Dư âm từ một khóa tu đặc biệt

“Mấy mươi năm mới có một khóa tu đầy ấn tượng”, đó là lời chia sẻ của HT.Thích Như Tín, vị giáo phẩm trực tiếp tham gia khóa tu. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên Giáo hội TP.HCM tổ chức khóa cấm túc tại Việt Nam Quốc Tự (Q.10) - trung tâm văn hóa, tâm linh, hành chánh của Phật giáo thành phố còn đang trong giai đoạn hoàn thiện.


Chư Tăng cùng thực hành thiền định mỗi khuya tại chánh điện Việt Nam Quốc Tự 

Ở đó, khóa tu dành cho gần 100 hành giả Tăng là lãnh đạo BTS Phật giáo TP, 24 BTS Phật giáo quận huyện, các ban ngành chuyên môn đã diễn ra với các thời khóa theo quy củ thiền gia liên tục từ 11-8 đến 20-8-2017 (nhằm ngày 20-6 đến 29-6 nhuần - Đinh Dậu).

Mỗi ngày bắt đầu từ 3g30 đến 21g, bao gồm thời khóa tụng niệm, quá đường, kinh hành, tọa thiền, lễ sám, pháp đàm… trong không khí thiền vị và nghiêm mật. Điều đọng lại là sự kết nối giữa các thế hệ Tăng cùng sống chung, cùng tu tập, chia sẻ kinh nghiệm hành đạo và thảo luận về các vấn đề thiết thực liên quan tới Tăng sự, lễ nghi, nhân sự và phương hướng hoạt động của Giáo hội TP nhiệm kỳ tới, trước thềm Đại hội đại biểu Phật giáo TP lần thứ IX.

Sức sống của tập thể Tăng-già

 HT.Thích Như Tín, Phó BTS kiêm Trưởng ban Kiểm soát TP cho biết những cảm xúc hết sức đặc biệt, đó là sự kết nối, sức sống mãnh liệt của tập thể Tăng các thế hệ cùng chung tu tập, thảo luận qua các thời khóa theo quy củ thiền gia. Khóa tu đã làm tăng khả năng giao tiếp, trau dồi nội lực tu tập của mỗi cá nhân trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết của Tăng chúng. Điều đó rất cần thiết cho Giáo hội TP trong tương lai.

Với TT.Thích Tâm Đức, Phó Viện trưởng Thường trực Viện Nghiên cứu Phật học VN, khóa cấm túc dù chỉ có 10 ngày nhưng đã cho thấy sức sống nội lực của mỗi người. Các thời hành trì thiêng liêng đã nuôi dưỡng tâm đạo cho mỗi hành giả, thanh tịnh đạo tràng, trang nghiêm Giáo hội.

TT.Thích Trí Chơn, Trưởng BTS Phật giáo quận 12 tâm đắc: “Khi số đông hội chúng Tỳ-kheo ngồi lại cùng nhau tu tập sẽ tạo ra năng lượng công đức rất lớn. Đây là sức mạnh tâm linh mà Phật, chư Tổ đã dạy. Tâm nguyện ‘đất nước hòa bình, nhân dân an lạc’ hay ‘Phật pháp hưng thịnh’ có được cũng nhờ vào năng lượng thánh thiện này. Sự vững mạnh của một Giáo hội cũng bắt đầu từ các pháp hành của Tăng sĩ.

Chính vì thế, khóa tu đã thể hiện được tinh thần hòa hợp chúng, sống dưới một mái nhà chung của Giáo hội. Đồng môn, đồng đạo mà không có cơ hội ngồi lại với nhau thì không thể kết tình huynh đệ trong Phật sự chung. Đây cũng là cơ hội để trao đổi công tác Phật sự liên quan và kinh nghiệm hành đạo của Phật giáo quận, huyện với nhau”.

 

Mỗi sáng đều có buổi pháp đàm chia sẻ về kinh nghiệm tu và hành đạo, thảo luận chương trình Phật sự trong tinh thần hòa hợp

Dấu ấn của tinh thần "tác pháp biện sự"

Ngay từ đầu, HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM, Trưởng BTS Phật giáo TP, Trưởng ban Tổ chức đã khẳng định, đây là khóa tu vân tập trí tuệ tập thể để quyết định các Phật sự quan trọng của Phật giáo TP. Chính vì thế, mỗi hành giả là một nhân tố quan trọng, đã tinh tấn trong các thời khóa, điều chỉnh theo các nghi thức tụng niệm, hành trì được chư tôn đức Tăng sai hướng dẫn, dù có những khác biệt do yếu tố vùng miền, hệ phái, hay được truyền thừa từ thầy tổ.

Thế nên, các buổi pháp đàm về nghi lễ thiền môn, giới luật, hành chánh Giáo hội, chư tôn đức thảo luận, góp ý rất sôi nổi, mạnh dạn chia sẻ chánh kiến, sự hiểu biết, kinh nghiệm hành đạo cũng như những suy tư về hướng hoạt động của Phật giáo TP.

Là hành giả tham dự, TT.Thích Huệ Minh, Phó Trưởng ban Thường trực BTS Phật giáo H.Bình Chánh bày tỏ: “Các nội dung thảo luận về nghi lễ rất bổ ích. Bởi lẽ xưa nay các chùa không chuyên về nghi lễ thường thực hiện tùy tiện. Với những gì đã diễn ra và thực hiện tại khóa tu này nếu được áp dụng rộng rãi cho các chùa trong TP thì chúng ta vừa duy trì được truyền thống và có sự thống nhất trong các lễ nghi chung cho đại chúng”.

Cải cách hành chánh của Giáo hội theo hướng “hành chánh điện tử”, công khai vấn đề nhân sự là một trong những nội dung được thảo luận tại các buổi pháp đàm.

TT.Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP cho đây là một sáng kiến rất hợp thời, bổ ích, thiết thực của lãnh đạo Phật giáo TP. Nó thể hiện rất rõ sức mạnh đoàn kết, tính dân chủ trong giải quyết các vấn đề. Từ đó các ý kiến đóng góp, tập thể sẽ quyết định các hoạt động Phật sự quan trọng của Phật giáo TP trong tương lai.

TT.Thích Trí Chơn cảm nhận tinh thần ‘tác pháp biện sự’ đã được thể hiện rõ nét, nói cách khác là tính dân chủ trong tập thể được phát huy cao tại các buổi thảo luận trong chương trình của khóa tu. Đây là dịp để các hành giả có cơ hội nói lên tiếng nói của mình. Điều quan trọng là Ban Chức sự đã tạo được môi trường phát huy tính dân chủ, tạo điều kiện để hành giả có thể đem tâm nguyện, trí tuệ cống hiến cho Phật sự chung của Giáo hội tương lai.

Hàng năm, Giáo hội TP tổ chức được thế này thì Việt Nam Quốc Tự không chỉ là một trung tâm văn hóa, hành chính của Giáo hội TP hay một ngôi chùa đơn thuần, mà nó còn là một trung tâm trau dồi, huấn luyện nhân sự lãnh đạo, đào tạo Tăng sĩ có ‘Phật chất’ tham gia gánh vác Phật sự của Giáo hội.
 

Các hành giả đã thống nhất trao tặng số tịnh tài 400 triệu đồng do Phật tử cúng dường đến đồng bào bị thiên tai 

Kết thúc khóa tu, 100 % hành giả biểu quyết cần duy trì khóa cấm túc hàng năm để chư Tăng lãnh đạo Phật giáo TP, các quận huyện, ban ngành có sự kết nối, chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hành đạo trong các năm sau.