Lắng nghe lời Phật dạy để sống tốt hơn

Bậc làm cha mẹ trong thời hiện đại với việc giáo dục con cái khó hơn xưa rất nhiều, vì nhu cầu áp lực công việc quá bề bộn, khiến cha mẹ không có thời gian để gia đình đoàn tụ, sinh hoạt với nhau. Cha mẹ nào khéo léo biết cách sắp xếp công việc hài hòa mới có thời gian nuôi dạy con cái nên người.


Nhiều em tuổi đời còn non dại mà đã tụ tập với nhau chơi những trò tàn nhẫn. Chúng bắt những con cóc rồi bỏ pháo vào miệng, sau đó đốt pháo cho nổ chơi. Con cóc bị văng lên banh xác làm chúng cười hí hửng, ra vẻ đắc ý lắm. Hành động như thế quá bất nhẫn với con vật, bậc làm cha mẹ hay người lớn nếu thấy các em làm như vậy phải dứt khoát dùng biện pháp răn đe, nói rõ cho các em biết việc làm như thế không đúng luân thường đạo lý làm người

Tôi muốn tâm tình cùng người trẻ rất nhiều với bao điều trăn trở trong cuộc sống ngay tại đây và bây giờ. Từ 4 đến 11 tuổi trở lên, các em đã biết tò mò, biết vòi vĩnh cha mẹ đủ thứ để được mua cho thứ này thứ kia. Phận làm cha mẹ hay các nhà giáo dục cần phải quan tâm, chăm sóc chu đáo cho các em từ độ tuổi này. Thường các em hay đòi mua các thứ đồ chơi điện tử, bé nam thì thích các loại gươm đao, súng ống, xe tăng, máy bay… Bé nữ thì thích búp bê, các trò chơi làm em, làm chị hoặc nấu ăn. Tuổi này các em đã biết tò mò, thắc mắc, ưa hỏi han cha mẹ đủ điều. Bậc cha mẹ hãy nên giải thích và chỉ bày cho con một cách rõ ràng, cặn kẽ.

Có hai vợ chồng trẻ tên Tuấn và Liên sống với nhau rất hạnh phúc cùng cô con gái xinh xắn tên Mai, năm nay vừa lên 4 tuổi. Ngày nào bé cũng thường xuyên ăn sáng với mẹ, bỗng sáng nay nghe tiếng chị bán bánh rao lanh lảnh, bé từ nhà sau chạy lên đòi ba mua bánh cho bằng được. Anh Tuấn liền nói: “Con mới ăn sáng với mẹ chưa hơn nửa giờ, thôi để dịp khác ăn đi con, ăn như vậy là không tốt, để bụng trưa còn ăn cơm con ạ”. Con bé nghe cha nói vậy thì liền òa khóc, Liên nghe con khóc từ nhà sau chạy lên hỏi: “Con bị làm sao vậy anh?”. “Có gì đâu em, nó đòi ăn bánh mà anh không cho, nó khóc làm nũng đó”. “Con nó thèm ăn thì anh cứ mua đi, có sao đâu”. 

Nghe mẹ nói vậy bé càng khóc lớn hơn. Bà ngoại vừa đi chợ về nghe tiếng cháu khóc liền đến bồng cháu: “Tội nghiệp cháu cưng của bà, để bà đi lấy bánh cho cháu ăn nha, cục cưng của ngoại nè!… Thiệt là hết sức tệ, tụi bây sinh con mà không biết thương con chút nào”. Anh Tuấn liền nói: “Mẹ làm như vậy sao được, cha mẹ nào mà không thương con, nhưng thương con phải biết dạy dỗ, nuông chiều đúng cách chúng mới nên người”. Bà mẹ vợ hứ một tiếng: “Tụi bây trứng mà đòi khôn hơn vịt”. Bé Mai bây giờ đang ngồi trên đùi bà ngoại nhai kẹo nhóp nhép ra chiều khoái chí lắm vì có ngoại bênh vực. Thật đúng người xưa nói không sai, “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.             
        
