Giá trị thực tiễn của Tứ Diệu Đế đối với mỗi cá nhân

Tứ Diệu Đế không chỉ có giá trị, ý nghĩa thiết thực đối với xã hội, đối với gia đình mà nó còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với từng cá nhân một trong việc diệt trừ cảm thụ, tâm lý xấu, để đạt được những tâm lý tốt, sống một cuộc sống an lạc ngay giữa cõi đời này.


Mỗi cá nhân là một thành viên của một gia đình và cũng là một thành viên của xã hội. Cho nên một cá nhân tốt là một gia đình tốt, một xã hội tốt. Một cá nhân tốt là cá nhân sống xa lìa tâm lý xấu luôn phát huy tâm lý tốt, áp dụng những tâm lý tốt vào cuộc đời. Còn những tâm lý xấu thì phải loại bỏ. Những gì là tâm lý xấu? Đó là  những tham ái, giận hờn, si mê – gọi là “Tam Độc”. Nhưng phải làm thế nào, bằng cách nào để loại bỏ những tâm lý xấu ấy? Cho nên là một người con Phật dù là xuất gia hay tại gia, cần phải biết rằng phương pháp hữu hiệu ở đây chính là sử dụng pháp môn Tứ Diệu Đế.

Một người bỗng nhiên tức giận, đấy là biểu hiện của Khổ Đế. Muốn đi ra khỏi cơn sân giận thì người ấy phải bình tĩnh tìm hiểu xem nguyên nhân, lý do nào mà mình nổi sân. Ví như khi ta nghe phải những điều nói không hay về mình, sở dĩ sân hận là do chấp vào âm thanh, gọi là lời nói không hay kia, chấp rằng mình có tự ngã và tự ngã này bị gây tổn thương bởi lời nói ấy. Đây là Tập Đế.

Khi đã thấy rõ Tập Đế và có quyết định loại bỏ sân hận kia thì ta chỉ cần thay đổi cách nghĩ của mình, nhìn các âm thanh kia chỉ là hơi gió thoảng, hay nó chỉ là những từ vô nghĩa sao mình lại tự cho đó là những lời không hay về mình. Quan sát như vậy thì tự nhiên chấp nhặt ấy của ta biến mất và cơn sân giận ấy liền tiêu tan. Đây là ý nghĩa của Diệt Đế, và cách lập luận để đi đến dập tắt cơn sân giận ấy chính là Đạo Đế.

Đối với các tâm lý xấu khác cũng tương tự như vậy. Khi đối diện với những hiện tượng khổ đau trong đời sống thường nhật như sinh, già, bệnh, chết, yêu thương mà phải xa lìa, thù ghét lại phải gặp gỡ, sầu bi, thất vọng…Thì mỗi cá nhân chúng ta sẽ không còn sợ hãi và bi ai, mà trái ngược lại sẽ biết bình tâm dùng chính kiến tìm ra nguyên nhân, có phương pháp tu tập để dứt trừ khổ đau bước tới bến bờ an vui.

Tứ Diệu Đế không chỉ có giá trị,  ý nghĩa thiết thực đối với xã hội, đối với gia đình mà nó còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với từng cá nhân một trong việc diệt trừ cảm thụ, tâm lý xấu, để đạt được những tâm lý tốt, sống một cuộc sống an lạc ngay giữa cõi đời này.

Bài viết: "Giá trị thực tiễn của Tứ Diệu Đế đối với mỗi cá nhân"
Minh Chính/ Vườn hoa Phật giáo