Phật giáo với vấn đề đạo đức của tuổi trẻ xuống cấp

Điều quan trọng khác nữa là Phật giáo luôn cổ vũ con người đến những giá trị nhân bản, góp phần tích cực vào việc hoàn thiện đạo đức cá nhân


I. Dẫn nhập

Đạo Phật du nhập vào mãnh đất hình chữ S, đồng hành và phát triển với dân tộc con Lạc cháu Rồng đã hơn 2000 năm qua. “Phật giáo đã nhẹ nhàng chinh phục lòng người, và phát triển, ảnh hưởng rộng lớn ở nhiều lĩnh vực trong các giai tầng xã hội.” Tư tưởng của Phật giáo đã có vị trí và ảnh hưởng nhất định trong văn hóa Việt Nam. Đặc biệt là tầm ảnh hưởng trong đạo đức, lối sống của người Việt, “một trong những giá trị văn hóa biểu hiện rõ nét của nền văn hóa gốc nông nghiêp, luôn đặt giá trị giáo dục đạo đức lên hàng đầu.”

Đạo Phật với chủ trương “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” điều này gợi lên cho chúng ta thấy rằng ngay từ buổi hồng hoang của nhân loại, bản chất của con người vốn chân chất, mộc mạc như một tờ giấy trắng, như cánh rừng nguyên sinh, như dòng nước trong xanh chưa bao giờ bị nhiễm đục. Trong cái xã hội sơ khai đó, con người sống tập thể, rất vô tư, không có ý niệm về tư hữu mà chỉ biết tìm cách để đối chọi với thiên nhiên. “Thế rồi dần dần, con người bắt đầu nảy sinh ý niệm chấp thủ, tư hữu và điều này khiến họ dần đánh mất đi sự hồn nhiên vô tư thuần khiết ban đầu. Đến thời hiện đại thì sự thuần khiết đó hình như đã vắng bóng. Xã hội hiện đại đã giúp con người văn minh hơn, tiện nghi đầy đủ hơn, nhưng bên cạnh đó cũng tạo ra khá nhiều vấn nạn, trong đó phải nói đến lối sống của một bộ phận lớp trẻ trong xã hội hiện nay,” đặc biệt là đạo đức. Hay như trong diễn đàn báo Dân Trí, Vương Hà đề cập đạo đức của tuổi trẻ “thực sự là vấn đề bức xúc, khiến mỗi chúng ta phải suy nghĩ: Tại sao đạo đức của một số thanh niên suy đồi đến mức này?”

Vấn đề băng hoại đạo đức của giới trẻ ngày nay không những ở Việt Nam mà trên thế giới cũng rơi vào tình trạng báo động đỏ. Việc truy tìm nguyên nhân thì không mấy khó khăn nhưng tìm ra giải pháp để đẩy lùi tình trạng nói trên không phải là việc dễ dàng. Với mục đích đóng góp vào sự nghiệp hoằng pháp chung, bài tham luận này xin đưa ra một số thực trạng đạo đức của giới trẻ hiện nay, những nguyên nhân đạo đức xuống cấp và các giải pháp xem như là ý kiến tham khảo để giúp cho giới trẻ có cuộc sống hoàn thiện hơn.

II. Nội dung

1. Khái niệm về đạo đức

Đạo đức được xem là khái niệm luân thường đạo lý của con người, nó thuộc về vấn đề tốt-xấu, đúng-sai, được sử dụng trong 3 phạm vi: một là lương tâm con người; hai là ý thức xã hội, nó gắn liền với văn hóa, tôn giáo và chủ nghĩa nhân văn; ba là tập hợp những nguyên tắc, quy tắc nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người trong [các mối] quan hệ với nhau, với xã hội, với thiên nhiên trong quá khứ hiện tại cũng như tương lai.

