Đức Phật không từ đâu đến và cũng không đi về đâu

Giá trị của đức Phật không nằm ở 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Trong kinh Kim Cương, Phật dạy, Tìm ta qua hình sắc – Cầu ta qua âm thanh – Là kẻ hành tà đạo – Không thể thấy Như Lai. Phật không thể tìm thấy ở năm uẩn, ở những vẻ đẹp hay uy nghi. Phật còn dạy, Ai thấy Pháp người ấy thấy Phật, ai thấy Phật người ấy thấy Pháp.

Trong một lần, thượng tọa Anuruddha cư ngụ trong một am ở Mahàvana tại Vesàlì thì một nhóm du sĩ ngoại đạo đến gặp. Sau khi chào hỏi xã giao, họ bắt đầu chất vấn, Nghe nói sa môn Gotama là bậc giác ngộ đầy đủ, những lời dạy của người rất cao siêu và mầu nhiệm. Thầy là đệ tử của sa môn Gotama, vậy thầy cho chúng tôi biết nếu sau này sa môn Gotama chết đi thì sa môn có còn hiện hữu hay không.
 

Các du sĩ ngoại đạo đưa ra bốn lựa chọn và buộc thầy Anuruddha trả lời, Một là sau khi chết, sa môn Gotama còn. Hai là sau khi chết, sa môn Gotama không còn. Ba là sau khi chết, sa môn Gotama vừa còn vừa không còn. Bốn là sau khi chết, sa môn Gotama vừa không còn cũng vừa không không còn.
 
Thầy Anuruddha biết rõ bốn lựa chọn này không có lựa chọn nào phù hợp với lời dạy của đức Phật nên thầy không nói gì và giữ im lặng. Tuy nhiên các du sĩ không hài lòng với sự im lặng này và cứ yêu cầu thầy phải chọn cái gì đó hoặc nói cái gì đó.

Thầy trả lời, Này các vị, trong bốn lựa chọn mà các vị đưa ra, không có lựa chọn nào nói được sự thật về sa môn Gotama cả. Các du sĩ cười lớn, Chắc là thầy mới tu hoặc không được thông minh nên không trả lời câu hỏi của chúng ta, chúng ta rời khỏi đây thôi.
 
Các du sĩ bỏ đi và thầy Anuruddha đem chuyện này lên thưa với Phật, Bạch Thế Tôn, xin người hãy soi sáng cho chúng con, để chúng con có thể trả lời những câu hỏi tương tự có thể xảy ra. Phật hỏi, Này thầy Anuruddha, có thể tìm Như Lai nơi thân sắc này không?

Thầy Anuruddha trả lời, Bạch Thế Tôn, không. Có thể tìm Như Lai nơi cảm thọ không? Bạch Thế Tôn, không. Có thể tìm Như Lai nơi tư tưởng, hành động, lời nói và tri thức không? Bạch Thế Tôn, không. Lại nữa, thầy Anuruddha, có thể tìm Như Lai ngoài sắc thân này không? Bạch Thế Tôn, không. Có thể tìm Như Lai ngoài cảm thọ không? Bạch Thế Tôn, không. Có thể tìm Như Lai ngoài tư tưởng, ngoài hành động, ngoài lời nói, ngoài tri thức không? Bạch Thế Tôn, không.
 
Phật dạy, Đúng như vậy, này thầy Anuruddha, không thể tìm thấy Như Lai ở năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, và cũng không thể tìm Như Lai ngoài năm uẩn. Không thể tìm thấy Như Lai ở đất, nước, lửa, gió, kiến và thức và cũng không thể tìm Như Lai ngoài bảy yếu tố này. Thầy Anuruddha ơi, từ trước cho tới nay, Như Lai chỉ tuyên bố về khổ, nguyên nhân của khổ, có thể chấm dứt khổ và con đường để chấm dứt khổ, đạt hạnh phúc đích thực trong hiện tại, chỉ có vậy mà thôi.

Như Lai đang sống đây mà còn không tìm ra thì làm sao tìm thấy Như Lai sau khi ta đã chết. Vậy khi ta nhập diệt, làm sao thầy có thể nói ta còn hay mất.
 
Phật dạy tiếp, Này thầy Anuruddha, sau khi ngọn lửa tắt, ngọn lửa đi về đâu? Nếu nhân duyên đủ, ngọn lửa sẽ biểu hiện và khi nhân duyên chưa đủ, ngọn lửa chưa biểu hiện. Thầy hãy quán chiếu tự thân, tự tính của các pháp là chân như, là không sinh không diệt, trong tổng thể đó, vạn vật luân chuyển, thay đổi trong vô thường, không thể nói có hay không, còn hay mất, hiện hữu hay không hiện hữu. Cho nên Như Lai không từ đâu tới và cũng không đi về đâu. 
 
