Vụ Clip sư đánh bạc ở Thái Nguyên

Mấy ngày qua, liên tục trên trang mạng đưa những tin không tốt đẹp gì đến các chùa, mang danh tu sĩ. Chùa Bửu Quang Thủ Đức xẩy ra án mạng, giết hại tu sĩ trong chùa, giờ đến chùa Mồi ở Phố Yên, Thái Nguyên đánh bài ăn tiền.


 
Qua tìm hiểu và báo cáo của BTS Thái Nguyên, bước đầu xác minh, hai chú Ngô Duy Sơn (tức Giác Minh) SN 1994 và Ngô Duy Giang (tức Giác Ân) SN 1992 là chú tiểu cùng với ba nữ và một nam (sinh viên), đến chùa phụ giúp để chuẩn bị cho cuộc lễ của chùa. Sau một ngày lao động, đến tối, mấy chú giải trí bằng bộ tú lơ khơ. Khi tổ an ninh xóm Chùa, xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên phát hiện đèn chùa còn sáng, vào xem thì thấy bộ bài còn để trên sàn, lúc  ấy mấy chú đã giải tán để ai về nhà nấy.

Trong số ba nữ một nam là sinh viên phật tử, ra về thì hai chú tạm ứng mấy trăm cho họ về xe. Lúc bấy giờ thầy trụ trì đi vắng.Thế là nhân viên an ninh thị xã Hồng Tiến, xóm chùa, đã lập biên bản, buộc 6 người có mặt phải ngồi lại, cầm bài lên như đang đánh, để quay phim chụp hình đưa lên báo. Các chú không đồng ý, họ hăm: -"chống lại người thi hành công vụ" sẽ nặng hơn tội bài bạc. Từ đó, hình ảnh hiện trường được dựng lên.
 
1/ Đây là bài học đau thương cho các chùa, thầy nghiệp sư hay trụ trì phải giáo huấn nghiêm khắc những ai ở trong chùa hoặc đến làm công quả phải chấp hành nghiêm túc thanh quy của chùa và luật pháp của xã hội. Thà chùa không có sư còn hơn nhận bừa những người thiếu nhân cách. Đã bỏ gia đình ở chùa còn tiếc gì những môn giải trí tầm thường để chính quyền kết tội và tạo thanh kiến cho xã hội..
 
2/ Với vài trăm ngàn làm vật chứng như thế có đáng để chính quyền bôi bác nhà chùa trong khi hai chú chỉ là chú điệu. Đáng ra, chính quyền nên gặp riêng thầy trụ trì để làm việc, cảnh cáo khiển trách người của chùa. Chùa có chủ, phải thông qua  người đứng đầu trong chùa trước khi đưa ra xử lý. Nếu sự kiện xẩy ra ngoài vỉa hè thì chính quyền đủ thẩm quyền truy cứu. Vào nhà dân còn phải có sự chấp thuận của chủ nhà huống thay đây là cơ sở tôn giáo. Nếu lúc đó không có thầy trụ trì, thì lập biên bản để làm việc khi thầy về, chứ không có quyền tự ý đưa lên báo bôi bác nhà chùa với danh xưng chưa đúng về một tu sĩ.
 
3/ Trong cuộc sống, bậc Thánh như Khổng Tử còn có lúc sai lầm huống thay người tập tu. Nghiêm khắc với sự ngoan cố chứ đâu phải vu cáo với kẻ vô tư như các em sinh viên và hai chú tiểu ăn chưa no lo chưa tới như thế. Người cầm pháp luật trong tay hẳn đã phải hơn tuổi mấy em, tuổi mà đáng con cháu, thử hỏi con cháu quý vị có hoàn hảo, chắc gì cuộc sống không sai phạm?
 
BTT Tỉnh đã kịp thời có cuộc họp bất thường và làm việc với vị nghiệp sư của hai chú tiểu.