2. Thực trạng đạo đức tuổi trẻ ngày nay

Câu nói cửa miệng “tuổi trẻ hôm nay là thế giới ngày mai’ dường như ai cũng biết. “Tuổi trẻ là nền tảng căn bản để xây dựng một xã hội lành mạnh, giàu đẹp, an vui và hướng đến những phát triển tươi đẹp trong nhiều lĩnh vực đối với thế giới. Muốn xây dựng một thế giới an vui, một đất nước lành mạnh thì vấn đề cần chú ý là bồi dưỡng hiền tài, bồi dưỡng đạo đức cho lớp trẻ hiện tại.” Nhưng đối diện với thực tế, qua các phương tiện truyền thông đại chúng thì ai cũng thấy lo lắng cho nhiều bạn trẻ của thế hệ mai sau. Liệu nó có tốt đẹp như người ta mong chờ không? Cứ như thực tế hiện nay thì tương lai nhân loại sẽ đi về đâu, khi giới trẻ sống thực dụng chỉ chạy theo những giá trị vật chất mà bỏ quên những giá trị tinh thần. Họ “sống hướng ngoại nhiều hơn, sống gấp, sống vội, dường như quỹ thời gian của mỗi người thiếu trước hụt sau, rất nhiều bạn trẻ không có thời gian để tĩnh tâm quán chiếu nhìn lại cuộc sống của mình, của người thân và gia đình, nói chi đến sự quan tâm cộng đồng xã hội và thế giới chúng ta đang sống.” Tình trạng giới trẻ sống buông thả, không coi trọng những giá trị đạo đức đã và đang diễn ra ở nhiều nơi. Mối quan hệ giữa người với người dường như ngày càng nhạt dần theo quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bằng chứng là các phương tiện truyền thông, báo chí đã liên tiếp đăng tải các bài viết phản ánh về thực trạng này. Tình trạng bạo lực học đường, các video clips ghi lại cảnh đánh hội đồng, con giết cha, anh giết em, vợ giết chồng, học sinh đánh giáo viên; trẻ vị thành niên gần đây cũng gây ra nhiều án mạng giết người cướp của.v.v… Điển hình như “đoạn clip dài 23 giây ghi lại cảnh thầy trò đánh nhau trong lớp học xảy ra tại một trường trung học ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang” đã gây bức xúc dư luận.

Chưa hết, cách đây không lâu - ngày 19/12/2016, cư dân mạng vô cùng bức xúc vì một clip dài hơn 2 phút được đăng tải trên mạng internet cảnh nữ sinh Hải Phòng đánh hội đồng. Trong clip này, một cô bé bị một nhóm nữ sinh khác vừa đánh tới tấp vào mặt vừa chửi tục theo kiểu các tay “anh chị”. Sau đó, một cô vừa “dạy” vừa đánh vào mặt, vừa day tóc nạn nhân rất dã man. Cô “chị” phía trước “dạy” dứt lời thì cô mặc áo khoác phía sau đánh, đạp không còn gì gọi là nhân tính. Phía bên ngoài, nhiều nam sinh đứng xem và quay clip một cách thản nhiên như không có gì xảy ra. Phải nói rằng một thái độ vô cảm không thể ngờ được! Mãi lâu sau mấy cậu con trai mới thực hiện tinh thần “nghĩa hiệp” vào căn ngăn.

Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, chỉ riêng trong dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, “các bệnh viện toàn quốc đã tiếp nhận hơn 5.600 trường hợp đến khám, cấp cứu do đánh nhau, làm hàng chục người chết. Hiện tượng lứa tuổi thanh, thiếu niên sử dụng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn trong đời sống xảy ra ngày càng thường xuyên hơn.”

Bên cạnh đó, tình trạng sống thử và quan hệ tình dục trước hôn nhân ngày càng tăng cao. Theo Tiến sĩ Tâm lý Huỳnh Văn Sơn, giảng viên Đại học Sư phạm Tp. HCM, việc các bạn trẻ bắt chước theo văn hóa Tây sống thử cho thấy rằng họ có lối sống vô cùng buông thả, dễ dãi, đánh mất truyền thống tốt đẹp của người Á Đông. Đồng thời, hệ quả của sống thử dẫn đến tình trạng nạo phá thai cũng đang ở mức báo động hoặc trẻ em cơ nhở ngày càng gia tăng.

