Tử tù dưới góc nhìn của Phật giáo

Đạo Phật không chấp nhận khung hình phạt tử hình. Bởi vì giết chết một con người sẽ khiến người đó bị uất hận, khi mà tâm chưa thật sự chuyển hóa và nhất là chưa nhìn thấy việc làm sai trái của mình dần chuyển hóa.


Vào ngày 12 -10 -2006, các phương tiện báo chí đưa tin về tử tù Nguyễn Thị Oanh sinh năm 1967, bị xử tử hình về tội buôn 20 bánh heroin, đang chờ ngày thụ án tại trại giam tỉnh Hoà Bình đã mang thai. Sự kiện này đã gây chấn động trong dư luận, bởi theo qui định của luật pháp Việt Nam và thế giới cho phép giảm án tử hình đối với tử tù đang mang thai vì tính chất nhân đạo. Bà được giam trong phòng biệt giam có không gian từ 6-9m2, mọi sinh hoạt hằng ngày ngay cả tiểu tiện đều diễn ra trong khoảng không gian đó. Mỗi ngày, người làm công tác quét dọn vệ sinh và đưa cơm vào cho tử tù đều phải qua sự giám sát chặt chẽ của những cán bộ quản giáo.

Theo qui định của trại giam, phòng biệt giam nữ chỉ có người nữ mới được phép vào làm công việc dọn dẹp vệ sinh. Nghịch lý thay, có một phạm nhân nam tên Nguyễn Tường Thiên lại được cán bộ trại giam cho phép thực hiện công việc này mỗi ngày trong thời gian nhiều tháng, kết quả là bà mang thai được 3 tháng. Vụ việc xảy ra khiến cho một thiếu uý và một cán bộ quản giáo tại đây bị bắt giam vì tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn tiếp tay cho hành vi sai trái, gây hậu quả nghiêm trọng.

Tử tù dưới góc nhìn của Phật giáo

Hình thức giảm án tử hình xuống tù chung thân đối với người có thai mang tính chất nhân đạo hoàn toàn phù hợp với đạo lý nhà Phật. Ngày nay, trên thế giới có một số quốc gia bãi bỏ hoàn toàn khung hình phạt tử hình. Bởi việc xử tử hình sẽ không giúp cho người ăn năn, hối cải có cơ hội làm mới cuộc đời, ngoại trừ sự ăn năn, hối hận về phương diện cảm xúc.

Tử tù muốn thể hiện sự hồi đầu cụ thể bằng hành động cũng không có điều kiện, vì cái chết đã cận kề. Nền tảng giáo dục đạo đức Phật giáo nhấn mạnh đến hai phương diện: trừng phạt và giáo dục. Luật pháp trong xã hội lại thiên về sự trừng phạt, còn giáo dục chỉ mang tính hỗ trợ vì nó không thuộc trách nhiệm của trại giam. Ngay cả người làm công tác quản giáo tại trại giam cũng không được huấn luyện về tâm lý tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo giúp người phạm tội có cơ hội tháo gỡ nỗi khổ niềm đau đã gây cho con người và xã hội nói chung.

Trong mỗi ngôi chùa Bắc tông luôn thờ hai hình ảnh. Từ phía chánh điện nhìn ra, bên trái thờ tượng ngài Hộ Pháp - tượng trưng cho ông Thiện, bên phải thờ tượng ngài Tiêu Diện Đại Sĩ - tượng trưng cho ông Ác. Gọi ông Ác không có nghĩa là ngài Tiêu Diện Đại Sĩ chuyên làm việc xấu ác, mà ngài tượng trưng cho luật pháp xã hội để trừng trị kẻ xấu ác, khi biện pháp giáo dục đạo đức trở nên bất lực, không thể chuyển hóa được kẻ xấu. Ngược lại, hình ảnh ngài Hộ Pháp lại tượng trưng cho nền tảng giáo dục và đạo đức. Nói cách khác, giáo dục trong Phật giáo dựa trên nền tảng ứng dụng cả hai khuynh hướng cùng một lúc.

Có những con người chỉ cần áp dụng hình thức giáo dục đạo đức là có thể chuyển hóa họ lánh ác làm lành, tự động từ bỏ việc xấu ác trong quá khứ. Chuyển hóa về nhận thức dẫn đến chuyển hóa về hành vi, kết quả là họ đã làm mới cuộc đời. Đây là những người có căn cơ tốt, hạt giống lành, phương tiện thuận lợi, và sự hỗ trợ tích cực. Bên cạnh đó, cũng có những người mà kinh A-di-đà gọi đó là người tính tình cang cường, khó hóa độ, và việc hoá độ về phương diện đạo đức (đức dục) không đủ sức. Lúc đó, khung hình phạt về phương diện luật pháp và hình sự mới thực sự cần thiết.

Tuy nhiên, đạo Phật không chấp nhận khung hình phạt tử hình. Bởi vì giết chết một con người sẽ khiến người đó bị uất hận, khi mà tâm chưa thật sự chuyển hóa và nhất là chưa nhìn thấy việc làm sai trái của mình dần chuyển hóa. Chính vì thế, nên kết hợp cả hai phương diện giáo dục, vừa hình phạt và vừa truyền bá đạo đức song hành với nhau. Nếu chỉ áp dụng duy nhất khung hình phạt, người ta có thể sợ mà không làm. Chẳng hạn như nhìn thấy các loại hình tra tấn dã man, sống trong ngục tù phải đối diện với bóng tối, không có tự do, không có phương tiện giải trí, không được sinh hoạt như một người bình thường v.v… có thể vì sợ nên họ không dám tái phạm nữa. Thế nhưng gốc rễ của hành vi phạm tội vẫn chưa được khắc phục nếu họ mãn hạn tù.

Bài viết: "Tử tù dưới góc nhìn của Phật giáo"
Thượng tọa Thích Nhật Từ/ Vườn hoa Phật giáo