Đoàn dâng hoa Hữu Thiện - Những nụ hoa an lạc

Tới chùa Huê Lâm (quận 11, TP.HCM), nhắc đến đoàn “dâng hoa Hữu Thiện”, chư Ni cũng như Phật tử ở đây không ai không biết, bởi nét đơn sơ, thành kính của các thành viên trong đoàn.


Thành viên Đoàn dâng hoa Hữu Thiện
 
Được thành lập từ năm 2011, đến nay, số lượng thành viên của đoàn lên đến 163 người. Điều đặc biệt là, hơn phân nửa thành viên của đoàn là người lao động nghèo. Trước khi trở thành thành viên, họ đều không biết đến Phật pháp.

Trong quá trình tìm hiểu, chị Quỳnh Hương, trưởng đoàn đã trợ duyên cho các chị trong đời sống mưu sinh, tận tình giải thích các lý do vì mình nghèo nên theo lời dạy của Đức Phật. Và vì sao phải chia sẻ, cho đi… họ đã được chuyển hóa, rất tin kính Tam bảo và tích cực thực hiện các việc thiện để vun bồi phước báu.

Sống an lạc có ý nghĩa - không mặc cảm phận nghèo

SC.Thích nữ Như Nguyệt, chùa Huê Lâm cho biết: “Bảy năm nay, vào các ngày mùng một, rằm, lễ lớn của Phật giáo, đoàn dâng hoa Hữu Thiện đều dâng hoa cúng dường cho chùa Huê Lâm và cho các chùa khác. Các thành viên đoàn dâng hoa luôn ý thức rằng, dâng hương hoa, nhang đèn lên Đức Phật chính là dâng những điều đẹp nhất lên Ngài, ngắm sự trang nghiêm của Ngài mà tu sửa để mỗi người luôn đẹp ở thân và tâm. 

Phụng hành lời dạy của Đức Phật về trải lòng từ bi, các thành viên còn cùng nhau hành động, hùn phước, tổ chức tiệc chay gây quỹ học bổng, chia sẻ tấm lòng với những người nghèo. Đặc biệt, đoàn đã giúp người nghèo trả những khoản nợ nóng, góp vốn - tạo “cần câu” cho họ làm ăn, thoát nghèo khổ”.


Một thành viên bộc bạch: “Mấy năm trước, tôi vay nặng lãi của xã hội đen bên ngoài, không tiền trả nợ nên bị dồn vào bế tắc. Rất may chị Quỳnh Hương đã giúp trả hết khoản nợ 3 triệu, rồi chị hỗ trợ vốn làm ăn. Nhờ chị động viên, giúp đỡ mà tôi có tiền trang trải lo cho gia đình; và nhờ thực hiện lời dạy của Đức Phật, gieo nhân lành, chăm chỉ làm ăn mà tôi đã trả hết tiền cho chị. Nhờ nhân duyên đó, tôi xin tham gia vào đoàn dâng hoa luôn. Mặc dù mỗi tháng, khả năng đóng chỉ được 50 ngàn đồng thôi nhưng tôi vui lắm vì thấy đồng tiền của mình vô cùng có ý nghĩa”.

Mỗi thành viên đến với đoàn dâng hoa Hữu Thiện bằng những nhân duyên khác nhau nhưng khi đã tham gia rồi thì dường như tất cả đều cảm nhận về sự chuyển hóa khổ đau thành niềm an lạc trong cuộc sống. 

Trong niềm hạnh phúc, cô Thanh (số nhà 110, đường Tân Hòa Đông, Q.6) bộc bạch: “May mắn nhất đời tôi là gặp được Quỳnh (tên ở nhà của chị Quỳnh Hương). Lúc gia đình khó khăn, chồng bệnh, đau khổ tột cùng, Quỳnh là người luôn bên cạnh động viên, cho tiền và xin mạnh thường quân giúp cho gia đình tôi. Quỳnh cũng là người mở lòng hướng đạo cho tôi, nhờ Quỳnh mà tôi biết niệm Phật.

Tôi làm nghề bán vé số, ngày lời không được bao nhiêu, một tháng tôi chỉ hùn phước năm, ba chục ngàn đồng để dâng hoa cùng đoàn nhưng Quỳnh rất hoan hỷ. Tôi nhớ hoài Quỳnh nói, cúng mười ngàn hay năm ngàn đồng cũng được, mình có khả năng bao nhiêu cúng bấy nhiêu nhưng lòng mình phải hoan hỷ.

Từ đó, tôi sống không còn mặc cảm phận nghèo, mình cúng ít mà thấy người khác cúng nhiều hơn, mình cũng vui với họ. Từng ngày trôi qua với tôi nhẹ nhàng, bình an và hạnh phúc hơn”.


Có những người chưa biết Phật pháp là gì, gắn bó với đoàn dâng hoa Hữu Thiện một thời gian rồi trở nên tín tâm với Tam bảo. Ngoài việc tu học, làm việc thiện, họ còn kết nối những người xung quanh tham gia với đoàn dâng hoa Hữu Thiện. Chị Hoa (số 132/17 Mả Lò, phường Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân) cho biết: “Tôi tham gia đoàn dâng hoa Hữu Thiện được 5 năm, cũng nhờ chị Quỳnh hướng dẫn dâng hoa cúng dường, quy y Tam bảo, tu học, sửa những khuyết điểm của bản thân theo lời Phật dạy mà giờ đây tâm tính tôi đã thay đổi rất nhiều.

