Sống làm sao để tâm an tĩnh trong đời sống náo loạn hiện nay?

Xã hội hiện đại đang tác động mạnh mẽ nhất đến tâm lý, tình cảm mỗi con người. Vậy chúng ta phải sống như thế nào để tâm an tĩnh trong đời sống náo loạn hiện nay?


Mở đầu cuộc trò chuyện cùng Phatgiao.org.vn, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Thái Hà Books bộc lộ thái độ khá mạnh mẽ: "Nhiều người đã lấy đồng tiền làm thước đo giá trị. Người ta giành giật nhau, tranh giành nhau, lấn át nhau để kiếm tiền. Người ta dường như quên đi các giá trị sống".

PV: Ngày nay, xã hội hiện đại đang chi phối mọi hoạt động của đời sống mỗi con người, theo TS, yếu tố nào đang có tác động mạnh mẽ nhất đến tâm lý, tình cảm của con người?

- Xã hội thay đổi chóng mặt. Có những thứ ngày xưa không chấp nhận được thì ngày nay nhiều người coi là mốt. Có những thứ ngày xưa là lạc hậu nay thành văn minh và ngược lại. Chúng ta bị ảnh hưởng bởi văn hóa của các nước phát triển, của thế giới bên ngoài. Chúng ta bị ảnh hưởng bởi phim ảnh, sách báo. Mặt tốt cũng nhiều mà mặt tiêu cực cũng không ít. Tôi thấy xã hội Việt Nam ngày nay bị đồng tiền chi phối mạnh quá, đi đến đâu cũng thấy bàn bạc về tiền.

Nhiều người đã lấy đồng tiền làm thước đo giá trị. Người ta giành giật nhau, tranh giành nhau, lấn át nhau để kiếm tiền. Người ta dường như quên đi các giá trị sống. Cá nhân tôi rất quan tâm đến vấn đề đạo đức, lối sống. Tôi cho rằng lối sống hiện đại ảnh hưởng rất mạnh đến tâm lý tình cảm con người. Tôi muốn nhấn mạnh đến lối sống hưởng thụ, lối sống cá nhân, lối sống ích kỷ chỉ lo cho chính mình và người thân của mình đã và đang rất ảnh hưởng rất lớn đến cả hiện tại và tương lai.

PV: Theo TS, việc điều hoà được thân tâm, để cho tâm luôn được an tĩnh có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong đời sống mỗi con người?

- Con người ta gồm 2 phần là thân và tâm hay nói cách khác là thể chất và tinh thần. Hiện nay chúng ta quá quan tâm, quá chiều chuộng thân mà bỏ lơ phần tâm. Nhưng xin hỏi bạn 1 câu rất thật rằng, giữa thân và tâm có 1 là ông chủ và 1 là đầy tớ thì đâu là ông chủ, đâu là đầy tớ. Bạn trả lời đi!

Đúng rồi. Tâm là chủ. Tâm điều khiển tất cả. Tâm ra lệnh. Thân chỉ thực hiện theo mệnh lệnh của tâm thôi. Ấy vậy mà không chỉ mình bạn mà hầu hết mọi người chỉ đi chăm chăm lo cho thân, tức lo cho đầy tớ. Ít ai dành mỗi ngày lấy nổi 1 tiếng để chăm lo cho tâm. Đây là 1 sự thật phũ phàng.

Người ta hay nhắc nhau “Anh cứ an tâm”. Đấy. Tâm an là rất quan trọng, đúng không. Tâm an thì ta khỏe mạnh, tỉnh táo, ta sáng suốt, vui tươi, ta thư giãn, bình an. Thế là ta làm việc hiệu quả. Thế là ta sống an nhiên, hạnh phúc. Thế là ta có thiên đàng ngay nơi cõi ta bà này.

Bạn sẽ hỏi làm cách nào để tâm được an. Xin thưa, chỉ việc nhìn cách làm cho nước trong là biết cách. Cứ để nước tự nhiên, chẳng cần làm gì cả. Bùn tự lắng xuống. Nước trở nên trong. Tâm của ta cũng vậy. Khi rối loạn, hãy để yên. Chỉ cần ngồi yên, không làm gì cả, cắt đứt  mọi suy nghĩ. Một lát sau, tâm rối loạn tự chấm dứt. Bạn không cần phải gắng sức. Cứ ngồi yên. Nếu có thiên nhiên, bầu trời, cây xanh và nhạc thiền càng tốt. Bình yên tự đến. Xin nhắc lại, không cần làm gì cả.

PV: Trong cuộc sống và công việc của mình, để thân tâm luôn được an lạc, điềm tĩnh trước mọi sự việc, trước mọi biến động của đời sống xã hội, TS đã làm như thế nào?

- Nếu bạn vào facebook của tôi đọc thì thấy tôi có chuỗi 50 bài viết với tựa đề “THIỀN CẢ NGÀY – từ khi thức giấc ngủ dậy đến tối khi lên giường đi ngủ” đã đăng đến bài số 44. Tôi đang tự nhắc mình hành thiền trong 4 tư thế là đi, đứng, nằm, ngồi. Cả ngày. Từ khi mớ mắt thức giấc đến khi đi vào giấc ngủ. Thiền là chánh niệm. Thiền là chú tâm theo dõi các cảm giác trên thân, là ghi nhận mọi loại cảm giác. Chỉ ghi nhận. Không phân tích, không phán xét. Thư giãn. Thảnh thơi. An nhiên như nhiên. Dĩ nhiên tôi luôn có ít nhất 2 thời tọa thiền mỗi ngày, lúc mới ngủ dậy quãng 4 giờ sáng và buổi tối trước khi đi ngủ.

