Vai trò của Giáo hội sau sự việc chùa Bửu Quang

Vụ việc ở chùa Bửu Quang quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra là câu chuyện để lại nhiều bài học về công tác truyền thông, về phát huy vai trò của Giáo hội trong việc định hướng dư luận xã hội, công tác quản lý tăng, ni và tự viện...


Đọc báo chí, các trang mạng Phật giáo, có nhiều ý kiến khác nhau, người thì bảo kẻ thủ ác chưa phải là “nhà sư”, sao báo chí lại viết là nhà sư?

Có ý kiến sửng sốt, tại sao đã là "nhà sư" mà vẫn giết người, tại sao người bị tâm thần mà vẫn cho "xuất gia", có người bảo kẻ thủ ác chưa phải là nhà sư, mà chỉ là người làm công quả, tập sự ở chùa… 

Bên cạnh các ý kiến của cộng đồng xã hội, có một vài ý kiến trên các trang mạng Phật giáo nêu trách nhiệm của Ban Thông tin Truyền thông Giáo hội trước các thông tin ảnh hưởng đến Phật giáo đăng tải trên báo chí?.
Những truy xét đó, không sai và chưa đúng. Vì sao lại như vậy?

Thứ nhất, báo chí hoạt động tuân theo luật báo chí, báo điện tử và các trang mạng xã hội, nhiều khi do chạy theo sự kiện, nên đã đưa tin nhanh, có thể có một số chi tiết chưa đúng về đối tượng thủ ác, tuổi của nạn nhân, danh sách các nạn nhân bị hại,…Nếu thông tin sai sót mang tính tiểu tiết, chúng ta cũng đừng quá lo lắng và vội vàng quy chụp báo chí thiếu khách quan với Phật giáo hoặc cố tình xuyên tạc, không có thiện cảm với Phật giáo. 

Báo chí có thể có lúc giật gân câu khách quá mức, nhưng qua sự kiện vụ việc ở chùa Bửu Quang, ngay sau đó một ngày khi có Công văn của BTS GHPGVN Tp.Hồ Chí Minh có thông báo “hung thủ không phải là tăng sĩ”, đồng loạt các báo đã đăng tải thông tin đó, một cách khá kịp thời và khách quan.

Trong vài năm gần đây, khi xảy ra một số vụ việc liên quan đến một số vị tăng sĩ Phật giáo, cũng có ý kiến nêu trách nhiệm của Ban Thông tin Truyền thông Giáo hội trong việc bảo vệ hình ảnh tăng đoàn và của Giáo hội trước các “sự cố truyền thông”. 

Trước hết, thiết nghĩ khi sự việc xảy ra ở địa bàn nào, BTS ở địa phương đó phải có kết luận và thông báo cụ thể vụ việc và gửi kết luận đó cho Ban Thông tin Truyền thông hoặc cho báo chí thì báo chí mới có chất liệu để đăng tải một cách khách quan. Khi xảy ra vụ việc liên quan đến tăng sĩ, trách nhiệm đầu tiên là của cơ sở tự viện có liên quan, BTS cấp quản lý trực tiếp, Ban Tăng sự, Ban Pháp chế....và cả của Ban Thông tin Truyền thông.

Khi xảy ra sự việc, nếu càng né tránh thì thiện cảm mà dư luận xã hội dành cho Phật giáo sẽ càng suy giảm, dù bất kỳ vấn đề nào xảy ra chúng ta cũng đừng vội quy chụp cho các thế lực chống phá Phật giáo, vì chuyện đó thời nào cũng có, nhưng không có gì đáng lo. 

Truyền thông luôn tuân theo những quy luật của truyền thông, sự thịnh suy của một tổ chức cũng vậy. Nên bình tâm và nhìn lại chính những khuyết tật của mình, hơn là tìm cách đổ lỗi cho sự chống phá. 

Sự chống phá là có, xuyên tạc là có, nhưng với trình độ xã hội ngày nay, những trò đó sớm hay muộn cũng bị quy luật khách quan, trí tuệ đại chúng phát giác, vạch trần. Xin đừng lo.

