Đăng đàn thọ giới Bồ Tát

(Nhất tâm đảnh lễ Hòa Thượng đàn đầu, Chư tôn đức trong hàng thập sư. Chư tôn đức trong ban trị sự, ban kiến đàn, cùng chư vị Phật tử giúp việc cho bên trong và bên ngoài giới đàn.)

 
Chiều hôm nay vào lúc 18 giờ, ngày ( 28/10/2010) Đại Giới Đàn Cam Lộ đã khép lại sau buổi lễ truyền giới Bồ Tát xuất gia tại giới đài.
 
Vừa làm quan sát viên, và cũng là tham dự viên vì có chân trong ban kiến đàn trong năm ngày qua, tôi đã thấy rất rõ diễn tiến của giới đàn từ nhỏ đến lớn, có đọc bài trên mạng nói về giới đàn nữa, có nhiều bình phẩm khen chê. Chê nhiều nhất là giới đàn tổ chức giống Trung Quốc, màu sắc nghi lễ Trung Quốc, chùa xây theo kiểu Trung Quốc, không có hồn chùa Việt, vân vân và vân vân.
 
Rất nhiều ý kiến khen chê trên website http://phattuvietnam.net  tôi chỉ xin trích lại một đoạn nhận xét của tác giả Lê Bắc vào lúc 27/10/2010 00:06
 
Nói Chùa Minh Thành pha tạp kiến trúc Trung, Nhật, Hàn... tôi đồng ý. 
Tôi đồng ý với ý kiến của bạn đọc Tan Nhan:" Không luận là của nước nào, miễn thứ đó được sử dụng,sản xuất, hình thành trên đất nước của mình; do người của nước mình thực hiện, phục vụ lợi ích cho đất nước mình thì đó là của mình." 

Và cuối cùng, tôi xin hỏi mọi người vài câu ngoài lề về bản sắc Việt, nghi lễ truyền thống của PG Việt Nam:

1/ Phật giáo có lễ khánh tuế, chúc thọ nhưng có lễ thắp nến sinh nhật, cắt bánh kem không? Bánh kem truyền thống có sử dụng trứng gà, vậy người xuất gia dùng có sao không, có phạm giới không? Nhà chùa ngày xưa không dùng hành, tỏi, hẹ... để nấu chay, giới luật không cho phép, mà sao ngày nay thì các quán chay, các chùa dùng vô tư? Hay PG ngày nay không được vọng Tàu, chỉ nên vọng Tây thôi.

2/ Phật Giáo cổ truyền có nghi lễ thành hôn trong chùa ( lễ hằng thuận) không hay chỉ mới xuất hiện vài chục năm gần đây do ảnh hưởng của TCG phương Tây?

3/ Phật Giáo Việt Nam ngày xưa có lễ cài hoa hồng ngày Vu Lan không? Lễ này chỉ mới do thầy Nhất Hạnh khởi xướng khoảng nửa thế kỷ nay và ảnh hưởng của văn hóa phương Tây?
Những điều trên có phải là những yếu tố ngoại lại từ phương Tây không? Hay là chúng ta không được vay mượn nghi lễ của Trung Quốc, còn nền văn hóa phương Tây thì được???

TRANH LUẬN NHƯ VẬY LÀ ĐỦ RỒI. CÓ NÓI NỮA PHẬT GIÁO CŨNG KHÔNG ĐƯỢC GÌ MÀ PHẬT TỬ LẠI THÊM TỘI VỌNG NGỮ. THÔI THÌ HÃY TÙY HỶ CÔNG ĐỨC, VÀ CẦU MONG ĐẠI GIỚI ĐÀN CAM LỘ THÀNH TỰU VIÊN MÃN, CÁC GIỚI TỬ SẼ TRỞ THÀNH NHỮNG VỊ ĐẠI ĐỨC TÀI BA CỦA PG TRONG TƯƠNG LAI.
 
Và một nhận xét không ghi tên tác giả:” Tôi đồng ý với bạn Lê Trung.
Đã là Đại Giới Đàn thì tổ chức trang nghiêm trọng thể không có gì là sai trái. 
Hẳn các bạn Phật tử ai cũng biết rằng đạo Phật ở nước ta du nhập qua 2 đường, hình thành 2 hệ phái Nam tông và Bắc tông. 

