Cho đi xin đừng so đo, tính toán

Trong những ngày giãn cách xã hội vừa qua, rất nhiều hoàn cảnh khó khăn đã nhận được sự sẻ chia giúp đỡ của xã hội. Hình ảnh về những cây ATM Gạo đã phát huy nét đẹp về tinh thần tương thân tương ái của người Việt. Thế nhưng, trong đó vẫn có những hình ảnh khiến người ta suy ngẫm.

Sao lại đánh giá con người qua vẻ bề ngoài?

Cha ông ta từng đúc kết, “một nắm khi đói bằng một gói khi no” nhưng cũng có câu “của cho không bằng cách cho”, đó là cho thế nào để người nhận cảm nhận được sự sẻ chia, còn người cho nhận lại niềm hạnh phúc. Lúc khó khăn hoạn nạn người ta mới cần giúp đỡ.

Đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh đang hoành hành khắp nơi trên thế giới, Việt Nam phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp lao đao, người lao động tạm thời mất việc làm, rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn. Một chút gạo trong lúc này có thể giúp những người cơ hàn vượt qua khốn khó. Những cây ATM Gạo là hình ảnh khiến người nghèo cảm thấy ấm lòng, người nước ngoài cũng phải ngưỡng mộ, khâm phục và kính nể trước tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam. 

Nhưng bên cạnh đó cũng có những hình ảnh xấu xí cần phải loại bỏ. Cụ thể, gần đây cộng đồng mạng đang dậy sóng bởi clip quay một cô bé áo đen bị ATM phát gạo ở Hồ Chí Minh từ chối. Clip này bị đưa lên mạng xã hội để bêu rếu cô bé khiến mọi người bức xúc. Bởi khi tìm hiểu mới biết cô bé có hoàn cảnh vô cùng khó khăn khiến người ta không khỏi xót xa.


Đức Phật từng nói: “Ta độ nhân không phân biệt giàu nghèo, bởi tất cả chúng sinh là bình đẳng như nhau. Ví như trong hồ có hoa sen thơm ngát, chúng ta có nên vì bùn nhơ mà vứt bỏ đóa sen tươi đẹp đó không?”.

Theo đó, cô bé tên H., quê ở An Giang, nhà em có 4 chị em gái nhưng chỉ có bé là đi làm. Từ Tết tới giờ công ty cho nghỉ, em cũng đi phụ hồ, nhưng em kéo cát lên sàn không nổi, nên chủ không cho làm. Phòng trọ ở chung 5 người, hết gạo, hết tiền khiến nhiều ngày bé không có gạo để nấu cơm nên nhờ người quen trở ra ATM Gạo ở đường Vườn Lài, phường Phú Thọ Hoà, quận Tân Phú, TP HCM để lấy ít gạo về nấu. Thế nhưng, khi đến lượt mình, cô bé bỗng bị nhân viên nơi đây phát loa mời ra ngoài. Ngơ ngác, bối rối vì không hiểu lý do vì sao, cô bé đành bỏ túi ni-lông lại rồi đi về phía xe máy của bạn đang đỗ bên đường.

Điều gây bức xúc là một nam thanh niên đứng gần đó quay lại cảnh này và đưa ra bình luận khó nghe về cô gái rồi đăng lên TikTok. Clip thu hút lượt xem cực khủng, lan truyền nhanh và được chia sẻ lên Facebook. Trước sự việc trên đã không ít người tỏ ra bức xúc trước hành động thiếu tình người của giám sát ATM Gạo vì chưa kiểm chứng, tìm rõ ngọn nguồn đã từ chối cấp gạo cho em. Đồng thời phẫn nộ với người quay phim vì có lời lẽ xúc phạm bé H. khiến hình ảnh của em tràn lan trên mạng xã hội, làm em cảm thấy vô cùng tổn thương.

Sau khi clip này lan truyền, H. tâm sự rồi khóc: “Mấy tháng nay do dịch, công ty em ấy đóng cửa, không có lương nên thất nghiệp ở nhà mấy tháng nay, toàn ăn mì gói, ngán lắm rồi anh ơi. Anh hàng xóm nói để tụi tao chở mày đi xin gạo ở máy từ thiện bên kia. Em đâu có xe đâu, nhờ anh đó chở đi. Em đứng xếp hàng, đến lượt em, chị gái đó nói em không được nhận. Anh đó chở em về phòng trọ. Em cũng không có kể lại với ai trong phòng, nên không ai biết là em đi xin gạo từ thiện mà không được cho... Tối má em ở dưới quê gọi điện lên la em, là làm bậy hay sao mà trên máy điện thoại nó quay mày kìa. Em chỉ biết khóc, em sợ đoạn phim đó đăng, sau này hết dịch, em xin đi làm chắc không ai dám nhận em phải không anh?”.

Qua đó, cũng thấy rằng ATM gạo vẫn chứa đựng những bất cập về việc xác định đối tượng nhận gạo có thực sự có hoàn cảnh khó khăn hay không nhưng theo ý kiến số đông thì đã mở ra ATM phát gạo hỗ trợ mùa dịch thì nên tạo điều kiện tối đa cho người dân, còn ai tham lam hay dối trá thì người đó tự thấy cắn dứt với lương tâm. Nhiều người xem clip cảm thương thiếu nữ bị mời ra khỏi cây ATM gạo, lên án hành động của thanh niên quay lén cô. Hoảng sợ vì bị dân mạng tấn công, người này vội chuyển tài khoản TikTok về chế độ riêng tư. Anh Đỗ Thanh Long đăng dòng trạng thái dài về chuyện trên với tựa đề “ATM Gạo - từ thiện hay bôi nhọ?” và nội dung như sau: “1-2 kg gạo rồi Tiktoker, quản lý phát loa ngăn chặn, quay lại rồi tung lên mạng xã hội để đánh giá nhân phẩm người ta.


