Bài học về trách nhiệm cá nhân từ Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bình Dương

Trong Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bình Dương đầu tháng 1-2017 vừa qua, lần đầu tiên vị giáo phẩm đứng đầu Phật giáo cấp tỉnh đã phát biểu bên cạnh những việc làm được, đã điểm danh rõ ràng các mặt yếu kém và sau cùng là nhận trách nhiệm đối với những yếu kém đó.

HT.Thích Huệ Thông phát biểu nhận trách nhiệm cá nhân trong quá trình quản lý, 
điều hành Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương nhân Đại hội Phật giáo tỉnh kỳ IX - Ảnh: Bảo Thiên

Động thái này tạo sự quan tâm, để lại nhiều cảm xúc đối với những người tham dự và gợi lên bao suy nghĩ khi mà Phật giáo cả nước đang bước vào giai đoạn Đại hội Phật giáo tỉnh thành và tiến tới Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII.

Câu chuyện từ Bình Dương

Mở đầu trong phần nói về những yếu kém liên quan đến công tác điều hành của mình, HT.Thích Huệ Thông, người được tái nhiệm Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2017-2022 đề cập đến yếu tố khách quan khi số lượng cơ sở tự viện Phật giáo trên địa bàn tỉnh phân bố không đồng đều, tập trung đa số tại TP.Thủ Dầu Một, các thị xã như Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và chủ yếu tọa lạc nơi các xã phường, thị trấn trung tâm.

“Một số địa phương khác chưa có cơ sở thờ tự Phật giáo, chưa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tu tập của bà con Phật tử vì không có điều kiện học hỏi giáo lý, dần dần những tín đồ các vùng này xa rời Phật giáo hoặc có chiều hướng theo tôn giáo khác”, HT.Thích Huệ Thông nhìn lại.

Từ việc cơ sở thờ tự phân bố không đồng đều dẫn đến hệ quả là nhân sự Ban Trị sự các cấp huyện vừa thừa - vừa thiếu. Đối với các huyện còn thiếu nhân sự, hoạt động Phật sự không hiệu quả, không được phát triển mạnh như các địa phương khác.

Nói về nhân sự cấp dưới tham mưu các hoạt động Phật sự cho mình, HT.Thích Huệ Thông thừa nhận các Ban Trị sự, các Ban chuyên môn chưa thực sự hoạt động tập trung, hiệu quả trong công việc; việc triển khai các quy định, chương trình hoạt động của Giáo hội từ các Ban Trị sự, huyện, thị, thành đến các cơ sở tự viện chưa được chú trọng và thực hiện tốt; trình độ quản lý điều hành chưa cao, chưa đáp ứng kịp được đòi hỏi nhu cầu của công việc ngày càng phát triển.

Ngoài ra, kiến thức về nghiệp vụ hành chánh Giáo hội, khả năng quản lý điều hành, việc áp dụng các phương tiện hiện đại vào công việc quản lý của trụ trì các cơ sở tự viện, các Ban Trị sự cấp huyện chưa cao, dẫn đến nhiều hoạt động kém chất lượng. Bên cạnh đó, một số ít tự viện chưa thực sự tích cực tham gia vào các hoạt động hoặc không sinh hoạt với Giáo hội.

Những vấn đề nóng trong tỉnh, theo HT.Thích Huệ Thông, chưa được giải quyết triệt để khi vẫn còn hiện tượng tu sĩ từ địa phương khác đến mua đất xây am cốc tu tập, sinh hoạt ngoài sự quản lý của Giáo hội; một số người mang danh nghĩa, hình ảnh tu sĩ Phật giáo, đi làm nghề cúng cho các cơ sở mai táng nhưng Giáo hội không có biện pháp chế tài vì họ không phải tu sĩ Phật giáo, không có tên trong danh bộ Tăng Ni tỉnh.

Hoạt động này tuy không nhiều nhưng cũng làm ảnh hưởng đến hình ảnh trang nghiêm của Giáo hội. Trong tỉnh còn tồn tại hiện tượng khất thực phi pháp; một số đạo tràng niệm Phật do Phật tử tổ chức một cách tự phát, chưa có sự quản lý của Giáo hội.

Từ những yếu kém đó, trước khi tuyên bố kết thúc nhiệm kỳ, vị giáo phẩm lãnh đạo cao nhất Phật giáo tỉnh Bình Dương đã mạnh dạn nhìn nhận vai trò điều hành của tập thể Ban Trị sự mà cụ thể là Thường trực và người đứng đầu chưa quyết liệt, xử lý nghiêm túc dẫn đến những hạn chế khách quan, chủ quan trên. “Trước Đại hội, với tư cách là người đứng đầu, tôi cũng như toàn Ban Trị sự xin nhận các khuyết điểm, hạn chế, những thiếu sót,” HT.Thích Huệ Thông nhận trách nhiệm.

Chia sẻ cùng PV Giác Ngộ với tư cách người được tái nhiệm, HT.Thích Huệ Thông cho biết sau Đại hội chắc chắn Ban Trị sự mới sẽ có những đợt ngồi lại để đánh giá và phân tích các yếu kém để từ đó có thể quy trách nhiệm cũng như tìm giải pháp thay đổi.