Mái ấm gia đình là điểm tựa quan trọng cho những người thân trong gia đình, muốn cho con cái được nên người, cha mẹ phải là người sống có nhân cách đạo đức, phải thường xuyên quan tâm chăm sóc, ân cần hỏi han, dạy dỗ. Con cái như búp măng còn non dại, cha mẹ phải biết hướng dẫn, chỉ bảo cho con những điều hay lẽ phải. Hai bạn Tuấn và Liên yêu thương bé Mai hơn chính bản thân mình, thế mà mẹ vợ nóng ruột vì cháu khóc mà buông lời bênh vực làm bé Mai càng được nước xem thường cha mẹ, vô tình đưa bé vào trạng thái ỷ lại vì sự nuông chiều không đúng cách. Chính mẹ vợ là người thương cháu một cách mù quáng, vậy không phải “cháu hư tại bà” là gì? 

Sau này cháu lớn thì bà đã khuất bóng chiều thu, ai sẽ gánh chịu hậu quả khôn lường ở hiện tại và mai sau. Giáo dục gia đình là nền tảng cơ bản của các bậc làm cha mẹ, cha mẹ phải biết kết hợp chặt chẽ với học đường và xã hội. Một gia đình cả hai vợ chồng đều phải ra ngoài xã hội làm việc kiếm sống để nuôi con cái mà không có ông bà hỗ trợ giáo dục sẽ khiến các em dễ hụt hẫng, không biết nương tựa vào đâu. 

Nhưng cách xử sự như bà ngoại bé Mai là không đúng, vô tình làm hại bé cứ muốn gì được nấy. Nếu con cái mong muốn và đòi hỏi đúng đắn thì làm cha mẹ phải biết cách đáp ứng nhu cầu, bằng ngược lại những mong muốn và đòi hỏi không hợp lý thì phải biết khuyên nhủ hoặc khiển trách để con trẻ sửa sai. Tuy nhiên, vẫn có nhiều em tuy còn nhỏ nhưng đã ý thức được dòng đời nghiệt ngã nên dễ cảm thông, chia sẻ với người đồng cảnh ngộ.

Mặt trời đã dần đứng bóng, vừa bán hết nồi khoai mì luộc, chị vội vàng thu dọn hàng gánh về nhà. Mấy bữa nay trời nắng nhiều nên món khoai mì luộc không được đắt khách nhưng chị phải ráng bán cho hết. Trời trưa rồi nhưng chị chưa kịp đi chợ mua thức ăn mà lại đến giờ tan học của con gái. Chị đạp xe đến trường đón con và sau đó ghé chợ chồm hổm xóm trên mua ít thức ăn. Chị dặn con đứng bên lề đường trông xe dùm chị rồi nhanh chân bước vào chợ. 

Khi quay ra, chị thấy vẻ mặt con không được vui. “Con làm sao thế, con đói bụng lắm phải không con gái cưng của mẹ?”. Đôi mắt của em đang nhìn lăm lăm về phía ông già bán bánh cam gần đó. Nó xuống giọng nhỏ nhẹ nói, “mẹ cho con một ngàn mua bánh cam đi mẹ”. Chị cằn nhằn, “giờ này mà còn bánh cam gì nữa, thôi chút về nhà ăn cơm đi con”. Con bé 10 tuổi nói giọng cứng cỏi, “mẹ à, mỗi lần con thấy mẹ bán khoai mì ế, thấy mẹ buồn con cũng buồn theo. Từ nãy giờ con thấy ông già còn nguyên mâm bánh cam, ông đang bán ế nên chắc ông buồn lắm. Không phải con thèm ăn bánh cam đâu mẹ, con chỉ muốn mua một cái để ông vui. Mẹ cho con tiền đi, ngày mai con sẽ nhịn ăn sáng một bữa”. 

Nghe con nói vậy, trái tim của chị như được lớn thêm, chị đưa tiền cho con mà hạnh phúc tràn trề với những giọt lệ lăn tròn trên má. Đứa bé tuy còn nhỏ nhưng đã biết chia sẻ những nỗi khổ niềm đau, biết cảm thông với nỗi bất hạnh của người khác bằng tình thương yêu chân thật. Nếu ai cũng như em thì thế gian này sẽ an vui, hạnh phúc biết chừng nào.

