Chùa Am Cửa Bắc

Khuôn viên chùa hiện giờ tuy rất khiêm tốn, những hiện vật ít ỏi nhưng vẫn còn sót lại 03 tấm bia đá vô giá thuộc các đời Minh Mạng, Thành Thái, Duy Tân...


 
Ngôi chùa này nằm sâu trong ngõ, nay đã bị che lấp bởi nhà dân với những chứng tích về một thời vàng son của nó. Khuôn viên chùa hiện giờ tuy rất khiêm tốn, những hiện vật ít ỏi nhưng vẫn còn sót lại 03 tấm bia đá vô giá thuộc các đời Minh Mạng, Thành Thái, Duy Tân. Trong đó vô tình tôi biết được một cứ liệu quý giá về một danh tướng Nam Bộ còn được lưu lại trong tấm bia niên đại Duy Tân năm thứ 03 (1908).
 
Vị danh tướng này tên là Thoại Ngọc Hầu, chỉ làm quan tại phương Bắc một thời gian rất ngắn, sau công cán chính trong sự nghiệp lại diễn ra tại miền Nam. Vậy mà người Hà Thành đã rước thần vị của ông vào trong chùa với lòng ngưỡng mộ to lớn.

Chuyện chùa am Phổ Quang ở Hà Nội chép rằng: lúc bà chính thê Châu Thị Tế theo chồng (Thoại Ngọc Hầu) ra Bắc, ban đầu cho lập chùa am này để tự tu hành, sau nhân thấy dân bản địa tỏ ra ngưỡng mộ nên bà huy động mọi người dựng lên ngôi chùa mà ngày nay ta biết đến là PHỔ QUANG AM TỰ.

Nói về thân thế danh tướng Thoại Ngọc Hầu, có thể nói ông là một công thần buổi sơ khai của triều Nguyễn. Ông tên đầy đủ là Nguyễn Văn Thụy, nhưng vì lý do kị huý, lại thêm phần thổ âm, cho nên các sách cổ đều chép tên ông là Nguyễn Văn Thoại. Vì lập được nhiều công lớn, ông được phong chức Thoại Ngọc Hầu. Sinh ngày 26 tháng 11 nhằm năm Tân Tỵ, đời Thế Tông Hiếu Vũ Hoàng Đế (Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát) năm thứ 23 (1761), tại huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ông là con của Nguyễn Văn Lượng làm quan văn trông coi việc lễ (được sắc truy phong là Anh Dũng tướng quân, Khinh xa Đô úy, Thần sách Vệ úy Nguyễn Hầu, do vua Minh Mệnh ban ngày 21-7-1822). Mẹ là bà Nguyễn Thị Tuyết được ban sắc truy phong mỹ hiệu Thục Nhàn.

Ông từ nhỏ đã tỏ ra ham mê nghiệp võ, sau đầu quân cho Nguyễn Phúc Ánh, lập được nhiều công lao hiển hách: đào Vĩnh Tế Hà, đào kinh Đông Xuyên, lập làng, vỡ ruộng, bắc cầu, đắp đê, kiến trúc sơn lăng từ miếu, bảy lần sang Xiêm, hai lượt sang Lào, mười một năm bảo hộ nước Cao Miên, từng vào Nam ra Bắc được phong chức Khâm sai Thống binh Chưởng cơ, quản suất biền binh lưu thủ Bắc Thành, Trấn thủ Lạng Sơn (trong khoảng thời gian từ năm 1802 đến năm 1808).

Ông mất tại Nam Bộ, thế nhưng những gì còn sót lại trên đất Bắc, đặc biệt là tấm bia chùa PHỔ QUANG AM TỰ đã là một nguồn tư liệu quý giá, ghi chép lại tương đối rõ ràng công trạng của ông trên đất Bắc mà tôi là một trong những người may mắn đọc được.