Sự khác nhau giữa khiêm tốn và tự ti

Trong cuộc đời vốn vô thường và đầy rẫy những ganh đua này, hãy tự vẽ lên cuộc sống bình yên và thanh tịnh cho mình bằng một tâm hồn luôn hướng thiện, khiêm tốn, đẩy xa tâm lý tự ti, mặc cảm. Hãy để mỗi phút giây trong đời ta trôi qua thật ý nghĩa, khái niệm hối hận sẽ không phải một lần vướng bận viếng thăm.


Cũng giống như tự tin và tự cao, khiêm tốn và tự ti cũng là hai khái niệm chỉ cách nhau một lằn ranh mỏng manh, trong một khoảnh khắc xao lãng, con người rất có thể bị nghiêng về “phía bên kia thế giới” một cách vô tình. Mặc dù xét về bản chất, hai khái niệm này mang những lớp nghĩa khác nhau, thể hiện những tính cách thuộc về bản ngã, có cứu cánh khác nhau, phản ánh hai luồng đức tính trái ngược.

1. Sự khác nhau giữa khiêm tốn và tự ti là gì?

Ngay khi chưa đào sâu vào vấn đề, chúng ta đều ý thức được rằng, khiêm tốn là một khái niệm có thiên hướng tích cực, biểu hiện cốt cách của một người luôn muốn học hỏi được nhiều điều hay, nghiêm túc tu dưỡng phẩm chất thanh cao để vẹn toàn đức hạnh. Còn tự ti là hiện diện của xu hướng tiêu cực, là cảm giác mất niềm tin vào chính mình, hoang mang trên con đường xác minh bản ngã và năng lực, ở một mức độ cao hơn, nó biến thành một “căn bệnh”, cũng nan giải và nguy hiểm không kém gì các biến chứng chết chóc.

2. Bản chất của khiêm tốn và tự ti

Khiêm tốn

Trong dòng đời ngày càng phức tạp và hiện đại, khiêm tốn như một cánh hoa đẹp bị đời nhấn chìm bập bềnh trong rộng khắp những tự cao, tự đại, khi con người ngày càng tìm mọi giá để nâng cao giá trị bản ngã của mình.

Hiểu một cách đơn giản, khiêm tốn chính là nguồn sức mạnh nội tại phát xuất tự nhiên từ một người có trí tuệ “biết mình, biết người”, đứng trước thành công của bản thân không tung hê hào nhoáng, đứng trước hạnh phúc của người khác luôn chúc tụng, sẻ chia.

Như nhà văn Lâm Ngữ Đường đã nói: “Điều quan trọng là khiêm tốn chính nó đã tự nâng cao giá trị cá nhân của con người trong xã hội, lòng khiêm tốn còn tượng trưng cho những con người đứng đắn, luôn luôn biết sống theo thời và biết nhìn xa. Con người có lòng khiêm tốn bao giờ cũng là những con người thường hay thành công trong lĩnh vực giao tiếp với mọi người. Nhà học giả La Bruyere cũng đã khẳng định: “Sự khiêm tốn có giá trị như cái bóng loáng của bức tranh, nó nổi bật lên và hùng dũng”.

Cuộc đời Đức Phật là một bài học không ngừng về hạnh tu im lặng và khiêm tốn. Khiêm tốn hiện diện lên như một chặng đường dài cần nỗ lực, phấn đấu và không ngủ quên trên đỉnh vinh quang của con người. Giữa những bản ngã thèm khát sự tự đại, khiêm tốn bình lặng và đáng trân trọng.