Thứ 2, tôi luôn đọc và ứng dụng những cuốn sách như “Tôi làm việc tôi hạnh phúc”, “Ngày hôm nay mang tên hạnh phúc”, “Cuộc cách mạng từ bi”, “Pháp môn hạnh phúc”, “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”, “Hạnh phúc không nằm trong ví”, “Từ giờ ta hãy là một người hạnh phúc”,.. và nhất là bộ sách 9 cuốn của thầy Thánh Nghiêm có tên “Phật Pháp ứng dụng”.  Thế là tôi có hạnh phúc cả ngày, hạnh phúc quanh năm. Bạn bè, đồng nghiệp, học trò của tôi cũng thế. Tuyệt vời lắm. 

PV: Theo TS, thực hành thiền có thể giúp điều hoà thân tâm, giúp cho tâm ta luôn được an lạc hay không?

- Rất tuyệt vời. Giá trị của thiền thì vô cùng tuyệt vời. Đơn giản nhất, thiền làm cho ta khỏe mạnh, vui tươi, sống cân bằng. Cao hơn nữa thiền với chú tâm liên tục, không gián đoạn sẽ có định ở các tầng như sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Rồi có tuệ. Đỉnh cao nhất là có tâm giải thoát và tuệ giải thoát.

Tôi thật sự khuyên mỗi người dành ít phút trong ngày để hành thiền. Mà bước đầu tiên hãy đọc những cuốn sách căn bản nhất để từng bước thực hành. Những cuốn sách rất nên đọc ngay để ứng dụng là: “Chẳng cần ngồi yên vẫn có thể thiền”, “Tham thiền”, “Con đường Heartfulness – Tim thiền - Chuyển hóa tâm hồn”, “Vô ngã vô ưu”, “Làm sạch tâm hồn - Các bài tập thiền” , “Thực hành thiền định”, “Gieo trồng hạnh phúc”, “Cho đời bớt muộn phiền”.

PV: TS có lời khuyên như thế nào đến độc giả, đặc biệt là những người trẻ - những chủ thể đang chịu tác động mạnh mẽ nhất từ những biến động, náo loạn của xã hội hiện nay?

- Tôi không biết khuyên gì cả mà chỉ muốn chia sẻ rằng hơn 10 năm trước, tôi chợt nhận ra một sự thật rằng một ngày trôi đi mãi mãi không bao giờ trở lại. Vậy nên mỗi ngày, vừa tỉnh giấc, ngay trên giường là tôi nhắc mình sống thật, sống hết mình, sống vui vẻ để cả ngày thật ý nghĩa. Tôi luôn coi mỗi ngày là ngày cuối cùng của đời mình. Tôi có pháp danh là Tâm Thiện Đức nên luôn tự nhắc mình làm gì cũng với trọn vẹn tâm mình, luôn không quên hành thiện và tích đức. Tôi cố gắng dành thời gian nhiều hơn với thiên nhiên, dù chỉ là với vài cây xanh ngoài ban công hay thư giãn trên mái nhà với cây xanh, nắng vàng, chim hót. Tôi luôn cố gắng yêu thương và giúp đỡ bất cứ ai có duyên gặp được và gửi yêu thương cũng như những lời cám ơn đến muôn người và muôn loài.

Khi đứng giữa thiên nhiên tôi thấy mình hòa vào với gió giữa hư không. Tôi nhớ, có lần thầy tôi ngồi với tôi trong vườn thiền và kể cho tôi nghe rằng gió nhẹ lắm, gió không hình tướng, gió không màu, không mùi, không vị, không ai nắm bắt, không ai trói giữ được. Gió không thể thấy bằng mắt mà chỉ thấy được nó qua sự lay động của vật khác. Gió không nghe được chỉ nghe được qua sự rung động phát ra âm thanh của vật khác khi gió tương tác. Chúng tôi ngồi yên uống trà mà mặc cho gió xúc chạm vào thân thể. Cứ thế cảm nhận. Người tôi như không có trọng lượng, nhẹ như bông. Những cảm giác rất tuyệt vời.

- Rồi thầy tôi bảo rằng gió không có cái tôi, không có tự ngã, không thấy được, không nghe được, không ngửi được, không nếm được, không sờ nắm được. Thầy nhắc tôi học gió để sống giữa hư không. Không hình tướng, không màu, mùi, không vị, không ai nắm bắt, không ai trói giữ được. Thế là thảnh thơi, an nhiên như nhiên.

Tôi đã giật mình nhận ra rằng khi không có tự ngã thì chẳng có vui buồn với khen chê, chẳng có thích ghét với các đối tượng, chẳng cần trở thành ai. Thế là bình thản với mọi chuyện, thích nghi với mọi hoàn cảnh. Thật tuyệt vời.

Tôi muốn bạn đọc và mọi bạn đọc đọc ngay cuốn sách rất hay và đang rất được quan tâm hiện nay trong mùa dịch cúm corona. Sách có tên là “Chủ nghĩa khắc kỷ - Phong cách sống bản lĩnh và bình thản”. Cứ đọc và bạn sẽ biết cách sống không gì cả như gió. Để có bình an, vững chãi và thảnh thơi.
 
Bài viết: "Sống làm sao để tâm an tĩnh trong đời sống náo loạn hiện nay?"
Minh Tâm/ Nguồn: Phatgiao.org