Giá trị của đức Phật không nằm ở 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Trong kinh Kim Cương, Phật dạy, Tìm ta qua hình sắc – Cầu ta qua âm thanh – Là kẻ hành tà đạo – Không thể thấy Như Lai. Phật không thể tìm thấy ở năm uẩn, ở những vẻ đẹp hay uy nghi. Phật còn dạy, Ai thấy Pháp người ấy thấy Phật, ai thấy Phật người ấy thấy Pháp.

Tướng tốt cách mấy, vẻ bề ngoài hào nhoáng cách mấy cũng phải tàn lụi theo vô thường. Những ý niệm về có, không, còn, mất, tồn tại hay không tồn tại khiến con người tranh cãi, dính mắc vào tranh cãi và sa đà vào sự tranh cãi. Những tranh cãi này khiến con người hiềm giận, gây hận thù, đánh giết nhau và sự thật vẫn không thấy được.

Thân Phật được ca ngợi thanh tịnh như lưu ly vì không còn phạm giới, không còn sa vào sự bất tịnh của thế gian, nhưng thân Phật cũng hôi tanh, cũng dơ bẩn, cũng nhờm gớm vì thân Phật cũng là thân chúng sinh, nên không thể tránh khỏi sự tàn hoại và thối nát. Kẹt vào năm uẩn hay năm yếu tố của con người này thì làm sao thấy được Như Lai. Nếu mai này 32 tướng tốt không còn, vẻ đẹp không còn, uy nghi không còn vì tuổi già sức yếu, vậy lấy cái gì làm Như Lai nữa.
 
Tự tính Như Lai đang biểu hiện đầy dẫy trong phút giây hiện tại, trong giây phút có tỉnh thức thực thụ. Tính chất của thực tập đạo Phật là tự thắp đuốc lên mà đi, tự đến mà nhìn thấy, tự chiêm nghiệm mà chứng ngộ. Chúng sinh được gọi là chúng sinh vì chúng sinh không chịu thực tập tỉnh thức, không chịu phát khởi trí tuệ nên vô minh bao bọc lấy tự tính Như Lai, làm cho tự tính bị che mờ bởi những lớp dày đặc của vỏ trứng mau chóng trở thánh áo giáp của vô minh.

Nhưng khi chúng sinh thực tập tỉnh thức, áo giáp vô minh từ từ rơi rụng xuống, vỏ trứng vô minh từ từ rơi rụng xuống, tự tính Như Lai đủ thuận duyên mà biểu hiện.

Các vẻ đẹp và tướng tốt của Như Lai cũng nhờ do tu tập nhiều kiếp mà biểu hiện, nhưng khi đã biểu hiện thì đến lúc nào đó cũng sẽ không biểu hiện. Biểu hiện không có nghĩa là có và không biểu hiện không có nghĩa là không vì biểu hiện không mang tính chất sinh diệt, mà ngược lại mang tính chất không sinh không diệt. Khi tự tính Như Lai biểu hiện từ chúng sinh thì có thể nói chúng sinh có Như Lai tính, Như Lai và chúng sinh không thể tách biệt, trong Như Lai có chúng sinh và trong chúng sinh có Như Lai.

Nói cách khác, Như Lai và chúng sinh có trong nhau. Giây phút hiện tại có tỉnh thức, có thanh tịnh, có bình đẳng, giây phút đó chúng sinh có tính Như Lai hơn.
 
Mình không từ đâu tới và cũng không đi về đâu vì thọ mạng là vô lượng, các kiếp sống cứ trôi đi cho đến khi vượt thoát sinh tử. Không còn kẹt vào quá khứ, tương lai và các dục ái trong hiện tại, mình buông bỏ những vướng bận khiến mình không thể an trú đích thực trong hiện tại.

Không tìm về quá khứ thì đâu cần vướng bận từ đâu tới, không mơ tưởng tương lai thì đâu cần vướng bận đi về đâu. Nếu mình không là con người thì là một bông hoa, một ngọn cỏ, một trái núi, một dòng sông, một người tu hay một cơn gió thoảng.

Mình có mặt trong muôn hình vạn trạng chúng sinh, mình trong tất cả nên dù ở hình thức nào, mình cũng tận hưởng sự sống. Là hoa, mình cống hiến sự tươi mát và đẹp đẽ. Là ngọn cỏ, mình đón nhận hạt sương long lanh, làm thức ăn ngon cho đàn bò. Là trái núi, mình tô điểm cho sự vững chãi và bền bỉ. Là dòng sông, mình cống hiến làn nước trong. Là cơn gió, mình đến rồi đi ung dung tự tại. Là người tu, mình cống hiến sự bình an, đi vào cuộc đời an lạc và thảnh thơi.

