Nhà thận - Nơi bệnh nhân được quan tâm, chia sẻ

Những năm tháng chống chọi với bệnh tật, họ cảm nhận sâu sắc sự thương yêu, cưu mang, đùm bọc của bao người trên mảnh đất Đà Nẵng giàu tình nghĩa.

Cạnh đường Hải Phòng, gần Bệnh viện Đà Nẵng, trên địa bàn phường Thạch Thang, quận Hải Châu, có một ngôi nhà trọ chỉ có toàn bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Có người mới ở một vài năm, có người đã gần 10 năm ở tại đây và coi Đà Nẵng như quê hương thứ hai của mình. Từ đó, dần dần mọi người gọi tên ngôi nhà này là “nhà thận”.

Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP Lê Thị Tám tặng quà các bệnh nhân
 
Bệnh nhân ở đây đều chạy thận cách nhật tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng (thứ 2, thứ 4, thứ 6 hoặc thứ 3, thứ 5, thứ 7), hầu hết quê ở các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Các bệnh nhân thuê nhà trọ cạnh Bệnh viện Đà Nẵng để thuận tiện cho việc đi lại điều trị. Mỗi người mỗi điều kiện khác nhau, đa số có hoàn cảnh khó khăn và ai cũng nhọc nhằn chống chọi với bệnh tật.

Đơn cử như anh T.Đ.T, 30 tuổi, quê xã Quế Trung (H.Nông Sơn, Quảng Nam), đã 5 năm chạy thận. Anh cho biết: “Mỗi tuần, tôi vào khoa để chạy thận 3 lần, mỗi lần 4 tiếng đồng hồ; trước kia tôi ở một mình, nhưng gần đây, bệnh trở nặng, nên mẹ tôi phải đến túc trực chăm sóc”.

Hay như chị T.T.H, 18 tuổi, quê xã 3 (Đông Giang, Quảng Nam), đã hơn 8 năm chạy thận; 5 năm đầu, H chạy thận tại Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Từ năm 2017, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng chuyển chị về điều trị tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng. 18 tuổi nhưng trọng lượng cơ thể chị H chỉ có 27kg, nước da sạm đen, tay nổi nhiều u cục.

“Ở đây ai cũng cố gắng vượt qua bệnh tật và tự giác thực hiện các chỉ định về thuốc men, ăn uống, rèn luyện của bác sĩ”, chị H tâm sự.

Trao đổi với phóng viên, cả 23 bệnh nhân ở “nhà thận” đều bày tỏ sự trân trọng, biết ơn đối với các nhà hảo tâm trên quê hương Đà Nẵng sâu nặng ân tình. Nhiều bệnh nhân nhớ rõ tên các cơ quan, cá nhân đã giúp đỡ họ trong thời gian qua.

Bệnh nhân T.K cho biết, nhóm Phật tử Chúng Diệu Âm ở thuộc chùa Quan Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn) cùng các nhà hảo tâm đã nhiều lần đến thăm, tặng quà, hỗ trợ suất ăn tình thương và động viên mọi người ở đây. Chủ nhà trọ cũng miễn giảm tiền phòng và quan tâm giúp đỡ bệnh nhân trong thời gian bùng phát dịch Covid-19.
 

Đại diện nhóm Phật tử Chúng Diệu Âm tặng quà các bệnh nhân ở “nhà Thận”

Mới đây, cả 23 bệnh nhân đều được Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP.Đà Nẵng hỗ trợ mỗi người 5kg gạo và 300.000 đồng.

Hằng năm, các cấp chính quyền, đoàn thể ở phường Thạch Thang và nhiều doanh nghiệp, nhà chùa, nhóm từ thiện… thường xuyên hỗ trợ suất ăn, tặng quà và động viên các bệnh nhân ở “Nhà thận”.

Theo bà P.T.T.X (quê tỉnh Quãng Ngãi, chạy thận tại Bệnh viện Đà Nẵng đã hơn 1 năm), sự quan tâm giúp đỡ của các đơn vị, cá nhân làm cho bệnh nhân vơi bớt nỗi buồn bệnh tật và cảm thấy thêm yêu quý thành phố Đà Nẵng.

“Bài hát ‘Đà Nẵng tình người’ tôi đã biết lâu rồi, nhưng trong những ngày tháng chạy thận tại đây tôi đã cảm nhận điều đó thật rõ ràng!”, bà P.T.T.X trải lòng.

Đặc biệt, nhiều bệnh nhân ở “Nhà thận” nói về các thầy thuốc với niềm biết ơn sâu sắc. Bệnh nhân N.T.S khẳng định: “Từ bác sĩ trưởng khoa cho đến các điều dưỡng viên khoa Thận nhân tạo luôn dành cho chúng tôi sự niềm nở, thân mật, điều trị, chăm sóc hết sức chu đáo. Mỗi lần thăm khám, bác sĩ Võ Quang Vinh (trưởng khoa) cũng như các bác sĩ điều trị đều ân cần động viên chúng tôi cố gắng khắc phục bệnh tật”, bà N.T.S nhấn mạnh…

Đồng cảnh ngộ nên các bệnh nhân ở “nhà thận” rất thương quý nhau và thường lấy câu “sinh, lão, bệnh, tử" là quy luật tất yếu, để động viên nhau. Trong những năm tháng gồng mình chống chọi với bệnh tật, họ cảm nhận sâu sắc sự thương yêu, cưu mang, đùm bọc của bao người trên mảnh đất “Đà thành” giàu tình nghĩa.
 
Bài, ảnh: Lê Văn Thơm/ Nguồn: Giacngo.vn