Người hùng giữa đời thường đối mặt với chuyện thị phi

Thị phi là chuyện bàn tán phải trái, như một tất yếu của cuộc sống. Sự kiện cháu bé rơi từ tầng 13 đang là tâm điểm thị phi, nhiều ý kiến quá rồi, định không nói gì thêm nhưng không đành lòng trước một nghĩa cử tốt đẹp bị mổ xẻ quá kỹ như vậy.


Anh Nguyễn Ngọc Mạnh - thường trú tại xóm 4, thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh đã có hành động dũng cảm, cứu em bé ngã từ tầng 12 chung cư ở Nguyễn Huy Tưởng.
 
Rõ là không hẳn bạn Mạnh đỡ được cháu bé, rõ là số cháu may mắn, vai trò của Mạnh trong sự kiện này không lớn. Cứ cho như vậy đi.

Vậy thì giả sử Mạnh ngồi yên trong xe, không vội vàng trèo lên mái tôn nhằm cứu cháu bé thì sao? Cháu sẽ rơi xuống mái tôn, rơi tiếp xuống đất trong sự quan sát của nhiều người nhưng không ai cứu cháu…Tôi không dám hình dung tiếp hậu quả đó sẽ như thế nào.

Nếu kịch bản đó xảy ra thì nó cho thấy tình người, lòng nhân ái, đạo lý…câm lặng. Cả xã hội sống chết mặc bay, chỉ có danh lợi là tồn tại! Liệu chúng ta có sống nổi trong một xã hội như vậy không?

Đối diện với thị phi

Tôi bỗng nhớ đến lời thở dài ngao ngán của đức Thế Tôn khi người còn tại thế: Như Lai nào có hơn thua với đời, chỉ cuộc đời cứ tìm cách hơn thua với Như lai.

Con người ta chẳng ai là hoàn thiện cả. Bởi vậy, chúng ta cần có cái nhìn độ lượng, tích cực để tạo động lực cho người khác vươn lên cũng như bản thân mình cũng thấy cuộc sống này thật tươi đẹp. Đừng vì một chậu nước bẩn mà đổ cả đứa bé, đừng vì một điểm hạn chế của người khác mà đánh giá người ấy chẳng có gì tốt đẹp, đừng lấy người khác ra làm trò mua vui trong cuộc sống,...

Theo quan niệm Phật giáo, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà một người có thể tạo ra. Ông cha ta cũng đã từng đúc kết: “Lời nói đọi máu” và răn dạy: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Thiết nghĩ: trong cuộc đời vô thường, ngắn ngủi này, chúng ta hãy sống sao cho đẹp, cho ý nghĩa, mà đơn giản, trước hết là biết dùng những lời nói thiện.

Nguyễn Phan Khiêm