Đời người như giọt sương mai, sống sao không hổ kiếp này

Đời người như hạt sương mai buổi sáng - ví von cuộc đời con người ngắn ngủi, khi mặt trời ló dạng thì từng hạt sương từ từ tan biến, giọt sương mai như chiếc lá trên cành, đến một lúc nào đó nó cũng rụng rơi.


Nguồn gốc của câu "đời người như giọt sương mai"

Câu thành ngữ "Đời người như giọt sương mai" có xuất xứ từ điển cố "Tô Vũ chăn dê" trong sách Hán Thư...Ở Trung Quốc có một câu chuyện được lưu truyền rộng rãi đó là chuyện Tô Vũ chăn cừu. Chuyện kể rằng, Tô Vũ không quản khó khăn gian khổ trong môi trường khắc nghiệt, vẫn giữ được khí tiết dân tộc cao cả. Tô Vũ tên thật Tô Tử Khanh, người đất Đỗ Lăng là một bầy tôi trung của vua Hán Vũ Đế. Thời đó, nhà Hán thường bị giặc Hung Nô ở phương Bắc hay quấy nhiễu, dòm ngó. Tuy là nước lớn nhưng muốn cầu hòa, nên Hán Vũ Đế sai Tô Vũ đi sứ sang Hung Nô. Sang bên Hung Nô, vì làm phật ý vua Hung Nô (thiền vu), Tô Vũ bị bỏ vào hang, ba ngày không cho ăn để cho chết. Tô Vũ nhờ hớp những giọt sương đêm trên ngù cờ mà sống sót.

Thấy lạ, chúa Hung Nô kinh sợ, cho Tô Vũ là thần, không dám hại nữa mà đày đến đất Bắc chăn dê, giao hạn cho tới khi nào dê đực đẻ ra dê con mới được trở về Hán. Đất Bắc giá lạnh hoang vu, không có người. Tô Vũ ở nơi đi đày, ngày chăn dê, tối ngủ hang đá, thiếu thốn, cực khổ và tuyệt vọng. Gặp mùa chim nhạn thiên di về phương Nam, Tô Vũ viết một lá thư nhờ chim nhạn mang về nhà cho đỡ nỗi nhớ nhung.

Hán Vũ Đế tình cờ nhặt được thư mới biết Tô Vũ đang phải chăn dê khổ cực ở phương Bắc. Ở nơi đi đày, Tô Vũ chỉ còn biết làm bạn với cỏ cây, cầm thú và đã kết bạn với một nàng vượn người. Sau 19 năm, nhờ sự can thiệp của Hán Vũ Đế, Tô Vũ chia tay người vợ vượn trở về Hán. Chuyện Tô Vũ, với nội dung cảm động và nhiều tình tiết éo le đã là một đề tài nghệ thuật, cho nhiều tranh tượng và điệu hát dân gian. 

Khi Tô Vũ trở về thì tóc đã bạc trắng. Nhìn thấy hình dáng tiều tụy râu tóc bạc trắng của Tô Vũ và chiếc cờ tiết đã rụng hết lông vẫn không rời thân ông, hoàng đế và văn võ bá quan khắp triều đình đều nhỏ lệ xúc động. Đời người như giọt sương mai, khí tiết và lòng trung thành của Tô Vũ như mặt trăng mặt trời chiếu sáng ngàn năm.

Ý nghĩa ẩn sâu sau câu "đời người như giọt sương mai"

Từ câu chuyện của Tô Vũ cùng với câu nói "đời người như giọt sương mai" giúp chúng ta hiểu được rằng mọi thứ đều không nằm ngoài quy luật vô thường.

Đời người mấy ai tránh khỏi sinh, lão, bệnh, tử. Vô thường biến đổi, sớm còn tối mất, mới đó đã không còn, có tụ có tán, có vui có buồn, trong hạnh ngộ có mầm móng chia ly, vạn vật tất cả đều vô thường mãi mãi không có cái gì là thường còn, đó là định luật của tạo hoá, cái gì có vận hành, chuyển biến, đổi dời nơi đó có vô thường.