Cách nay chừng 15 năm về trước, khi chúng tôi mới vào Thường Chiếu tu học, một câu chuyện xảy ra đã làm tôi nhớ mãi không quên. Hôm đó là ngày giảng hàng tháng của Thiền viện Thường Chiếu, sư ông chúng tôi từ Đà Lạt trở về, có một bé trai trên vai quảy chiếc giỏ xách muốn vào đảnh lễ, cúng dường sư ông. Sau khi đảnh lễ chú đã xin thành tâm cúng dường chiếc giỏ. Sư ông hỏi: “trong giỏ con đựng gì?”. “Dạ thưa sư ông, trong giỏ đựng con heo đất”. “Heo đất chứa gì bên trong?”. Tới đây, đứa bé ấp úng nói chẳng nên lời, “dạ,… đựng tiền ạ!”. “Tiền ở đâu con có?”. “Dạ thưa sư ông, tiền này mỗi bữa mẹ con cho 10 ngàn để ăn sáng đi học, con nhịn ăn đã hơn 2 năm. Hôm nay con thành kính xin cúng dường Tam bảo, mong sư ông hứa nhận cho”. 

Sư ông thấy tấm lòng thành của đứa bé quá lớn nên kêu thị giả cho mời thầy trụ trì và đại chúng vào để nhận lãnh phần cúng dường. Chẳng lẽ sư ông không đủ tư cách đức độ để nhận phần cúng dường của đứa bé hay sao mà phải nhờ cả đại chúng? Đạo lý nhà Phật ở đây rất thâm sâu, sư ông muốn nhắc nhở hàng đệ tử ý thức việc tu hành của mình, ý thức công lao khó nhọc của đàn na tín thí khi phải nhịn ăn bớt mặc để cúng dường giúp người xuất gia có thời gian tu học, hành trì; qua đó không sinh tâm ỷ lại mà cố gắng tinh cần tu học để không phụ lòng mong muốn của phật tử. 

Đứa bé với tâm thành kính thiết tha dám nhịn tiền ăn sáng mỗi ngày hơn 2 năm để cúng dường Tam bảo quả thật là điều hy hữu, hiếm thấy. Đứa bé này chắc chắn mai sau khi lớn khôn trưởng thành sẽ là ngọn đuốc sáng để người đời nương theo. Ai là cha mẹ của em cũng phải là bậc hiền tài mới có thể giáo dục cho em nhân cách sống tốt đẹp từ tuổi nhỏ. Nếu các em vào đời như vậy thì gia đình sẽ an vui, hạnh phúc, con người sẽ sống yêu thương và hiểu biết hơn.

Tôi có đứa cháu tên Đức, là con của đứa em gái kế đang sống chung với ông ngoại. Hai ông cháu khăn khít và mến thương nhau như nước với sữa. Thầy Nhật Từ lâu lâu về thăm cha mẹ và gặp cháu với cái đầu trọc lốc của mình. Cháu Đức thắc mắc, “sao cậu lại cạo đầu như vậy?”. Ông ngoại nghe cháu hỏi vậy liền chen vô, “thầy Nhật Từ đi tu đó cháu!”. “Tu để làm gì vậy ông?”. Ông ngoại ờ ờ, “tu để hết khổ!”. “Vậy ông cháu mình đang khổ lắm hả ông, nhưng khổ là sao vậy ngoại?”. Sau nhiều lần về thăm cha mẹ, không biết thầy Nhật Từ đã nói gì với cháu mà mới 7 tuổi cháu đã xin vào chùa làm đệ tử Phật. 

Hiện nay cháu Đức là một thầy Tỳ kheo 23 tuổi có Pháp danh Lệ Đạo đã tốt nghiệp khóa cử nhân Phật học tại TP.HCM. Giáo dục trẻ nhỏ đang đến tuổi biết thắc mắc, tò mò là điều cần thiết của bậc làm cha mẹ, nhất là các nhà giáo dục học đường. Chúng ta phải biết phấn khích và khơi mở sự tìm tòi, hiểu biết của các em để hướng dẫn chu đáo và cặn kẽ. Khi thấy các em làm điều gì không hợp đạo lý như vô cớ giết hại bướm, kiến, cóc… một cách không ý thức thì bậc cha mẹ phải chỉ dạy, khuyên bảo các em không nên giết vật bừa bãi như thế, nó là nhân dẫn đến gây thù chuốc oán trong hiện tại và mai sau.

Nhiều em tuổi đời còn non dại mà đã tụ tập với nhau chơi những trò tàn nhẫn. Chúng bắt những con cóc rồi bỏ pháo vào miệng, sau đó đốt pháo cho nổ chơi. Con cóc bị văng lên banh xác làm chúng cười hí hửng, ra vẻ đắc ý lắm. Hành động như thế quá bất nhẫn với con vật, bậc làm cha mẹ hay người lớn nếu thấy các em làm như vậy phải dứt khoát dùng biện pháp răn đe, nói rõ cho các em biết việc làm như thế không đúng luân thường đạo lý làm người. Bây giờ các em còn nhỏ mà đã có tư tưởng và hành động như vậy thì mai này lớn lên sẽ dễ dàng gây tạo tội lỗi cho nhiều người khác. 

