Nét đẹp truyền thống và bước tiến của Phật giáo tại Nghệ An

Qua quá trình tìm hiểu và nghiên cứu khảo cổ tại các tự viện và phế tích cũng như trong tâm thức người dân xứ Nghệ đã chứng minh Phật giáo có mặt tại đất Nghệ An cách đây hàng ngàn năm. Có thể nói đạo Phật đã được phát triển sâu rộng trong đời sống nhân dân xứ Nghệ.


 
Nghệ An còn được biết đến là mảnh đất "địa linh nhân kiệt" nơi sản sinh ra nhiều anh hùng, hào kiệt làm rạng danh non sông, đất nước như vua Mai Hắc Đế, Hoàng đế Quang Trung, thi sĩ Hồ Xuân Hương… Đặc biệt, Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
 
Hòa cùng với dòng chảy lịch sử, Phật giáo cũng đã sớm có mặt tại Nghệ An có những ảnh hưởng quan trọng trong đời sống xã hội và văn hóa tâm linh của người dân xứ Nghệ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, hầu hết các ngôi chùa tại Nghệ An chỉ còn lại phế tích.

Song, với cội nguồn truyền thừa từ ngàn đời, truyền thống văn hóa, yêu nước của người xứ Nghệ, Phật giáo Nghệ An đang từng bước được phục hồi. Tháng 9/2011, Phật giáo Nghệ An chuyển mình bước sang trang mới bằng việc thành lập Ban Trị sự Tỉnh hội và tiến hành Đại hội Đại biểu lần thứ nhất tại thành phố Vinh.

Tuy mới được thành lập, song với sức sống mãnh liệt và niềm tin, cũng như tâm huyết của tăng ni, phật tử tỉnh nhà đã từng bước ổn định và phát triển vượt bậc, vững chắc, hòa mình cùng phật sự chung của Phật giáo cả nước, làm được nhiều việc ý nghĩa cho đạo cho đời.

Tính đến hết tháng 4 năm 2017, toàn tỉnh có 50 cơ sở thờ tự đạo Phật được công nhận hợp pháp, trong đó có 09 chùa là Di tích lịch sử văn hóa, 05 chùa có tổ chức lễ hội quy mô lớn. 

Ban Trị sự đã kết hợp với Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh tổ chức 2 Đại Giới đàn truyền trao giới pháp cho các giới tử, trong đó Nghệ An có 08 vị, giới thiệu 5 vị đi Quảng Ninh thụ giới, giới thiệu 01 vị đi thụ giới Tỷ khiêu tại Vĩnh Phúc.

Tháng 10/2015, tại Tổ đình Đại Tuệ đã truyền thụ Tam quy ngũ giới, Bồ tát giới cho hàng ngàn thiện nam tín nữ, phật tử. Đây là giới đàn có quy mô bậc nhất khu vực Bắc Trung bộ từ trước đến nay, sau gần một thế kỷ đây là lần đầu tiên Phật giáo Nghệ An tổ chức Đại giới đàn và cũng là nhiệm vụ quan trọng trong Phật sự nhiệm kỳ toàn khóa của Ban Trị sự.

Hàng năm từ 15/4 Âm lịch đến ngày 15 tháng 7 Âm lịch, tăng ni đều tập trung An cư kết hạ, để trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội, giữ gìn quy cũ tùng lâm, trau dồi Giới, Định, Tuệ. Với tính chất đặc thù của Phật giáo Nghệ An, năm 2013 Ban Trị sự đã tổ chức tốt khóa An cư kết hạ cho 14 vị Tăng tại chùa Đại Tuệ và 5 vị Ni an cư tại chùa Cần Linh. Tổng số hành giả tham gia an cư là 19 vị, đây là khóa an cư đầu tiên của Phật giáo xứ Nghệ sau hàng trăm năm bị mai một.

Năm 2014, tổng số hành giả tham dự an cư là 31 vị, năm 2015 có 43 hành giả, năm 2016 có 41 hành giả an cư.

Hiện nay, toàn tỉnh đã có 04 vị tiến sĩ, 04 vị thạc sĩ và 10 cử nhân, 8 vị Trung cấp. Nhằm nâng cao nhận thức cho Tăng Ni, Ban Trị sự đã giới thiệu 02 vị theo học hệ Cử nhân Phật giáo, 04 vị theo học hệ Cao đẳng, 02 vị theo học hệ Trung cấp. Ban Trị sự Phật giáo Nghệ An đã tổ chức mở 02 lớp giáo lý Hoa Sen, có 156 khóa sinh tốt nghiệp khóa 1 và trên 500 Phật tử đang theo học khóa 2 tại chùa Diệc - Trụ sở tạm thời Ban Trị sự.