Tôi còn hướng dẫn được mẹ chồng và những người bạn hàng xóm cùng nhau hùn phước, gieo duyên với đạo. Điều mầu nhiệm là, khi nghĩ đến việc dâng hoa lên chư Phật, mọi ưu phiền của mọi người đều ít nhiều chuyển hóa, vui nhiều hơn và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn”.


Dìu dắt cùng nhau tu học

Tiếp xúc với chị Quỳnh Hương và những người xung quanh, chúng tôi hiểu rằng, trong xã hội ngày nay có rất nhiều đoàn thiện nguyện nhưng để tìm một người trưởng đoàn “dâng hoa Hữu Thiện” như chị quả thật khá hiếm. Không chỉ chia sẻ khó khăn với người nghèo mà chị còn quan tâm, cảm hóa bằng Phật pháp, dìu dắt các thành viên cùng nhau tu học. 

Một thành viên cảm kích kể với chúng tôi: “Thương cô Quỳnh lắm, nhà thành viên nào có tang chế, neo đơn là cô Quỳnh vận động mọi người đến phụ. Với người lớn tuổi, nghèo khó, đi đứng khó khăn mà muốn đi từ thiện, viếng chùa là cô Quỳnh cũng hỗ trợ hết mình, mặc dù sức khỏe cô không được tốt cho lắm”. 

Hỏi chị vì sao sức khỏe yếu nhưng lại nhiệt tâm với mọi người như thế, chị trải lòng: “Bản thân mình từng trải qua nhiều khổ đau, nhiều thử thách của cuộc sống và cả tình người. Mình hiểu trong hoàn cảnh bế tắc nhất, nếu có một ai đó dang rộng vòng tay ra giúp, hay chỉ cần lời an ủi, bên cạnh động viên cũng đủ cho mình nghị lực để đối diện và vượt qua. Nên, mình tâm niệm, khi còn đủ lòng bao dung, lòng từ bi và đủ sức làm chỗ dựa cho ai đó cần mình, mình luôn sẵn sàng”.

Lặng đi phút chốc, chị tiếp lời: “Có nhiều chị em nghèo khó, mưu sinh vất vả, nghe họ thiệt thà thỏ thẻ với mình ‘chị ơi, nghe nói đoàn mình chuẩn bị đi viếng chùa, từ thiện, em muốn đi quá mà em không có tiền’ nói thiệt là mình muốn rớt nước mắt. Nhớ lại ngày xưa, nếu như không nhờ Phật pháp, không nhờ giáo lý Đức Phật và nếu như không đến chùa kịp thời, ngồi dưới chân Đức Phật giãi bày nỗi khổ, niềm đau… và, nếu Ngài không lắng nghe thì mình không thể nào sống và có cuộc sống an lạc như ngày nay. 

Vậy nên, khi nghe chị em nói không đủ tiền mua vé xe đi chùa, mình luôn có sự đồng cảm, không thể khước từ. Và khi mình nói ‘chỉ cần muốn gieo duyên Tam bảo, chuyến đi đều miễn phí’ ánh mắt chị em rạng ngời hạnh phúc. Đến bây giờ nhắc lại, mình vẫn không giấu được sự xúc động. Thương như vậy đó, cho nên mình và các thành viên đoàn dâng hoa đã nương tựa, hỗ trợ với nhau cùng tu học, hướng thiện”.


Những bài học giáo lý của Đức Phật gần gũi về cuộc sống, có thể ứng dụng, được chị em thường xuyên chia sẻ mỗi lần họp mặt, và đăng tải trên trang Facebook để các thành viên tiện theo dõi. 

Đặc biệt, với các thông tin hoạt động từ thiện, danh sách thu chi, tiền quỹ của đoàn, chị Quỳnh Hương luôn công khai, minh bạch. Ai không đi họp mặt được, bận mưu sinh, chị đều in ra giấy gửi họ xem. Chị quan niệm “làm công tác thiện nguyện, với bản chất là một Phật tử, một đồng đóng góp mình cũng không được để sót. Vì đó là tất cả tấm lòng, là công sức lao động vất vả của chị em. Mình chỉn chu, trung thực như vậy để tất cả đều vui, có vui thì phước báu mới tròn đầy được”.

Đó chính là những lý do khi nhắc đến chị trưởng đoàn, các thành viên đều dành cho chị nhiều tình cảm thân thương. Và, đó cũng chính là duyên lành để tháng nào đoàn dâng hoa Hữu Thiện cũng có thêm thành viên mới. Mỗi thành viên đều được chị Quỳnh Hương may tặng chiếc áo lam và cài logo của đoàn.

Khi cài logo trên áo, mọi thành viên dù là các bạn trẻ thanh thiếu niên hay cô bác trung niên đều biết lý do nhóm lấy hình hoa sen - biểu tượng quốc hoa của dân tộc Việt Nam và cũng là biểu tượng tâm hồn Phật giáo thanh tịnh, hư không giữa những biến đổi cuộc sống. Ba cánh hoa phía trên tượng trưng cho Tam bảo, hai bàn tay chung sức bên dưới, đỡ những cánh sen, ở giữa là hình tượng trái tim dâng lên thành một nụ sen tặng cho cuộc đời và cũng xin tặng cho nhau.