3. Nguyên nhân

Qua quan sát tình hình thực tế, chúng ta dễ dàng nhận thấy có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái đạo đức của giới trẻ, nhưng trong bài viết này chỉ xin đơn cử ba nguyên nhân sau:

Nguyên nhân từ bản thân: khi đất nước ta mở cửa và hội nhập vào thương trường quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam làm ăn. Các trào lưu “văn hóa ngoại” thâm nhập vào Việt Nam, nhiều bạn trẻ không hiểu mà cho rằng đó là văn hoá “tây”, “hiện đại” rồi chạy theo, bỏ quên mất truyền thống của ông bà để lại…Từ đó, họ sống thiếu ý thức, sống buông thả, đua đòi; đặc biệt là giới trẻ hay lạm dụng tự do để làm những chuyện phi đạo đức. Và các bạn đã hiểu sai cái tự do đó, tự do không phải là làm những gì mình thích, tự do phải là một giá trị để đảm bảo hạnh phúc của mình và người khác.

Nguyên nhân từ gia đình và nhà trường: Trong lần hội thảo “Dự Thảo Luật Hôn Nhân Và gia Đình”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình.” Trong giáo dục học đường của chương trình cấp II cũng đề cập “Gia đình chính là một phần tử của xã hội, gia đình mà tốt đẹp thì xã hội mới tốt đẹp được.” Nhưng xem ra nhiều gia đình ngày nay không coi trọng điều này, thiếu quan tâm đến việc xây dựng nếp sống có văn hóa trong gia đình, cha mẹ thiếu gương mẫu về đạo đức, về lối sống và cũng không quan tâm dạy bảo con cái. Thử hỏi có bao nhiêu bậc cha mẹ hiện nay chịu bỏ thời gian dạy con cái biết cách đối nhân xử thế, biết tôn trọng mình và tôn trọng người khác, dạy con lòng khoan dung, độ lượng, vị tha và những chuẩn mực giá trị đạo đức mà con người phải sống theo và tôn trọng với tư cách là một con người?

Bà Ngô Thị Thu Dung, chuyên gia tâm lý giáo dục - Trường Đại học Hòa Bình Hà Nội cho rằng, “nhiều gia đình “khoán trắng” việc giáo dục đạo đức, văn hóa của con em mình cho nhà trường, cho xã hội.” Trong khi đó, nhà trường hiện nay cũng chỉ đề cao việc nhồi nhét kiến thức, đề cao việc “đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế,” còn việc giáo dục công dân hình như ngày càng mờ nhạt hoặc xem là thứ yếu. Chính vì chỉ quan tâm đến việc nhồi nhét kiến thức nên trường học chỉ có thể đào tạo ra những con người đầy tri thức, thông thạo các kỹ năng mang tính công cụ nhưng không phải là những người trí thức thật sự. Chính vì không phải là người trí thức nên những “sản phẩm giáo dục” ấy rất “hồn nhiên” gây tổn hại đến người khác và vi phạm pháp luật.

Nguyên nhân từ “thời đại”: Theo ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam, “văn hóa suy thoái, đạo đức xuống cấp là bởi chúng ta đã khu biệt văn hóa trở thành một lĩnh vực tách rời. Nguyên nhân của những sự bất cập và xuống cấp đó còn từ phim ảnh ngập nội dung sốc, sex, sự lũng đoạn của gameshow, của truyền hình thực tế đi lạc khỏi mục đích văn hóa vì đồng tiền ….làm thay đổi tư duy và nhận thức của cả một thế hệ.

Hay nói cách khác, khi dòng thác khoa học công nghệ phát triển mạnh thì cuộc sống con người cũng chịu ảnh hưởng theo dòng chảy ấy. Cuộc sống ngày nay tất bật hơn, bận rộn hơn. Các bạn trẻ ít có thời gian rảnh rỗi để đến sống trải nghiệm trong các đoàn thể Phật tử hoặc tham dự các buổi thuyết pháp của chư tôn đức Tăng Ni. Hoặc giả họ có đến nhưng vấn đề tổ chức, các khóa học giáo lý chưa thực sự sinh động khiến cho buổi học trở nên đơn điệu, nhàm chán; hoặc chưa nhắm vào tính thực tiễn của thực trạng xã hội giúp cho giới trẻ tháo gỡ những bế tắc trong cuộc sống. Trong khi đó, các trò chơi giải trí ở bên ngoài xã hội vô cùng hấp dẫn, phong phú và đa dạng đáp ứng mọi thị hiếu cũng như các nhu cầu của giới trẻ.

