THÀNH ĐẠO theo tinh thần THIỀN TÔNG

Sau khi vượt thành xuất gia, Sa môn Cù Đàm trải qua 5 năm lặn lội học đạo và 6 năm khổ hạnh nơi rừng già, mục đích tìm ra con đường thoát ly sinh tử.


Ngài đã thọ giáo nơi các Tiên nhân nổi tiếng như Kalama, Ramaputta, đã đạt đến trình độ tâm linh như các vị ấy. Tuy nhiên, Ngài biết rằng ngay ở cõi Trời cao nhất là Phi tưởng Phi phi tưởng, cũng chưa phải là cứu cánh giải thoát vì còn trong Tam giới.

Cuối cùng Ngài nhận ra rằng, chỉ nên tìm học ở ngay chính mình chứ không tìm cầu bên ngoài mà được. Miệt mài thiền định dưới cội Tất bát la, Ngài chứng quả vị tối thượng vào đêm thứ 49, khi sao Mai vừa mọc. Từ đó, Sa môn Cù Đàm trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và đêm lịch sử ấy được gọi là Đêm Thành Đạo.

Vậy thế nào là “Thành Đạo”?

Theo nghĩa thông thường, đạo là con đường, như “độc đạo” là con đường duy nhất. Đạo cũng có nghĩa là “đường lối, nguyên tắc mà con người có bổn phận giữ gìn và tuân theo trong cuộc sống xã hội”(*). Trong tôn giáo, Đạo vừa là một tổ chức quản lý, vừa là nội dung học thuyết của tôn giáo ấy, như Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa, Đạo Hồi... có tổ chức Giáo Hội và hệ thống giáo lý hướng dẫn môn đồ tu hành. 

Bài pháp đầu tiên Đức Phật dạy cho năm anh em Kiều Trần Như là Tứ Diệu Đế, trong đó chi phần sau cùng là Đạo đế. Đó là phương pháp chân chính, có hiệu quả chắc chắn đưa hành giả đến cảnh giới an lạc, giải thoát sinh tử. Với những ý nghĩa trên, đạo bị lệ thuộc bởi ý thức nên vẫn còn trong vòng đối đãi: Ví dụ Đạo làm người thay đổi theo tập quán của từng vùng miền, theo từng thời kỳ, từng xu hướng xã hội. 

Ở các nước phương Tây, con đến tuổi thành niên thường ra ngoài sống tự lập, cha mẹ già bị đưa vào Viện Dưỡng Lão; nhưng người Đông phương thì quan niệm “Tam tứ đại đồng đường” (Ba bốn đời ở chung một nhà) là phước đức của gia đình. Ngày xưa, phụ nữ theo lễ giáo tam tùng tứ đức, chỉ biết việc nội trợ hầu hạ chồng con; nhưng ngày nay, phụ nữ tham gia việc chính trị, kinh tế, khoa học cũng thành công không kém nam giới. Trong giai đoạn đầu hoằng pháp, Đức Phật dạy về Ngũ thừa(**), tựu trung là tránh ác làm thiện, bỏ phiền não cầu an lạc, giải thoát sinh tử tu chứng Niết bàn. Như thế, còn phân biệt việc xấu dỡ phải tránh, điều thiện lành phải làm, sinh tử là điều đáng chán và Niết bàn là cảnh giới thanh tịnh đáng hướng về.

Riêng đối với nhà Thiền, Đạo có thêm một ý nghĩa khác, một chân trời khác. Trong hội Linh Sơn, khi Đức Phật cầm cành sen xanh giơ lên, dùng đôi mắt màu sen xanh nhìn quanh đại chúng, tất cả đều ngơ ngác, chỉ riêng Tôn giả Ca Diếp mỉm cười. Đức Phật ấn chứng cho Tôn giả trở thành Sơ Tổ Thiền tông từ lúc ấy. 

Thiền sinh Nghĩa Huyền trong pháp hội Tổ Hoàng Bá, một hôm hỏi Tổ “Thế nào là đại ý Phật pháp?”. Tổ không trả lời mà đập cho một gậy. Ba lần thưa hỏi, ba lần đều bị đánh. Đến khi ngộ đạo qua Hòa thượng Đại Ngu, Ngài Nghĩa Huyền trình kiến giải bằng.... một cái thoi vào hông người khai thị! Và tông Lâm Tế do Ngài khai sáng truyền mãi không dứt cho đến ngày nay. 

Có phải chăng, Đạo trong nhà Thiền biểu hiện bằng một cành hoa, bằng những cái đánh, bằng lời nói thoạt nghe không có nghĩa lý gì? Và có phải chăng, “Thành đạo” là có một cái Đạo để thành tựu; trước khi tu ta không có, khi tu đến mực độ chín muồi thì Đạo sẽ hiện ra? Lúc chưa thành đạo, ta là kẻ phàm phu; khi thành đạo rồi, ta biến thành con người khác hẳn với hình tướng thoát tục, hào quang sáng ngời? Hẳn nhiên, không thể hiểu theo sự tưởng tượng bay bổng như thế.

Phật dạy, tất cả chúng sanh đều có tánh giác, tức bản tâm chân thật vượt mọi đối đãi. Tánh giác bình đẳng ở muôn loài, hiển lộ qua sáu căn. Khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng... mà không khởi niệm phân biệt đẹp xấu hay dỡ, thì tánh giác hiện tiền, không phải tìm cầu đâu xa. Chạm mắt tức Bồ đề là như thế. 

