Hội thảo khoa học: 30 năm Phân viện NCPH VN tại Hà Nội và Tạp chí NCPH - Thành tựu và định hướng

Ngày 27/11/2020, tại Giảng đường tầng 1 chùa Quán Sứ (số 73 phố Quán Sứ, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề: 30 năm Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học: Thành tựu và Định hướng.

Tham dự Hội thảo có HT.Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN; HT.Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch thường trực HĐTS GHPGVN; HT.Thích Gia Quang – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban TTTT TƯ GHPGVN, Viện trưởng Phân viện NCPH Việt Nam tại Hà Nội, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Trưởng Ban tổ chức lễ kỷ niệm; HT.Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN; TT.Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS GHPGVN; HT.Thích Thanh Đạt – Ủy viên thư ký Ban Thường trực HĐTS GHPGVN; TT.Thích Thọ Lạc – Ủy viên Thư ký Ban Thường trực HĐTS, Trưởng Ban Văn hóa TƯ GHPGVN; TT.Thích Thanh Tuấn – Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó Văn phòng TƯ GHPGVN; TT.Thích Tâm Đức – Phó viện trưởng Thường trực Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; TT.Thích Nhật Từ – Phó viện trưởng Thường trực HVPGVN tại TP.HCM cùng quý chư Tôn đức Tăng Ni.

Về phía các học giả, các nhà nghiên cứu có PGS.TS Nguyễn Hồng Dương – Trưởng tiểu ban Hội thảo khoa học 30 năm Phân viện và Tạp chí Nghiên cứu Phật học; TT.TS. Thích Đồng Bổn; GS.TS Đỗ Quang Hưng; GS.TS Nguyễn Hùng Hậu; PGS.TS Nguyễn Đức Diện cùng đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu, các thiện tri thức, nhân dân Phật tử đã về tham dự Hội thảo.


Hội thảo khoa học 30 năm Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học: Thành tựu và Định hướng.

Hội thảo khoa học nhằm tổng kết, đánh giá quá trình xây dựng và phát triển Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học trong 30 năm qua trong việc góp phần xây dựng và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc đồng thời đưa ra những định hướng cho thời gian tiếp theo.

Trong 30 năm xây dựng và phát triển, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã có nhiều cải tiến về nội dung và hình thức. Trong đó, nội dung vừa “đúng” và “vừa trúng” với giáo lý đạo Phật được diễn giải một cách logic dễ hiểu. Mặt khác về hình thức thiết kế, bố cục minh họa hình ảnh cũng được cải tiến để phù hợp với tính chất nghiên cứu của một tạp chí nghiên cứu phật học, được cấp phép chính thức của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong Nhiệm kỳ VIII (2017-2022) của GHPGVN có 9 nhiệm vụ trọng tâm và then chốt theo mục tiêu mà Đại hội đã đề ra. Điểm 6 trong Chương trình hoạt động phật sự Nhiệm kỳ VIII có nêu “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu Phật học và nâng cao chất lượng học thuật Phật giáo. Tập trung nghiên cứu có định hướng, khẳng định và làm nổi bật tinh hoa, bản sắc của Phật giáo Việt Nam”. Trong đó, nhiệm vụ nghiên cứu Phật học được Giáo hội đặc biệt quan tâm ở các lĩnh vực nghiên cứu và giáo dục.


Hoà thượng Thích Gia Quang phát biểu tại Hội thảo.

Phân viện sẽ tập trung nghiên cứu, phiên dịch, ấn tống và phát hành các tác phẩm cũng như các công trình nghiên cứu mang tính hệ thống, chuyên nghiệp. Để nâng cao chất lượng hiệu quả về đề tài liên quan đến Phật học, Phân viện sẽ liên kết phối hợp với các trung tâm, viện nghiên cứu về triết học, tôn giáo, Phật học để hợp tác và trao đổi, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về dịch thuật, biên dịch trở thành địa chỉ tin cậy cho các nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, tăng, ni phật tử muốn nâng cao trình độ Phật học tìm hiểu, tra cứu và nghiên cứu.

Phân viện sẽ sắp xếp lại công tác tổ chức, hình thành các Ban nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, Ban Nghiên cứu Phật giáo thế giới, Ban Xuất bản in ấn và Phát hành Tạp chí, Kinh sách và các ấn phẩm Phật giáo, ….

Phân viện phối hợp với Ban TTTT T.Ư GHPGVN, các nhà dịch thuật, nghiên cứu để xuất bản các ấn phẩm về Lịch sử Phật giáo một số nước trên thế giới, giúp cho nhu cầu tìm hiểu tư liệu Phật giáo các nước của các trường Phật học cũng như các nhà nghiên cứu, các giảng viên và sinh viên, bắc nhịp cầu củng cố và phát triển quan hệ giữa Phật giáo Việt Nam và các nước có truyền thống Phật giáo.

