Chốn Tổ Kim Huê

Kim Huê ngày xưa đượm chút rong rêu, nữa tân nữa cổ. Có khu tháp lâu đời làm điểm tựa. Mỗi hòn gạch đỏ, mỗi cục đá xanh, mỗi gốc cổ thụ, mỗi viên sỏi, hay hoa lá xanh tươi, đều là công sức của biết bao thế hệ.

Từng gốc mít, cây mận, cây vú sữa, cây khế, tàu lá chuối, bụi trúc gốc tre, vườn tiêu, đều nói lên hiện tướng thăng trầm, nhưng dung chứa muôn ngàn kỷ niệm!
 
 


Chùa Kim Huê là tên sau này, đời của Tổ Chánh Quả mới có. Trước đó, chắc chắn phải là tên khác, thậm chí chẳng có tên tuổi gì.
 
Lúc nào cũng vậy, theo lịch sử xây dựng đạo tràng, cất chùa lập am, quý Tổ sư ngày xưa ban đầu chỉ muốn một chỗ yên thân, ẩn dật tu hành, không bận bịu tới việc xây dựng nguy nga đồ sộ, cũng chẳng cần ai biết đến hành hoạt của mình.

Nhưng lần hồi, bá tánh chúng sanh quy ngưỡng, Tăng-Ni thiện tín hồi đầu, vây quanh để tu học, cái am nhỏ xíu làm sao chứa đủ. Đâu phải Duy Ma Cật Bồ Tát, thần thông quảng đại, muốn lớn là lớn, muốn nhỏ là nhỏ, bao nhiêu cũng có thể dung chứa trong căn nhà của Ngài. Còn quý tổ sư, tuỳ duyên, tuỳ cảnh dựng xây, làm cho vui, tạo phương tiện để người đời sau xử dụng.
 
Kim Huê lúc nguyên thuỷ là khu đất sình lầy, trống trải. Quý sư tổ ở miền ngoài, phát đại bi tâm xuôi ngược phương Nam hoằng pháp, đã dừng trụ nơi này và tạo duyên xây dựng.
 
Như những ngôi cổ tự khác, mới đầu chỉ vách lá mái tranh, lần hồi đủ đầy phước duyên, trở thành ngôi phạm vũ.
 
Trước sư Tổ Chánh Quả, đã có nhiều đời trụ trì, tu rụt bỏ xác nơi đây. Những ngôi tháp cổ phía sau là lời chứng minh đầy thuyết phục. Sư tổ Từ Lâm, Phổ Tường, Kiểu Học, Đức Nhuận, Chánh Tín, rồi sau này có sư bác Huệ Hoà, Trí Quang nữa.

Đây là những bậc long tượng của Phật giáo miền Nam mà thế hệ trẻ ít biết. Công hạnh quý ngài vĩ đại, tâm nguyện quý Ngài tuyệt vời, nhưng khi an nhiên nhi hoá, tất cả đều như cánh nhạn bay qua. Dù không để lại dấu vết, nhưng vẫn lưu danh thiên cổ!
 
Thời kỳ quý sư tổ, nhờ đức độ giáo hoá của các Ngài, nạp tử bốn phương quy hướng. Do nhu cầu hoằng pháp, đào tạo Tăng tài, lần hồi chùa được Phật tử cúng dường đất ruộng, đất vườn nhiều vô số kể.

Một phần trên cầu Kinh Miểu Tổ đi vô, một phần dưới cầu Nàng Hai là Chùa Phước Huệ, hoặc đi qua khỏi cầu Nàng Hai khoảng 10 phút cũng là phần ruộng của chùa. Nếu đi bộ từ chùa lên ruộng, mất khoảng 45phút cho tới 1 tiếng. Còn đi bộ từ Chùa lên vườn, chỉ độ 20 phút là cùng.
 
Người trông coi ruộng đất của Chùa khi xưa là Thầy Tri Sự, giờ là Hoà Thượng viện chủ Tổ Đình. Cuộc đời Ngài dính với ruộng đất từ lúc mới xuất gia còn Sư ông, đến những đời trụ trì sau này. Hạnh nguyện của Ngài là thế, lấy công việc đồng áng, ruộng nương làm pháp an tịnh thân tâm. Ai ở Kim Huê đều phải thọ ơn cơm gạo của Hoà thượng. Nếu tu không tới nơi tới chốn, kiếp sau trở lại, hỏng chừng Hoà thượng làm đại gia giàu có, còn mình là người ở, kẻ hầu nửa à!
 
