Giận 69 giây hay giận cả một đời

Chúng ta biết rằng nửa chu kỳ (half life) của một hormone cảm xúc chỉ dài khoảng 69 giây. Nhưng tại sao chúng ta không tức giận khoảng 69 giây mà lại giận suốt ngày đó? Hoặc có nhiều người giận năm này qua năm khác và đôi lúc họ giận suốt cả đời của họ? Điều gì làm cho cơn giận tồn tại lâu dài như vậy? Đó là vì những ý nghĩ của chúng ta cứ tiếp tục nuôi dưỡng cơn giận, như dầu được tiếp tục đổ vào đống lửa.


Ví dụ, một người nào đó đã nói một câu làm chúng ta giận. Họ chỉ nói một lần đó thôi, nhưng chúng ta nhớ đến và lặp đi lặp lại câu nói đó cho chính mình nghe hàng trăm hàng ngàn lần nữa. Người ta có thể làm tổn thương chúng ta chỉ một lần hoặc đôi lần trong quá khứ, nhưng chúng ta gây tổn thương cho chính mình năm này qua năm khác bằng cách ôn đi ôn lại những hình ảnh, âm thanh, những xúc chạm và những tư duy cũ. 

Khi tình huống khổ đau ngày xưa diễn lại trong tâm trí, lượng kích thích tố (adrenaline and emotion hormones) sẽ được tiết ra và gây nên phản ứng căng thẳng sinh lý (stress response) trong cơ thể chúng ta. Khi chúng ta nhớ lại một tình cảnh nào đó, những chi tiết về tình cảnh này sẽ được mã hóa vào bộ nhớ ngắn hạn và dài hạn.

Con đường thần kinh dùng cho kinh nghiệm đau buồn này lâu ngày sẽ trở thành một xa lộ lớn trong bộ não chúng ta. Bất cứ một cái gì đó mà chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm hoặc cảm nhận mà tương tự như những gì chúng ta đã có kinh nghiệm trước đây sẽ kích hoạt con đường thần kinh này ngay lập tức và có thể gây nên những trường hợp đặc biệt như Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (Post Traumatic Stress Disorder - PTSD).

Một cựu chiến binh với bệnh Rối loạn căng thẳng sau chấn thương này có thể chỉ nghe thấy một âm thanh lớn là ngay lập tức tâm trí của ông ta liên tưởng đến bom đạn, đến cảnh chiến trường và ông chui xuống gầm giường, trốn trong tủ quần áo hoặc mang súng ra để sẵn sàng chiến đấu, chạy trốn hoặc co rúm lại (fight, flight or freeze response). Đây là một ví dụ cực đoan, nhưng nhiều người trong chúng ta hàng ngày có thể đi qua những trạng thái vi tế  hơn của Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), nhưng chúng ta không ý thức được những triệu chứng này.

Khi có chánh niệm về hơi thở và cơ thể, chúng ta có thể phát hiện sớm hơn những con sóng cảm xúc. Bạn thực tập thở vào và thở ra với những cảm xúc này và ôm ấp chúng với năng lượng chánh niệm để làm tĩnh lặng thân và tâm của mình. Tôi thường thực tập ngồi lại và thở với bất cứ điều gì tôi đang cảm nhận; và ngay cả khi tôi đang khóc tôi vẫn mỉm cười và thở với nó để tránh gây thêm thương tích cho tâm trí tôi.

Như thế, tuy chúng ta vẫn phải đi qua khó khăn nhưng chúng ta không gây thêm khổ đau cho thân tâm. Những điều bất như ý hoặc sự bất hạnh có thể xảy ra nhưng chúng ta có khổ đau hay không là tùy thuộc vào chúng ta. Những khổ đau trong thời thơ ấu vẫn còn đó khi chúng ta lớn lên và những khó khăn mà chúng ta tiếp xúc trong cuộc sống hàng ngày trong gia đình và xã hội cũng không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, chúng ta có cần phải khổ đau vì chúng hay không? Chúng ta có cần khắc sâu kinh nghiệm đó vào thân và tâm mình hay không? Chúng ta có cần sống lại những giây phút khổ đau đó nhiều lần để chúng trở thành những căn bệnh tâm lý và sinh lý trong bản thân hay không? Đau khổ hay không là tùy chúng ta lựa chọn. Ví dụ khi có một điều căng thẳng nào đó xảy ra, bạn có thể phản ứng bằng cách trở về với hơi thở và bước chân của bạn. Sau đó nếu có thể, bạn sẽ nằm xuống và tiếp tục theo dõi hơi thở và thư giãn cơ thể của mình.

Nếu đang trong tư thế ngồi hoặc đứng hoặc đi, bạn có thể ý thức cơ thể của bạn để thư giãn nó; dùng tia chánh niệm để lướt qua cơ thể và thư giãn những bộ phận nào đang có sự căng thẳng. Bằng cách đó bạn sẽ không tạo thêm nhiều chấn thương và khổ đau cho bản thân ngay bây giờ và trong tương lai.
 
Bài viết: "Giận 69 giây hay giận cả một đời"
Trích từ tác phẩm “Áo vách núi”
Chân Đẳng Nghiêm