Hãy chung sống thân ái với các bạn đặc biệt của chúng ta!

Tình cờ tôi đọc được lá thư của một sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM tham gia cuộc thi do Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) tổ chức. Đề tài của cuộc thi “Hãy tượng tượng bạn là một loài động vật hoang dã sắp bị tuyệt chủng vì bị con người sử dụng trái phép, hãy viết một bức thư kêu gọi loài người bảo vệ bạn”.


 
Lá thư dự thi của bạn sinh viên Nguyễn Hữu Phú có nội dung như sau:

Gửi tê giác,

Mới ngày nào biết tin mày bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện gần tháng trời không bớt, tao lo lắm. Không biết làm gì để giúp mày, thì nghe bọn Hổ nói là mũi người “quý hiếm” tốt lắm, có thể trị được bách bệnh cơ. Thế là tao nhờ bạn ở tận bên châu Mỹ đi săn người ở tận bên Trung Quốc về cắt mũi xay sinh tố trị bệnh cho mày. Vậy mà bớt không thấy bớt, nay mày đã xanh cỏ dưới nấm mồ kia. Thôi, mày cũng đừng nên tiếc nuối cái thế gian này làm chi nữa. Món thịt người đặc sản, mày cũng nếm qua rồi còn gì.

An nghỉ nhé bạn của tao – Ký tên: Voi


Tác dụng của lá thư khi người ta đọc chẳng khác như khi xem bức biếm họa. Xem biếm họa, đầu tiên người ta thấy tức cười sau đó cảm thấy “nhột” vì chứng kiến một thói xấu của con người được bày ra. Còn đọc xong lá thư ngắn trên, ta cũng bật cười trước, sau đó cảm thấy ngượng ngùng vì mình cũng là con người mà lá thư đề cập kia mà.

Hình thức là hài hước nhưng nội dung của lá thư nêu lên một thực trạng hết sức đau xót: con người tự hào là thông thái đã, đang và có thể vẫn luôn tìm cách săn lùng và tận diệt động vật hoang dã. Con người giết động vật hoang dã vì chúng là thức ăn cao cấp nhằm thỏa mãn khẩu vị, thịt càng lạ càng hấp dẫn.

Hơn nữa, chúng còn là nguồn cung cấp những vị thuốc mà tác dụng  nhiều  khi không  có thực: sừng tê giác, mật gấu, mật và thịt rắn hổ mang chúa để chữa bệnh loại “khó nói”, hay làm bùa hộ mệnh kiểu như lấy ngà voi, đuôi voi, vuốt cọp… đeo trên người nhằm phục vụ nhu cầu mê tín.

Con người không chỉ đã và đang giết hại hàng loạt thú rừng như hổ, voi, rắn, nai… phục vụ cho nhu cầu ăn uống gọi là “thể hiện đẳng cấp” mà còn hằng ngày, hằng giờ bức tử những thú vật nuôi thuần hóa từ lâu xem như bạn là chó, mèo chỉ nhằm “khoái khẩu”.

Tệ nạn giết hại những  loài tự nhiên, hoang dã và cả thú cưng nuôi ở nhà, để làm thực phẩm xảy ra gần như toàn cầu. Ở Trung Quốc, nhiều nơi có câu nói ám chỉ khẩu vị xem ra khá kỳ dị là “ăn bất cứ thứ gì bốn chân ngoại trừ cái bàn”. Đáng lý họ phải nói “ăn bất cứ thứ gì hai chân ngoại trừ con người và ăn bất cứ thứ gì bốn chân ngoại trừ cái bàn” nhưng  có nơi ở nước họ, người ta ăn ngon lành thai nhi được lấy từ phụ nữ phá thai để bổ dưỡng  nên họ phải nói gọn hơn – chỉ nói thứ bốn chân – cho sát với sự thật chăng?

Ngoài phục vụ cho nhu cầu ăn uống, con người còn giết hại các sinh linh khác nhằm phục vụ cho nhu cầu thể hiện đẳng cấp của mình. Nhiều người cho rằng con người là động vật cấp cao, thông  minh nhất trên quả đất này nên được phép ăn thịt mọi loại động vật khác.

