Tìm lại cái tôi đích thực

Thực tế không có cái tôi đích thực! Chúng ta không biết được mình là ai, bởi từ nhỏ chúng ta đã bị các quan niệm về giá trị bên ngoài chiếm hữu, bị hoàn cảnh vật chất dắt theo đi, trở thành nô lệ của hoàn cảnh bên ngoài mà chính mình không cảm nhận được.


Tôi tin rằng, chẳng ai chịu nhận mình không biết mình là ai. Khi có người hỏi bạn là ai, chắc chắn bạn sẽ trả lời: “Tôi chính là tôi”. Nhưng bạn đã từng nghĩ cái “tôi” hoặc “chính bản thân tôi” rốt cục là cái gì chưa? Có thể từ nhỏ đến giờ, mọi người đều ghi bạn với các tên đó, bạn cũng đã nghe quen rồi, bạn sẽ cảm thấy cái tên đó chính là mình, mình mang cái tên như vậy.

Cũng có thể bạn cho rằng: “Thân thể của tôi là chính tôi, nhà của tôi chính là tôi, tư tưởng của tôi chính là tôi, năng lực của tôi là chính tôi, tài sản của tôi chính là tôi, vợ của tôi, người quen của tôi, con của tôi, đều là tôi”, tuy nhiên trong những câu nói đó chỉ thấy xuất hiện “của tôi…”, “của tôi…”, đã không nói rõ cái gì là “tôi”.

Ví dụ: Đây là thân thể của ai? Là thân thể “của tôi”. Tư tưởng của ai? Là tư tưởng “của tôi”. Quan niệm của ai? Là quan niệm “của tôi”. Phán đoán của ai? Là phán đoán “của tôi”. Tiền của ai? Chính là tiền “của tôi”. Tất cả đều là “của tôi…”, “của tôi…”. Vậy “tôi” là cái gì?

Thực tế không có “cái tôi” đích thực! Chúng ta không biết được mình là ai, bởi từ nhỏ chúng ta đã bị các quan niệm về giá trị bên ngoài chiếm hữu, bị hoàn cảnh vật chất dắt theo đi, trở thành nô lệ của hoàn cảnh bên ngoài mà chính mình không cảm nhận được. Vì sức khỏe của tôi, vì tài sản, những người trong nhà của tôi… của tôi, vừa khóc, vừa cười, vừa thích thú, lại vừa phiền muộn, tất cả đều vì “của tôi”, không có việc nào khác ngoài việc vì “tôi”. Đây quả là điều ngu ngốc!

Hãy suy nghĩ kỹ xem, khi chúng ta vừa ra đời, trong não của chúng ta vốn không có tri thức, học vấn và cũng không có trí nhớ, nhưng cùng với việc học tập những kiến thức trong nhiều năm, dần dần có thể phân biệt được tên, hình dạng và số lượng nhiều ít của sự vật, sau đó lại có những phán đoán về giá trị như “điều này có lợi gì với mình không? Có tốt với mình không? Ai là người yêu của mình? Ai là người không yêu mình? Tôi thích cái gì? Không thích cái gì?”. Hơn nữa trong quá trình xã hội hóa lâu dài, con người học những cách nói chiều lòng người khác, học cách che đậy cái xấu xa thậm chí che khuất cả tình cảm, cảm giác đích thực của mình. Dần dần thành thói quen nói dối lòng, làm dối ý nghĩ, cuối cùng đánh mất khả năng nhận biết về mình về cái tôi ban sơ. Cả thân và tâm sống mãi trong tình trạng mất khả năng tự chủ.

Cái tôi đích thực phải là cái tôi đủ khả năng điều khiển được chính mình, có thể sai khiến, khống chế được các hoạt động về tình cảm của mình. Tự mình có thể làm chủ được mình, đó mới là chính mình, nếu đã muốn đi về hướng đông sẽ không đi về hướng tây; có thể giúp đỡ người khác mà không phải là đi giết người, đánh người, lại có thể điều khiển được trái tim của mình, khiến cho nó trở thành một trái tim biết hổ thẹn, biết khiêm tốn, chứ không phải là trái tim kiêu ngạo, tự cao tự đại.

Tuy nhiên, chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường, dao động theo những ảnh hưởng từ bên ngoài. Theo Phật giáo, đó chính là việc thay đổi theo “nghiệp lực”. Nói đơn giản, nghiệp lực là sức mạnh của hết thảy hành vi cử chỉ trong vô lượng kiếp quá khứ ảnh hưởng, chi phối đến hành động trong đời hiện tại.

Tôi tin chắc bất kỳ ai cũng không muốn bị phụ thuộc vào hoàn cảnh, ai cũng hi vọng trở thành người có thể điều khiển được chính mình, và ai cũng muốn thay đổi nghiệp lực. Sự thay đổi này luôn luôn phụ thuộc vào ý chí của mình.

Tận tâm tận lực làm những việc có thể, học những điều nên học, gánh vác những thứ cần gánh vác, đóng góp hết sức mình, không ngừng sửa đổi bản thân, đó là phương pháp tốt nhất để tìm lại chính mình.

Chúc cho mọi người và hi vọng mọi người sẽ tìm được chính mình.

HT. Thích Thánh Nghiêm