Nam tông là đạo Phật vào nước ta bằng con đường phía Nam như Campuchia, Myanma, Thái Lan ... thì chùa Nam tông sẽ ảnh hưởng giống các chùa Campuchia, Myanma v.v... 

Bắc tông là đạo Phật vào nước ta qua ngả Trung Quốc, thì chùa Bắc tông sẽ ảnh hưởng giống các chùa Trung Quốc. Thật ra, tôi cũng chưa được thấy và chưa hình dung được một ngôi chùa thuần Việt.
Thế thì, là người Phật tử, nhân đại giới đàn Cam Lộ, hãy bỏ qua những điều không vừa lòng nhỏ nhặt, chúng ta hãy cùng nhau hoan hỷ cầu nguyện cho Đại Giới Đàn thành tựu viên mãn.
 
Không hiểu sao cứ mỗi khi nghĩ về Thầy Tâm Mãn là tôi nghĩ đến chú Tý ngày xưa (hồi còn làm điệu Thầy Tâm Mãn được gọi là điệu Tý hoặc chú Tý) quần áo lếch thếch ôm nhang đi bán khắp nơi, nơi nào cũng có mặt, hẻm lớn hẻm nhỏ chợ lớn chợ nhỏ nơi nào cũng có bàn chân của chú Tý đặt đến, đi học thì chữ Việt viết rất xấu, như đĩa bò ngoằn ngoèo, còn chữ Hán thì học ở đâu không biết, mà biết rất nhiều, viết đẹp như người đã từng học, từng luyện mười năm, chữ Hán là cái chữ khó nhớ khó viết, bởi là chữ tượng hình, vậy mà học đâu nhớ đó, tôi cũng không rõ ai là người Thầy dạy vỡ lòng chữ Hán cho chú Tý.

Chú ham mê thích thú học chữ Hán hơn bất kỳ thứ gì trong đời, còn tự tay lấy đất sét nắn tượng Phật nữa, nắn khá giống Phật. Không thích tiếng Việt lắm vậy mà cũng học xong 12, rồi đại học, rồi du học Đài Loan. Mấy năm du học ở Đài Loan tha hồ luyện chữ, luyện thư pháp, học sử, rồi chuyển qua học mỹ thuật, vẽ Phật, Bồ Tát bằng màu nước, hoặc mực tàu đẹp như những danh họa, mê nhất là môn điêu khắc, hội họa và kiến trúc, tự tay đắp nhiều tượng Phật Bồ Tát khá mỹ thuật.

Từ cái chuyện mê văn hóa Trung Hoa, rồi thể hiện qua ngôi chùa Minh Thành bằng nhiều loại hình nghệ thuật: Điêu khắc đồng, đá gỗ,thích đối liễn sách kinh chữ Hán, mê tượng Phật, Bồ Tát , chùa , Tháp , pháp khí thờ phụng  theo kiểu Tàu, kiểu Nhật, Việt Nam. Hàn Quốc….

Tóm lại về mặt nghệ thuật thầy  ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, văn hóa phương đông rất nhiều. Đền thờ chùa chiền tháp miếu  của Việt Nam , cũng ảnh hưởng rất sâu đậm văn hóa Trung Hoa, bởi ngàn năm bị đô hộ mà. Có lúc tôi nói vui với một vài người thân, biết đâu kiếp trước Thầy Tâm Mãn lại là ông Thầy tu Trung Quốc, kiếp này đầu thai ở Việt Nam làm đạo.
 
Từ một chú tiểu  gầy gò ôm nhang đi bán khắp hang cùng ngõ hẻm, của phố núi Pleiku. Tiếng Việt viết xấu như cua bò vậy mà nhờ vào ý chí, nghị lực phi thường (phát lên) thành Thầy Tâm Mãn, xây cho Phật giáo một ngôi chùa lớn, đột phá trong kiến trúc, không rập khuôn, sáng kiến rất nhiều, học hỏi kiến trúc của các nước Phật giáo phương đông như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc để về bồi đắp cho nền kiến trúc Phật giáo quê nhà. Và quý hóa hơn hết là phát  tâm bồ đề, xây giới đài, kiến lập giới đàn cùng chư tôn đức trong Ban trị sự Phật giáo tỉnh, cung thỉnh chư tôn đức tam sư thất chứng đạo hạnh truyền giới cho hàng hậu học. Tâm không lớn không bao giờ làm được việc lớn. Hạnh nguyện không vĩ đại không bao giờ làm nên chuyện vĩ đại, phi thường.
 