Dù là gì, mình cũng đẹp và cống hiến hết mình cho sự sống, làm công việc của một chúng sinh phụng sự. Vậy còn gì phải quan tâm kiếp trước mình làm gì, kiếp sau mình làm gì. Kinh Nhân Quả dạy rõ, Muốn biết nhân đời trước – Hãy xem quả đời này – Muốn biết quả tương lai – Xét nhân gieo hiện tại. Vậy là chỉ cần nhìn vào hiện tại là biết quá khứ và tương lai thế nào, nhưng nhiều khi cũng không cần biết tới, biết tới rồi sầu khổ và thất vọng thì cái biết này không đáng. Mình có tính vô khứ vô lai, quá khứ dài thế nhưng vẫn như trong một hơi thở, như trong cái búng tay, tương lai dài thế nhưng vẫn như trong cái chớp mắt, như trong một cái nhảy mũi. Ngay trong lúc này, mình đang sống cũng là đang chết, sinh và diệt diễn ra tất bật đến nỗi khó cảm nhận được sự vi tế của sinh diệt.

Cái vừa mới sinh đó đã diệt và cái vừa diệt không phải là mất đi mà chuyển sang một dạng khác, tức là đã sinh ra cái mới từ cái vừa bị diệt. Nên nói sinh cũng không đúng và nói diệt cũng không đúng, mà nên nói biến chuyển liên tục, không cố định. Sống tỉnh thức thì biết chuyện sinh và chuyện diệt, nhưng không kẹt vào sinh và không kẹt vào diệt. Không kẹt thì có thấy gì sinh và có thấy gì diệt đâu.
 
Mình có hạt giống của Phật hay còn gọi là Phật tính. Phật tính là khả năng tự giác ngộ, tự giải thoát. Khi lạy một vị Phật, mình và vị Phật đó không khác. Đơn giản mình không lạy một hình tướng Phật, mà lạy Phật tính trong vị Phật đó, một Phật tính đã hoàn toàn viên mãn.

Người lạy và người được lạy không phải là hai thực thể riêng biệt. Đây là cái nhìn bình đẳng, không phân biệt giữa Phật và chúng sinh. Phật là tỉnh thức và chúng sinh cũng có khả năng tỉnh thức.

Chúng sinh sắp tỉnh thức thôi chứ không phải không bao giờ, không biết hay không thể nào tỉnh thức. Nếu có người hướng dẫn và bản thân hành trì đúng đắn, chúng sinh và Phật kia có nào khác. Thực tập như vậy để diệt trừ ý niệm về cái ta riêng biệt, làm phát khởi tuệ giác bất nhị.

Phật tính cũng chỉ là một cách nói vì có gì gọi là Phật tính đâu. Chẳng qua chỉ là làm cho thanh tịnh, làm cho tỉnh thức, làm cho giác ngộ, và đặt cho nó cái tên là Phật tính. Cho nên tu cái vô tu là vậy. Không có gì để tu cả, vì không có gì sở đắc, chỉ là tìm về bản tâm thanh tịnh, bằng buông bỏ những chấp trước, buông bỏ những phân biệt.
 
Khi tỉnh thức, mình làm cho Phật thị hiện trong mình. Niệm Phật không phải là một ông Phật ở đâu đó đến cứu độ mà làm phát khởi tính Phật, tính thanh tịnh, tính tỉnh thức, tính giác ngộ bấy lâu nằm im, bấy lâu ở đây là hằng hà sa số kiếp rồi đấy.

Khi ngồi thiền, mình làm cho Phật thị hiện trong mình, khi đi thiền, mình làm cho Phật thị hiện trong mình, khi làm việc có tỉnh thức, mình làm cho Phật thị hiện trong mình. Niệm Phật là niệm chính mình. Thay vì nói Nam Mô Phật Thích Ca Mâu Ni thì có thể nói Nam Mô Phật Tính Trong An Long Minh. Mình kêu Phật trong bạn đồng tu Long Minh lên, cung cấp điều kiện cho ông Phật biểu hiện. Ông Phật nhiều khi cũng bị động, phải tác động thì mới biểu hiện. Xá chào bạn đồng tu không phải xá chào năm uẩn của bạn ấy mà xá chào Phật tính, ông Phật đang thị hiện trong bạn ấy.

Khi tỉnh thức trong từng phút giây, hay chánh niệm trong mọi hoàn cảnh, mình đang sống chung với Phật và mời Phật sống chung với mình. Khi đánh răng có tỉnh thức, Phật cũng đang đánh răng. Khi ăn cơm có tỉnh thức, Phật cũng đang ăn cơm. Khi đánh máy có tỉnh thức, Phật cũng đang đánh máy.