Thời kỳ hưng hiển nhứt là sư Tổ Chánh Quả. Nơi nầy lúc đó có thể nói là Phật học đường, là trường đào tạo Tăng-Ni tài đức. Nhứt là những thập niên chấn hưng Phật giáo.

Nhiều vị thạc đức Tăng-Ni có duyên thọ học tại đây, rồi được phước đi ra Phật học viện Báo Quốc, miền Trung nữa. Như: Hoà Thượng Huệ Hoà, Huệ Hưng, Huệ Thông, Huệ Phương, Huệ Lực vang bóng một thời. Phía quý ni sư, trên Sài gòn gồm có: Ni Trưởng Từ Quang-Chí Kiên, Ni Trường Phước Hậu-Như Hoa, Ni Trưởng Huê Lâm bên quận 8, và tất cả quý Ni trưởng Phước Huệ, Long An, Từ Thuyền, Từ Quang, Thanh Lương, Hải Huệ dưới Sa-đéc.
 
Thời kỳ tôi đến đây, bên Tăng còn lại quý đại sư huynh như: Minh Lạc, Minh Phong, Minh Thế, Minh Thừa; Quảng Nghiêm, Quảng Nhuận, Quảng Thiện, Quảng Hiền, Quảng Bình; Trí Đức, Trí Nguyên, Trí Thông, Trí Giác; Thiện Long, Thiện Lâm, Thiện Hương, Thiện Ý, Thiện Nhiên, Thiện Trí...
 
Chánh điện chùa Kim Huê khá lớn, đại trùng tu vào thập niên 60, Nhờ công đức dựng xây của các bậc trưởng thượng xa gần. Nhờ thâm ân chú nguyện, chứng minh của Hoà thượng Vạn Đức, Cố Hoà Thượng Huệ Quang, sư phụ và Thầy tri sự Thiện An.

Nghe nói sau này, đến đời Hoà thượng Thiện An, Ngài đã cho đại trùng tu quy mô hơn, và thay đổi cấu trúc hoàn toàn, khác hẳn năm xưa.
 
Khuôn viên chánh điện rộng rãi, thoáng mát, hai bên có tổng cộng 6 cửa sổ nhỏ và 3 cửa cái lớn. Sau này, Phật tử khắp nơi và gia đình cô Hai Dị-Chơn Định, má của anh Công phát tâm cúng thêm những bộ cửa sắt, để ngăn ngừa những kẻ bất chính phát khởi tà tâm.
 
Bên trong chánh điện thờ nhiều tượng Phật, Bồ tát bằng gỗ xưa và xi măng thỉnh trên Sài gòn. Lúc sau, sư phụ còn mời hoạ sĩ, hoạ hình cuộc đời Đức Phật thật chi tiết trên hai bên vách tường. Chủ ý của ân sư là muốn ai cũng biết, cũng nhớ, cũng học theo hạnh nguyện lợi tha và sự hy sinh cao cả của Đức Từ Phụ, khi vào chánh điện lễ Phật.

Tôi cũng góp phần nhỏ bé của mình là cạo những lớp vôi cho sạch và sơn nước lót đầu tiên, giúp chú hoạ sĩ Thiện Tâm hoàn thành từng bức tranh một. Đợt Phật sự đó kéo dài hơn 2 năm. Sau khi hoàn tất, mọi người trong chùa và thập phương bá tánh vô cùng hoan hỷ, cung kính phụng thờ.
 
Hồi đó, bàn thờ của chùa nhiều lắm. Đốt nhang, đốt đèn mệt xỉu luôn. Mỗi bàn thờ đều phải đốt đèn dầu liên tục, không được tắt. Ai làm hương đăng, mỗi ngày ít nhứt phải đi châm dầu, lau ống khói một lần.
 
Sư phụ nói: "làm hương đăng, lau ống khói, cúng dường nhang đèn cho Phật và Bồ tát mau thông minh, sáng dạ lắm. Học kinh gì cũng thuộc, thậm chí khỏi học cũng thuộc luôn" Mới vô chùa, ai chẳng tin.

Thầy nói là Phật nói mà! Nhưng chỉ có điều, những lúc trời tối quá, một mình đi làm cũng ớn da gà lắm. Vì bàn thờ tối om, bàn vong cũng chẳng ít. Đang làm mà cảm thấy có người đứng sau lưng, không ớn sao được!
 
Khu nhà tổ phía dưới khá rộng rãi, khang trang. Những vị tổ sư của các chùa nổi tiếng ở khu vực Đồng Bằng Sông Cữu Long đều được tôn thờ tại đây. Hai bàn vong lớn, một nam, một nữ được an trí song song với bàn thờ tổ. Bên hong bàn thờ vong, có khoản trống, sư phụ kê thêm hai cái giường sắt cho chúng ngủ.
 