4. Phật giáo và các giải pháp để đẩy lùi tình trạng suy thoái đạo đức

a. Thay đổi mô hình tổ chức, cập nhật chương trình học Phật pháp

Qua thực trạng đạo đức của tuổi trẻ vừa nêu trên và trước bối cảnh toàn cầu đang hướng về đạo đức của tuổi trẻ, thì việc thu hút thanh - thiếu niên đến chùa để tu dưỡng nhân cách đạo đức ngỏ hầu thoát ra khỏi “vũng bùn sa đọa” là hết sức cần thiết, thậm chí là cấp bách. Hay nói cách khác, đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh mọi người, sớm bước ra khỏi ngục tù tội lỗi. “Những bậc làm cha mẹ phải có bổn phận giáo dưỡng, bậc làm thầy phải có trách nhiệm đem đạo đức mà giáo hóa con trẻ, lãnh đạo quốc gia phải có trách nhiệm bảo vệ lớp trẻ khỏi những loại văn hóa đồi trụy và tất cả cùng có ý thức trách nhiệm chung.”

Nhìn lại thời vàng son của Gia đình Phật tử, chúng ta có thể thấy tổ chức này đã xây dựng được một hệ thống, một chương trình sinh hoạt phù hợp với điều kiện xã hội, với mặt bằng kiến thức của tuổi trẻ lúc bấy giờ; nhất là tuổi trẻ nông thôn. Tổ chức Gia đình Phật tử đã trở thành điểm tựa tinh thần, là nơi quy hướng, tạo luồng sinh khí mới cho bao thế hệ trẻ trở về tu học và đẩy lùi các thế lực ngoại bang lúc bấy giờ. Tuy nhiên, số lượng thanh - thiếu niên ngày nay tham gia vào tổ chức này vẫn còn khiêm tốn. Theo kỷ yếu 60 năm GĐPT tỉnh BRVT, đơn vị sinh hoạt đông nhất chỉ có 126 người, còn lại đa phần từ 17 – 70 người. Vì vậy, việc cập nhật phương pháp giảng dạy cũng như canh tân tính khế lý và khế cơ của tổ này cần phải được cập nhật. Mặc dù cho đến nay, chương trình hướng dẫn cho Gia đình Phật tử đã nhiều lần chỉnh sữa và thay đổi, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cho giới trẻ trong thời kỳ hội nhập. Kế đến, cách tổ chức và giảng dạy cho thanh niên do chư Tăng Ni đảm trách trong các tự viện. Điểm qua nhiều cơ sở ở một số tỉnh - thành, chúng ta luôn bắt gặp hình ảnh quen thuôc là người thầy ngồi trên bộc giảng “thao thao bất tuyệt”, dạy theo lối truyền thống, cổ điển. Trong khi đó, tuổi trẻ ngày nay rất hiếu động, thích cái mới, ham hiểu biết về khoa học, hứng khởi về tinh thần, ưu thảo luận và rất thực dụng. Vì vậy, trong các lớp học Phật pháp cần nên áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau. Chẳng hạn như phương pháp tương tác, phương pháp kiến tạo, phương pháp tính độc lập tự chủ của ngươi học, v.v... Đây là những phương pháp giảng dạy đang được áp dụng trong hầu hết các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Trong một phúc trình về giáo dục của ông Jacques Delors, chủ tịch Ủy ban UNESCO về Giáo dục cho thế kỷ XXI có trình bày về bốn trụ cột của giáo dục; Đó là học để biết, học để làm, học để tồn tại và học để chung sống. Hay nói cụ thể hơn, trong một bài giảng, người thầy luôn tạo nguồn cảm hứng cho người học. Vị giảng sư phải phối hợp làm sao để kết thúc bài học đó, người học cảm thấy thích thú, muốn học nữa, và áp dụng được giáo lý ấy vào trong cuộc sống.

