An trụ là trạng thái quan trọng cần có khi thiền tập

An trụ là trạng thái quan trọng của thiền tập. Muốn đạt được những lợi ích của thiền, trước hết người thực tập cần phải có được trạng thái này.


An trụ là gì?

An trụ là khái niệm Phật học, chỉ trạng thái thân và tâm được yên trên nền tảng trụ vào, tập trung vào một đề mục thiền, hay bất cứ một đề mục nào đó trong Phật pháp. An trụ trong ngồi là ngồi yên; an trụ trong đi là đi không hối hả; an trụ trong tâm là tâm không vọng niệm, không có những nhận thức, thái độ tiêu cực.

Về phương diện không gian, an trụ dựa vào không gian tại đây – nơi chúng ta đang có mặt. Việc ý thức rõ ta đang có mặt tại đây, trong không gian này sẽ giúp tâm của chúng ta không “du lịch” ở nơi khác. Muốn ý thức được mình đang thực sự có mặt ở hiện tại, chúng ta nên khóa chặt những ý nghĩ, công việc không liên quan.

Khi về nhà, ta hãy khép lại những suy nghĩ về công việc; đến chùa, ta khóa chặt những suy nghĩ về gia đình, bạn bè, buôn bán; và khi thiền tập, ta nên khóa chặt những ý nghĩ về gia đình, công việc, bạn bè… Nếu không đóng chặt những vướng bận ngoài lề, tâm ta rất khó để an trụ. Thay vào đó, ta sẽ luôn nghĩ về cái này, tưởng cái kia, nhớ cái khác…

Ngoài ra, chúng ta không nên truy tìm quá khứ hay ước vọng tương lai. Hãy nhớ rằng, suy nghĩ về những chuyện đã qua chẳng khác gì ta tự “đào mồ” quá khứ, ta vô tình “hâm nóng” những nỗi khổ niềm đau. Khi nào ta biết đóng chặt quá khứ, thì khi đó khổ đau mới tạm kết thúc.

Muốn an trụ, đừng suy nghĩ, đau buồn về tương lai

Người không đặt kế hoạch cho tương lai không có nghĩa là người đó có lối sống thiển cận. Bởi tương lai là kết quả của hiện tại. Chuyện của tương lai, công việc của tương lai thành hay bại chính là kết quả của những việc mà ta làm ở hiện tại, ngay bây giờ và tại đây.

Chẳng hạn, thay vì lo lắng thi rớt trong kỳ thi sắp tới, tại sao ngay bây giờ ta không ôn luyện hết sức để tự tin bước vào kỳ thi? Việc khổ luyện của hiện tại có ảnh hưởng lớn đến kết quả của tương lai. Lo lắng nhưng không hành động, ta chẳng có được lợi ích gì. Ngược lại, hành động nhưng không lo lắng, ta vừa hạnh phúc, vừa đạt được kết quả cao.

Thực tập thiền là hướng tâm về hiện tại, không truy tìm quá khứ, chẳng ước vọng tương lai. Chúng ta cần tập trung vào sự tồn tại của mình ở hiện tại, ngay bây giờ và tại đây.

Thượng tọa Thích Nhật Từ