Phàm phu chúng ta luôn chạy theo ngoại trần, tạo nghiệp thiện ác rồi quanh quẩn trong sáu đường sinh tử, nhà Phật gọi là phan duyên. Ngược lại, Nhị thừa sợ ngoại trần lôi kéo nên tìm mọi cách tránh duyên, đè nén vọng tưởng. Bồ tát không sa vào hai cực đoan ấy. Các Ngài biết rõ các duyên không thật có, nên vì chúng sanh mà thị hiện vào các cõi, trục loại tùy hình, tùy duyên hóa độ. Các Ngài không phan duyên, không tránh duyên mà liễu tri các duyên, đồng thời nhận ra cái chân thật hằng hữu, bình đẳng tuyệt đối, nơi Thánh không thêm nơi phàm chẳng bớt. 

Cái chân thật ấy không có hình tướng nên không thể nắm bắt, không phải sản phẩm của ý thức nên không thể tưởng tượng hay diễn tả, không thể tìm trong sách vở Kinh lục hay giải quyết bằng cách tranh biện luận đàm. Nó chính là mình nên không tìm thấy bên ngoài mà chỉ nhận ra bằng trực giác, khi tâm thanh tịnh mà hằng tri. Tùy theo tính chất, diệu dụng và cảm nhận của người thực chứng mà gán cho một tên gọi (Phật tánh, Chân tâm, Ông chủ, Bản lai diện mục...), thật sự nó không có tên. Và ở đây, chúng ta gọi đó là ĐẠO.

Ngày xưa, Thiền sư Văn Hỷ tìm Bồ tát Văn Thù trên Ngũ Đài Sơn, nhưng gặp mặt Bồ tát mà không biết. Đến khi ngộ đạo, thấy Bồ tát hiện ra trên nồi cháo đang sôi, Ngài lấy dầm đập chứ không đảnh lễ. Bởi vì, khi đã thấy Phật tâm của chính mình thì không cầu Phật bên ngoài nữa. Người tu chúng ta cũng thế, lúc đầu phải sửa chữa tâm mình từ hư dở trở thành hiền thiện, nhưng mục đích cuối cùng là nhận được Phật tâm hằng hữu ấy. 

Đạo của nhà Thiền chỉ có ở trong tâm, nhận ra và sống trọn vẹn với bản tâm là Thành Đạo. Cho nên, tu đạo là tu tâm, ngộ đạo là ngộ tâm, chứng đạo là chứng tâm, và thành đạo cũng là thành tại tâm chứ không đâu khác. Từ trước đến sau cũng chỉ một người ấy, không thay đổi gì về hình tướng, chẳng ngồi tòa sen phát hào quang, nhưng tâm lại có một biến đổi diệu thường. Đó là “rắn hóa rồng không đổi vảy”.

Phật dạy, “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Lời dạy ấy là đứng trên Phật quả. Nhưng theo tinh thần kinh Lăng già thì “Chúng sanh đã là Phật”, tức nhắm trên Phật nhân. Đã là Phật, vì chúng sanh nào cũng có trí tuệ đức tướng Như Lai. Như kẻ ăn mày trong kinh Pháp Hoa không biết mình có hạt châu trong chéo áo, cứ phải sống đời lang thang cơ nhỡ. Đến lúc được bạn nhắc nhở, lấy ra dùng thì trở nên giàu sang phú quý. Hạt châu có sẵn như Đạo sẵn đủ tại tâm, chỉ vì ta quên nên mê, còn nhớ ra là ngộ Đạo.

Đức Phật thành đạo nơi cội Tất bát la cách đây gần 26 thế kỷ, nhưng câu chuyện tìm đạo của Ngài vẫn luôn là bài học lớn cho hàng đệ tử Phật chúng ta. Khi mới phát tâm tu, chúng ta cần có thầy hướng dẫn đường lối đúng đắn để khỏi lạc lầm. Đang trong giai đoạn dụng công, ta cũng cần thầy bạn sách tấn và sửa chữa những sai sót, để khỏi sa vào những cám dỗ của ngoại ma. Nhưng vấn đề ngộ đạo lại khác, tự thân hành giả nỗ lực công phu, phải tự nhận ra Phật tâm nơi chính mình chứ không ai làm thay cho ai được.

Hiểu và tin mình có khả năng thành Phật, chúng ta có sự vững vàng trên đường tu. Ta không tìm cầu Phật bên ngoài, không tin có một quyền năng ban phước giáng họa, mà chỉ tin chính tâm mình có chánh nhân thành Phật, ta cứ một lòng một dạ tiến bước trong chánh pháp mà không khởi ý niệm mong cầu, thì khi đủ thời tiết nhân duyên, tất nhiên trổ ra chánh quả. 

Đến lúc ấy, ta mới thấm thía và biết ơn vô cùng lời - dạy - vô - ngôn của Đức Bổn Sư khi cầm cành sen xanh, hay gậy Tổ Hoàng Bá khi đập cho đệ tử xuất cách Nghĩa Huyền ba gậy. Vậy thì rốt cuộc, thành đạo là nhận ra và hằng sống với con người chân thật chính mình. 

Thích Thông Huệ - Vườn hoa Phật giáo