Có hồi, ông Kim Đồng từ Sài gòn về nương tu, chữ nghĩa không biết, chỉ lãnh phần dọng chuông. Người ông đen thui không thua dân Miên trên Nam vang, hai con mắt tròng trắng nhiều hơn trồng đen. Tối ngày lầm lì ít nói, như người mạnh bạo, gan dạ, ai dè bị mấy cô trên bàn vong xô xuống giường nữa đêm hoài. Riết rồi, ông xin sư phụ cho xuống ở dãi nhà Tăng phía dưới, cho khỏi bị quý cô trên bàn vong hỏi thăm.
 
Hồi đó, Kim Huê là thành viên của Hiệp Kỵ Tổ Sư Hội, nên hầu như tháng nào cũng có dịp đi ăn đám giổ. Hết chùa này tới chùa kia, hết đi trong tĩnh tới đi ngoài tĩnh. Quanh năm suốt tháng, đi hoài cũng thấm mệt, nhứt là những người lớn tuổi.

Vì Thầy đang độ cao niên, cộng với sở nguyện thích chuyên tu ẩn dật, nên chỉ đi cho có mặt. Tới nơi, Thầy khéo léo cho Hoà thượng trụ trì hoặc ban tổ chức biết, rồi sau đó, ra ngoài vườn vắng, kiếm chổ giăng võng, nằm trì kinh niệm Phật một mình đến khi mãn đám, rồi về chung với quý Hoà thượng cho vui. Ai cũng biết và nể phục lắm! Hoà hợp, tương kính là vậy đó.
 
Hai bên hông chùa là 2 con mương nhỏ, đủ để đậu một chiếc ghe loại trung bình. Bên kia là nhà của Thầy Giáo Nghị to tướng đẹp đẽ và những ngôi nhà lá lụp xụp. Bên đây là nhà của Thầy giáo Nhung và con đường nhỏ đi quanh qua phía trước, quẹo phải là trường Trung Học Bồ Đề, quẹo trái là đường lên Trường Trung Học Tống Phước Hoà và Cầu đốt.
 
Những gia đình xung quanh chùa rất có đạo tâm, luôn gìn giữ giá trị đạo đức Việt nam, nhẫn nhục và an phận. Con cháu của họ đều ăn hiền ở lành, là biểu tượng thiêng liêng của dân tộc Việt.
 
Phía trước trong khuôn viên chùa có 2 cây Bồ đề thật to, gốc lớn hai người ôm chưa giáp. Không biết ai trồng và giống này có phải từ Ấn độ đem qua không, chẳng ai truy tìm căn nguyên làm gì. Chỉ biết là cành lá xum xuê, thân tướng to cao và nhất là, những bộ rễ ăn vô tới chánh điện, làm nức nẻ, bể hết những miếng gạch bông láng hình hoa sen tuyệt đẹp.

Tôi phụ với quý thầy dỡ từng miếng gạch lên, chặt rễ bồ đề, lót gạch lại. Nhưng đâu phải dân chuyên nghiệp, thành thử chổ cao chổ thấp, lòi lõm, không đẹp tí nào.
 
Chính giữa chánh điện từ ngoài nhìn vào, là một cột cờ cao hơn 10 mét, được sơn màu đỏ chói. Chắc là làm trong đợt đại trùng tu thập niên 60. Cột cờ uy nghi, thỉnh thoảng những ngày lễ lớn, tôi mới thấy lá cờ Phật giáo phất phới tung bay, tiếng phành phạch vang cả gốc trời.

Nhưng sau lễ, không biết ai đem vô cất mất tiêu. Còn ngày thường, chỉ thấy cột cờ trơ vơ, ẩn nhẫn dầm mưa dãi nắng với mấy cây bùm sụm phía dưới. Lâu lâu, trẻ nhỏ trong xóm quây quần dưới cột cờ, để bẻ bùm sụm lót dạ qua ngày.
 
Sát bờ rạch, còn có những hàng cây dầu, cây sao to tướng, có thể đóng ghe xuồng được. Bóng dáng hàng sao dầu ngã dài trên con rạch, nhứt là những đêm sáng trăng, đễ cho dân làng bên trong vận chuyện nông vật ra chợ trao đổi, buôn bán.
 