Cái chết đến nhanh như hơi thở vào ra, khi nó chưa đến ta tưởng ta còn nhiều cơ hội, khi nó đến rồi ta còn chẳng kịp ngoảnh đầu lại nhìn xem những gì ta đã làm ngày hôm qua. Ngẫm về cái chết, tôi lại nhớ tới một câu thơ về cuộc đời:

Đa Thiểu Ân Oán Tùy Mộng Trung,
Mạch nhiên hồi đầu vạn sự không.
Kỉ trùng mộ, kỉ khõa tùng,
Kỉ tầng viễn loạn, kỉ thành chung.

Dịch nghĩa: Bao nhiêu ân oán xem như giấc mộng, bất giác quay đầu chẳng còn gì. (Chỉ còn) vài ngôi mộ, vài cây tùng, vài tầng núi xa trùng điệp và mấy tiếng chuông kêu. 

Có ai sống một đời anh hùng mà mạng chung chẳng về với đất. Ai cũng vậy, kết thúc cuộc đời đều trở về với đất mẹ, làm bạn với đá cát. Nếu biết trước ngày mai ai cũng đều phải chết, vậy cuộc vui của ngày hôm nay còn có ý nghĩa gì? Nỗi đau của ngày hôm qua liệu ta có cần phải nhớ? Ân oán của cuộc đời ta có cần phải quá chú tâm? 

Kinh Pháp Hoa, phẩm Thí Dụ. Phật dạy: "Chúng sanh bị chìm đắm trong vô số nạn khổ, thế mà không biết lại hoan hỷ vui chơi, chẳng kinh chẳng sợ, chẳng hề biết chán, chẳng chịu tầm cầu giải thoát. Ở trong nhà lửa tam giới cứ dong ruổi Đông Tây. Tuy gặp đại khổ mà chẳng biết đó là nguy khốn".

Một cuộc vui nào rồi cũng phải qua đi. Một nỗi buồn nào rồi cũng phải nhạt theo năm tháng. Cổ Đức có dạy: "Thời gian tợ tên bắn, ngày tháng như thoi đưa. Vô thường chóng qua mau, gắng gỗ chớ dần dà! Ngày tháng cứ thản nhiên trôi qua, mạng sống cũng theo đó dần dần đoạn giảm, như cá thiếu nước, nào có vui gì...". (Quang âm tợ tiễn, nhựt nguyệt như toa, Vô thường tấn tốc, thiết mạc ta đà!. Thị nhựt dĩ quá, mạng diệc tùy giảm, như thiểu thủy ngư, tư hữu hà lạc...).

Vậy hôm nay mọi người chúng ta hãy cùng nhau chia sẽ những vui buồn trong cuộc sống, hãy giúp đỡ và khuyên những ai chưa quý và trân trọng cuộc sống, những ai chưa làm tròn trách nhiệm của một người Cha, người Mẹ, người Chồng, người Vợ, người Con, người Cháu, nhất là bổn phận của người làm con cháu, phải quí và trân trọng những gì mà ta đã có, để khi không còn với nhau cũng vơi phần nào ân hận luyến tiếc.

Xin thay lời kết thúc bằng đoạn thơ của Thiền sư Thanh Đàm, thuộc đời thứ 42, tông Tào Động, khoảng đầu thế kỷ thứ 19:

"Công danh cái thế màn sương sớm
Phú quý kinh nhân giấc mộng dài
Chẳng hiểu bản lai vô nhất vật
Công phu luống uổng một đời ai"

Hạt sương nếu nằm trên cành sen thì sẽ biến thành những giọt nước long lanh tinh khiết và đó là những gì quí nhất và hay nhất khi sáng sớm chúng ta được nhìn thấy. Hãy biến cuộc đời tạm bờ này như những hạt sương long lanh trên cành sen bởi "đời người như giọt sương mai, sống sao không hổ kiếp này". 

Bài viết: "Đời người như giọt sương mai, sống sao không hổ kiếp này"
Thanh Tâm/ Vườn hoa Phật giáo