Những lời khuyên quý giá mà ai cũng nên đọc một lần

Trong một xã hội mà cuộc sống trở nên quá vội vã, những kinh nghiệm sống mà thế hệ đi trước để lại đang dần bị lãng quên nhanh chóng. Nhưng bất cứ ai trong chúng ta đều hiểu rằng chỉ có một nền tảng đạo đức vững chắc thì thế hệ tương lai mới có thể phát triển.


Đừng bao giờ khiến con trẻ phải nói dối

Một ngày cách đây vài năm, tôi nói với những đứa con đã trưởng thành của mình rằng tôi chưa từng nghĩ rằng chúng đã từng nói dối tôi. Tôi cười và nói nếu chúng làm vậy, tôi cũng không biết về điều đó. Con gái lớn thành thật rằng: “Đó là bởi vì bố chưa bao giờ cho chúng con lý do để nói dối”.

Từ khi bốn đứa con của tôi mới chập chững biết đi, tôi đã có thói quen không kỷ luật hay trừng phạt nếu chúng phạm lỗi lầm. Nếu con tôi khi còn nhỏ làm vỡ một chiếc ly thủy tinh, tôi không bao giờ lớn tiếng, thay vào đó tôi sẽ chạy đến, bế nó lên rồi thu dọn mảnh vỡ. Đồng thời tôi cũng cố gắng giải thích cho nó rằng nếu cố gắng dọn các mảnh vỡ, con có thể bị thương, thế nên hãy để bố giúp.

Khi lớn hơn, các con tôi biết rằng nếu chúng gặp khó khăn hoặc phạm phải sai lầm, chúng có thể đến gặp tôi và nhờ giúp đỡ. Chúng cũng biết rằng, cố gắng che giấu hoặc tự mình giải quyết có thể làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Có lẽ điều này đã khiến bố con chúng tôi gần gũi hơn, không ai trong số chúng từng gặp rắc rối với pháp luật hoặc có vấn đề về ma túy hoặc rượu.

Vì vậy, những gì tôi muốn nói với những ông bố bà mẹ trẻ tuổi là đừng bao giờ cho con cái của bạn lý do để nói dối hoặc giấu giếm bạn. Miễn là hành động của chúng không có ác ý, thì không cần thiết phải trừng phạt. Giúp chúng sửa lỗi và bạn sẽ giúp chúng học cách trở thành người có trách nhiệm. Khuyến khích chúng không che giấu hành vi sai trái của mình, bằng cách cho chúng thấy rằng sự an toàn của chúng là ưu tiên hàng đầu của bạn.

P.S. Hãy thể hiện tình yêu của mình với con cái qua không chỉ hành động, mà bằng cả lời nói.

(CH (LTC) Kenneth D. Cain)

Đừng để bể tin tức làm nhiễu loạn giấc mơ của bạn

Tôi đã 87 tuổi và vào các ngày thứ Bảy, tôi thích đi dạo trên những con phố gần nhà.

Một lần, tôi thấy một trận bóng đang diễn ra ở sân bóng bên kia đường. Tôi quyết định ở lại xem vài hiệp trước khi về nhà. Tôi bước lại, đứng dựa vào hàng rào, và ở phía bên kia là một cầu thủ dự bị của đội đang đá. Tôi hỏi cậu ấy tỷ số là bao nhiêu.

Cậu quay lại, nở một nụ cười thật tươi trên môi rồi nói: “Chúng cháu đang thua 0-14 rồi.”

Tôi đã rất ngạc nhiên, nhưng nhìn thấy nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của cậu bé, tôi vẫn hỏi: “Cháu có thấy chán nản không?”

Không chút do dự, cậu ấy nói: “Chán nản á? Không ông ạ, chúng cháu còn chưa ghi bàn nào mà!”

Trên đường về nhà, tôi nghĩ về những đứa cháu của mình, đứa thì chuẩn bị tốt nghiệp đại học, đứa thì sắp tốt nghiệp trung học. Chúng đang nghe những tin tức, báo cáo “u ám” từ các phương tiện truyền thông như những vụ đánh bom, về bạo loạn ở những vùng đất xa xôi; tình trạng lạm phát, kinh tế ảm đạm… Giữa một bể thông tin đầy tiêu cực, tôi lại nhớ về “cậu bạn nhỏ mới quen”.