Qua việc học tập giáo lý, dưới sự hướng dẫn của Chư Tôn đức Giảng sư trong Ban Giáo thụ, Qúy đạo hữu Phật tử đã am hiểu giáo lý cơ bản về Phật giáo và các học viên này chính là những hoằng pháp viên, là hạt giống nhân rộng trong cộng đồng Phật tử; giúp Qúy tăng, ni trong việc giáo hóa chúng sinh.
 
 
 
Nghệ An là vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử và cách mạng lâu đời, được hun đúc từ nhiều thế hệ. Trong những năm qua, đã phối hợp với các cơ quan ban, ngành chức năng chỉ đạo và giám sát công tác Phật sự gắn với văn hóa xứ Nghệ. Vận động các chùa, tăng ni, phật tử ra sức xây dựng và phát huy đời sống văn hóa lành mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần.

Các chùa được kiến thiết ban đầu ngày một khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh, tu học Phật Pháp như chùa Đại Tuệ, chùa Cổ Am, chùa Chí Linh, chùa Diệc, chùa Lam Sơn, chùa Cần Linh, chùa Phúc Thành, chùa Đức Hậu, chùa Chung Linh, chùa Hà, chùa Phổ Môn, chùa Càn Môn, chùa Đảo Ngư, chùa Phúc Quang, chùa Viên Quang, chùa Đông Yên…. 
 

 
Đại lễ Phật đản Liên hợp Quốc 2014 tại Trung tâm Phật giáo Tràng An, chùa Bái Đính tỉnh Ninh Bình, Nghệ An đã tham gia tích cực vào Đại lễ, tạo dấu ấn tốt đẹp đối với đồng bào, phật tử cả nước. Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, các địa phương và các chùa đã tổ chức diễu hành xe hoa Lễ hội văn hóa Phật giáo “Hương sen xứ Nghệ”, chào mừng Đại lễ Phật đản và kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, dâng hương, dâng hoa tại quảng trường và khu di tích Kim Liên - Làng Sen quê Bác thu hút hàng vạn người dân tham gia.

Để thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, Ban Trị sự kết hợp với các cơ quan, ban ngành của Tỉnh và địa phương, tổ chức lễ an vị và cầu siêu tri ân các anh hùng Liệt sĩ Ngày thương binh liệt sĩ 27/7, phối hợp với Hội hỗ trợ gia đình Liệt sĩ tỉnh tổ chức Đại trai đàn cầu siêu các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang Thành phố Vinh.

Đồng thời kỷ niệm ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh, cũng đã tổ chức trang nghiêm lễ tri ân tại Nghĩa trang Thái Lão huyện Hưng Nguyên. Đây là những việc làm, hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc được các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân ủng hộ.

Tổ chức tại chùa Đại Tuệ và chùa Đảo Ngư lễ cầu hòa bình trên biển Đông, lễ cầu siêu, cầu an cho ngư dân và đã tổ chức Lễ cung nghinh chiêm bái Phật Ngọc hòa bình, triển lãm, Khai bút và trồng cây đầu Xuân tại Chùa Đại Tuệ, thu hút hàng chục vạn lượt người về dự.

Các chùa với khóa tu mùa hè đã tổ chức cho hàng ngàn các bạn trẻ tham dự, khóa tu nhằm đem lại môi trường đạo đức cho thanh thiếu niên học tập. Qua khóa học ít nhiều cũng đem lại cho các bạn trẻ về kỹ năng sống, cũng như biết quý trọng cơm ăn áo mặc, biết kính trọng Ông bà cha mẹ, thầy cô. Biết thương yêu và giúp đỡ bạn bè, xa lìa môi trường game online.

Phát huy tinh thần từ bi cứu khổ của Đạo Phật, tăng ni, phật tử tỉnh Nghệ An luôn tích cực trong công tác từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội, với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, tăng ni và phật tử Nghệ An vẫn thường xuyên làm công tác cứu nhân độ thế.

