Bệnh thần tượng

Chúng ta dễ mắc cái bệnh “thần tượng hóa” người mình quý kính. Người mình quý kính là thánh thiện một trăm phần trăm (100%), nếu thân cận thời gian, thấy vị ấy có một vài điều còn phàm tục, “thần tượng” liền sụp đổ. Từ đây ta sinh tâm khinh lờn cho đến bất mãn, không còn tin tưởng vào ai nữa. Đây là một trọng bệnh, khiến ta tự cao ngạo mạn, mất hết lòng tin.


Khi trước do tin vào bậc thầy thánh thiện nên ta tinh tấn tu hành, nay mất lòng tin rồi nên sinh bê tha hư đốn. Tại sao ta không xét nét kỹ càng xem, bậc thầy kia hơn mình bao nhiêu phần? Nếu ta có hai mươi phần trăm (20%) tốt, vị thầy có đến bốn chục phần trăm (40%) hay sáu chục phần trăm (60%) thì rất đáng cho mình học tập theo, vì vị ấy đã tốt hơn mình gấp đôi gấp ba, còn chê trách nỗi gì! Bởi vì vị thầy chưa phải là Thánh, là Phật làm sao hoàn toàn thánh thiện được. Chúng ta cảm thông vị ấy đang tu, là còn những cái dở để sửa, để bỏ.

Bồ Tát vẫn còn vi tế vô minh, nếu sạch hết vô minh là thành Phật. Biết rõ cái tốt của những vị mình quý kính là tương đối thì mình kính tin vừa phải, chừng mực, không “thần tượng hóa”. Nếu thấy vị ấy còn vài nét phàm tục, mình cũng cảm thông tha thứ, vì đây là người đang tu đang tiến, đừng đòi hỏi quá đáng. Hoặc giả ngày xưa mình tin vào vị thầy gần như tuyệt đối, vị ấy dạy gì mình cũng cố gắng làm cho được, nhờ đó trên đường tu mình tiến bộ vượt bậc. Nay mình mất lòng tin ở vị thầy ấy, sinh tâm lui sụt, đây là điều sai lầm.

Tại sao mình không nghĩ, ta tu là ta tiến, thầy tu thì thầy tiến. Đâu phải thầy tu hay ta mới tiến, thầy tu dở ta bị lùi. Phải tin vào mình, phải trông cậy vào mình. Phật dạy: “Các ông phải tự thắp đuốc lên mà đi”, lại “các ông phải tự làm cồn đảo cho mình”. Thế nên, không vì “thần tượng sụp đổ” mà ta lùi bước. Chính chúng ta phải nhìn các bậc thầy quý kính vẫn là tương đối, thì chúng ta khỏi chới với khi trông thấy vài nét phàm tục của các ngài.

Bài viết: "Bệnh thần tượng"
Trích từ cuốn sách “Cành lá vô ưu”
Hòa thượng Thích Thanh Từ - Vườn hoa Phật giáo