b. Trách nhiệm của gia đình, nhà trường và Tự viện

Như trên đã nói, gia đình là tế bào của xã hội, gia đình đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người, là ngôi trường đầu tiên của nhân loại, là nơi chúng ta trau dồi nhân cách làm người. Muốn xã hội tốt thì gia đình phải tốt, muốn cho con trẻ trở nên tốt, gia đình phải là nơi mọi người sống yêu thương và biết bảo bọc lẫn nhau. Kế đến, môi trường giáo dục nhà trường phải là nơi vừa trang bị kiến thức vừa quan tâm đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức cho các bạn trẻ. “Nhà trường không nên chú tâm vào việc dạy kiến thức mà quên đi việc dạy các em nên người. Hơn nữa, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương đạo đức cho các em noi theo”.

Song song với việc giáo dục giới trẻ ở gia đình và nhà trường còn có một lĩnh vực vô cùng quan trọng, đó là đạo đức Phật giáo. Theo Phật giáo, việc giáo dục và nghệ thuật giáo dục thế hệ trẻ là giúp các em phân biệt được các hành vi tốt và xấu, đồng thời hướng dẫn cách chuyển hóa những hành vi bất thiện trong cuộc sống. Hình ảnh một ít nước trong bát bị đổ đi và lật úp bát trong kinh Giáo giới La Hầu La ở rừng Ambala gợi lên cho chúng ta thấy việc sám hối – biết hổ thẹn về những việc làm sai trái của mình vô cùng quan trọng, và đó cũng chính là biểu hiện phẩm hạnh đạo đức của mỗi người.

Điều quan trọng khác nữa là Phật giáo luôn cổ xúy con người đến những giá trị nhân bản, góp phần tích cực vào việc hoàn thiện đạo đức cá nhân. Tinh thần Từ bi trong Phật giáo không chỉ hướng đến con người, mà còn đến cả muôn vật, cỏ cây. Ngay trong giới thứ nhất của năm giới, đức Phật dạy không được giết hại lẫn nhau mà hãy yêu thương và bảo vệ sự sống để trau dồi đức tính từ bi. Trong bài “Triết Lý Nhân Sinh Phật Giáo với đời Sống Tinh Thần của Con Người Việt Nam”, đăng trong Tạp Chí Khoa Học Chính Trị số 4 có nhấn mạnh “từ bi như dòng suối mát lành để cho mọi người tắm gội khi phiền não nóng bức, từ bi cũng ví như bình nước cam lồ mát mẻ, ngọt ngào, cứu nguy cho những người đang bị lửu sân si thiêu đốt cháy cổ.” Vì thế, chư Tăng Ni trong các tự viện cần nên trực tiếp hướng dẫn các em biết cách thương yêu, biết cách bảo bọc nhau bằng cách cho các em tham gia những hoạt động Phật sự như từ thiện, thiện nguyện, tham gia các công tác xã hội…

Kế đến Phật giáo luôn đặt trọng tâm “ly khổ đắc lạc” nghĩa là giáo dục đạo đức Phật giáo luôn hướng đến sự chuyển hóa khổ đau để đến với hạnh phúc an vui. Nhưng muốn đạt được mục tiêu đó, con người ngoài niềm tin tôn giáo còn phải biết nỗ lực tự thân, biết tu sửa bản thân bằng cách thực hành một đời sống đạo đức đúng nghĩa. Trong đạo đức Phật giáo, ngoài việc trau dồi đức tính từ bi ra, đức Phật đã thiết lập cho người Phật tử có nhiều phương pháp, nhiều chuẩn mực để tô bồi phẩm hạnh đạo đức phấn đấu hướng đến con đường tâm linh. Trong đó những chuẩn tắc thường gặp là Ngũ giới (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu), Bát chánh Đạo là con đường đưa người Phật tử đến sự đoạn tận khổ đau, đạt đến sự cứu cánh viên mãn; suy cho cùng cũng không nằm ngoài giới, định, và tuệ. Giới ở đây bao gồm ba chi phần chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng giúp cho con người giữ gìn được ba nghiệp: thân, miệng và ý được thanh tịnh, xa lìa tham sân si và ác hại. Kế đến, Định bao gồm chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định giúp cho con người xa lìa được các dục, sân, nghi, trạo cử và hôn trầm để đi vào trạng thái hỷ lạc nhất tâm. Cuối cùng là Tuệ học bao gồm chánh kiến và chánh tư duy giúp con người nhận biết sự thật, đúng sai, khổ đau - hạnh phúc, sự thật về Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên…