Đức Phật đã dạy, tôn giáo vi diệu mà Ngài sáng lập thì không có thế lực nào có thể xuyên tạc, chống phá được. Chỉ có đạo Phật ở thế gian suy vong là do "sư tử trùng thực sư tử nhục", khi nào giới luật còn thì phật pháp còn. 

Hiểu được điều đó, những cư sĩ, phật tử hộ đạo đừng lo lắng về việc truyền thông phanh phui các sự việc tiêu cực trong Giáo hội, hoặc sự vi phạm của một số cá nhân người tu hành....sẽ làm suy yếu Phật giáo? 

Theo chúng tôi, khi sự việc đã thành dư luận xã hội thì càng che dấu, càng gây ra những bất lợi cho Phật giáo. Khi che dấu hoặc im lặng cùng với thời gian sự việc có thể chìm xuống, nhưng uy tín và hình ảnh của Giáo hội sẽ không vì thế mà "nổi lên".

Trở lại vai trò và trách nhiệm của các Ban, của Giáo hội trong các nhiệm vụ cụ thể. Hiện tại, hoạt động của Giáo hội lấy phương châm "tự giác thì giác tha", tự nguyện hoạt động, tức là chưa có chế tài, (*), chưa có chế tài sẽ lấy đâu ra cơ sở pháp lý - công cụ để quy trách nhiệm của từng Ban chuyên môn và từng cá nhân phụ trách các chức trách trong tổ chức?

Trong mấy năm qua, khi báo chí phản ánh về một số vị tăng sĩ vi phạm giới luật, vi phạm pháp luật nhưng đáng tiếc gần như BTS quản lý trực tiếp vị tăng sĩ đó đều án binh bất động, không có bất kỳ một kết luận nào? Đến nay, đã có BTS nào, vị chức sắc Giáo hội nào bị xử lý vì lý do đó chưa? Trở về sự kiện ở chùa Bửu Quang, ở góc độ truyền thông, có thể nói BTS Phật giáo Tp.HCM đã có phản ứng khá kịp thời, nhanh nhạy. Nhưng việc phản ứng như vậy cũng chỉ mới giải quyệt phần ngọn của vấn đề so với khá nhiều vấn đề cấp bách hiện nay mà Giáo hội đang phải nhận lãnh trách nhiệm trước lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam. 
Chúng ta thử đặt ra một số câu hỏi:

Ban Tăng sự T.Ư đã có Công văn về việc tăng cường quản lý tăng, ni, tu sinh thực tập tu tại các tự viện, nhưng nếu BTS các tỉnh không thực hiện thì sao? (ở đây không đề cập đến sự quản lý của từng tự viện, sơn môn, về hệ phái..). Đâu là chế tài để xử lý, cơ quan nào của Giáo hội sẽ xử lý các vụ việc mà báo chí và dư luận phản ánh, xử lý đơn thư phản ánh của tăng, ni, phật tử?

Thiết nghĩ ở góc độ truyền thông, các cư sĩ, phật tử và quý tăng, ni có tâm huyết với Phật giáo hãy đặt ra nhiều câu hỏi và cũng mạnh dạn phản ánh mang tính góp ý, xây dựng để qua đó tạo ra áp lực đủ mạnh để Giáo hội Phật giáo Việt Nam có sự đổi mới về tổ chức, có công cụ và chế tài để xử lý các vụ việc thuộc phạm vi giải quyết của Giáo hội. 

Nếu chưa có chế tài và trách nhiệm cụ thể của từng Ban, Viện, của từng cá nhân tu sĩ đảm nhận chức trách thì chừng đó sẽ còn xảy ra những vụ việc mà chúng ta chỉ có "bắn chỉ thiên", hoặc đánh bài "im lặng là vàng", nhưng nào đâu phải "vàng" là một kim loại quý mà là vàng thau lẫn lộn... 

