Những điều cần biết về quy y Tam bảo

Sau lễ quy y, người Phật tử cảm nhận được mình là một con người mới, được thấm nhuần nguồn ân đức từ Tam bảo (đắc giới thể vô biểu), thân tâm trở nên nhẹ nhàng, hoan hỷ dấn thân trên con đường thiện.


HỎI:

1. Vài năm trước chúng tôi có đăng ký xin quy y Tam bảo ở một ngôi chùa Ni. Hôm ấy, đúng giờ làm lễ trời mưa rất to đến nỗi Ni trưởng (vì già yếu) không lên chánh điện được. Sau đó, chúng tôi được Ni trưởng gọi vào phòng thành tâm lễ Phật rồi truyền dạy về pháp quy y Phật, Pháp, Tăng và năm giới, sau đó trao giấy chứng nhận quy y.

Tuy nhiên vì không được làm lễ quy y ở chánh điện nên chúng tôi đã không quỳ trước Tam bảo để phát nguyện trọn đời quay về nương tựa Phật, Pháp, Tăng. Tôi muốn hỏi việc quy y như vậy có đúng không? Có thể quy y lại một lần nữa với một vị thầy khác cùng một pháp danh khác không?

2. Lúc còn rất nhỏ tôi đã được mẹ gửi tên lên chùa quy y Tam bảo nhưng tôi ít khi tham gia các hoạt động của Phật tử, chỉ đi chùa lễ Phật vào những ngày lễ. Nay tôi lên thành phố làm việc, có tham gia sinh hoạt Phật pháp với một ngôi chùa, vậy tôi có cần quy y Tam bảo lại không?
(NGỌC HÂN, sandyle.90@gmail.com;
KIM LOAN, loanntk2511@gmail.com)
 
ĐÁP:

Bạn Ngọc Hân và Kim Loan thân mến!
Trường hợp thứ nhất, vì ngoại duyên mưa lớn khiến cho bạn không được quy y trên chánh điện là điều đáng tiếc. Tuy vậy, Ni trưởng cũng đã phương tiện quy y Tam bảo và truyền năm giới cho bạn, xem như pháp quy y của bạn căn bản đã thành tựu. Ngay nơi phương trượng (tịnh thất của Ni trưởng) cũng có ngôi Tam bảo (thu nhỏ hoặc cách điệu), có thể thực hành pháp quy y cho Phật tử.

Dĩ nhiên quy y ở phương trượng thì không thể trang nghiêm và đầy đủ pháp thức, nghi quy như ở chánh điện được. Vì quá sơ sài, giản lược nên có sự ‘lăn tăn’ trong tâm Phật tử cũng là điều dễ hiểu. Dù vậy, bạn không cần quy y lại cũng như thay đổi pháp danh.

Trường hợp thứ hai, bạn rất cần quy y "lại" vì thực chất thì bạn chưa quy y Tam bảo. Có một thực tế khá phổ biến rằng, ngay từ trẻ nhỏ, cha mẹ thường gửi tên tuổi con cái lên chùa nhờ thầy quy y, chùa có cấp phái quy y với pháp danh đàng hoàng nhưng đương sự thì chưa hề tham dự lễ quy y nào cả. Theo lý thì những trường hợp này là chưa quy y.

Họ cần tham dự lễ quy y, đối trước Tam bảo thành tâm phát nguyện quay về nương tựa để trở thành Phật tử đúng nghĩa. Hiện bạn đang sinh hoạt tu học tại một ngôi chùa ở thành phố thì hãy đăng ký quy y tại đây để chính thức trở thành Phật tử. Trường hợp bạn đã có pháp danh từ nhỏ, nếu thích thì xin quý thầy (cô) quy y cho mình được phép giữ lại, nếu không thì cứ theo pháp danh mới mà dùng.

Qua hai trường hợp nêu trên, chúng tôi thiết nghĩ, quy y là thời khắc vô cùng thiêng liêng, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự hồi tâm hướng thiện của người con Phật. Do đó, chư vị Tăng (Ni) cần phải hiểu tâm nguyện chính đáng của Phật tử mà gia tâm hơn trong pháp sự này. Cần thực hiện lễ quy y cho Phật tử đúng với nghi thức một cách trang nghiêm, trọng thể nhất trong khả năng có thể.

Hiện nay, nghi thức quy y - truyền giới đã có đầy đủ trong sách Giới đàn Tăng, cần phải tuần tự làm đúng theo hướng dẫn của sách này. Quan trọng là phải giảng giải cho Phật tử hiểu rõ ràng, đúng đắn về pháp quy y và những tác dụng, lợi ích cũng như cách thức thọ giới. Phải làm sao, sau lễ quy y, người Phật tử cảm nhận được mình là một con người mới, được thấm nhuần nguồn ân đức từ Tam bảo (đắc giới thể vô biểu), thân tâm trở nên nhẹ nhàng, hoan hỷ dấn thân trên con đường thiện.

Chúc các bạn tinh tấn!