Ai là người đẹp nhất?

Để trở thành người đẹp như vậy thì phải làm như thế nào? Đó là Kinh Pháp Cú 165 Quy Y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới (hay còn gọi là năm nguyên tắc đạo đức), siêng học tập Giáo pháp, và ứng dụng vào đời sống hằng ngày, nhằm chuyển hóa, giảm bớt và đoạn trừ các thói hư, tật xấu của mình. Được như vậy là đã đi đúng con đường.


Trong cuộc sống hằng ngày, hầu hết mỗi người chúng ta ai cũng phải tiếp xúc với rất nhiều người và rất nhiều công việc. Từ sự tiếp xúc ấy, trên cùng một đối tượng, một sự việc, hoặc một người quen… mà mỗi người sẽ có những cảm nhận, những cách nhìn, những quan điểm khác nhau: có người thấy vui, có người thấy buồn, có người thấy vậy là tốt, vậy là không tốt, người thích người không thích, người thấy xấu, người thấy đẹp… Vậy nếu là người con Phật chúng ta phải nên có cách nhìn như thế nào cho phù hợp, để hướng thiện cho bản thân mình và cho mọi người, ngõ hầu hướng đến một đời sống thánh thiện, an vui và hạnh phúc?
 
Về quan điểm cá nhân của mỗi người thì có rất nhiều, rất nhiều, không ai giống ai, có cả rừng quan điểm nữa là khác. Ông bà ta ngày xưa có câu: Chín người mười ý là vậy. Ví như khi được hỏi một câu như thế này thì bạn sẽ trả lời ra sao? Đối với bạn, ai là người đẹp nhất?  Có người trả lời là bạn gái, bạn trai, là anh chị em, là cha là mẹ…cũng là một câu hỏi nhưng cũng có rất nhiều câu trả lời và dĩ nhiên câu trả lời đó là đúng đối với mỗi người khác nhau. Vậy là người con Phật ta phải có cách nhìn như thế nào cho phù hợp?

Trong kinh Đức Phật có nói: Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành, Ngài đã dạy rất rõ ràng rằng tất cả chúng sanh đều có sẵn Phật tánh, đều có khả năng thành Phật. Nhưng vì do vô che phủ như đám mây đen che khuất mặt trời từ vô lượng kiếp đến nay nên mỗi người khó có thể tìm được, thấy  được cái Phật tánh này. Do vậy muốn thấy được nó đòi hỏi phải có sự học và tu đúng theo Giáo Pháp thì mới thành tựu được. Từ đó ta có thể nói rằng: mọi người đều có thể tự làm cho bản thân mình trở thành  đẹp nhất chứ không phải chỉ riêng những người xung quanh ta, hoặc riêng ai đó như cách nhìn thông thường.

Tại sao lại nói như vậy?  Và cái đẹp ở đây là gì? Đẹp ở đây không phải chỉ người có thân hình xinh đẹp, gương mặt khả ái… mà cái đẹp ở đây là cái đẹp tâm hồn, đẹp ở cái tâm có tu tập, biết chuyển hóa và làm giảm bớt tham, sân, si, phiền não, đẹp ở cái Phật tánh. Một người có sắc thân xinh đẹp, nhưng tính tình thì nóng nảy, ích kỷ, tham lam, khó tiếp xúc, khó gần gũi, ai thấy cũng sợ, cũng tránh né, không muốn tiếp xúc. Thì cái đẹp ấy không có giá trị mà chỉ làm tăng thêm kiêu căng, ngạo mạn mà thôi. Nó không mang lại lợi ích gì cả, hoặc chỉ là rất ít. Nó không giúp được gì cho việc tìm cầu an lạc trong cuộc sống cả và cũng không mang lại lợi ích, an lạc cho tha nhân. Nó giống như khúc gỗ bị hư mục được phết lên một lớp sơn đẹp mà thôi. Khi sử dụng thì sẽ dễ bị gãy, hoặc không thể chống đỡ được lâu, tự thân nó không có giá trị, và theo lẽ tự nhiên người như vậy có khả năng rơi vào ba đường ác rất cao.

Đây là do vô minh. Nhưng người có nét đẹp tâm hồn thì khác. Họ sống chan hòa với mọi người, thân, khẩu, ý của họ ít các thói hư, tật xấu (nếu không còn thì đã là bậc Thánh rồi) ai thấy cũng vui vẻ, hoan hỷ, do vậy bản thân  họ có được sự an lạc, và mọi người xung quanh cũng vậy. Trong Kinh Pháp Cú có câu:

Tự mình, điều ác làm
Tự mình làm nhiễm ô
Tự mình ác không làm
Tự mình làm thanh tịnh
Tịnh, không tịnh tự mình
Không ai thanh tịnh ai.


Nhưng để trở thành “người đẹp” như vậy thì phải làm như thế nào? Đó là Kinh Pháp Cú 165 Quy Y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới (hay còn gọi là năm nguyên tắc đạo đức), siêng học tập Giáo pháp, và ứng dụng vào đời sống hằng ngày, nhằm chuyển hóa, giảm bớt và đoạn trừ các thói hư, tật xấu của mình. Được như vậy là đã đi đúng con đường.

Như vậy dưới cách nhìn của đạo Phật một người đẹp thật sự là người có tâm hồn cao thượng, biết thừa nhận những lỗi lầm của mình và khắc phục chúng để cho bản thân được tốt hơn. Làm cho tâm linh được thăng hoa, hướng đến con đường chánh đạo. Như vậy, việc làm đẹp chính mình, không chỉ là cách sống, cách hành xử của chúng ta, mà đó còn là sự tu tập Giáo Pháp. Cụ thể là tứ chánh cần:

1/ Tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa phát sanh.

2/ Tinh tấn dứt trừ những điều ác đã phát sanh.

3/ Tinh tấn làm phát sanh những điều lành chưa phát sanh.

4/ Tinh tấn tiếp tục phát triển những điều lành đã phát sanh.

Bài viết: "Ai là người đẹp nhất?"
Tâm Hoạch/ Vườn hoa Phật giáo