Tâm không phân biệt, đó mới là tinh thần của đạo Phật.

Từ thiện là từ bi chứ không phân biệt chiếc áo đang mặc hay chiếc xe đang đi. Có đói có khổ, người ta mới đi xin 2 kg gạo. Giá trị của nó là khoảng 30 ngàn đồng. Thật lòng không ai sang giàu mà đội nắng đội mưa đi xếp hàng xin gạo để bị bôi nhọ như vậy. Của cho không bằng cách cho, nếu người nhận có tham lam thì trời sẽ trừng phạt họ chứ đừng cho phép bản thân được quyền đánh giá, bôi nhọ người ta bằng clip rẻ rúng. Giá trị ATM Gạo sẽ ý nghĩa hơn khi không có sự phân biệt đối xử người nhận và không có những máy quay hình xấu xí luôn rình rập đồng loại trong mùa khó khăn này.

Làm từ thiện là xuất phát từ tâm, chứ không phải chà đạp người khác mà để PR cho hoạt động nhân đạo của mình. Tiếc cho một hoạt động ý nghĩa đang bị méo mó bởi các cá nhân xấu xí”. Dòng trạng thái của anh Đỗ Thanh Long lan tỏa nhanh trên Facebook với hơn 22.000 lượt thả biểu tượng cảm xúc, hơn 24.000 bình luận và hơn 21.000 lượt chia sẻ lại. Trong đó, nhiều người đồng tình với quan điểm của anh Long và chỉ trích nhân viên cây ATM gạo lẫn người quay clip.

Cần loại bỏ những hình ảnh soi mói

Sau khi xem clip, một số người muốn biết nơi H. ở để giúp đỡ em. Trong số này, anh Dương Thanh Tuấn cùng người bạn đã đến tận phòng trọ của H. ở phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP.HCM để tận tay trao tiền và gạo trị giá 4,7 triệu đồng mà các mạnh thường quân tặng em. 

Theo anh Tuấn, ban đầu H. không chịu nhận tiền và từ chối sự giúp đỡ của người khách vì ngại. Anh Tuấn phải thuyết phục hoài thì H. mới đồng ý nhận. “Em ấy ngại nên từ hôm qua giờ không dám nhận tiền và quà của ai cả. Em vờ nói với mọi người là nhận đủ rồi chứ thật ra ngại đấy ạ! Sau một hồi Tuấn khuyên thì em ấy đã mở lòng. Chiều 20/4, em ấy lên tiếng về việc ngưng nhận quyên góp nữa. Từ sáng giờ em không dám gặp ai. Rất nhiều người đến nhà tặng quà nhưng em trốn và khóc trên lầu ấy”, anh Tuấn chia sẻ.

Cũng trong một clip khác trước đó lan truyền trên mạng là cảnh quay một người phụ nữ đi xe tay ga cùng với hai đứa trẻ, chị đã kiên nhẫn đợi đến lượt lấy gạo nhiều lần nhưng đều không lấy được. Nhiều người chỉ trích trông bề ngoài khá giả nhưng lại đi nhận gạo của người nghèo, thậm chí còn chở theo nhiều người đi lấy. Họ mong người dân ý thức, nếu không thực sự khó khăn hãy nhường phần cho người cần hơn mình. Người khác kiến nghị chủ cây ATM gạo nên cho người đứng quan sát và chỉ cung cấp gạo cho người khó khăn.


Làm từ thiện là xuất phát từ tâm, chứ không phải chà đạp người khác mà để PR cho hoạt động nhân đạo của mình.

Nhưng cũng có người cho rằng, có thể chị lấy hộ người khác, hoặc bản thân chị thực sự khó khăn cần sự giúp đỡ. Biết đâu nhờ 1-2 kg gạo đó mà chị có thêm vài chục ngàn mua thêm lạng thịt cho những đứa trẻ mà lâu ngày chúng chưa được ăn, hoặc tập vở, quyển sách để chúng nâng cao tri thức. Thế nên, cần loại bỏ những hình ảnh xấu xí khi soi mói, bình luận, đánh giá hoàn cảnh những người nhận gạo từ thiện qua vẻ bề ngoài. Bởi tin rằng người khá giả đến nhận gạo chỉ là cá biệt, còn đa phần những người khác đều cần giúp đỡ, thế nên phải chăng thà phát nhầm còn hơn bỏ sót.

Đức Phật từng nói: “Ta độ nhân không phân biệt giàu nghèo, bởi tất cả chúng sinh là bình đẳng như nhau. Ví như trong hồ có hoa sen thơm ngát, chúng ta có nên vì bùn nhơ mà vứt bỏ đóa sen tươi đẹp đó không?”. Vì vậy, chúng ta hãy học theo gương của Ngài, luôn tôn kính mọi người cho dù người đó làm nghề gì, nghèo hèn hay sang giàu. Tâm không phân biệt, đó mới là tinh thần của đạo Phật.

Bài viết: "Cho đi xin đừng so đo, tính toán"
Duy Bùi/ Nguồn: Phatgiao.org