“Ở một chừng mực nào đó, nếu các khuyết điểm quá lớn, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì Phật giáo Bình Dương sẵn sàng, mạnh dạn có các động thái đề nghị Trung ương Giáo hội xem xét xử lý theo Hiến chương Giáo hội với các tập thể, từng cá nhân cụ thể trong đó có cả người đứng đầu như chúng tôi”
, Hòa thượng bày tỏ quyết tâm.

Làm mới chính mình

Việc nhận trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trước tập thể hay các thành viên của tổ chức là việc làm thường xuyên của quá trình vận hành, phát triển của bất cứ tổ chức nào. Ở nhiều nước trên thế giới, việc làm này không mới và nó còn đi thêm một bước xa hơn là trong những trường hợp để xảy ra hậu quả nào đó, người đứng đầu với tinh thần cầu thị đã lên tiếng từ chức hoặc nhận những kỷ luật thích hợp.

Tại nước ta, trước yêu cầu hội nhập và minh bạch hóa công tác quản lý điều hành của nhà nước, với nhu cầu sinh tồn và phát triển của nhiều tổ chức dân sự, tổ chức xã hội, việc xem xét trách nhiệm của người đứng đầu đang được quan tâm và đề cập ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Chính vì lẽ đó mà thời gian gần đây, bất cứ vấn đề nào phát sinh, tạo những dư luận không tốt hoặc để lại hậu quả, ngoài việc khắc phục, cộng đồng trong xã hội thường liên hệ đến người đứng đầu tổ chức và đánh giá trách nhiệm của người này để tìm các giải pháp căn cơ cho sự thay đổi, phát triển.

Qua đó, có thể thấy người đứng đầu giữ vai trò quan trọng đối với một tổ chức và tập thể. Họ không chỉ là người đồng hành mà còn thể hiện trách nhiệm dẫn dắt tổ chức đi lên trên cơ sở các chủ trương, kế hoạch đã hoạch định. Trong nhiều trường hợp, bằng sự sáng tạo, cầu thị, người đứng đầu sẽ làm thay đổi tình hình, chuyển hóa điều bất lợi, khó khăn thành cơ hội cho tổ chức của mình.

Đối với sinh hoạt Giáo hội, đến nay, sau hơn 35 năm hình thành và phát triển, hệ thống tổ chức hành chánh cơ bản hoàn thiện từ Trung ương, địa phương và cả ban, ngành các cấp. Về cơ chế, việc chọn người đứng đầu theo chế độ suy cử và nguyên tắc chịu trách nhiệm ở mỗi cấp đều hướng đến vai trò của tập thể nhưng không có nghĩa không ghi dấu của mỗi cá nhân cụ thể, đặc biệt là người đứng đầu mỗi cấp, mỗi ban ngành.

Tuy vậy, trong nhiều năm qua, chúng ta vẫn ít thấy việc nêu trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức trong các sinh hoạt của Giáo hội, đặc biệt là ở những dịp sơ kết, tổng kết, đại hội. Hình ảnh thường thấy vẫn là phát biểu, báo cáo, khen thưởng và cuối cùng là ban đạo từ, chỉ đạo.

Giáo hội là một hình thái tổ chức xã hội, được hình thành và vận hành trong điều kiện chư Tăng Ni, Phật tử, người có cảm tình đối với Phật giáo và cả những đối tượng có sự khác biệt về mặt nhận thức. Không nói ra nhưng ai cũng có thể tự hiểu rằng bên cạnh những thành tựu được nêu và tuyên dương, với bản chất là một tổ chức vốn dĩ có mặt đối lập, Giáo hội và những người đầu các cấp Giáo hội vẫn có những hạn chế, khiếm khuyết cần được đánh giá, góp ý, điều chỉnh. Việc làm này chỉ thực sự hiệu quả khi người đứng đầu biết cầu thị nhận trách nhiệm của mình.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, HT.Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư cho rằng, dù đã trải qua 35 năm nhưng đến nay Giáo hội vẫn chưa có tiền lệ về việc thi hành kỷ luật đối với người đứng đầu khi không hoàn thành nhiệm vụ. Theo Hòa thượng, là một tổ chức rộng lớn, chắc chắn Giáo hội cần chọn người lãnh đạo hội đủ các yếu tố về sức khỏe, trí tuệ, năng lực và nhiệt huyết để giữ vị trí đầu tàu.

“Qua đó, người đứng đầu cần phải luôn xông pha và làm mô phạm để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Trong xu hướng phát triển, Giáo hội đã đến lúc cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu ở hai phương diện: Làm tốt thì được khen thưởng, tuyên dương nhưng nếu không hoàn thành nhiệm vụ hoặc sai phạm thì có các biện pháp xử lý, kỷ luật, chế tài. Tuy nhiên, các bước đi này cần thực hiện một cách cẩn trọng, nghiêm minh và phù hợp”, HT.Thích Bảo Nghiêm đề nghị.