Giới thứ 5, thách thức giữ gìn

"Không phải chỉ cần gọi nước lã là rượu thì nước lã tức khắc thành rượu ngay. Bạn biết rõ điều đó. Vậy mà khi muốn uống rượu, bạn bảo rượu là nước lã và uống tự nhiên; như vậy có phải là điên khùng không?" Thiền sư Ajahn Chah


Câu hỏi "Vì sao phải giữ gìn giới thứ 5?" đã được ĐĐ.Thích Nhật Từ (Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM) chia sẻ:

Giới thứ 5 đề cập đến việc không sử dụng các độc tố như rượu, bia, ma túy và các chất gây nghiện, làm con người mất kiểm soát về hành vi. Bởi khi phạm giới này thì con người sẽ đánh mất những giá trị về đạo đức, xã hội và tâm linh nên Phật dạy con người giữ giới ấy trên cơ sở hiểu rõ lợi ích mà nó mang lại.

Cụ thể, về mặt đạo đức: việc giữ giới giúp cho con người có cam kết giữ gìn sức khỏe bản thân, từ đó có cam kết chăm lo sức khỏe gia đình. Về mặt xã hội thì những người giữ giới này sẽ tránh được nguy cơ tạo ra các tội lỗi như giết người, cướp của, hiếm dâm, ngoại tình… Phật chỉ rõ rằng rượu có tác dụng gián tiếp, làm chất xúc tác để phát khởi những tâm ý và hành vi tạo tội như đã nói.

Còn về mặt tâm linh: đạo đức chính là yếu tố đầu tiên đưa đến sự phát triển các giá trị tâm linh. Bởi xét về logic của việc sử dụng rượu và các chất ma túy thì nó đồng hành với si, và si thì đồng hành với tham và sân. Tam độc ấy có mặt nơi con người sẽ che mờ ánh sáng của trí tuệ, từ bi - những giá trị tâm linh cao quý!

Đạo Phật khuyên để có được giá trị tâm linh thì con người cần thấy được ba giá trị đó, lấy cơ sở lợi ích của đạo đức, xã hội và tâm linh mà kiên quyết từ bỏ…

-Thưa thầy, việc nghiện rượu hoặc các chất ma túy có khi nào là một cái nghiệp của quá khứ?

Giới thứ 5 không phải là tánh tội mà chủ yếu là do thói quen, sống trong môi trường nhậu nhẹt, ma túy nên người ta bị nhiễm. Do đó, không nên vin vào lý luận "nghiệp của tôi là uống rượu, dùng ma túy" mà ngụy biện cho hành vi của mình!

- Giới thứ 5 quan trọng như thế nào trong năm giới của người Phật tử ạ?Không phải vô tình mà Đức Phật đặt giới không uống rượu say, không sử dụng các chất gây ra mất bình tĩnh, không kiểm soát được hành vi… ở vị trí thứ 5. Như đã nói, nó là thói quen, không phải là tánh tội, song, nếu phạm giới ấy thì nguy cơ đánh mất bốn giới kia (thuộc về tánh tội) rất dễ dàng. Ví dụ có người đã có sẵn hạt giống sân, tà dâm, tham lam… thì khi có một chút chất gây kích thích thì họ sẽ dễ nổi sân, dễ làm hành vi tà dâm, ăn cắp hoặc trộm cướp hơn!

- Có phải nhậu nhẹt, nghiện ngập do thói quen nên nhiều người xem thường, đôi khi Phật tử cũng "lai rai"?Có lẽ họ không thấy hết giá trị của việc giữ giới thứ 5 hoặc thấy nhưng lại để cho những kích động từ bên ngoài làm cho họ không giữ nổi bản thân. Ví dụ có người khích rằng: "không uống rượu thì giống… đàn bà" thì cái tôi muốn chứng tỏ mình là đàn ông nổi lên làm cho họ quên mất việc giữ giới. Do vậy, khó hay dễ trong việc giữ giới chính là do mỗi người có ý thức đến đâu về giá trị của giới, có quyết tâm và môi trường tốt hay không!

- Vâng, thầy có nhắc đến môi trường để giữ giới, thế thì ở Việt Nam, thầy thấy môi trường cho việc giữ giới thứ 5 có tốt không ạ? Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn kể về xã hội Ấn Độ. Người ta có những đạo luật rất khắt khe trong việc kinh doanh và sử dụng rượu cũng như ma túy. Ví dụ như họ quy định giờ bán rượu, địa điểm uống rượu (không được ở những nơi công cộng)…

Đồng thời, quan niệm về giá trị con người được người ta mặc định là không sử dụng các chất gây nghiện và mất tự chủ. Chính quan niệm ấy ăn sâu vào từng người dân Ấn Độ nên người ta tự khắc biết giữ gìn.

Còn chúng ta, do quan niệm có khác, như "nam vô tửu như kỳ vô phong" (đàn ông mà không có rượu thì như cờ không có gió, xẹp lép) chẳng hạn nên người ta sử dụng rượu bia như một cách chứng tỏ bản lĩnh. Thêm vào đó, một số người vì nghĩ rằng từ bàn nhậu có thể bàn chuyện làm ăn, ký những hợp đồng béo bở… nên họ nhậu như một phương tiện để làm ăn và hình thành một thói quen xấu, ảnh hưởng đến đến giá trị bản thân cũng như hạnh phúc gia đình.

Trở lại Việt Nam, tôi thấy nhà chức trách cho phép quán nhậu và các cơ sở sản xuất rượu bia ra đời quá nhiều, thậm chí còn quảng cáo bia rượu tràn lan. Và chính trong môi trường như vậy người trẻ cứ tiếp thu và xem nhậu nhẹt như là chuyện bình thường. Tôi nghĩ Chính phủ cũng nên tính toán lại giá trị thu được từ lợi nhuận sản xuất bia rượu và ngân sách phải chi cho y tế cũng như giải quyết các bất ổn xã hội do bia rượu gây ra để có một quyết sách đúng đắn, hạn chế bia rượu, giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam có cơ hội trau dồi trí tuệ, tài năng, đạo đức…
 
CHÚC THIỆU thực hiện