Nói xa hơn nữa nó sẽ trở thành thói quen giết hại ăn sâu vào trong tâm khảm, đến khi lớn khôn vào đời, những lúc nóng giận không thể làm chủ bản thân thì sẽ dễ dàng gây ra án mạng. Rất nhiều vụ giết người dã man do trẻ dưới tuổi trưởng thành gây ra, khi hỏi chúng vì sao như thế thì chúng nói rất tỉnh bơ như chẳng có gì quan trọng, “tụi em bắt chước trong phim coi làm có giống như vậy không?”. Tuổi trẻ ngày nay do tiếp cận nền văn minh vật chất quá hiện đại, việc tuyên truyền phim ảnh, sách báo đồi trụy quá công khai, lộ liễu làm cho các em vào đời với trăm mối tơ lòng. 

Bậc làm cha mẹ trong thời hiện đại với việc giáo dục con cái khó hơn xưa rất nhiều, vì nhu cầu áp lực công việc quá bề bộn, khiến cha mẹ không có thời gian để gia đình đoàn tụ, sinh hoạt với nhau. Cha mẹ nào khéo léo biết cách sắp xếp công việc hài hòa mới có thời gian nuôi dạy con cái nên người. Đa số các em hư hỏng phần lớn là do cha mẹ thiếu quan tâm, chăm sóc chu đáo vì mải mê chạy theo công danh sự nghiệp, bỏ mặc con cái muốn làm gì thì làm.

Các em cũng đã biết, tôi ngày xưa vì đam mê hưởng thụ quá đáng nên đã bỏ vợ, bỏ con mới đầy một tháng tuổi. Sau này tôi muốn mẹ mình đi tu thì bà đồng ý với điều kiện khi nào gặp lại cháu nội, tức đứa con tôi đã nhẫn tâm rời bỏ. Mọi việc xảy ra đều như ý muốn, mới đó mà đã 13 năm trôi qua. Tôi đã gặp lại hai đứa con và bà cháu gặp nhau trong niềm vui khôn xiết. Mẹ tôi sau đó xuất gia ở Thường Chiếu, đứa con thứ hai của tôi cũng nối nghiệp cha xuất gia làm đệ tử thầy Nhật Từ ở chùa Giác Ngộ, pháp danh Ngộ Đức. 

Nói tới mẹ, tôi thầm cảm ơn người biết bao. Nhờ mẹ mà tôi gặp được Tam bảo, gặp được bậc minh sư chân chánh, gặp được chư huynh đệ Pháp lữ gần xa để cùng nhau tu học đạo giác ngộ, giải thoát và dấn thân trên con đường phục vụ chúng sinh. Nếu không có mẹ thì tôi giờ đây đã như đôi cánh chim gãy lìa. Loài chim nhờ có đôi cánh mới có thể tung bay khắp cả bầu trời để tìm kiếm thức ăn, để có sự sống và chung vui với các loài. Tôi được diễm phúc như vậy là nhờ có mẹ, người mẹ đã cho tôi tất cả bình yên tận cõi lòng; nhờ mẹ tôi được làm người trở lại để cùng sống hiểu biết và yêu thương với các em, được tâm tình với các em và được nhìn thấy các em sau này trở thành một con người tốt thật sự luôn giúp ích cho nhân loại. 

Mẹ đã dạy cho tôi biết sự yêu thương, không có mẹ, tôi sẽ không biết yêu thương là gì; nhưng thương yêu cái gì? Thương yêu nhân loại, thương yêu chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi biết được tình nhân loại, tình chúng sinh và cho đến bây giờ tôi đã biết được một chút từ - bi - hỷ - xả. Vì mẹ là gốc của sự yêu thương, mẹ như Bồ tát Quán Thế Âm hiện thân vào đời để cứu độ chúng sinh. Tôi diễm phúc có được người mẹ như vậy và bây giờ Người đã tròn 79 tuổi, tôi không đủ phước duyên để được gần mẹ, được chăm sóc mẹ khi tuổi già; nhưng mẹ tôi lúc nào cũng quan tâm và lo lắng cho tôi nhiều hơn là tôi lo cho mẹ. Quả thật, tôi có được người mẹ quá tuyệt vời. Ai bây giờ còn mẹ thì đó là món quà lớn nhất mà cuộc đời đã ban tặng cho họ, các em hãy nên biết trân quý và giữ gìn, đừng chờ mẹ mất rồi thì mới biết ăn năn hối tiếc.

