Chánh niệm là phương thuốc chữa bệnh tốt nhất

Chánh niệm là phương thuốc tốt nhất mà tôi có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày của tôi để chăm sóc bản thân mình, và đó cũng là phương thuốc tốt nhất tôi dùng để chữa trị cho mọi người.


Sau mười ba năm xuất gia, Sư Cô Đặng Nghiêm nhìn lại sự nghiệp của mình trong ngành y và nhận ra rằng việc tu học trong tự viện và ngành y thực sự không khác gì nhau.

Tôi đã tốt nghiệp trường y và có gia đình, rồi tôi gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng với cộng đồng tu viện của Ngài. Chẳng bao lâu sau đó, bạn đời của tôi đột ngột qua đời trong một tai nạn. Cái chết của anh ấy đã giúp tôi quyết tâm sống cuộc đời thiền định của một Phật tử. Tôi rời bỏ ngành y sau bảy năm đào tạo và trở thành một sư cô.

Cho đến nay, tôi đã sống đời tu sĩ được mười ba năm và tôi nhận thấy rằng bạn không cần phải lìa bỏ nghề nghiệp của mình để sống một cuộc đời chánh niệm. Cho dù là ngành y hay bất cứ một công việc nào khác, bạn luôn có thể sống chánh niệm trong từng hơi thở và trong chính thân này. Bạn có thể kết hợp thân và tâm làm một thay vì để chúng tách rời nhau. Khi bạn đứng lên, bạn biết rằng bạn đang đứng lên. Khi bạn duỗi người ra, bạn có thể theo dõi hơi thở và chuyển động của chính mình. Với sự chánh niệm và nhận thức được chính thân tâm của mình, bạn có thể lắng lòng để nghe một cách sâu sắc và bạn ý thức hơn về những gì đang xảy ra xung quanh. Sau đó, hãy mang nhận thức đó vào cuộc sống hàng ngày và công việc của bạn.

Hãy tưởng tượng rằng bạn là một bác sĩ và bạn đang lắng nghe một bệnh nhân. Nếu khi đang lắng nghe mà bạn lại suy nghĩ về các bệnh nhân khác trong phòng, và bạn hỏi bệnh nhân cùng một câu hỏi nhiều lần, điều này sẽ chỉ làm tăng thêm bệnh tật và nỗi sợ hãi của họ. Các bệnh nhân đã cảm thấy bị tổn thương vì phải nằm viện. Bây giờ họ cảm thấy rằng bạn không thực sự có mặt ở đó vì họ. Nếu bạn đang khám bệnh cho một người nhưng không để tâm vào đó mà tâm trí lại suy nghĩ về những bệnh nhân khác, bạn đang lãng phí thời gian của chính mình và của các bệnh nhân.

Giây phút hiện tại chính là giây phút duy nhất chúng ta có

Đó là thời điểm duy nhất mà chúng ta có thể tạo sự khác biệt cho chính mình và cho những người khác. Cho dù chúng ta đang làm gì và với bất kỳ ai - cho dù là với chính mình, bệnh nhân, khách hàng, bạn bè, hay người lạ - nếu chúng ta thật sự đặt tâm trí mình vào từng hơi thở và cơ thể của chúng ta, chúng ta có thể sống trong thời điểm này một cách sâu sắc và thu được nhiều lợi ích.

Khi còn là một sinh viên y khoa, tôi đã khám cho một bệnh nhân bị ung thư túi mật giai đoạn cuối. Người ta mới chẩn đoán căn bệnh này ba tháng trước nhưng căn bệnh đã hoàn toàn bộc phát. Người bệnh nhân ở độ tuổi sáu mươi đã trở nên trầm cảm và không ăn uống gì. Ông ta trở nên thô lỗ và khắc nghiệt đối với các y tá và bác sĩ.

