Không gì là chắc thật

Quán chiếu ngũ uẩn giai không được xem là pháp tu cốt tủy của đạo Phật. Bất cứ truyền thống hay pháp môn nào, nhân danh Chánh pháp của Thế Tôn đều gặp nhau ở tuệ giác vô thượng này.


Lộ trình thì có thể khởi đầu theo thứ bậc giới-định-tuệ, có thể song hành định-tuệ, có thể thuần quán (vipassana) và kết thúc nơi tuệ giác vạn pháp đều không-vô thường-vô ngã.

“Một thời, Phật ở trú xứ A-tỳ-đà, bên bờ sông Hằng. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Giống như nước lớn sông Hằng cuộn lên, bọt nước theo dòng chảy mà tụ lại. Nếu như người nào có mắt sáng quán sát, phân biệt thật kỹ, thì lúc quán sát, phân biệt thật kỹ đó, sẽ thấy rằng không có gì cả, không gì là bền chắc, không gì là chắc thật, không gì là kiên cố. Vì sao? Vì trong nhóm bọt nước nổi kia không có gì là chắc thật. Cũng vậy, những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, Tỳ-kheo, hãy quán sát, tư duy, phân biệt thật kỹ, không gì là có, không gì là bền chắc, không gì là chắc thật, không gì là kiên cố; chúng như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại; là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì sắc vốn không chắc thật.

Này các Tỳ-kheo, giống như trời mưa lớn, bong bóng nước chợt hiện chợt mất… Cũng vậy, những gì thuộc về thọ,… không gì là chắc thật, không gì là kiên cố; chúng như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại; là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì thọ vốn không chắc thật.

Này các Tỳ-kheo, giống như cuối xuân, đầu hạ, không mây, không mưa, giữa trưa trời nắng gắt, sóng nắng chập chờn, … Cũng vậy, những gì thuộc về tưởng, … không gì là chắc thật, không gì là kiên cố; chúng như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại; là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì tưởng vốn không chắc thật.

Này các Tỳ-kheo, giống như người mắt sáng muốn tìm gỗ cứng chắc, nên cầm búa bén đi vào rừng núi. Thấy một cây chuối lớn,… Cũng vậy, những gì thuộc về hành,… không gì là chắc thật, không gì là kiên cố; chúng như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại; là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì hành vốn không chắc thật.

Này các Tỳ-kheo, giống như nhà ảo thuật,… Như vậy, này các Tỳ-kheo, những gì thuộc về thức,không gì là chắc thật, không gì là kiên cố; chúng như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại; là vô thường, khổ, không, phi ngã. Vì sao? Vì thức vốn không chắc thật.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.


(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 265 [lược])

Ảnh dụ mà Thế Tôn thường dùng để cho chúng ta dễ liên tưởng đến ngũ uẩn giai không, bao gồm đống bọt nước nổi lên dọc dòng sông, những bong bóng nước trong các cơn mưa lớn, sóng nắng chập chờn lúc nắng gắt, như cây chuối chỉ toàn bẹ mà không có lõi, như nhà ảo thuật hóa hiện các vật.

Kỳ thực những thứ ấy là có, chẳng phải không nhưng mà giả có, huyễn có, không thật có. Điều Thế Tôn muốn trao truyền là chúng ta phải bình tâm nhìn cho kỹ để thấy ra sự thật: Thân tâm năm uẩn này không gì là chắc thật, là hư huyễn, là vô thường, khổ, không, vô ngã.

Minh sát là sống thường trực với tuệ giác vô thường, vô ngã này. Thấy rõ không gì là chắc thật thì mới có thể xả buông, ly tham, đoạn ái, thành tựu giải thoát Niết-bàn.
 
Quảng Tánh/ Nguồn: Giacngo.vn