Người khiêm tốn là người biết vị trí của mình ở đâu, cảm nhận tuyệt đối về năng lực của bản ngã, biết được ưu, khuyết điểm và những nỗ lực cần đạt tới trong tương lai. Trong hệ quy chiếu tương quan của người khiêm tốn, không có khái niệm tự cao, càng không có khái niệm tự ti. Khiêm tốn dung hòa hoàn hảo giữa một mảng nhận thức được giá trị bản thân, một mảng cần học hỏi để hoàn thiện.
Theo đức Phật, khiêm tốn lòng mở rộng, rộng lượng chứa phước nhiều. Ai cũng muốn tích chứa phước đức và tránh né tai hoạ, và hẳn nhiên việc ấy hoàn toàn là do ta quyết định. Hãy luôn kiểm soát thái độ sống và ứng xử của bản thân, học cách khiêm tốn, khiêm cung với tất cả. Hơn nữa, nhờ sự giản dị, dung hòa của người khiêm tốn, khí tiết bên trong bản ngã của ta sẽ khiến người người quý mến, đi đến đâu cũng được chỉ dạy, giúp đỡ, luôn có ân nhân bên cạnh sát cạnh, chinh phục, vượt qua mọi thử thách, khó khăn trong cuộc đời.

Mọi ước mơ, khát khao trong đời đều cần khiêm tốn. Nếu ví mọi sự tốt đẹp trên đời là quả ngọt, thì khiêm tốn là gốc rễ. Có rễ cây mới có quả. Trong mọi suy nghĩ dù là nhỏ nhặt cũng cần khiêm tốn, trong mọi tình huống hành xử với đồng loại dù là vụn vặt cũng cần khiêm tốn (cũng là cách tôn trọng người đối diện), rồi đất trời sẽ cảm động, Phật sẽ chứng giám, phước lành ắt sẽ đến.

Lão Tử nói: “Người biết thì không nói, người nói thì không biết” (Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri).

Giá trị của người khiêm tốn không thể hiện qua lời khẳng định bản ngã, hành động ghi dấu sự ngông cuồng. Giá trị của khiêm tốn nằm ở chỗ, giữa dòng đời tấp nập và xô bồ này, cái tâm tĩnh lặng, dung hòa, giản dị, không ganh đua sẽ giúp họ sống bình yên hơn mỗi ngày. Giá trị của khiêm tốn nằm ở chỗ, năng lực của bản thân không bao giờ chạm đến mức tột đỉnh, cái bình chứa lúc nào cũng chừa chỗ cho việc nạp thêm kiến thức, học hỏi, nỗ lực và cố gắng.

Tự ti

Cần nhấn mạnh rằng, ranh giới mỏng manh hất khiêm tốn và tự ti về hai thái cực hoàn toàn khác nhau. Nếu khiêm tốn là sự biểu hiện của hiểu biết, dung dị, nhận thức rõ giá trị của bản thân nhưng không ngừng nỗ lực, phấn đấu thì tự ti lại là hiện diện của vóc dáng một bản thể tự cho mình thấp kém, mất lòng tin vào khả năng của mình, sống khép nép, cuộc đời vơi đi vài phần ý nghĩa.

“Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti”. Bởi giữa đất trời mênh mông vô cùng tận, dòng đời vô thường đổi thay trong phút chốc này, bản ngã của mỗi người là duy nhất, là đặc biệt nhất mà mình lại không đánh giá đúng về chính mình, lại nhìn thấy hình hài một con quỷ xấu xí trong chính mình, thì còn gì đáng thương hơn.

Sự tự ti hiện diện khắp nơi trong dòng đời hào nhoáng và luôn đầy rẫy những cạnh tranh này. Nó gần như một con người có một đôi chân khỏe khoắn, nhưng lại chẳng dám một lần tự tin đứng vững trên chúng và bước đi, rồi chạy. Cuộc sống cứ vất vưởng trong một khoảng không gian nhỏ bé do chính mình vẽ ra và tạo ranh giới. Hoàn toàn không có sự hiện diện của ánh sáng tự tin, cũng như đang giết chết dần những khả năng nảy sinh trong con người mình.

Đứng trước một vấn đề bất kì trong cuộc sống, đơn cử là những thách thức, khó khăn, người tự ti thường tự cắt lìa cơ hội cho bản thân được vượt chướng ngại vật, bối rối tìm phương hướng, nghiêm trọng hóa vấn đề để rồi thấy mình hèn kém, không năng lực, không trí tuệ. Với tâm thế này, người tự ti không có cơ hội để khiêm tốn, khi thành công dường như luôn là một khái niệm, giấc mơ xa vời vợi. Người tự ti thường sợ thất bại ngay cả khi chưa bắt đầu. Những bước chân bập bõm run sợ bước đi, mãi mãi chẳng thể nào đi vững vàng, và chạy, mà thành công thì luôn ở cuối con đường, sau bức tường mang tên tự ti, lặp đi lặp lại thông điệp “mình không làm được, mình không làm được đâu”.