Theo nguyên lý sinh vật ở bậc cao sẽ lấy sinh vật ở bậc thấp làm thức ăn cho mình. Nhưng bên cạnh đó vẫn có người nghĩ theochiều hướng  khác. Đó là không chấp nhận số lượng chân và lớp lông trên da khác với người là lý do chính đáng để bắt một sinh vật cũng biết đau đớn phải chịu số phận làm thức ăn cho con người.

Lá thư hài hước nêu lên ở phần đầu là ví dụ của khuynh hướng khác này. Chắc chắn sinh viên Nguyễn Hữu Phú đã có suy nghĩ rằng con cháu của anh một ngày nào đó chẳng còn nhìn thấy con tê giác sống động nữa nên mới viết lá thư hài hước đó.

Không chỉ xót thương các loài động vật hoang dã bị tận diệt mà còn có nhiều người cho rằng ăn thịt thông thường  như thịt heo, thịt bò, thịt gà là điều sai lầm vì nó gắn với gắn với luân lý của cái ác.

Đúng là một sự thật đã xảy ra là trong thời tiền sử ăn lông ở lỗ, con người nếu không ăn thịt thú vật thì sẽ chết do không có lựa chọn nào khác, giống như sư tử, cọp… phải săn  mồi vì nếu không chúng  sẽ chết, con người cũng phải săn thú để làm thức ăn cho mình.

Còn trong xã hội ngày nay, con người vẫn có thể tồn tại nếu họ không ăn thịt thú vật. Như vậy ăn thịt thú vật là một lựa chọn chứ không nhất thiết là điều kiện sinh tồn. Nếu lựa chọn phải giết thú vật thì đó là lựa chọn bất đắc dĩ, chẳng đặng  đừng. Có một chuyện về giết thú vật trong thế chẳng đặng đừng tôi đã chứng kiến xin kể sau đây.

Cách đây nhiều  năm, tôi có hướng dẫn một sinh viên dược khoa làm đề tài nghiên cứu tốt nghiệp đại học. Khổ nỗi đề tài này liên quan đến súc vật là chuột lang (cobaye). Để khảo sát sự biến đổi của niêm mạc dạ dày của chuột dưới tác động của một loài thuốc, chuột phải bị giết đi bằng cách bẻ cổ đúng phương cách để chết  tức khắc, sau đó mổ bụng lấy dạ dày quan sát.

Em sinh viên đã chuẩn bị phần thực nghiệm rất chu đáo, nhưng khi đứng trước chuồng nuôi chuột, em lại khóc nức nở: “Thưa thầy, em không thể giết những con chuột ấy được đâu! Bởi em theo đạo ông bà cha mẹ, ăn chay mùng một và rằm. Đặc biệt em thực hành ngũ giới cấm của đạo Phật mà giới thứ nhất là bảo vệ sự sống, tức không được sát sanh”.

Tôi nói với em: “Em nên biết, không chỉ thử nghiệm lâm sàng, tức thử thuốc  trên người là phải tuyệt đối theo đúng các tiêu chuẩn y đức mà thử nghiệm trên súc vật, chúng ta cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức thử trên súc vật mà thế giới đề ra.

Nếu em làm đúng  theo quy trình thử nghiệm đã thiết kế, đặc biệt không làm điều gì gọi là ngược đãi hành hạ thú vật trước khi giết chúng là được rồi. Hơn nữa chúng bị hy sinh là vì khoa học, việc ta làm là cần thiết và bất đắc dĩ”.


Chính mấy chữ “hy sinh vì khoa học” làm em nguôi ngoai, vững tinh thần, tiến hành làm đề tài nghiên cứu rất tốt.

Như vậy, trong quá trình phát triển của loài người, con người đã thoát  thai đi từ dã man, tàn ác đến văn minh, hiền từ. Trong toàn thể  loài người, có một  bộ phận không nhỏ nhận ra được mối quan hệ chặt chẽ hữu cơ cộng sinh giữa sự tồn tại của con người với muôn loài động vật khác.

