PHÁP NHƯ VÀ ÂM NHẠC

Trên một vài onlines, đang quảng cáo: “Pháp Như - Nhạc Trịnh và Phật giáo” vào đêm 23/02/13 tại nhạc quán Diễm Xưa, TP Đà Lạt, trong đó, Pháp Như sẽ trình diễn từ 10 đến 12 nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, mà theo Pháp Như, những ca từ mang tính triết lý Phật giáo sẽ được Pháp Như giải trình.

 


Chỉ vừa quảng cáo, Tăng sĩ Pháp Như đã bị thiên hạ ném đá không nương tay, chẳng những thế, thầy tổ của Pháp Như cũng bị văng miếng bởi  những người góp ý nóng tánh! Vậy phải hiểu thế nào về ca nhạc và Tăng sĩ ???

Ai cũng biết giới luật nhà Phật cấm tu sĩ đàn ca hát xướng và đeo đồ trang sức, xức dầu thơm… cũng từ  250 giới, nếu triệt để áp dụng thì xã hội ngày nay khó mà thực thi; nhưng luật thì tùy nghi từng bộ phái, không triệt để thống nhất như giới bản.

Luật thì có Thập tụng luật, Tứ Phần luật, Ma Ha Tăng Kỳ luật, Ngũ phần luật…

Cho dù giới hay luật từ thời Đức Phật hiện tiền hay hậu kỳ chư Tổ chế tác cho tương thích với hiện trạng xã hội đương thời, cũng đều không ngoài mục đích hỗ trợ cho tu sĩ ngoại tướng trang nghiêm, để là thân giáo cho đồ chúng, nội tâm nhất niệm để tiến hóa trên đạo lộ giải thoát mọi phiền trược!
 

Ngày nay, xã hội phát sanh nhiều phương tiện đáp ứng cho nhiều nhu cầu mà hàng ngàn năm trước chưa có, những phát sanh giúp ích cho cuộc sống mà lắm khi cũng làm băng hoại xã hội;

Riêng về âm nhạc, đã xuất hiện từ xa xưa, có những loại nhạc cộng đồng, nhạc lễ tôn giáo, nhạc cung đình…có loại nhạc mang tính văn hóa giáo dục, cũng có loại mang tính kích động…

Bản thân  âm nhạc không tốt cũng chẳng xấu, giá trị âm nhạc còn tùy thuộc nội dung, ca từ, tiết tấu và thời điểm xuất hiện, nhân cách diễn xuất, địa điểm trình diễn.

Ví dụ nhạc Trịnh đem hát nơi đám ma do các Gay trình diễn thì giá trị sẽ khác nơi phòng trà, quán nhạc và hội diễn công cộng.

Ở đây, liveshow đêm: “Pháp Như-Nhạc Trịnh và Phật Giáo” tại quán nhạc Diễm Xưa, nói lên tầm vóc trang trọng hơn, nghệ thuật hơn, và đặc biệt hơn là do một Tăng sĩ  trình diễn.

Vậy xoay quanh vấn đề một Tăng sĩ xuất hiện trên sàn diễn với nhạc đời tuy ca từ mang tính triết lý Phật giáo, quần chúng lúng túng xác định vị thế của một tu sĩ trong thời đại hiện nay mà từng xẩy ra quá nhiều tai tiếng trước công chúng và giới luật nhà Phật.

Xưa kia, khi mà xã hội chưa quần chúng hóa âm nhạc, tu sĩ chưa gắn kết chặt chẽ trong sinh hoạt thường nhật với xã hội, Tăng đoàn  Đức Phật sinh hoạt có quy củ trong tu viện, ngoài giờ đi bát và du hóa hoằng pháp, không  đi ra khỏi địa giới thiền viện và không la cà vào thôn xóm, sau nhiều thế kỷ Phật nhập diệt, tu sĩ không chung sống trong Tăng đoàn thì cũng ẩn cư nơi non cao núi thẳm, tất cả vì mục đích nhắm tới là giải thoát hiện tiền, thoát luân hồi sanh tử.

