Tức giận tự hại mình, bình thản mới ung dung

Khi người ta tức giận, hỏa khí bốc lên có thể thiêu đốt năng lượng, khiến người ta sinh bệnh thậm chí vì bực bội mà chết. Quả là tự mình hại mình một cách ngốc nghếch nhất.


Hai câu chuyện dưới đây có thể cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc. 

Bữa tiệc sinh nhật của con trai 

Cuối tuần là ngày sinh nhật mừng con trai hai tuổi, hai vợ chồng quyết định hôm đó sẽ tổ chức một buổi mừng sinh nhật nhỏ cho con. Hai vợ chồng lái xe đến siêu thị, sau đó phát hiện hôm nay siêu thị quá đông, đã hết chỗ để xe mất rồi. Người vợ thuận miệng nói với chồng: “Dù sao chúng ta cũng chỉ vào tầng một mua đồ, vào cũng nhanh, không bằng anh đem xe để gọn chỗ nào đó gần đây là được”.

Nhưng không ngờ lần này mất tới hơn 20 phút mới mua xong, ra đến nơi thì phát hiện xe bị dán giấy phạt. Người vợ bực mình nói móc mỉa: “Mới đỗ có bao nhiêu phút cơ chứ, cảnh sát giao thông cũng chăm chỉ quá đi”.

Người chồng đi về phía xe, một bên giọng điệu chán nản nói với vợ: “Chẳng phải do em nãy đòi để xe ở đây à!”.

Người vợ liền nổi giận đùng đùng, cảm thấy dường như bản thân đang phải chịu tủi nhục ghê gớm. “Anh nói thế có nghĩa mọi chuyện đều là lỗi của em à!”. Càng nói càng thấy tức không chịu nổi, giận đùng đùng, mở cánh cửa hàng sau ra, ném đống đồ vừa mua vào ghế, rồi leo vào đó ngồi.

Vào xe rồi, hai vợ chồng vẫn tiếp tục gây gổ, cãi lộn.

Mãi cho đến khi con trai hai tuổi ngồi ghế sau, bên cạnh người vợ, rụt rè gọi nhỏ một tiếng: “Mẹ ơi…”, hai vợ chồng mới bừng tỉnh, ngẫm lại mục đích ban đầu khi tới đây chẳng phải là để chuẩn bị tiệc sinh nhật cho con sao. Một ngày ý nghĩa như vậy, suýt thì bị cơn nóng giận của hai vợ chồng hủy mất.

Chỉ hai ba câu nói thôi cũng có thể làm tâm trạng bản thân trong nháy mắt dẫn động theo, trở nên vô cùng tức giận, ủy khuất, không chịu nhường nhịn ai dẫn đến cãi cọ ầm ĩ. Sau khi tỉnh táo suy xét, hai vợ chồng quay lại xin lỗi con trai, ổn định lại tâm trạng và chuẩn bị tiệc sinh nhật cho con.

Sau này, mỗi lần suy nghĩ về việc ngày hôm đó, người vợ lại thấy rất hối hận, nếu bản thân không nổi giận, không có cuộc tranh cãi ngay trước mặt con, vậy đó sẽ là một ngày càng có ý nghĩa hơn hay sao.

Người có trí tuệ thực sự là người có thể làm chủ, khắc chế bản thân. Luôn giữ tâm thái hòa ái, nhường nhịn người khác thêm một chút, nghĩ cho người khác nhiều hơn, biết hướng nội tìm ra lỗi lầm ở bản thân thay vì đổ lỗi cho người khác, vậy mới là người mang tấm lòng quảng đại.

Câu chuyện về chậu hoa lan

Truyện kể về một vị thầy giáo, bình thường là người rất thích trồng hoa lan. Một hôm, người thầy có việc phải đi xa nên đã nhờ học trò chăm hoa lan thay ông. Người học trò ghi nhớ lời thầy, hàng ngày đều đặn hết lòng chăm sóc hoa lan.

Không may, một hôm đang tưới nước cho cây hoa, cậu không cẩn thận làm đổ chậu hoa, chậu thì vỡ nát, hoa lan thì rơi vãi đầy trên đất. Vị học trò thấy vậy, trong lòng vô cùng lo sợ, vừa sợ thầy trách mắng, vừa không muốn làm thầy thất vọng.