Trong buổi lễ truyền giới Bồ Tát,  các giới tử toát mồ hôi, gương mặt co dúm lại vì ba viên hương tròn như đầu ngón tay út đang cháy trên  chiếc đầu nhẵn bóng. Còn thầy thì hân hoan, tôi thấy thầy hân hoan tột cùng. Tôi đã hiểu vì sao thầy hân hoan.

Có lẽ thầy vui vì nguyện ước của thầy thành tựu. Mà thật vậy không có thầy Tâm Mãn phát nguyện làm chủ đàn, sẽ không có những viên nhang cháy trên đầu của những nguời con trai lành, con gái lành của đức Thế Tôn trong giới đàn này, để họ đem đạo Phật vào đời bằng tâm hạnh Bồ Tát của mình.
 
Nghi lễ truyền giới Bồ Tát vừa chấm dứt, thì tôi cũng đứng lên không ngồi vị trí giám đàn nữa. Tôi đã cầm máy ảnh bấm lia lịa để ghi lại những khoảnh khắc đáng ghi nhớ nhất trong đời của một tu sĩ , tôi đã ghi ảnh từng vị, từng vị, tăng ni trẻ tuổi đang phát đại thệ nguyện:
 
Chúng sinh vô biên thề nguyện độ,
 
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn .
 
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
 
Phật đạo vô thượng thề nguyện thành.
 
Tôi đã rưng rưng nước mắt vì chứng kiến hùng lực của các em. Các em còn rất trẻ vậy mà nhân duyên gì sớm hiểu được lời dạy của Đức Thế Tôn mà xuống tóc quy y. Ngoài kia, ngoài cửa thiền giòng đời đang trôi chảy bất tận, nhịp sống đang hối hả ngày đêm. Sắc thanh quyến rũ ghê hồn, cuộc vui thâu đêm suốt sáng, xiêm áo mơ màng, vũ điệu cuồng xoay.

Còn trong này, trong cửa thiền Minh Thành này các em đang quỳ phát đại nguyện thọ giới Bồ Tát chịu đau chịu khổ cho tất cả mọi loài chúng sinh. Bởi Bồ Tát là người sống vì người, cho người chớ không phải cho mình. Các em có người rất đẹp, rất thông minh tài hoa có sẵn một tương lai đời, đang chờ đón phía trước. Vậy mà vì đại nguyện sẵn sàng rủ bỏ:
 
Mái tóc vốn màu gỗ quý
Nay dâng thành khói trầm hương
Nét đẹp đi về vĩnh cửu
Vi diệu thay ý vô thường.
 
Đã thấy đời cơn huyễn mộng
Chân tâm một quyết lên đường
Nghe hải triều lên mấy độ
Nguyện phát túc về siêu phương.
 
Gió reo trên triền núi Thứu
Lòng nay thôi hết vấn vương
Bài ca sáng ngời diệu lý
Bao la ngát đạo chân thường.
 
Ngày xưa nước bồ kết gội
Chiều về buôn xõa tóc hương
Sáng nay cam lồ tịnh thủy
Tâm bồ đề lộ kiên cường.
 
Bàn tay tập bài từ ái
Chia vui nếp sống tịnh thường
Mấy mươi năm trời cần mẫn
Thủy chung vẫn một niềm thương.
 
Sáng nay cạo sạch mái tóc
Mở thêm rộng lớn con đường
Phiền não vô biên nguyện đoạn
Một tâm mà động mười phương.
 
 ( Thơ Sư Ông)
 
Các em đã chọn con đường hiểu biết thương yêu nên mới phát nguyện lớn.
 
Đốt hương trên đầu là phát một lời nguyện lớn, trong sự rung động tột cùng của tâm thức. Lời phát nguyện không thể  thành tựu được khi ngồi trong phòng giường êm nệm ấm, mà phải quỳ lạy trên sỏi đá khi có bước chân người đạo hạnh đi qua.

Giữa trời nắng như thiêu như đốt, giữa cơn mưa tầm tả, hay cả lúc tuyết băng. Lời phát nguyện không thể linh thiêng được khi ngồi bên tách trà ngon, bên tách cà phê ngon mà phát khởi. Mà phải quỳ lạy tha thiết, dâng hiến cả đời mình cho lý tưởng độ sinh, cho  mạch  sống Phật giáo chảy hoài không dứt, cho ngọn đèn Tuệ cứ đời đời tiếp nối ( Truyền Đăng ).
 