Vì vậy, tôi muốn nói với tất cả các bạn sinh viên đã hay chuẩn bị tốt nghiệp, không có hoàn cảnh nào hoàn hảo cả — vậy thì sao! Cuộc sống thử thách mỗi người theo cách này hay cách khác. Bạn có quyền lựa chọn tâm trạng của mình giống như bạn chọn đôi giày bạn mang vào mỗi buổi sáng. Đón nhận mọi thứ bằng cả hai tay; hãy sống hết mình, đừng làm qua loa. Thành công ở đâu đó ngoài kia, bạn sẽ không biết rõ nó ở đâu, nhưng chỉ có tìm thì bạn mới có thể thấy. Và cuối cùng, đừng để bể tin tức làm nhiễu loạn giấc mơ của bạn.

(Herb Carlson)

Hãy bước ra khỏi thế giới ảo

Gần đây, tôi đã dành nhiều thời gian để suy nghĩ về khoảng cách thế hệ. Công nghệ dường như đang mang chúng ta đến với nhau theo nhiều cách đẹp đẽ nhưng đồng thời cũng đẩy chúng ta ngày càng xa nhau hơn.

Chúng ta có thư viện tri thức nhân loại trong lòng bàn tay, nhưng dường như mọi người cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Việc sử dụng ma túy đã leo thang với tốc độ đáng kinh ngạc. Các vấn đề sức khỏe tâm thần đang xuất hiện ở trẻ em và thanh niên. Niềm vui đã trôi về đâu? Những khuôn mặt tươi cười ở đâu? Điều gì đang xảy ra với các gia đình? Tại sao ngày càng có nhiều sự chia rẽ?

Một suy nghĩ chợt lóe lên trong đầu tôi, rằng chúng ta đang sống trên mạng nhiều hơn là ngoài đời thực. Những hành vi, sở thích của chúng ta được các công ty công nghệ ghi lại chi tiết. Với mỗi thứ tôi định tìm kiếm, nó đều ngay lập tức hiện lên trên các nền tảng tôi hay sử dụng như facebook, instagram hay youtube. Chúng ta đang tự tạo ra một thế giới ảo chỉ chứa đầy những thứ chúng ta muốn. Tôi nghĩ đây là nguyên nhân con người càng xa cách nhau.

Trước đây, mọi người cần chủ động tiếp xúc trực tiếp với người khác. Chúng ta học được cách đồng cảm với suy nghĩ, quan điểm của họ, hoặc ít nhất là học được cách bày tỏ quan điểm một cách văn minh, tôn trọng suy nghĩ của người khác. Nhưng trên internet, việc thảo luận trở nên ít văn hóa hơn. Mọi người thỏa thích đưa ra quan điểm của mình, tuy nhiên nếu có quan điểm trái chiều, họ phản ứng lại một cách tiêu cực thái quá.

Sự giảm thiểu sự tiếp xúc giữa con người với nhau đã khiến nhiều người trở nên kém đồng cảm, ít hiểu biết và ít yêu thương hơn. Khi trẻ nhỏ tiếp cận công nghệ và internet quá sớm, điều này càng tồi tệ hơn.

Tôi tin rằng đã đến lúc chúng ta nên nghiêm túc nhìn lại. Hãy ra ngoài hít thở không khí, để những tia nắng chiếu lên da. Trò chuyện với những người thân yêu và cười thật tươi. Tiếng cười là thứ âm thanh ngọt ngào dễ chịu nhất trên thế giới này.

Bước ra khỏi thực tế ảo của riêng mình ban đầu có thể không thoải mái. Nhưng những gì bạn nhận được có thể sẽ tuyệt vời hơn rất nhiều. Chúng ta là con người, không phải máy tính. Đã đến lúc chúng ta nên đến với nhau bằng sự đồng cảm và thấu hiểu. Trong thời đại có quá nhiều chia rẽ, sự quan tâm chia sẻ có lẽ là điều cần thiết hơn cả.

(Colin Murray)

Còn bạn, bạn muốn đưa ra lời khuyên nào cho thế hệ trẻ? Hãy chia sẻ với chúng tôi nhé!

Theo Theepochtimes
Trần Phong biên dịch.