải có miếng trầu. Má tôi thời sinh tiền vẫn nói: "Đói cơm nhịn được, thiếu trầu chịu không nổi". Thời đó lễ lạc cưới hỏi thuờng có đoàn người bưng những cái quả đỏ đựng trầu cau đi theo. Bao nhiêu sự tích, câu hát hò nói về cái duyên trầu cau. Người bán hàng thường là bà già hay cô con gái lớn. Ở chợ thành thị họ ngồi trên sạp gỗ. Ở nhà quê thường là đôi thúng để những buồng cau xanh. Những quả cau no tròn láng bóng , mủm mỉm nằm chen chúc với những cái tua đã khô, màu đen. Người bán thường chọn những buồng cau còn nguyên, trái tốt, mập mạp để giành cho những đám cưới. Đám hỏi. Lễ lớn người ta thường mua cả chục buồng cau. Còn những quả cau rời để giành bán cho ngưưoì mua về ăn trầu.

Người bán có con dao nhỏ rất bén thợ rèn làm riêng cho việc bổ cau. Họ gọt lớp võ xanh bên ngoài, cắt cái chõm bỏ đi, bổ quả cau ra làm đôi đưa cho khách bấm móng tay vào thử cau đã vừa ăn chưa? Rồi chủ hàng bổ quả cau ra làm tư, làm sáu mời khách xơi miếng trầu mở hàng. Cau thường đếm chục mười hai hay mười bốn. Thời đó nghề buôn cau, bổ cau, phơi cau nuôi sống được nhiều gia đình.

Cau với trầu là hai thứ cuốn quít nhau từ khi còn sống ở trong vườn cho đến lúc ra chợ. Người ta xếp trầu thành tập, trải ra như những con bài, rưới nước, đặt trong chiếc nia nhỏ mời khách. Trầu cau chưa đủ làm ra màu đỏ cho những cặp môi tươi hồng, phải có vôi. Ngày trước người ta bán vôi trắng. Vôi vun lên cao như núi tuyết. Trên đỉnh và trong lòng là thứ vôi ướt trắng mịn. Bên ngoài phủ lớp vôi lâu ngày đã khô. Sau này người ta chuộng thứ vôi màu hồng , gọi là vôi sim. Vôi trộn với nước sắc lá sim rể sim. Bây giờ ở thành phố không có sim người ta nhuộm vôi bằng phẩm đỏ. Tại gian hàng trầu cau thường bán luôn thuốc rê, để ăn ghém, thuôc lá Cẩm Lệ, giấy quyến.

Gian hàng trầu cau là một hình ảnh rất quen thuộc không thể thiếu được trong ngôi chợ quê Việt Nam . Thế mà hôm nay Phượng và tôi đi tìm thật lâu, không thấy. Sau ngày giải phóng Khu chợ Đầm Nha Trang không ai mua bán, chợ trở nên vắng vẻ đìu hiu, mấy bà mấy cô đi chợ về nói thấy giống như chợ âm phủ. Mấy năm sau, cuộc sống quay trở lại dần dần chợ Đầm buổi sáng bắt đầu đông đúc nhộn nhịp trở lại. Hàng hoá có nhiều, hầu hết là đồ nhựa, quần áo, thực phẩm , đủ hình thù màu sắc trông rất vui mắt.

Tôi lâu lâu mới ra chợ, thấy cuộc sống nay đã đi lên hơn hẳn những ngày sau giải phóng với cái biện pháp kinh tế kế hoạch, từ thượng vàng hạ cám đều do nhà nước quản lí. Cái đó thì nay đã thấy sai mười mươi rồi. Chỉ tiếc ta đã bỏ phí mất mười năm trong cuộc đua phát triển kinh tế sinh tử với các nước trong khu vực,các nước trên thế giới... Đang đi bỗng Phượng reo lên:

- Hàng đồ gốm đây rồi !

Tôi ngạc nhiên , hỏi:

- Em tìm kiếm thứ gì trong gian hàng này?

- Má dặn mua cái om với bộ ông táo. Má nói cơm nấu trong nồi đất ngon hơn, ông táo nấu đỡ hao củi lửa hơn.


Cái thứ sản phẩm thô sơ này đã có một thời gian lâu dài ngự trị không thể thiếu được trong những ngôi nhà Việt Nam . Mấy năm gần đây chúng biến dần, không biết bảo vệ duy tri nó có thể tuyệt chũng như những loài thú quí hiếm có tên trong sách đỏ. Những gian hàng đồ nhựa, đồ điện , đồ nhôm, đồ cơ khí xô dạt khu hàng đồ gốm ra phía sau chợ, gần giếng và nhà vệ sinh công cọng. Nơi đây mấy người ăn xin mỗi chiều tụm năm tụm ba nấu ăn, tắm rửa, đánh bạc. PHượng tìm kiếm một hồi không thấy, hỏi ngừoi bán hàng:

- Ở đây có bán ông táo không?