Cụ thể như Chùa Đại Tuệ đã thực hiện nhiều ca mổ tim miễn phí, hàng tháng phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh nấu cơm cháo cho các bệnh nhân nặng gặp hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi tặng quà cho các trung tâm trẻ mô côi khuyết tật trao quà cho bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, ủng hộ xây nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, mở lớp học vi tính để nâng cao nhận thức về tin học cho các em học sinh nghèo, chùa Phúc Thành, chùa Đức Hậu nấu phát cháo miễn phí thường niên tại bệnh viện Ung Bướu đã nhiều năm nay, cấp học bổng học sinh giỏi có hoàn cảnh nghèo cho đến hết Đại học, ủng hộ cho đồng bào bị bão lụt hàng ngàn suất quà, với trị giá hàng tỷ đồng. Thường xuyên tổ chức dâng hương, dâng hoa tri ân các bậc tiền bối hữu công, anh hùng liệt sĩ; thăm hỏi động viên và tặng quà các gia đình chính sách, người có công, như chùa Cần Linh, chùa Phúc Thành, chùa Đức Hậu...

Tăng, Ni, phật tử hưởng ứng ủng hộ các quỹ từ thiện nhân đạo do Mặt trận Tổ quốc và địa phương phát động. Với tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật và truyền thống dân tộc lá lành đùm lá rách, bằng mọi hình thức vận động ủng hộ và tổ chức khám, cấp phát thuốc miễn phí…Điển hình là Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Thượng tọa Thích Thanh Phong, Ni sư Thích Diệu Nhẫn, Đại đức Thích Định Tuệ, Đại đức Thích Tâm Thành ….Qua đó đã góp phần đưa hình ảnh Phật giáo đi vào lòng quần chúng một cách thân thiện, với những giá trị nhân văn sâu sắc. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, các thiết chế văn hóa, các quỹ khuyến học khuyến tài cũng đã được tăng, ni, phật tử tích cực hưởng ứng. Ước tính tổng kinh phí cho các hoạt động từ thiện từ năm 2011 đến nay, khoảng trên 25 tỷ đồng.

Trong nhiệm kỳ qua, lãnh đạo Ban Trị sự đã có nhiều chuyến hoằng pháp đến các nước trong khu vực và trên thế giới. Tăng Ni cũng đã tổ chức nhiều đợt cho phật tử đi chiêm bái, giao lưu với Phật giáo trong khu vực. Qua đó, đã làm động lực thúc đẩy mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Phật giáo các nước, góp phần to lớn trong việc quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam đến bạn bè Quốc tế. 

Để phát huy những giá trị đạt được trong thời gian qua, đưa phật giáo Nghệ An phát triển theo hướng bền vững, trong thời gian tới Ban trị sự GHPGVN tỉnh Nghệ An tập trung vào các phương pháp trọng yếu như: Phương pháp quản lý tăng, ni, tự viện; công tác quản lý các chùa là di tích lịch sử, văn hóa; các chùa trong khuôn viên có các công trình, di tích, các hoạt động tín ngưỡng dân gian; nâng cao nhận thức Phật học cho tăng ni, phật tử; ứng xử của tổ chức Giáo hội Phật giáo, của tăng, ni và phật tử đối với các tư tưởng, cách thức hoạt động mang màu sắc Phật giáo.

Phát huy tư tưởng triết học và khoa học của Phật giáo để truyền bá Phật giáo trong tầng lớp trí thức và thanh niên. Bảo tồn - Kế thừa - Phát huy văn hóa và nghi lễ Phật giáo Việt Nam. Bảo tồn, tôn tạo phục hưng các thiết chế văn hóa cổ kim hài hòa với bản sắc dân tộc và quê hương, giữ gìn và phát huy nét riêng của Phật giáo Việt Nam phù hợp với thời kỳ đổi mới xu thế phát triển.
Thái Quảng - Vườn hoa Phật giáo

Rộn ràng trước kỳ  Đại hội Phật giáo tỉnh Nghệ An

Trên khắp các tuyến đường của Tp.Vinh (Nghệ An), hàng trăm  băng rôn, khẩu hiệu, cờ phướn, cờ Tổ quốc, cờ ngũ sắc và các cụm cổ động ... được trang trí  rực rỡ chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Nghệ An  lần thứ II Nhiệm kỳ 2017-2022. Các phần việc quan trọng khác cũng đang được khẩn trương hoàn tất những khâu cuối cùng. Tất cả vui tươi,  rộn ràng và tràn đầy kỳ vọng về một  nhiệm kỳ Đại hội thành công.