Dự kiến trong Nhiệm kỳ (2017-2022), Phân viện sẽ xuất bản các ấn phẩm liên quan đến lịch sử Phật giáo các nước Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia, Butan…  


Nghiên cứu Phật giáo là một việc làm thiết thực và vô cùng quan trọng.

Trong 30 năm hoạt động, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ Phân viện Nghiên cứu Phật học đã thực hiện được những thành quả nổi bật như sau: 

Biên dịch và xuất bản một số bộ Từ điển Phật học, Từ điển Phật học Hán Việt (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội năm 2008) làm công cụ phục vụ cho công tác nghiên cứu Phật học (vì cho đến thời điểm ra đời của Phân viện (1990) ở Việt Nam chưa có một bộ từ điển nào đầy đủ đáp ứng yêu cầu của công tác nghiên cứu Phật học).

Phân viện NCPH VN tại Hà Nội còn biên soạn các công trình như các bộ: “Phật học Hán – Việt Đại từ điển”, “Phật Quang Đại Từ điển”.

Thực hiện sự phân công của Viện Nghiên cứu Phật học, Phân viện đảm nhiệm phần dịch và xuất bản Luật tạng (Luật tạng là một trong Tam tạng Thánh điển của đạo Phật).

Tạng Thanh Văn Luật (Tiểu thừa Luật tạng) 71 bộ.

Tạng Bồ Tát Luật (Đại thừa Luật tạng) 31 bộ.

Dịch một số kinh và Luận trong Kinh Tạng và Luận tạng.

Nghiên cứu biên soạn: Lịch sử Phật giáo Việt Nam giai đoạn cận, hiện đại; Thông sử Phật giáo vùng Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.

Nghiên cứu Văn hoá Phật giáo Việt Nam trong sự phát triển của nền văn hoá dân tộc; một số ấn phẩm nghiên cứu Phật giáo vùng Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á.

Sưu tầm và hệ thống hoá văn học dân gian, văn học bác học Phật giáo Việt Nam và sự đóng góp của nó vào văn hoá dân tộc.

Phân viện NCPH VN tại Hà Nội đã phiên dịch và biên soạn, tổ chức xuất bản và in ấn những tác phẩm Kinh điển, Luật tạng như Luật Tứ Phần, Thiền học đời Trần, Học Phật Quần Nghi, Phật giáo Chính tín, Phật Luật Học, Lịch sử Phật giáo Thế giới 2 tập (Phật giáo Bắc Truyền), Phật học phổ thông, Đức Phật đã dạy những gì?, Con đường thành Phật; Lục Tổ Đàn Kinh; Duy Ma Cật Luận giải;…Trong 30 năm qua, Phân viện NCPHVN tại Hà Nội cũng đã tái bản và xuất bản hàng chục ngàn quyển Kinh sách Phật giáo như: Kinh Phạm Võng; Kinh Phổ Môn; Phật Tổ Tam Kinh; Bát Nhã Dư Âm; Kinh Chú Thường Tụng; Chư Kinh Nhật Tụng; Kinh Chính Pháp Đại Tập Hội; Kinh Diệu Pháp Liên Hoa; Phật Học Khái Lược; Tu Tập Chỉ Quán Tọa Thiền Pháp Yếu Giảng Thuật; …

Biên dịch và xuất bản bộ “Đại Từ điển Phật học Hán-Việt” với 2127 trang (17 x 24).

Phiên dịch Bộ “Tứ phần Luật” (gồm 60 quyển). Đã đưa vào xuất bản 15 quyển. Số còn lại sẽ được xuất bản tiếp vào thời gian tới.

Biên soạn, phiên dịch và đã đưa vào xuất bản trên 30 đầu sách, bao gồm các sách: Triết học, Văn hoá, lịch sử Phật giáo và một số Luận giải triết lý Phật giáo.

Phân viện cũng đã tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi thông tin và hợp tác nghiên cứu với một số Viện và Trường Đại học ở trong và ngoài nước;

Xuất bản Tạp chí Nghiên cứu Phật học: Từ ngày được phép ra tờ “Nội san Nghiên cứu Phật học”. Từ tháng 12/1995, được nâng lên thành “Tạp chí Nghiên cứu Phật học” (02 tháng/kỳ). Hiện nay, duy trì đều 6 số/1 năm; phát hành định kỳ vào ngày 15 các tháng lẻ trong năm. Tạp chí Nghiên cứu Phật học là nơi đăng tải nhiều công trình nghiên cứu của Học sinh cao học, nghiên cứu sinh và Tiến sĩ được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đủ điều kiện để tác giả bảo vệ Luận án Thạc sĩ và Tiến sĩ thuộc các lĩnh vực sử học, triết học. Đến nay đã có trên 50 người, có bài đăng và bảo vệ thành công các học vị nói trên.

Minh Tâm