Sự cần thiết của những phát ngôn chính thức từ Giáo hôi Phật giáo

Trong Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN ngày 14-7 vừa qua tại TP.HCM, ông Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ đã có ý kiến với Giáo hội cần củng cố, tăng cường công tác lãnh đạo với 7 điểm, trong đó có việc xử lý các trường hợp tu sĩ vi phạm Giới luật.

Ông Bùi Thanh Hà phát biểu tại Hội nghị 

Ông Bùi Thanh Hà đặc biệt lưu ý rằng, Giáo hội cần phải có phát ngôn chính thức trước thông tin về các trường hợp tu sĩ vi phạm Giới luật, cũng như thông tin liên quan đến Phật giáo đăng tải trên phương tiện truyền thông đại chúng để kịp thời định hướng dư luận.

Đây cũng là lần đầu tiên lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị thẳng với Giáo hội về vấn đề cần phát ngôn chính thức trước các sự việc có liên quan. Ông Hà khẳng định, nếu Giáo hội có phát ngôn chính thức thì sẽ kịp thời định hướng dư luận, và điều đó là có lợi cho Phật giáo.

Như chúng ta đã biết, thời gian qua, ở một vài nơi, báo chí cũng như các kênh thông tin xã hội khác có đăng tải những trường hợp cá nhân tu sĩ, hiện tượng, sự việc liên quan tới Phật giáo, trong đó có nội dung tiêu cực làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến Giáo hội nói riêng và Phật giáo nói chung. Dư luận quan tâm, nhiều người hoang mang không biết thực hư thế nào, nhưng khi đặt vấn đề đó ra, nhiều vị giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội đã né tránh không trả lời.

Tại các cuộc nghị sự của Giáo hội, vấn đề giải quyết khủng hoảng truyền thông liên quan tới Phật giáo đã được đề cập rất nhiều lần, nhưng vẫn chưa được vận dụng nhằm có những phản ứng nhanh đối với các thông tin bất lợi cho Phật giáo, định hướng dư luận. Giáo hội đã có quy chế phát ngôn, nhưng dường như thời gian qua vẫn chưa được thi hành. Bởi, nhiều vị giáo phẩm mang trọng trách này vẫn còn e ngại, chưa có những phát ngôn kịp thời và cần thiết.

Phát ngôn là cơ chế hết sức bình thường đối với các tổ chức, doanh nghiệp. Sự cần thiết của nó đã được nêu cụ thể bằng các điều khoản trong quy định của Thủ tướng Chính phủ về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, đã được ứng dụng phổ biến trong xã hội.

Nếu vì một lý do gì đó, e ngại hoặc né tránh phát ngôn chính thức, thì chúng ta tự nhường việc tham dự, định hướng dư luận trước các vấn đề liên quan, và như thế đã bị động thì lại càng thụ động, làm cho hiện tượng khủng hoảng thông tin càng nặng nề hơn.

Gần đây, việc Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM cử phát ngôn chính thức liên quan tới vụ việc xử lý một cá nhân tu sĩ vi phạm Giới luật, thông tin cung cấp cho báo chí kịp thời đã được dư luận đồng tình.

Việc làm đó có thể nói là giải pháp tốt nhằm xử lý nguy cơ của sự khủng hoảng truyền thông được báo trước, vì vụ việc tương tự cũng đã từng xảy ra ở một địa phương khác nhưng các ban ngành chức năng chưa có biện pháp phù hợp, kịp thời và đúng pháp, để lại những tổn hại lâu dài, nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay.

Mong rằng, lời đề nghị của ông Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ đã được ghi nhận trong Nghị quyết của Hội nghị và sẽ được thực hiện, nhằm tăng cường lãnh đạo của GHPGVN.