Ban đầu, ông cũng không thân thiện với tôi, nhưng dần dần ông đã mở lòng ra. Sau đó ông được hỏi ý kiến xem có đồng ý giải phẫu để chữa dứt căn bệnh ung thư một cách an toàn hay không. Ông cảm thấy rất miễn cưỡng và lo lắng. Tôi nói với ông rằng tôi hoàn hoàn ủng hộ ông đối với bất cứ quyết định nào mà ông đưa ra. Ông đã quyết định phẫu thuật nhưng thật không may, khi vừa mới bắt đầu, các bác sĩ nhận thấy rằng ung thư đã di căn đến các cơ quan lân cận và họ ngay lập tức đóng lại vết mổ và ngưng cuộc phẫu thuật.

Đêm đó tôi nhận được cuộc gọi và đã đến thăm ông vào lúc hai giờ sáng. Phòng có hai bệnh nhân và người bệnh nhân kia đã ngủ. Nguồn sáng duy nhất trong phòng là từ hành lang hắt vào. Tôi ngồi lặng lẽ bên cạnh giường của ông. Ông nói với tôi, "Bạn biết đấy, các bác sĩ, tôi không còn hy vọng ở họ nữa. Tuy nhiên, thật kỳ lạ là giờ này đây tôi cảm thấy bình an hơn bao giờ hết".

Tôi chỉ ngồi với ông. Trước khi phẫu thuật, tôi đã kể cho ông nghe về cái chết của bà tôi ở Việt Nam. Bà biết bà sẽ chết và cảm thấy rất bình an. Bà gọi tất cả các con của mình tụ tập xung quanh bà và nhắc họ đừng để cho tôi và em trai của tôi biết việc bà qua đời, bởi vì chúng tôi ở Mỹ và bà không muốn việc học của chúng tôi bị ảnh hưởng.

Bà tôi vẫn tỉnh táo và bình yên trong những giờ cuối cùng của cuộc đời mình. Khi tôi biết được thông tin sáu tháng sau khi bà mất, tôi đã thay đổi cách suy nghĩ về cái chết. Khi chúng ta sống tốt và ra đi thật yên bình, đó chính là một món quà cho chính chúng ta, và cũng là một món quà cho những người chứng kiến cuộc sống và sự ra đi của chúng ta. Món quà của sự vô úy thật sự là món quà lớn nhất mà chúng ta có thể dành tặng cho những người thân yêu.

Tôi nói với bệnh nhân của mình "bà của tôi ra đi trong bình an và thanh thản. Ông cũng có thể chọn cách ra đi an nhiên như thế. Ông hãy nhớ lại tất cả những hồng ân mà ông đã nhận được trong suốt cuộc đời của mình và cảm tạ về những điều đó. Ông có thể ra đi, nhận biết được thời gian của cái chết trong sự an nhiên."

Khi bệnh nhân của tôi được chuyển về nhà, ông ta được tiêm morphine để giảm đau. Ông đã trở nên hoảng hốt và bạo lực. Vợ ông cảm thấy rất sợ hãi và đau buồn. Tuy nhiên, trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, ông đã trở nên sáng suốt, minh mẫn. Bà vợ gọi cho tôi vào ngày hôm sau và nói rằng, "Anh ấy ra đi thật yên lành và thanh bình. Mặc dù không thể nói chuyện với tôi, anh ấy biết tôi đang ở bên cạnh, và điều đó làm tôi rất hạnh phúc! "Ít nhất hai lần cô ấy nói với tôi rằng cô ấy đang hạnh phúc.

Trong khi tu học với tư cách là một sư cô, tôi không cảm thấy rằng tôi đã rời bỏ ngành y. Thật ra, chánh niệm là phương thuốc tốt nhất mà tôi có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày của tôi để chăm sóc bản thân mình, và đó cũng là phương thuốc tốt nhất tôi dùng để chữa trị cho mọi người. Tôi không hối tiếc vì đã dành hai mươi bốn năm ở trường rồi sau đó trở thành một sư cô. Không có gì phải hối tiếc khi bạn tận tâm làm việc hết sức. Nếu bạn dồn tâm huyết để làm một việc gì đó, rồi thì cơ duyên khiến bạn chuyển sang một giai đoạn mới, làm một công việc mới, không có gì phải hối tiếc cả. Mỗi khoảnh khắc là một cơ hội để sống và khám phá bản thân.

Bài viết: "Chánh niệm là phương thuốc chữa bệnh tốt nhất"
Sư cô Đặng Nghiêm – Lion’s Roar