Theo đạo Phật, chỉ có giới, định và tuệ mới giúp con người vượt ra khỏi hố sâu của vô minh. Hay nói cách khác, tu tập chuyển hóa tâm dựa trên giới định tuệ thì sẽ có cuộc sống thanh sạch, thoát ra mọi phiền não khổ đau, và bế tắc trong cuộc sống. Phật giáo đề cao giới học, giới là khởi nguyên, có giới mới sanh định, có định mới phát tuệ, có phát tuệ mới minh tâm, kiến tánh xa lìa mê lầm. Trong bài hội thảo khoa học của Liên Hiệp Quốc 2014, PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương, thuộc Viện Nghiên cứu Tôn giáo- Viện Hàn lâm KHXH VN viết “Giới răn của Phật giáo giúp con người trong xã hội hiện đại, nhất là xã hội mà không ít người chạy theo vật chất tầm thường, tôn thờ đồng tiền, kiếm tiền bằng mọi hình thức, sống tĩnh tâm, biết sợ tội ác, điều hòa tham dục. Con người biết sám hối tội lỗi, xá tội cho nhau, loại trừ sân hận.”

c. Tổ chức các sân chơi lành mạnh cho giới trẻ

Ngoài việc hướng dẫn giới trẻ tu học, chuyển hóa thân tâm trau dồi đạo đức, các chùa lớn trong huyện/ tỉnh nên mở các khóa tu mùa hè cho tầng lớp sinh viên và học sinh tham dự để họ trãi nghiệm cuộc sống trong thiền môn. Mô hình này xem ra thu hút được nhiều bạn trẻ. Điển hình như khóa tu mùa hè của chùa Vĩnh Minh ở Lâm Đồng, chùa Hoằng Pháp ở Hóc Môn, Chùa Pháp Hoa, chùa Hoa Khai ở Dak Nông, chùa Liên Trì ở BRVT, Báo Giác Ngộ.v.v.., các tu sinh về tham dự cả ngàn người.

Song song các khóa tu, Giáo hội và chư vị trụ trì nên khuyến khích Tăng Ni trẻ kiện toàn vừa Phật học vừa thế học, nhất là ngoại ngữ và công nghệ để dạy cho các bạn trẻ, đồng thời qua các bài học, chúng ta xen lồng Phật pháp, đạo đức hoặc chữ hiếu của đạo Phật vào cho họ thì kết quả sẽ nhiều hơn, thu hút được nhiều giới trẻ hơn. Chúng ta nên tham khảo mô hình hoạt động của chùa Lá ở quận Gò Vấp, Tp.CHM tổ chức dạy 6 ngoại ngữ với 23 lớp học, mỗi ngày có gần 800 học sinh theo học.

Ngoài ra, chúng ta nên trang bị thiết bị và các phương tiện dạy học; đặc biệt là máy chiếu, thư viện, phòng đọc sách, v.v... Hiện nay, đa phần các tự viện chưa chú trọng đến việc này. Theo quan sát, chúng ta vẫn quen theo lối dạy truyền thống, ghi trên bảng hoặc đọc cho học trò ghi. Một điểm quan trọng khác nữa để thu hút giới trẻ học Phật pháp là giảng dạy bằng giáo án điện tử, sử dụng trình chiếu powerpoint, đây là phần mềm rất phổ biến cho lĩnh vực giảng dạy trên toàn thế giới. Áp dụng phần mềm này, người dạy có thể tạo ra bất kì hoạt động và trò chơi thú vị có liên quan đến bài học.

