Loay hoay chuyện cân bằng cảm xúc

Áp lực của cuộc sống hiện đại, khúc mắc trong công việc, đời sống tình cảm, các mối quan hệ, là nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ bị stress, trầm cảm, mắc hội chứng âu lo, rối loạn cảm xúc.

Trị liệu bằng đủ mọi cách

Vết thương da thịt cần dùng thuốc điều trị, còn vết thương cảm xúc thì phải điều trị bằng cách nào đây? Đó là câu hỏi dần trở nên quen thuộc với rất nhiều bạn trẻ đã và đang mang trong mình. Để tìm hướng giải đáp, rất nhiều người đã được bạn bè, người thân giới thiệu, hoặc tự mày mò tìm kiếm những trung tâm chữa lành (healing center), đăng ký tham gia các khóa chữa lành tâm linh với nhiều hình thức khác nhau, phổ biến nhất là các trung tâm thiền định.

Mỗi trường phái thiền định này đều có những master (vị thầy) dẫn dắt và xây dựng hệ thống triết lý, hướng dẫn hành thiền, hoặc đứng ra tổ chức, chủ trì các hoạt động tâm linh, trị liệu. Có thể kể ra một số trường phái như Reiki, khí công, thiền kim tự tháp, thiền chuông, thiền nước, thiền với các nguyên tố, thiền với đá quý, quy hồi tiền kiếp, chữa lành bằng âm thanh,…


Chính bản thân mình giải quyết vấn đề của mình

Hiện nay, tại các trung tâm chữa lành, phần lớn các master được giới thiệu là đã tu học các khóa đặc biệt tại Nepal, Ấn Độ, Myanmar,... và sở hữu nguồn năng lượng có khả năng chữa lành những tổn thương về tâm lý, tình cảm. Thậm chí, có người còn dùng năng lượng để chữa trị cả các bệnh lý về mặt thể chất.

Cũng cần phải nói thêm, mặc dù được biết đến với liệu pháp chữa lành tâm linh, thực hành thiền định, tuy nhiên, các trung tâm trị liệu này hoàn toàn phi tôn giáo, không chịu ảnh hưởng của một lý thuyết tôn giáo cụ thể nào, và gần đây mọc lên khá nhiều.

Tổn thương sau khi chia tay người yêu, Thanh Nam (35 tuổi) cho biết bản thân đã tham gia một buổi chữa lành bằng năng lượng với chủ đề tình yêu. “Mình đã bỏ ra một khoảng tiền gần 4 triệu để tham gia 3 buổi học về thiền, soi tiền kiếp để biết lý do vì sao mình bị bỏ rơi. Nhưng khi học xong, mình thấy tâm trạng mình không được giải tỏa, bức bách hơn. Sau khi học xong, mình còn tốn tiền mua một cái kim tự tháp bằng thủy tinh để cân bằng tinh thần, nhưng về lâu mình chỉ thấy mất tiền, chứ không được gì nữa”, Nam chia sẻ.

Là một người nội trợ, Hoàng Liên (33 tuổi, TP.HCM) không ngại ngần khi chia sẻ về mối quan hệ gia đình với những hục hặc, bất đồng quan điểm trong cuộc sống đã gây nên không ít rạn nứt giữa hai vợ chồng cô. Được bạn bè giới thiệu, Hoàng Liên từng bỏ ra khoản tiền gần chục triệu để tham gia khóa thiền để giải tỏa ức chế cuộc sống và… níu kéo chồng. Tuy nhiên, hiệu quả lại chẳng được là bao.

Giá đắt để… chữa lành tâm linh

Phần lớn các khóa chữa lành tâm linh đều có thu phí, thường dao động từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng cho 1 buổi (khoảng 2 giờ). Riêng với một số hoạt động chuyên sâu hơn như quy hồi tiền kiếp, chữa lành đứa trẻ bên trong, hoặc những cuộc hẹn cá nhân,... chi phí có thể lên tới 4-5 triệu cho mỗi lần thực hiện.

Đối với các chương trình dài ngày (2 - 7 ngày) được tổ chức tại các khu vực xa thành phố, trong rừng, nông trại, khu nghỉ dưỡng,... sẽ có mức giá từ 5 - 10 triệu hoặc cao hơn tùy theo nội dung, địa điểm thực hiện chương trình.

Bên cạnh các khóa chữa lành tâm linh, các trung tâm này thường kết hợp bán các vật phẩm tâm linh đi kèm như chuông xoay, kim tự tháp, đá phong thủy, tranh ảnh,… để học viên có thể tiếp tục tự hành thiền, thực hành chữa lành tại nhà, hoặc cân bằng năng lượng cho cá nhân.

Đặc biệt, một số trung tâm chữa lành vận hành theo hình thức kinh doanh khá chuyên nghiệp với các hoạt động quảng cáo, truyền thông xã hội với nội dung, hình ảnh chương trình bài bản, thu hút đông đảo “khách hàng”.