Làm việc một cách tỉnh thức là làm việc một cách rất Phật. Làm việc không có tỉnh thức là làm việc một cách rất chúng sinh. Hãy để Phật chăm sóc cho mình, hãy để tỉnh thức chăm sóc cho mình, hãy để chánh niệm chăm sóc cho mình. Chánh niệm như luồng điện, nó nuôi dưỡng sự sống đích thực. Khi luồng điện “on”, mình đang tỉnh thức, khi luồng điện”off”, mình đang quên tỉnh thức, đang thất niệm. Hãy biết tự chăm sóc mình.
 
Khi gieo một hạt giống xuống đất, vài ngày sau nó nẩy mầm. Hạt giống không còn biểu hiện, nhưng lại biểu hiện dưới dạng cây mầm. Có thể nói hạt mầm bị diệt nhưng không thực sự bị diệt, nó đã dọn sang nhà mới, nó không năm trong căn nhà nhỏ của vỏ hạt mầm nữa.

Nhà mới là cây mầm và vài năm sau, cây mầm lớn lên thành cây cứng cáp. Có thể nói cây mầm bị diệt nhưng không thực sự bị diệt, nó lại tiếp tục dọn sang nhà mới nữa, nhà mới là một cây cao to và vững chãi có cành lá xum xuê.

Một cơn gió thoảng qua, chiếc lá rơi xuống đất, chiếc lá rời thân cây nhưng không hẳn bị diệt, chiếc lá dọn sang nhà mới, là mảnh đất phía dưới cây. Đời sống của chúng sinh là một chuỗi những sự kiện dọn nhà như vậy, mỗi lần dọn nhà, mình xem là chết đi rồi sống lại, thực ra mình có chết đâu, mình chỉ dọn nhà thôi mà.

Mình thay hình đổi dạng nên mình không sinh không diệt, cái gọi là sinh diệt kia chẳng qua chỉ là thay hình đổi dạng, như xây lại cái nhà, mua cái nhà mới và dọn sang nhà mới. Vấn đề ở đây là mình tỉnh thức trong cái mình đang là. Khi là hạt giống thì biết mình là hạt giống, mình không giận hờn vì sao bản thân lại là hạt giống và không chạy chọt đủ thứ để mau chóng trở thành cây mầm.

Cũng vậy, khi đang là cây mầm, mình cứ sống đi, hãy vui với sự kiện mình đang là cây mầm đi, đâu cần phải trở thành cây cao to mình mới vui được. Đây gọi là biết sống trong cái đang là, tỉnh thức là biết trân quý cái đang là, không tiếc nuối quá khứ, không bươn chãi về tương lai và không chán chường vì hiện tại.

Tỉnh thức không có sự phán xét nên cái đang là không bị biến tướng, nhìn cái đang là như cái đang là vậy. Ý thức chuyện đang xảy ra, vào lúc này, tại chỗ này, chú tâm vào cái đang là và biết “cái đang là đó à”, vậy thôi. Mình khỏe là vì biết cái đang là.
 
Nếu mua một chiếc ti vi về nhà, mình cung cấp cho nó cái ăng ten để bắt sóng và đặt ở đâu trong phòng, nó đều có thể bắt sóng được. Điều này chứng minh là sóng đã có mặt choáng ngợp cả căn phòng, nhưng vì chưa có đủ điều kiện nên không thể biểu hiện. Nếu cho sóng cái ti vi, cái ăng ten, cộng thêm nguồn điện, mình xem được các kênh truyền hình.

Như vậy, có phải coi được ti vi thì sóng truyền hình có và khi tắt ti vi thì sóng truyền hình trở nên không, trở nên biến mất không? Sóng truyền hình vẫn có mặt đó, chỉ có điều nó chưa đủ điều kiện để biểu hiện mà thôi.

Khi xem được ti vi, tức là sóng truyền hình biểu hiện, đơn giản vì nó đã đủ điều kiện. Cũng vậy, Phật tính có sẵn trong mỗi chúng sinh, do chưa đủ điều kiện nên chúng sinh cứ mãi là chúng sinh, dù Phật tính nằm chình ình ra đó. Nếu biết tu tập, biết bốn sự thật, biết thực tập tám con đường chân chính, biết chánh niệm trong từng phút giây, biết nhân quả, biết quán duyên khởi… và từ những cái biết này mình hành trì đúng đắn, tỉnh thức sẽ rất viên mãn, mình đang mời Phật lên ở chung, mình đang dọn nhà, và về nhà Phật ở, mình xây nhà Phật để ở. Hãy dọn về nhà Phật, nhà Như Lai mà ở.  
Thích Nghiêm Thuận