Phía bên phải, từ trong nhìn ra, có một cây gừa to khủng khiếp. Tôi và mấy bạn trong xóm thường tập trung leo trèo, hoặc hái trái ăn. Trái gừa hơi ngọt, tụi nhỏ giành ăn với chim se sẽ. Còn phía bên trái, từ chánh điện nhìn ra, có một cây xoài cao to, hai đứa con nít ôm không giáp. Tôi không nhớ loại xoài gì, chỉ nhớ còn sống thì chua lè chua lét, khi chín thì ngọt đậm đà. Tuy sở hữu của chùa, nhưng để cúng dường cho chư vị Bồ tát sống quanh chùa hưởng phước, hoặc cho ít vị cô hồn sống ngoài cầu dầu độ nhựt .
 
Bên kia đường nhiều lớp đá xanh lởm chởm, người và xe di chuyển không ít khó khăn. Có lúc nghiêng ngửa nhảy múa tung tăng, như hát xiệc. Còn bên đây, trước mặt chùa, con đường đất thật thấp, lầy lội khi mùa nước nổi trở về.

Những cô cậu học sinh áo quần lam lũ, xăn tới bấp đùi, kham nhẫn đến trường học vào những sáng tinh sương. Còn dân giàu có đi xe đạp ọp ẹp, gập gềnh, hay bị phủ đầy bụi bậm lúc nắng cháy trưa hè. Vậy mà dân xứ này vẫn chịu cực, bám trụ sinh tồn.
 
Sau lưng chùa là Trường Bồ Đề. Trường này là tài sản của Chùa. Sau này, thời cuộc đổi thay, Thầy tôi và Ban Giám Hiệu đã hiến cho chính phủ, để tiếp tục duy trì giáo dục và đào tạo nhân tài tại địa phương.
 
Trường nguyên thuỷ chỉ có 3 tầng lầu, sau này do nhu cầu học sinh quá đông, chính phủ cất thêm một tầng nữa, nhưng cũng không đáp ứng nổi với đà dân số gia tăng như vũ bão. Thấy tình cảnh như vậy, ai không mũi lòng, nhưng đành khoanh tay đứng nhìn!
 
Phật giáo Sa-đéc ít có cơ sở giáo dục mang tính chiến lược, tầm cở. Không biết vì sao, người đi trước làm cho lấy có, chứ không phải làm để đời. Nên không có cơ sở giáo dục nào tương thích với bản thân của nó. Vì vậy, những người có đầu óc cấp tiến, có tầm nhìn xa trông rộng, đều âm thầm lên Sài gòn, hay tìm một vùng đất trù phú, nhiều cơ hội tiến thân khác để lập nghiệp, đổi đời.
 
Thời kỳ cận hiện đại, chưa có một trường lớp hẳn hoi nào, nhưng lớp học Phật pháp thì nhiều vô số. Chùa nào cũng có thể tổ chức một lớp học, tổ chức dưới dạng gia giáo. Nhân tài có đó, nhưng không thể tập trung, không được nâng đở đúng mức, để những mầm non có đủ đất phân phát triển.
 
Hồi đó, khi học ở Sài gòn, nhìn trường lớp trên này, rồi ngó lại quê nhà, thấy xao xuyến, ray rứt cõi lòng. Ước mơ sau này, mở một trường Phật học ngang tầm với những tỉnh-thành khác. Nhưng mấy chục năm rồi, ước mơ là một chuyện, còn thực hiện ước mơ có được không lại là chuyện khác!
 
Kim Huê ngày xưa đượm chút rong rêu, nữa tân nữa cổ. Có khu tháp lâu đời làm điểm tựa. Mỗi hòn gạch đỏ, mỗi cục đá xanh, mỗi gốc cổ thụ, mỗi viên sỏi, hay hoa lá xanh tươi, đều là công sức của biết bao thế hệ. Từng gốc mít, cây mận, cây vú sữa, cây khế, tàu lá chuối, bụi trúc gốc tre, vườn tiêu, đều nói lên hiện tướng thăng trầm, nhưng dung chứa muôn ngàn kỷ niệm!
 
Bao lần thay ngôi đổi vị, theo cơn sóng vỗ hưng phế, Kim Huê thuở ban đầu và bây giờ đã thay đổi hoàn toàn, từ cấu trúc đến không gian. Chùa Bông giờ đây có bao người biết đến? Hoạ chăng, chỉ những thành phần trưởng lão, may ra còn nhớ cái tên thân thương này.

Nhưng dù nhân gian có thay tên đổi họ, dù con người có dựng xây thật tráng lệ nguy nga hay đơn sơ mộc mạc, Kim Huê mãi mãi vẫn đượm ngát hương thơm, vẫn nằm gọn trong lòng người lữ thứ, vẫn tiếp sức, trợ duyên trên những đoạn đường đi!!!
 
T.K.Thiện Hữu