"Qua bản "Thông Báo" của BTS PG Tỉnh Thái Nguyên thì:

Vào lúc 22g ngày 20/10, chùa Mồi xã Hồng Tiến, Thị xã Phố Yến, ông Đáng là trưởng xóm chùa vào xin nước uống, sau đó, ông Điều, công an viên xóm trên, người nồng nặc rượu, mặc thường phục, tự động xông vào đẩy cửa phòng riêng của chùa, thấy bộ bài xếp gọn trên chiếu lúc nầy các sinh viên chuẩn bị ra về sau một ngày làm công quả, thấy có khách, các em ngồi nán lại, thế là ông Điều bắt các em ngồi lại, bỏ hết tài sản (điện thoại, tiền, giấy tờ tùy thân) ra làm vật chứng, phải nhận đã đánh bài,  gọi người dân đến chứng kiến,nếu không tuân lệnh sẽ ghép tội chống người thi hành công vụ; Ông Điều gọi công an xã có ông Lưu quốc Hưng, phó công an xã, mang gậy và còng số 8, quần đùi áo cộc đến, ông ta tát tai hai chú tiểu.

Hơn 1g sáng 21/10/2016 mới đưa các nghi can về trụ sở UBND xã làm việc."

 
4/ Phong cách làm việc của chính quyền lúc vào chùa chưa phải là giờ giới nghiêm, vi phạm "xâm nhập gia cư bất hợp pháp". Không mặc cảnh phục, hoặc ít ra phải áo quần nghiêm túc vào chốn trang nghiêm. Người nồng nặc rượu khi làm việc là không đúng tác phong một cán bộ. Một cán bộ chỉ có quyền xử lý theo luật định, đánh dân, mà là người của chùa là một việc làm xem thường tôn giáo, xem thường luật pháp. Cố tình ghép tội khi mà hiện trường không đủ yếu tố đang thực hiện phạm pháp.
 
5/ Ngoài vấn đề BTS trục xuất hai chú tiểu khỏi chùa, Phật giáo cần nghiêm khắc cảnh cáo chính quyền xã lạm dụng chức quyền hành động sái nguyên tắc, yêu cầu kỷ luật cán bộ đánh dân, khi xâm nhập cơ sở tôn giáo không mặc sắc phục nghiệp vụ. BTS PG Tỉnh cần làm việc với cấp Tỉnh tương đương mà không cần phải đối chất với cấp xã. Thầy trụ  trì cần mời những cán bộ có liên can đến vụ việc đến chùa giải tỏa những mắc mứu không rõ ràng và yêu cầu chính quyền khi vào chùa khám xét cần có thầy trụ trì hay người thay mặt có thẩm quyền, ngoại trừ những vụ nghiêm trọng đến an ninh địa phương, cán bộ đánh dân phải xin lỗi nhà chùa. Quốc có quốc pháp, tôn giáo có thanh quy luật đạo chứ không phải rừng hoang.
 
6/ BTS các Tỉnh thành, ngoài Bố tác hàng tháng, cần sinh hoạt với các chùa trong Tỉnh để chỉnh đốn oai nghi đạo hạnh của nội chúng, tránh những tai tiếng không đáng có. Ban Pháp chế và Ban Tăng sự thường xuyên đôn đốc các địa phương nghiêm trì giới luật. Qua sự việc nầy, BTS Tỉnh chỉ đạo các chùa nên treo bản thanh quy và thực hiện nghiêm túc luật Đạo.
 
BTT PG Tỉnh đã kịp thời có cuộc họp bất thường và làm việc với vị nghiệp sư của hai chú tiểu, để xử lý sự việc là điều rất tốt, nhưng chưa đủ nếu BTS không làm việc với chính quyền cấp Tỉnh để cảnh cáo cán bộ cấp xã làm sái nguyên tắc và áp chế buộc các em nhận tội.
 
Chức quyền không có nghĩa muốn áp đảo dân buộc nhận tội là được. Chỉ mới cấp xã đã xem thường dân và Tôn giáo như thế thì nếu làm lớn hơn, dân phải chịu hàm oan những gì cán bộ muốn???
 
MINH MẪN - Vườn hoa Phật giáo
22/10/2016