III. Kết luận

Tóm lại, những nguyên nhân nêu trên chỉ mang tính tiêu biểu, những giải pháp được trình bày chỉ là sự gợi ý. Ngoài ra, còn có nhiều giải pháp nữa để giới trẻ hướng về đạo Phật tu dưỡng đạo đức. Đây chính là chúng ta đang áp dụng tính “khế lí và khế cơ” vào trong sự nghiệp hoằng dương chánh pháp nhằm thu hút giới trẻ trở về với Phật giáo và xem Phật giáo như điểm tựa tinh thần với ý nghĩa dẫn đường và động viên họ trong lao động, học tập, nghiên cứu để trở thành người hữu dụng cho đời, góp phần xây dựng cho quê hương đất nước.
 

Bài viết: "Phật giáo với vấn đề đạo đức của tuổi trẻ xuống cấp"
Thích Quảng Đạt / Vườn hoa Phật giáo
--------------

Tài Liệu Tham Khảo

[1] Bài nói chuyện của Bác Hồ tại Hội nghị cán bộ thảo luận Dự thảo Luật hôn nhân và Gia đình, tháng 10-1959.

[2] ĐTKVN, Kinh Trung Bộ I, Kinh Giáo giới La Hầu La ở rừng Ambala số 61, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn giáo 2012.

[3] Lê Thị Ngọc Diệp (2014), Chữ Tâm Trong Văn Hóa Phật Giáo Suy Nghĩ Về Lối Sống của Sinh Viên Trong Xã Hội Hiện Nay, NXB Đại học Quốc gia Tp HCM, tr. 588).

[4] Nhật Từ, Trương Văn Chung, Nguyễn Công Lý (2014), Phật Giáo Với Các Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ Của Liên Hiệp Quốc, bài viết “Phật Giáo Việt Nam Với Công Cuộc Công Nghiệp Hóa, Hiện Đại Hoa Đất Nước” (PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương), HCM, NXB Đại Học Quốc Gia, tr. 165

[5] Nhật Từ, Trương Văn Chung, Nguyễn Công Lý (2014), Phật Giáo Với Các Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ Của Liên Hiệp Quốc, bài viết “Vận Dụng Thiền Quán trong Xã Hội Hiện Đại Đi Đến Hòa Bình An Lạc” (Thích Bổn Huân), HCM, NXB Đại Học Quốc Gia, tr. 494

[6] Nguyễn Sinh Kế (2009), “Triết Lý Nhân Sinh Phật Giáo với đời Sống Tinh Thần của Con Người Việt Nam”, Tạp Chí Khoa Học Chính Trị số 4, tr. 38

[7] Kỷ Yếu 60 năm Gia Đình Phật Tử Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (2016), Lưu hành nội bộ

[8] http://dantri.com.vn/…/dao-duc-cua-mot-so-thanh-nien-dang-x…

[9] https://vi.wikipedia.org/wiki/Đạo-đức

[10] http://news.zing.vn/clip-thay-giao-va-nu-sinh-danh-nhau-tro…

[11] https://www.youtube.com/watch?v=hSOwSd9tYDw

[12] http://www.baomoi.com/bao-luc-gia-tang-bieu-…/c/21514580.epi

[13] http://www.baomoi.com/bao-luc-gia-tang-bieu-…/c/21514580.epi

[14] http://www.vtc.vn/…/ong-duong-trung-quoc-van-hoa-suy-thoai-…

[15] The Four Pillars of Education http://www.unesco.org/new/en/education

[16] Thích Quảng Đạt (2014), Áp Dụng Tính Độc Lập Tự Chủ Để Giảng Dạy Phật Pháp Cho Sinh Viên Năm thứ Nhất Trong Các Học Viện Phật Giáo Việt Nam, in trong “Phật Giáo Với Các Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ Của Liên Hiệp Quốc”, NXB Đại học Quốc gia Tp. HCM. Tr. 917

[17] Yên Lam, (2008), Đạo Đức Phật Giáo Đối Với Trẻ Trong Xã Hội Hiện Đại, in trong Tập San Pháp Luân số 54, tr. 10-11