Trong suy nghĩ của người tự ti, không có quan niệm “thất bại là mẹ thành công”, càng không có ý thức rằng “đời người ai cũng cần phải ngã mới lớn lên”. Vòng tròn bủa vây lấy đời họ là khoảng trời không có thử thách, khó khăn, không có “đất dụng võ” cho năng lực, bản ngã tiềm năng.

3. Từ bi hỷ xả chuyển hóa tự ti

Theo đức Phật, coi tự ti là một căn bệnh thì cần từ bi hỷ xả để chuyển hóa tự ti. Do đó, để triệt tiêu tự ti, chúng ta cần nắm rõ mầm mống nảy sinh chúng.

Nguyên nhân dẫn đế sự tư ti có thể kể đến như những sang chấn tâm lý lúc thiếu thời, hoặc cũng có thể sớm hơn như do tổn thương tâm lý lúc còn hoài thai, hay do nghiệp báo từ những đời quá khứ (tâm lý học đoán định là mặc cảm xuất phát từ vô thức cá nhân) hoặc do những khiếm khuyết về cơ thể, hạn chế về năng lực, gặp nhiều thất bại…

Hãy xác định, bạn thuộc “nhóm bệnh nhân” nào rồi chọn lựa một “phương thuốc” phù hợp. Tuy vậy, hãy luôn xác định và có niềm tin xác tín rằng “nhân vô thập toàn”, đời người không ai hoàn hảo, hãy luôn có một cái nhìn quán chiếu để định vị bản ngã trong dòng đời đang không ngừng chuyển động này.

Có thể chúng ta thua kém người khác ở khía cạnh này, nhưng sẽ có một điểm nhấn nào đó ta hơn người khác. Cuộc đời vô thường này vốn khắc nghiệt nhưng cũng rất công bằng. Ánh sáng của đức Phật luôn soi sáng, để mọi người đều được thừa hưởng những điều tốt đẹp.

Trong trường hợp bạn tự ti vì năng lực bản thân giới hạn, gặp khiếm khuyết về cơ thể, thì hãy mạnh dạn bước qua ranh giới của chính mình. Và quan trọng hơn cả, hãy khẳng định vẻ đẹp không thể đong đếm của tâm hồn, bù đắp phần năng lực hạn chế bằng cách luôn học hỏi và nỗ lực, học cách cần mẫn, nhẫn nại khi trau dồi, làm việc.

Trong trường hợp khác, khi bạn tư ti vì trong vô thức cá nhân, vì những lỗi lầm trong quá khứ, trong tiền kiếp, thì hãy thành tâm sám hối, năng làm việc thiện, đức Phật sẽ luôn soi sáng và chỉ đường cho bạn. Khi thành tâm sám hối, tu tập từ bi hỉ xả cùng với phát huy năng lực thiền quán để thấy rõ mình và người trong tuệ giác Duyên khởi thì sẽ chuyển hóa được tự ti, mặc cảm thành tự tin, tin vào chính mình, tin vào tương lai cuộc sống.

“Khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có người biết điều, biết mình biết ta là sống”. Trong cuộc đời vốn vô thường và đầy rẫy những ganh đua này, hãy tự vẽ lên cuộc sống bình yên và thanh tịnh cho mình bằng một tâm hồn luôn hướng thiện, khiêm tốn, đẩy xa tâm lý tự ti, mặc cảm. Hãy để mỗi phút giây trong đời ta trôi qua thật ý nghĩa, khái niệm hối hận sẽ không phải một lần vướng bận viếng thăm.

Bài viết: "Sự khác nhau giữa khiêm tốn và tự ti"
Tiểu Phương/ Vườn hoa Phật giáo