Sự chứng ngộ của Đức Phật

Không có pháp nào làm chướng ngại đức Phật, không có pháp nào mà Đức Phật không thấy rõ, biết rõ, vì vậy đệ tử thường gọi ngài là Đấng Pháp Vương. Tất cả những năng lực của Đức Phật đều xuất sinh từ Tuệ giác của Ngài, nghĩa là từ nội dung chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác dưới cội Bồ đề.


Tất cả những năng lực của Đức Phật đều xuất sinh từ Tuệ giác của Ngài, nghĩa là từ nội dung chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác dưới cội Bồ đề. Có lần một Du sĩ ngoại đạo tên là Vacchagotta hỏi Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn, con nghe người ta nói rằng Sa-môn Gotama là bậc nhất thiết trí, là bậc nhất thiết kiến, ngài tự cho là mình có tri kiến hoàn toàn, khi đi, khi đứng, khi ngủ, khi thức tri kiến luôn luôn tồn tại và liên tục.

Bạch Thế Tôn, những điều mà người ta nói như vậy có đúng với sự thực không, họ có vu khống Đức Thế Tôn không? Đức Phật đáp rằng, họ nói như vậy là không đúng với điều ngài đã nói, là vu khống ta. Như vậy Đức Phật phủ nhận ngài có một loại Trí tuệ lúc nào cũng hiện diện và thấy biết cùng khắp, trong lúc thức cũng như trong lúc ngủ. Vacchagotta hỏi: vậy phải nói như thế nào mới đúng? Đức Phật dạy rằng nếu muốn nói đúng thì phải nói Sa-môn Gotama là bậc có Ba minh.

Khi nào ta muốn, ta sẽ nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời…cho đến nhiều đời sống qúa khứ cùng với các nét đại cương và chi tiết. Nầy Vacchagotta, nếu ta muốn thì với Thiên nhãn thuần tịnh, ta thấy được sự sống chết của chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẻ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh…đều do hành nghiệp của họ. Này Vacchagotta, với sự đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thượng trí giác ngộ, ta an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Nói như vậy là nói đúng về ta. (Kinh Ba minh Vacchagotta).

Như vậy Tam Minh: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh là nội dung chứng ngộ của Phật. Đặc biệt chỉ có Phật mới có một cách đầy đủ Ba minh, mặc dù trên lộ trình tu tập Ba minh luôn được coi là những thành quả sau cùng của một hành giả đắc đạo. Đây có thể là một trong những điều khác biệt giữa Đức Phật và đệ tử. Tiến trình giác ngộ bắt đầu từ:

"Ly dục ly bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Diệt tầm và tứ chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tĩnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba. Xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh."

Đức Phật và các Thánh đệ tử đều đi qua Tứ thiền, trên cơ sở thiền thứ tư, tâm định tĩnh và nhu nhuyến, dễ xử dụng, hành giả có thể hướng tâm đến các đối tượng Sáu Thần thông hay Ba minh, chứng ngộ tối hậu. Đây là lộ trình thứ nhất. Lộ trình nầy được khuyến khích và trở nên rất phổ biến. Phần lớn các thầy đều theo hướng nầy. Lộ trình thứ hai là từ thiền thứ tư, đi qua Không vô biên xứ, là vượt qua sắc tưởng, chướng ngại tưởng. Hướng tâm đến hư không là vô biên chứng và trú Không vô biên xứ. Vượt qua tiếp tục chứng và trú thức vô biên xứ. Vượt qua thức vô biên chứng và trú Vô sở hữu xứ. Vượt qua vô sở hữu xứ chứng và trú Phi tưởng Phi Phi tưởng xứ. Vượt qua Phi tưởng Phi Phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt Thọ Tưởng Định. Từ định nầy chứng đắc Ba minh. Lộ trình nầy Đức Phật cũng đã đi qua. (Kinh Phân Biệt Sáu Xứ, Kinh Ví Dụ Con Chim Cáy).

Trong kinh tạng Nguyên thủy không thấy ghi chép vị thánh đệ⠴ử nào tự tuyên bố là mình đã chứng được Ba minh. Thường thì các ngài được giới thiệu đã chứng A-la-hán, chứng Diệt Thọ Tưởng định, và đoạn trừ các lậu hoặc (tương đương với Lậu tận minh). Trong kinh Sáu Thanh Tịnh (Trung Bộ Kinh) Đức Phật dạy về tiến trình tu tập của một vị Tỳ kheo khi chứng được thiền thứ tư xong thì: "Với tâm định tĩnh, thuần tịnh không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến dễ xử dụng, vững chắc bình thản như vậy, tôi dẫn tâm, hướng tâm đến Lậu tận trí. Tôi biết như thật: Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là khổ diệt, đây là con đường đưa đến khổ diệt. Biết như thật: Đây là những lậu hoặc, đây là Nguyên nhân của lậu hoặc, đây là lậu hoặc được diệt trừ, đây là con đường đưa đến các lậu hoặc được diệt trừ."

Như vậy điều cần thiết cho các đệ tử là phải thoát khỏi "dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu" để đạt được "sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm; không còn trở lui trạng thái nầy nữa." Từ đó chúng ta có thể thấy rỏ rằng khả năng Thần thông của các đệ tử đều có giới hạn, và vấn đề tu chứng không gắn liền với khả năng thần thông, vì vậy chúng ta không ngạc nhiên khi thấy ngài Mục-kiền-liên được cho là đệ tử Thần thông số một trong các Thánh đệ tử. Đức Phật không khuyến khích các đệ tử đi vào các thần thông như Thần túc, Thiên nhãn, Tha tâm, Túc mạng, và Thiên nhãn; ngài chú trọng và khích lệ các đệ tử hướng tâm vào Lậu tận Minh để thành tựu mục đích tối hậu, giải thoát sinh tử. Các khả năng thần thông không giúp ích gì cho một người chưa đoạn trừ các ô nhiễm của tâm thức.

Quá trình chứng đạo của Phật là một chuổi đột phá, vượt qua mọi thử thách bằng thực nghiệm. Tất cả các pháp có tính giao động đều vượt qua, thành tựu an trú các bất động pháp. Đặc biệt trong các trạng thái của Tứ thiền đều phát sinh một cảm giác hạnh phúc (lạc thọ), ngay cả trong Ba minh cũng có cảm giác hạnh phúc, nhưng những cảm giác ấy tồn tại mà không chi phối tâm ngài (Kinh Saccaka).

Đối với các Thần thông ngài đã tuần tự chứng đắc Thần túc thông, Thiên nhỉ thông, Tha tâm thông trước khi ngài thành Phật. Trong đêm thành đạo ngài mới chứng tiếp 3 Thần thông sau cùng theo thứ tự Túc mạng thông, Thiên nhãn thông và Lậu tận thông. Phật dạy: "Khi ta chưa chứng Chánh Đẳng Giác ta đã nổ lực tu tập 5 pháp: Ta đã tu tập Thần túc với Dục định tinh cần hành, Tinh tấn định tinh cần hành, Tâm định tinh cần hành, Tư duy định tinh cần hành và Tăng thượng tinh tấn, tùy theo ta hướng tâm đến pháp nào, ta có thể chứng đạt pháp ấy" (Tăng Chi II). Không có pháp nào làm chướng ngại đức Phật, không có pháp nào mà Đức Phật không thấy rõ, biết rõ, vì vậy đệ tử thường gọi ngài là Đấng Pháp Vương.

Bài viết: "Sự chứng ngộ của Đức Phật"
Thích Viên Giác/ Vườn hoa Phật giáo