Chính vì thế mà luật giới chế ra để giúp tự thân hành giả thoát mọi nhiễm ô phiền trược, không bị phóng tâm dính mắc.

Xã hội ngày nay, một số bậc chân đức quyết tâm không trở lại tam giới sau khi xả bỏ thân nầy, các ngài ẩn cư, cắt đứt mọi giao tiếp thế tục không cần thiết.

Tuy nhiên, đại bộ phận còn ở phố thị, nhiệm vụ hoằng pháp quan trọng hơn lo chính bản thân mình, nên tự nguyện hòa nhập vào cuộc sống dưới nhiều hình thức, và dưới nhiều hình thức, dụng thế gian pháp để đưa con người đến với Phật pháp, trong đó có âm nhạc.

Cái quan trọng là dụng thế gian pháp như thế nào để khỏi bị phản tác dụng như chủ đề quảng cáo trên đây.

 

Chùa Hoằng Pháp cũng dùng âm nhạc để truyền bá rất thành công, bởi vì suốt bốn tập “Diệu âm hoằng pháp” của chùa không hề có bóng dáng tu sĩ xuất hiện trên sàn diễn.

Nhạc lễ như Tây Tạng sử dụng để nâng tầng sóng tâm thức lên một đẳng cấp tâm linh trong buổi cầu nguyện, và nhạc lễ PGVN cũng từng xuất hiện trong các lễ thường nhật mà PG Huế là chiếc nôi đặc trưng.

Dùng ca sĩ thế tục truyền đạt nội dung vẫn hiệu quả hơn một ca sĩ xuất tục mà chiếc áo thầy tu chưa quen mắt với quần chúng ở những nơi trần tục. Không  thiếu những ca sĩ bỏ nghề để chọn con đường tâm linh, thì ngược lại một Tăng sĩ đam mê bỏ quên tâm linh để bước vào nghề ca xướng!

Một số đạo tràng, để giúp vui và khích lệ trong thời gian tu tập cho quần chúng, một vài thầy cô cũng trình bày những nhạc đạo mà không ai phản bác, nghĩa là  âm nhạc xuất hiện trong môi trường thích hợp với chiếc áo thì có tác dụng nhất định, ngược lại sẽ bị phản tác dụng nếu ở một  diễn trường công cộng gồm nhiều thành phần tin ngưỡng, trình độ khác nhau, mà nhất là diễn trường đó thường xuyên diễn xuất văn nghệ  mang tính trần tục.

Đây là lý do thầy Pháp Như bị ném đá và chương trình bị chỉ trích. Nhạc Trịnh Công Sơn cũng từng được ca ngợi trên văn đàn học thuật nhà chùa, ngay cả Đạo tràng Mai Thôn, Thiền sư Nhất Hạnh cũng từng phân tách tinh thần Phật giáo trong nhạc Trịnh, thế thì quần chúng phản đối không phải vì âm nhạc mà vì một Tăng sĩ trình diễn âm nhạc nơi không thích hợp với chiếc áo và cái đầu.

Âm Nhạc chỉ là một trong nhiều bộ môn nghệ thuật, như võ thuật, Thư pháp, hội họa, trà đạo…Thế gian pháp tức Phật pháp có nghĩa biết chuyển hóa những pháp thế gian theo chiều hướng tâm linh chứ không phải tâm hồn chạy theo thế gian pháp tỏ ra xuất chúng như một chuyên nghiệp.

Các Tăng sĩ trẻ gần đây thể hiện tài năng và sở thích một cách cuồng nhiệt mà quên cả luật giới, hình ảnh và vị thế của mình trong xã hội. Mong rằng nghệ thuật nâng cao tâm thức tu sĩ, nhưng tu sĩ không nên thể hiện nghệ thuật những nơi nhạy cảm để giảm uy tín Phật giáo.

Các Tăng sĩ trẻ cần cảnh giác như một bài học của thầy Pháp Như trên đây.

                                                           
 MINH MẪN
                                                                23/02/13