Sau đó, thầy trở về nhà, biết được chậu hoa lan của mình đã bị bể. Nhưng trái ngược với sự suy đoán của cậu học trò, thầy không những không tức giận, còn nói: “Thầy trồng lan vốn là vì yêu thích sự thanh khiết của nó chứ không phải vì để tức giận”. 

Sinh mệnh vốn ngắn ngủi, vui cũng qua, mà thất vọng, tức giận cũng sẽ qua, vậy sao không để cuộc sống thêm ý nghĩa với những điều tốt đẹp thay vì để sự tức giận chi phối cuộc sống? 

Nghiên cứu tâm lý học có một hiệu ứng tâm lý rất nổi tiếng, thường được gọi là “kết cục của ngựa hoang”. Trên những cánh đồng thảo nguyên châu Phi, ngựa hoang thường bị dơi tấn công bằng cách hút máu, nhiều con ngựa đã chết vì điều đó. Nhưng các nhà động vật học đã phát hiện ra rằng, lượng máu dơi hút là rất ít, không thể là nguyên nhân gây nên cái chết cho một con ngựa hoang mạnh mẽ được. Lý do thật sự chính là cơn nóng giận vì bị dơi cắn đã kích thích thần kinh khiến chúng chạy quá sức, cuối cùng chết vì kiệt sức.  

Con người cũng vậy, y học cổ truyền phương Đông xác nhận rằng khi tức giận, buồn bực cơ thể sẽ sinh ra hỏa khí, có thể thiêu đốt năng lượng, khiến người ta sinh bệnh thậm chí vì tức mà chết. Như nàng Lâm Đại Ngọc, thông minh, tài hoa từ nhỏ, đến cuối cùng chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt mà tự tâm sinh phiền muộn, đến cuối cùng vì thế mà hương tiêu ngọc vỡ.

Bậc trí huệ cao thượng, từ bi, độ lượng, biết nhìn xa trông rộng thì luôn giữ cho tâm bình ý hòa. Người cả đời chỉ vì chút lợi danh nhỏ nhoi trước mắt mà bày mưu tính kế, đến ngủ cũng lo lợi ích của mình bị lấy mất mà tự làm tổn hại thân và tâm.

Phân tích từ góc độ Trung Y, khi tức giận, khí huyết sẽ xông lên đến đỉnh đầu, làm cho đỉnh đầu phát nhiệt, lâu dần sẽ dẫn tới… hói đầu. Cơn nóng giận càng nghiêm trọng, có lúc sẽ gây ra xuất huyết trong gan, trường hợp nghiêm trọng còn có thể bị nôn ra máu. Những điều này nghe rất đáng sợ, nhưng đây thực sự là chuyện thực sự sẽ xảy ra nếu bạn tức giận. 

Tức giận là nhân tố xuất phát từ nội tại trong cơ thể. Một bác sĩ có tốt đến cỡ nào đi nữa cũng không có cách nào ngăn chặn được sự tức giận của bệnh nhân. Do đó với vấn đề này chỉ có cách bệnh nhân tự tu dưỡng mới có cơ hội tự khắc phục. 

Như hai vợ chồng trong câu chuyện đầu tiên, khi phát hiện xe bị dán giấy phạt, nếu hướng vào nội tâm mà kiểm điểm bản thân, chân thành nhìn nhận, sẽ nhận ra là do vi phạm luật đề ra mà để xe không đúng chỗ. Nếu có thể dùng Thiện mà đối đãi thì sẽ không có chuyện vợ đổ lỗi cho người thi hành công vụ, cũng không có chuyện chồng đổ lỗi cho vợ, như vậy cuộc tranh cãi sẽ không diễn ra. Đồng thời nếu có thể Nhẫn hơn thì sẽ không xảy ra tranh cãi chỉ vì một tờ giấy phạt nhỏ nhoi. 

Nếu luôn giữ tâm thái hòa ái, luôn hướng vào nội tâm nhìn nhận mình khi phải đối mặt với những nghịch cảnh thì chắc chắn cuộc đời của bạn sẽ thêm một phần hạnh phúc, thêm một phần ung dung. Ấy cũng là cách ứng xử của những người hiểu chuyện vậy. 

Bài viết: "Tức giận tự hại mình, bình thản mới ung dung"
Trâm Anh/ Vườn hoa Phật giáo