Mọi loài đều là con của Đất Mẹ

Câu chuyện về cái chết của hai mẹ con voi mới đây có lẽ đều đã chạm tới trái tim của mỗi người. Câu chuyện làm cho tôi nghĩ nhiều về tình thương, tình thương dành cho mình, tình thương dành cho người khác và tình thương dành cho mọi loại.


Con voi mang thai được tìm thấy hôm 27-5 sau khi con vật chết vì ăn phải trái cây có nhét pháo nổ bên trong tại bang Kerala - Ảnh: AFP

Hồi biên tập sách Tâm tình với Đất Mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi bất chợt nhận ra và trải nghiệm một điều là tất cả mọi loài đều sinh ra từ Đất Mẹ, và Trái Đất không phải là sở hữu riêng của loài người. Loài vật kiếm ăn khi chúng thấy đói, chúng kiếm ăn cho bản thân, cho con cái, cho đồng loại. Loài người dường như cũng như thế nhưng lại không hẳn thế. Chúng ta đi làm để nuôi sống bản thân gia đình của mình, và đổi lấy những điều chúng ta mong đợi, những giấc mơ của bản thân. Những giấc mơ, những mong đợi đó cũng bình thường nhưng đôi khi ta lại lạc lối trong những cơn mộng rất đời thường như vậy.

Khi mà chúng ta chưa thấy đủ và hài lòng thì có vẻ như ta sẽ còn bị cuồng quay trong những giấc mơ mà chúng ta nghĩ rằng khi giấc mơ thành hiện thực chúng sẽ được hạnh phúc, sẽ được bằng chị bằng em, bằng chúng bằng bạn. Để rồi chúng ta quên mất chính bản thân của mình, quên thương mình thì làm sao chúng ta có thể nhận diện được sự có mặt của những người thân, những điều tốt đẹp xung quanh mình để rồi yêu thương họ, trân quý họ và những thứ mà mình đang nắm giữ trong tay.

Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói : “Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác”.

Làm thế nào ta có thể thương được bản thân mình khi ta vẫn đêm ngày rong ruổi tìm kiếm những điều mình cho là hạnh phúc. Mọi chuyện chỉ có thể diễn ra khi ta chịu dừng lại, có mặt ở giây phút hiện tại để có thể nhận diện tình cảnh của mình, sự hiện diện của những người thương, những điều kiện hạnh phúc sẵn có xung quanh.

Khi có thể dừng lại, lắng đọng ta sẽ thấy được đâu mới là hạnh phúc đích thực, rồi ta cũng thấy rằng ta như đứa trẻ đang lạc lối, mệt nhoài trên hành trình mưu cầu hạnh phúc, ta thấy thương cho đứa trẻ đang hoảng sợ do lầm đường kia nhiều hơn. Và khi ta trải nghiệm được tình thương như vậy với chính ta thì mới có thể hiểu và thương được những người xung quanh mình.

Tình thương đó rất đẹp nhưng cũng vô thường, nó sẽ chết nếu chúng ta không nuôi dưỡng nó. Ta nuôi dưỡng tình thương bằng hiểu biết, hiểu cho đúng đâu mới là hạnh phúc, đâu mới là con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực. Khi tình thương được nuôi lớn, ta sẽ thương được những loài khác trên địa cầu nhiều hơn. Mọi loài cũng đều như ta, cũng muốn được sống an lành và tránh những đau khổ không cần thiết.

Tôi thương cảm cho cái chết của hai mẹ con voi và tôi cũng nghĩ nhiều đến những người dân ở đó. Họ có cố tình không, hành vi bảo vệ mùa màng của họ trước những động vật hoang dã có gì sai không, họ có được nghe về ít muốn biết đủ, về hiểu biết và thương yêu không, những điều tôi đang lên án có bị chi phối bởi sự giận dữ, và bị thiên lệch do truyền thông mạng hay không?

Mọi sự đều sẽ được pháp luật nơi sở tại xử lý nhưng nếu mọi hành động hiện giờ của chúng ta bị ngụy trang bởi sự giận dữ, thù ghét những người dân ở đó thì sẽ chẳng thể nào giải quyết được tình trạng - vì chúng ta đã không khơi được trong họ tình yêu thương đối với thiên nhiên, muôn loại.

Mà nghĩ lại, chính bản thân họ, như chúng ta - là con người, cần được thương yêu tưới tẩm.

Tôi nghĩ rằng để có được tình thương yêu bao trùm lên tất cả mọi loài, chúng ta cần thay đổi nếp nghĩ và nếp sống của chính mỗi người. Nếu sống thiểu dục, tri túc, nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp, là nếp sống có thể nuôi dưỡng một tình thương có thể bao trùm lên tất cả mọi loài, mọi đứa con sinh ra từ lòng Đất Mẹ.

“Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.

Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.

Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn”.
(Trích kinh Thương Yêu, bản dịch của Thiền sư Nhất Hạnh)

Đông Phong