Các em từ khi mở mắt chào đời đã nhờ dòng sữa ngọt ngào mà nên sự sống, được mẹ ôm ấp, âu yếm trong vòng tay. Ai bây giờ còn mẹ quả là một diễm phúc lớn lao trong cuộc đời. Các em thấy chăng, tương lai đang chờ đón các em, các em lớn lên hãy đi tìm con đường sáng để hòa nhập với đời, để được sống yêu thương và hiểu biết. Các em cũng thấy đó, 2 năm đầu khi mới vào chùa, chú Ngộ Đức xứng đáng là một chú sa di mẫu mực. Chú còn nói với tôi, “thầy ơi! Phật pháp hay quá, con sẽ về độ cho mẹ và bà ngoại nữa!”. 

Đùng một cái, con ma game nó hớp hồn chú, từ ngày chú bị con ma ấy quyến rũ thì chỉ lấy phòng net làm nhà. Vậy là đã tiêu đời nhà ma. Tôi thấy sự việc không thể nào cứu chữa nỗi nên bàn với thầy Nhật Từ cho chú về Vĩnh Long tu học. Chú đã bị con ma game ăn sâu vào tâm khảm nên chỉ trong một thời gian ngắn đã chịu không nổi mà bỏ trốn về. Không còn cách nào khác, tôi tiếp tục gửi chú cho thầy Nhật Từ với hy vọng chú hồi tâm chuyển hướng mà từ bỏ con ma thời đại; nhưng lực bất tòng tâm, chú ngày càng đam mê cứ như cục nam châm gặp phải cục sắt, khó bề rời xa được.

Tu học trong chùa ăn của đàn na tín thí mà lại không làm ích lợi gì cho mình và người là điều không nên, vì chú không còn đủ khả năng tu học theo chùa nên tôi quyết định gửi trả chú về nhà, muốn làm gì cũng được. Sợ chú thất nghiệp lông bông, ăn không ngồi rồi nên tôi đã gửi chú cho người bạn thân làm nghề đá quý để học nghề nhưng chú vẫn chứng nào tật nấy, chú ứng tiền trước đi chơi game, khi nào hết tiền, thiếu nợ chú mới đi làm tiếp. 

Chú mê đến nỗi nhịn ăn sáng để có thêm tiền, riết rồi một tuần lễ hết 5 ngày dài làm bạn với ma game, còn lại 2 ngày làm việc, học nghề nên rốt cuộc không chỗ nào dám chứa. Giờ thì chú phải đi về quê làm thuê, làm mướn để có tiền chơi game qua ngày. Đến tháng giêng năm Canh Thìn, mẹ tôi mất, chú có về thăm bà nội trong lúc hấp hối và ở lại cho đến khi bà mất. Chú bỗng nhiên có tỉnh một chút, xin ở lại phụ quay phim cho thầy nhật Từ cho đến ngày hôm với hình thức cư sĩ.

Bản thân tôi là hình ảnh và cái gương cho chú thấy, vậy mà vẫn cứu không được đứa con thông minh nhưng lại quá nhiều mê muội. Đành chịu, tôi không thể ban phước giáng họa và nếu bây giờ có Phật hiện tiền cũng không cứu được con tôi. Bởi vì sao? Vì Phật là vị thầy dẫn đường chỉ cho chúng sinh thấy rõ đâu là con đường dẫn đến an vui, hạnh phúc; đâu là con đường dẫn đến sa đọa, khổ đau; làm được hay không là do bản thân mỗi người có đủ ý chí và nghị lực hay không để vươn lên vượt qua số phận mà làm lại cuộc đời, làm đẹp chính mình. 

Các em thấy không, tuổi trẻ các em nếu không đam mê quá đáng các thú vui vật chất thì các em vào đời sẽ không mấy khó khăn. Nếu em nào không ý thức được thì khi vào đời sẽ gặp phải muôn vàn đắng cay với bao điều phiền muộn, khổ đau làm cha mẹ phải thất vọng não nề. Chỗ này các em cần phải xem xét cho thấu đáo, đừng để tình trạng đáng tiếc xảy ra như chú Ngộ Đức.