Người bán hàng nhìn chúng tôi giống như thấy con khủng long hay con khổng tượng voi ma mút lạc loài vào thời đại tin hoc này. Họ nói:

- Bây giờ còn ai dùng ông táo nấu ăn nữa. Mấy cái lò chụm than chụm củi bán còn không chạy nữa là ông táo. Ngày nay người ta dùng lò dầu lò điện, bếp ga, nay mai còn dùng lò vi sóng...Tới ngày 23 tháng chạp mới bán ông táo nhưng bằng giấy để cho người ta đốt tiển ông về trời.

Phượng không nói gì cả, lôi tôi đi. Vừa đi nàng vừa than: "má chẳng thức thời tí nào, thời buổi này mà sai mình đi mua om đất với ông táo bình vôi. Cuôic cùng chúng tôi cũng tìm ra hàng trầu cau."
 

OOO


Hàng trầu cau cũng bị đẩy dạt ra gần bờ sông, một chỗ với các chị bán cá đồng, cá vụn, thứ cá người không ăn được, mua về chỉ để chăn nuôi. Người bán trầu cau là một bà cụ. Trên chiếc nia nhỏ xếp mấy là trầu héo với vài quả cau, một tô vôi hồng, túm thuốc rê, tập giấy quyến. Cả gian hàng và bà lão trông nghèo nàn buôn bã như nhau. Phượng than:

- Trời ơi trầu cau bán chỗ này ai biết mà mua?

- Ngồi trong sạp thuế cao lắm cô ơi.

- Hàng hoá chỉ có thế này, thuế má cái gì?

- Bây giờ cái gì lại không thuế...


Tôi hỏi:

- Có cau tươi nguyên buồng với trầu tươi tốt không?

- Phải dặn trước mấy ngày mới có.


Rồi bà lão nói thêm:

- Bây giờ người đi mua trầu cau hiếm lắm.

- Tại sao lại hiếm?

- Thời buổi này cưới hỏi ít nhà ai còn dùng trầu cau. Họ mua bánh trái, loại của nứoc ngoài bao bì xinh đẹp sang trọng hơn cái thứ trầu cau cổ lổ này.


Rồi bà lão buồn rầu nói tiếp:

- Khách hàng của tôi là mấy ông già bà già chết dần chết mòn cả rồi. Họ đều như trái chín vàng, rụng lúc nào không hay. Thanh niên nam nữ bây giờ có ai ăn trầu nữa đâu.

Tôi nghĩ, thôi rồi, còn đâu hàm răng hạt na đen rưng rức, nụ cười với đôi môi cắn chỉ đỏ tươi. Còn đâu đám cưới trên đường làng với hàng người bưng quả đỏ cau xanh phủ tấm lụa đào. Chỉ chừng vai mươi năm nữa hình ảnh này chỉ còn lại trong những bức tranh. Vừa lúc đó một chị đi qua. Chị này tần ngần dừng lại rồi tính bỏ đi. Bà lão vội kêu:

- Chị Huê ! Sao lại bỏ đi? Cả tháng nay không thấy chị mua trầu cau cho mệ?

Người phụ nữ quay lại, tôi thấy chi ta quấn khăn tang. Chị nói:

- Mẹ chồng tôi qua đời hồi tháng trước rồi. Bà cụ thọ tới tám mươi tám tuổi. Tội nghiệp, bà cụ thèm trầu lại không có một cái răng. Khi ăn con cháu phải giã trầu. Lúc liệm người ta cho vào quan tài tất cả đồ ăn trầu, cái cơi trầu đan bằng mây, cái ống xoáy, chìa vôi, ống nhổ, ông bình vôi cao tới ngọn. Những thứ này bà cụ dùng đã hơn bốn mưoi năm. Bây giờ trong nhà còn ai ăn trầu nữa đâu mà mua. Mua trầu cau của mệ đã nhiều năm, hôm nay, quen chân cứ đi về phía hàng trầu cau của mệ...

Nói xong người đàn bà bỏ đi . Bà già bán trầu nhìn theo thở dài:

- Cái nghề này rồi cũng bỏ đi thôi. Mấy ông già bà già lần lượt đi cả rồi. Tôi rồi cũng đi theo họ. Cô cậu còn trẻ không biết chớ ngừoi già như chúng tôi không sợ chết nhưng mỗi lần nghe có người ra đi buồn lắm. Còn buồn hơn nữa là phải dẹp cái nghề đã có một thời được người đời săn đón, ai cũng cần tới mình. Bây giờ thì hết rồi. Hết cái thời của mình rồi....

Tôi thấy mắt Phượng long lanh ngấn lệ, tôi đùa:

- Sáng nay em nói hoa hồng không" mau nước mắt" tại sao bây giờ hoa phượng lại đẵm sương? Phải có cái tàn tạ theo thời gian và phải có cái mới thay thế. Cuộc sống ấy mà, cuộc sống luôn luôn có thay đổi. Luyến tiếc làm gì?

Phượng nắm tay tôi kéo đi, nàng nói:

- Vẫn biết thế song cứ ngậm ngùi...