Lời thề đó phải thề trước đức Phật Tỳ Lô Xá Na
 
Trước Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni.
 
Trước linh vị của Liệt vị Tổ Sư qua các thời đại Từ Ấn Độ, Trung Hoa và Việt Nam.
 
Trước Chư Tôn Đức Tam Sư, Thất chứng đạo hạnh truyền giới.
 
Trước hàng ngàn, hang vạn Phật tử xa gần đau đáu dõi nhìn, kỳ vọng các Thầy các Sư Cô tiếp nối đèn Tuệ.
 
Đại nguyện đó, lời thề lớn đó phải lấy đỉnh đầu ra tuyên thệ, nhận lãnh. Do vậy mới có chuyện đốt liều, đốt hương khi thọ giới Bồ Tát. Khi đốt hương sẽ để lại một hoặc ba chấm sẹo tròn trên đầu để nhắc cho giới tử, các vị tăng ni trẻ suốt đời phải dấn thân phụng sự.

Phải luôn  phát nguyện và thực hiện Bồ Tát hạnh như Tôn giả A Nan phát nguyện trước Đức Phật: “ Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập, như nhất chúng sinh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ nê hoàn”  tạm dịch: “Đời ác năm trược con nguyện vào trước, nếu như còn một chúng sinh nào chưa thành Phật, thì mãi mãi trọn kiếp con cũng không vào  cảnh giới Niết Bàn”).
 
Những người xuất gia trẻ tuổi hôm nay, đang quỳ thiết tha thành khẩn thọ giới, đem đỉnh đầu mà phát nguyện thiêu hương là để ghi nhớ suốt đời sống vì và cho chúng sinh, chịu đau chịu khổ thế cho chúng sinh, ban vui cứu khổ cho chúng sinh.

Chính đây là những nhân tố để có con nguời Bồ Tát sau này ra phụng sự giúp đời. Đây đó có người trách cứ rằng bão lụt ở Hà Tĩnh ở miền trung quá lớn, sao không tổ chức tiết kiệm mà lấy tiền giúp đỡ bão lụt ?
 
Xin thưa: “ Những người Phật tử cúng dường cho giới đàn Cam Lộ tổ chức thành tựu, chính họ là những cư sĩ Bồ Tát, họ đã từng thọ giới Bồ Tát, hoặc đang thọ giới Bồ Tát tại gia trong giới đàn này. Họ không bao giờ quên tình dân tộc nghĩa đồng bào đâu. Sau giới đàn này họ sẽ xông pha ra vùng lũ miền trung để cùng chia sẻ, đùm bọc với đồng bào ruột thịt."
 
Các phái đoàn Tăng Ni, Phật tử hiện nay đang túc trực ứng cứu, ủy lạo tại các tỉnh miền trung lũ lụt, tình thương lớn của các vị có được cũng chính sự phát tâm thọ giới Bồ Tát từ những giới đàn mà các vị đã phát nguyện lãnh thọ.
 
Có tốn kém, có lao tâm khổ tứ, có sụt cân ở những  vị trong ban kiến đàn, ban giúp việc trong đàn ngoài đàn, có khen chê, có giận hờn trách cứ… Nhưng bù lại tất cả  tứ chúng Phật tử Tăng Ni, vô cùng hoan hỷ phấn chấn trước một Phật sự trọng đại thành tựu.

Nhân tốt đẹp thì quả sẽ tốt đẹp, rồi đây trên khắp nẻo đường đất nước, quê hương nơi nào có chúng sinh đau khổ chìm đắm, thì liền có bóng dáng của các vị giới tử giới đàn Cam Lộ xuất hiện ban vui cứu khổ. Tiền đồ Phật giáo sẽ xán lạn hơn vì đã có người tiếp nối. Những cây tre già cỗi úa vàng đã có những búp măng non bụ bẫm vươn lên thay thế.                                                     
 
Từ đó ta hiểu rõ được lời dạy của Đức Thế Tôn:” Trong tất cả các sự bố thí, bố thí giới là tối thượng”
 
Ngày truyền giới Bồ Tát 28/10/2010
 
Tại chùa Minh Thành Gia Lai
 
Thích Giác Tâm
Một vài hình ảnh khi truyền giới Bồ Tát, đốt hương