Mỗi cá nhân tìm đến các khóa tâm linh chữa lành tổn thương đều mang trong mình những câu chuyện khác nhau, mức độ nhận thức và đặc điểm tâm lý tính cách cũng khác nhau, do vậy mà giá trị họ nhận được từ các chương trình chữa lành không thuộc tôn giáo có thu phí như đã đề cập cũng khác nhau. Có người thông suốt, tự tìm được lời giải cho mình, tự cân bằng cảm xúc, nhưng cũng có rất nhiều người, sau chương trình vừa tốn tiền triệu, vừa không được gì, thậm chí còn bế tắc hơn.

Là một người từng tham gia các khóa chữa lành tâm linh, bạn Hồng Hoa (28 tuổi, TP.HCM) chia sẻ do áp lực công việc và các mối quan hệ với đồng nghiệp, khi “lang thang” trên Facebook, bạn được giới thiệu tham gia khóa chữa lành do một vị “master” người Ấn Độ hướng dẫn. “Cảm giác xuyên suốt khóa chữa lành rất dễ chịu, nhưng sau khi kết thúc chương trình, quay trở lại với công việc, đối mặt với những áp lực cũ, mình lại rơi vào căng thẳng, tiếp tục nảy sinh phản ứng tiêu cực”, Hoa trải lòng.

Và cuối cùng, cái gốc của vấn đề của Hoa cũng được tháo gỡ một cách nhẹ nhàng, không phải nhờ đến các liệu pháp chữa lành tốn kém mà là khi: “Cấp trên của mình nói chuyện với mình, giúp mình tháo gỡ các vướng mắc trong mối quan hệ đồng nghiệp, nhờ vậy mà mình cảm thấy bớt áp lực hơn, không còn căng thẳng mỗi ngày đi làm nữa”. Đó cũng là lúc bạn nhận ra, mình cần thêm kỹ năng sống, kỹ năng trao đổi để xử lý vấn đề trước khi cần đến một liệu pháp nào khác.

Sống tỉnh thức, hạn chế tiêu cực và sai lầm

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, nguyên giảng viên khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm TP.HCM, phân tích nguyên nhân gây nên tình trạng chấn thương tâm lý hiện nay xuất phát từ việc cuộc sống hiện đại mang đến cho con người nhiều tiện ích nhưng kèm theo đó là không ít vấn đề mà chúng ta cần phải đối mặt mỗi ngày: chuyện cơm áo gạo tiền, bất hòa trong các mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ, bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp, thất bại trong kinh doanh, bị lừa gạt, lạm dụng…

Những chuyện thiếu tích cực ấy đã khiến các bạn trẻ dễ xuất hiện cảm xúc tiêu cực, kéo theo những sang chấn tâm lý. Do kinh nghiệm sống ở người trẻ ắt hẳn còn hạn chế, cơ chế hưng phấn - ức chế dễ thay đổi khiến họ thường hành xử theo cảm tính, chính vì thế, khi rơi vào trạng thái bế tắc, các bạn thường loay hoay khá lâu trong “khoảng không” tiêu cực, mất phương hướng và thường hành động thiếu sáng suốt. Tuy nhiên, cũng cần công tâm rằng không phải ai cũng đủ khả năng để tự tháo gỡ vấn đề và cân bằng cảm xúc cá nhân.


Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An

Thạc sĩ Đặng Hoàng An bày tỏ: “Việc các bạn trẻ như trên tìm đến các khóa tâm linh do các cơ sở phi tôn giáo tổ chức để giải quyết vấn đề khi bế tắc, tôi nghĩ đó cũng là một trong số nhiều chọn lựa. Tuy nhiên, không phải khóa tâm linh nào cũng phù hợp và giải quyết triệt để vấn đề mà bạn đang gặp phải. Đó là lý do bạn phải cân nhắc trước khi quyết định, tránh tiền mất tật mang”.

Với kinh nghiệm từ bản thân, khi từng trải qua giai đoạn suy sụp khi biến cố xảy đến làm mất khả năng đi lại, Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An cũng thẳng thắn chia sẻ: “Chính bản thân mình là người có thể giải quyết tốt nhất vấn đề của chính mình. Cho nên, khi bế tắc, stress, bằng cách nào đó, các bạn trẻ phải tự thức tỉnh chính mình, bình tâm đối diện, xem xét vấn đề mình đang gặp phải và nên tự tìm cách tháo gỡ, chứ không phải tìm đến khóa tâm linh quyền năng, để chạy trốn chính mình.

Lúc bi quan và tiêu cực, khó làm chủ vấn đề của mình, bạn có thể chia sẻ với người thân, bạn bè, đồng nghiệp nếu được. Nhưng điều quan trọng nhất, dù ở trong hoàn cảnh nào các bạn trẻ cũng cần suy nghĩ lạc quan, hành động tích cực, sáng suốt nhất có thể và luôn giữ cho mình niềm tin rồi mọi chuyện sẽ ổn, sau cơn mưa trời sẽ sáng. Đừng hành động bất kỳ điều gì vội vã hay đầu hàng, nghĩ tiêu cực, như vậy dễ dẫn bạn đến những lựa chọn sai lầm không đáng có”.
 
Diệu Tiến - Lan Anh/ Báo Giác Ngộ