Thời gian qua ở góc độ quản trị xã hội, chúng ta đã biết, có một loạt vụ bổ nhiệm con ông cháu cha, tuy đã có những quy định cụ thể của luật pháp, nhưng trả lời dư luận, một số cơ quan chức năng còn giải trình “nào là đúng quy trình”, nào là “đúng tiêu chuẩn”, được sự “nhất trí của cấp ủy”….Có chế tài, có luật pháp mà còn xảy ra những kẽ hở để các quan tham, các nhóm lợi ích chối quanh co, mưu cầu lợi ích riêng. 

Trong khi với tổ chức Giáo hội, tuy có những đặc thù của một tổ chức tôn giáo song khi đã hình thành tổ chức, tức là có các hoạt động xã hội thì tổ chức đó muốn hoạt động có hiệu quả phải tuân theo mô hình và tổ chức được thiết lập với chức năng và quyền hạn cụ thể. 

Tổ chức Giáo hội có liên quan đến nhân sự, liên quan đến sự tin kính của hàng chục triệu người, liên quan đến tiền tài và vật chất vô cùng lớn do đàn na tín chủ cúng, thí; liên quan đến chức danh, liên quan đến tài sản như các tự viện, đất đai....liện quan đến quan hệ tôn giáo với các tổ chức trong và ngoài nước. Tổ chức đó lại là tổ chức duy nhất kế thừa truyền thống Phật giáo Việt Nam như trong Hiến chương đã ghi. 

Vậy mà đã 35 năm qua, Giáo hội là tổ chức quản lý bao trùm nhiều vấn đề như vậy nhưng chế tài để quản lý lại được xây dựng hết sức lỏng lẻo, nếu như không muốn nói là chưa có chế tài gì cả, chỉ mang tính chất "bình hoa, cây cảnh" như một số tổ chức không liên quan nhiều đến quyền lợi tinh thần và tài sản thì rõ ràng là bất cập.

Phân biệt giữa tổ chức khác với vai trò của của từng cá nhân, do vậy cách quản lý theo tinh thần "tự giác thì giác tha" không thể áp dụng trong trường hợp một tổ chức.

Câu hỏi đặt ra, nếu các đơn vị, cá nhân trong Giáo hội không tự giác thì ai tha? Dư luận xã hội có "tha" không? Quy luật "thịnh - suy" của đạo Phật có "tha" không?. 

Khi chưa có chế tài đủ mạnh, và có hiệu lực. Ai dám chắc một tổ chức lớn, bao trùm như vậy, sẽ không nảy sinh những hoạt động mang tính lợi ích nhóm, nếu không có chế tài cụ thể. Khi xuê xoa có thể bỏ qua, nhưng lúc cần lại có thể “nhân danh” đủ thứ để hạn chế sự phát triển, nếu sự phát triển đó không đảm bảo một số “lợi ích” của một số cá nhân chi phối tổ chức?

Thứ hai, qua vụ việc ở chùa Bửu Quang, dù ban đầu đã có xác minh là đối tượng không phải là nhà sư, nhưng một kẻ có dấu hiệu tâm thần (như nhà sư trụ trì đã biết trước đó), sao lại được nhận vào tu học tại chùa? Việc nhận thực tập tu như vậy có vi phạm giới luật đạo Phật hay không?  

Khi chọn người xuất gia, hoặc tu học ngắn hạn thiết nghĩ chúng ta không thể làm một cách tuỳ tiện mà phải cân nhắc cẩn thận. Vì người xuất gia vốn là biểu tượng của Thánh chúng, trưởng tử của Như Lai, Đạo sư của trời người, là tượng trưng cho đạo đức và giải thoát. Nếu vị thầy bất cẩn, cho những người thiếu phẩm chất đạo đức và thân thể khiếm khuyết xuất gia, thì không những vi phạm những điều Phật chế mà còn làm cho thanh danh của Giáo hội bị tổn thương, uy tín của Tăng đoàn bị hoen ố, và khó tránh khỏi sự hủy nhục của người đời. 

Thứ ba, ngày trước khi người thầy nhận trò vào chùa tu học là phải trải qua các bước thử thách, người thầy phải kèm học trò một cách có trách nhiệm, để hướng đạo cho một “bậc thầy của ba cõi trong tương lai”. Nhưng nay, việc cho xuất gia ở nhiều nơi đang thực hiện hết sức dễ dãi. 

