Lễ Vu Lan ở Việt Nam và một số nước trên thế giới

Mỗi dịp Vu Lan về, mỗi người con đều tĩnh tại, bởi lẽ Phật tính trong những tấm lòng hiếu hạnh một lần nữa được trỗi dậy và hâm nóng. Vì thế trong mùa hiếu hạnh này mỗi người được nhắc nhở tìm về nguồn cội thể hiện lòng biết ơn, hiếu đạo đối với cha mẹ, ông bà còn trên cõi đời này.


Lễ Vu Lan của Nhà Phật là một nét đẹp, ngày lễ làm cho mỗi người tự cảnh tỉnh với chính bản thân mình để mà rèn luyện đạo đức, lối sống, là ngày để phận làm con nhớ về công ơn sinh thành, dưỡng dục, của Tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đặc biệt với những người con còn cha mẹ trên cõi đời, đây được xem là dịp thể hiện tình cảm, thể hiện lòng biết ơn đối với cha mẹ đương hiện tiền.

Lễ Vu Lan - thời điểm quan trọng trong năm, là dịp đặc biệt để con cái báo hiếu, khắc nhớ lòng biết ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và tổ tiên với nhiều hoạt động khác nhau. Phổ biến nhất là đến chùa tụng kinh, niệm phật để nguyện cầu cho những người thân đã khuất cả tất thảy chúng sinh được yên nghỉ và mong ơn Tam Bảo gia trì cho những người thân quen đang sống có sức khỏe và hạnh phúc.

Không chỉ lên chùa, vào dịp này, mỗi gia đình đều chuẩn bị một mâm cơm để dâng lên bàn thờ Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người thân trong gia đình đã khuất và cúng phóng sinh cho các linh hồn để báo hiếu, thể hiện tấm lòng hiếu lễ đối với công ơn dưỡng dục, sinh thành.


 
Ăn chay cũng là một hoạt động mang ý nghĩa hết sức thiết thực trong dịp Lễ Vu Lan. Ăn chay thanh đạm với ước nguyện tất cả ông bà, cha mẹ, những người đương sống đều được an lạc, bình an và may mắn.

Ngày này, Phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để vun trồng vườn phúc đức, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc, tăng thọ, giải trừ nghiệp chướng, cuộc sống được bình an, thân tâm được an lạc.

Với những người còn cha mẹ, đây là dịp để những người con dành tặng những lời chúc, những món quà ý nghĩa cho bố mẹ mình, mong cho bố mẹ mạnh khỏe an vui.

Ở Việt Nam, Lễ Vu Lan có nghi lễ cài hoa hồng lên ngực áo, đây một nghi lễ ý nghĩa trong ngày lễ này. Ai vẫn còn cha mẹ thì cài hoa hồng đỏ, ai đã mất mẹ cài hoa hồng trắng.


 
Đây là một nghi lễ do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng sau một lần sang Nhật Bản, Thiền sư rất lạ khi thấy người Nhật thành kính gài tặng một bông hoa trắng lên ngực áo. Sau khi tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này, Thiền sư đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan và viết ấn phẩm "Bông Hồng Cài Áo" vào năm 1962.


Ở Nhật Bản, Lễ Vu Lan báo hiếu diễn ra vào tháng 8 dương lịch hằng năm. Đây là ngày để người dân Nhật Bản nhớ về những người thân đã qua đời. Ngày lễ này dần phát triển thành ngày đoàn tụ gia đình, thăm viếng, dọn dẹp phần mộ của tổ tiên.

Tại Trung Quốc, Lễ Vu Lan được tổ chức từ ngày 15/7 đến 30/7 âm lịch hằng năm. Vào ngày này, người dân Trung Quốc cũng đi thăm phần mộ của người thân, sửa sang, quét dọn lại, đốt giấy tiền, vàng mã cho người đã khuất, với hy vọng việc làm này sẽ giúp người đã khuất đỡ vất vả, thậm chí phù hộ cho người còn sống sức khở, ăn nên làm ra, có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc.

Người Hàn Quốc cũng lấy ngày 15/7 âm lịch làm ngày Hội Vu Lan Bồn và cũng có nghi lễ cài hoa lên ngực áo giống như Việt Nam, nhưng họ loài hoa được chọn để cài lên ngực trong ngày lễ này lại là hoa Cẩm chướng.

Bài viết: "Lễ Vu Lan ở Việt Nam và một số nước trên thế giới"
Minh Chính/ Vườn hoa Phật giáo