Trong bộ phận đó nảy sinh ý thức ngày càng sáng tỏ hơn về nhu cầu bảo vệ sự sống, bằng  cách tôn trọng  sự tồn tại của những  loài động vật khác không phải là người. Riêng đối với “cái ăn” của con người, một bộ phận của loài người ý thức rằng cái khoái khẩu của con người thật ra quá nhỏ so với sự đau khổ khôn tả của súc vật khi phải hiến dâng thân thể và sự sống của chúng.

Khởi đầu từ lòng trắc ẩn của một bộ phận người, đã hình thành ý niệm xem động vật như là thành viên trong cộng đồng của giới tự nhiên gồm cả loài người. Chúng chính là những “bạn” đặc biệt của con người.

Và hiện nay người ta đặt ra vấn đề “quyền động vật” là cấp thiết, không chỉ là một chủ đề đạo đức lớn của loài người văn minh hiện đại mà còn bao gồm các đạo luật cấm hành hạ súc vật, không được giết mổ để ăn hoặc dùng súc vật cho việc thí nghiệm chữa bệnh với cách có thể làm chúng đau đớn, cấm việc đấu chọi động vật để tiêu khiển hoặc dùng động vật làm mồi cho động vật khác, ở một số nước việc săn thú bị hạn chế tối đa bằng luật pháp nghiêm ngặt v.v…

Quyền  động  vật  thật  ra đã  được Phật  giáo chủ trương từ lâu, thể hiện qua việc ăn chay, cấm sát sinh và khuyến khích phóng sinh. Theo quan điểm của Phật giáo, tất cả chúng sinh đều có Phật tính, và loài người không có địa vị ưu tiên, cao cấp hơn các loài sinh vật khác. “Lý tưởng cao nhất và phổ quát nhất của Phật giáo là cố gắng không ngừng để vĩnh viễn chấm dứt khổ đau cho tất cả chúng sinh chứ không chỉ cho loài người” (theo Ronald Epstein).

Rõ ràng là thật cần thiết duy trì và nhân rộng ra ý tưởng bảo vệ động vật hoang dã và vật nuôi dưới mọi hình thức và trên toàn cầu. Bằng cách nào?

Khi chuẩn bị bước vào thiên niên kỷ mới, thấy rằng học để làm gì thật  sự là vấn đề rất lớn của mọi hoạt động  giáo dục, cho nên Ủy ban Quốc tế về Giáo dục của Cơ quan Giáo dục, Khoa học và Văn hóa thuộc Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công bố bốn trụ cột cho việc học dựa vào trả lời cho câu hỏi: “Học để làm gì?”.

Theo UNESCO, học làm bốn việc sau, bốn tức bốn trụ cột của giáo dục theo tiếng Anh là: “learning to know, learning to do, learning to live together and learning to be”. Dịch sang tiếng Việt là: “học để biết, học để làm, học để cùng chung sống, học để sống và hiểu bản thân”.

Rất nhiều người hiểu trụ cột thứ ba là “học để cùng chung sống với người khác”. Tức đề cao giáo dục đúng mực nhằm xử lý hoàn  hảo mối quan hệ giữa chỉ con người với nhau để xây dựng xã hội loài người hòa bình bền vững, tránh các xung đột.

Tại sao không hiểu “cùng chung sống”“cùng chung sống với người và các loại động vật khác?” Tức trụ cột thứ ba của giáo dục cần mở rộng hơn, không chỉ đề cao giáo dục xây dựng  mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với nhau mà còn giữa con người với các loài động vật khác không phải là người.

Khi đó, “quyền động vật” sẽ được đưa vào chương trình giáo dục các cấp như một môn học giáo dục đạo đức – công dân, không chỉ đối với động vật hoang dã quý hiếm mà còn cả với những loài vật nuôi để giết lấy thịt bình thường. Đây chính là một cách duy trì và nhân rộng ra ý tưởng bảo vệ động vật hoang dã và vật nuôi dưới mọi hình thức và trên toàn cầu. Hãy chung sống thân ái với các “bạn” đặc biệt của chúng ta!