Hiện nay, Giáo hội có nhiều nhân sự đảm nhận các chức danh trong vai trò kiêm nhiệm, người thầy lãnh nhận học trò trong hoàn cảnh đó, lấy đâu ra thời gian để độ tu cho học trò? Thậm chí có người thầy hàng năm trời không gặp mặt học trò mà mình đã "độ", đã xuống tóc. Lý do, vì công việc quá bận. Thử hỏi việc "độ" cho người xuất gia như thế có còn nhiều ý nghĩa không?

Cá biệt, có người độ cho người tu trẻ và coi họ như là những “ô sin” giúp việc, để lo việc chùa, để thầy còn lo nhiều sân khác, chạy theo nhiều quy luật khác, và còn dành thời gian cho một loạt chức danh khác, lợi ích khác?. 

Nếu ở đâu đó vẫn có tình trạng trên, chắc chắn sẽ còn xảy ra những việc này, việc kia liên quan đến đời sống “phạm hạnh” có vấn đề của một số vị tu sĩ trẻ hiện nay. 

Thứ tư, một mặt dư luận đánh giá rất cao Công văn mới đây của Ban Tăng sự T.Ư, và Công văn của BTS GHPGVN Tp.HCM nhưng cũng có ý kiến cho rằng đó là vì đối tượng liên quan đến một người tập tu, nhưng nếu là một tu sĩ thì sự việc không giản đơn, đặt ra nhiều vấn đề về chế tài cụ thể để phát huy hiệu lực của các Công văn hành chính đó!?. 

Một loạt sự kiện mà dư luận báo chí đã phản ánh trong các năm vừa qua, có không ít sự kiện là sự im lặng của BTS Giáo hội các cấp, hoặc nếu không im lặng thì sự lên tiếng cũng chỉ "bắn chỉ thiên", mọi việc lại rơi vào "im lặng là kim cương" nhưng không phải kim cương là đá quý, mà "kim cương" là nếu làm cương quá, trò mà "già néo đứt dây" thì thầy cũng lâm nguy vì đủ thứ phức tạp.

Một khi chúng ta không thực sự giải quyết phần gốc của các vấn đề mà chỉ chạy theo dư luận, đối phó với dư luận hoặc né dư luận theo kiểu “mũ ni che tai” thì chắc chắn uy tín của Phật giáo sẽ bị ảnh hưởng là điều có thể khẳng định.Trở lại việc quy trách nhiệm, nói không sai vì không có việc gì mà không có nguyên nhân của nó, chưa đúng vì đã truy thì phải truy từ gốc đến ngọn. Truy phải có căn cứ.

Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang tiến hành đại hội ở các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc vào cuối năm 2017, thiết nghĩ những ai có trách nhiệm với tiền đồ Phật giáo Việt Nam hãy nói thẳng, nói thật để xây dựng và góp ý với Giáo hội về đổi mới tổ chức, xây dựng khuôn khổ và có chế tài cụ thể thì lúc đó Giáo hội mới có đủ công cụ để thực hiện sự thống nhất quản lý trong chính tổ chức của mình. 

Nếu không, việc thành lập thêm các Ban, Viện, thành lập đủ các BTS khắp các tỉnh/thành trên cả nước cũng mới chỉ giải quyết phần hình tướng của tổ chức, trong khi truyền thống vẻ vang của Phật giáo Việt Nam là ở nội lực cụ thể, ở từng hành động cụ thể có gắn bó bằng các việc làm cụ thể ích đạo, lợi đời, không phải ở các khẩu hiệu.

Giới Minh

Chú thích:
Ban Tăng sự T.Ư Giáo hội ngày 7/10 đã có Công văn gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc quản lý tăng, ni và phật tử, cư sĩ tu học tại các tự viện.

(*) Bài viết này chỉ bàn về chế tài ở góc độ của tổ chức Giáo hội, không bàn về chế tài theo sơn môn, theo giới luật, hoặc theo từng tự viện....)


Ghi chú: Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn nhận và cách hành văn riêng của tác giả, một cư sĩ Phật giáo sinh sống tại Hà Nội