Những hồn trinh nữ tuổi đôi mươi

Hơn 50 năm trôi qua, chiến tranh đã lùi vào quá khứ, mảnh đất Đồng Lộc năm xưa mang trên mình chi chít những hố bom giờ đã hồi sinh và khoác lên mình màu áo mới. Thế nhưng những câu chuyện về 10 cô gái thanh niên xung phong năm ấy dường như vẫn thật gần.


 
Chiều dần buông, chỉ còn lại những vạt nắng yếu ớt của một ngày dài còn vấn vương trên vòm lá, làn gió nhè nhẹ thoảng qua đủ để thổi vào hồn ta những bâng quơ. Chiều, có lẽ đó luôn là khoảng thời gian khiến cho nỗi lòng của con người thêm thật nhiều tâm trạng. Tôi đứng ở đây, giữa mảnh đất ghi dấu bao chiến công lịch sử của dân tộc, nơi đã từng gánh chịu thật nhiều đau thương, mất mát mà không khỏi xúc động, bùi ngùi. Chiến tranh đã lùi xa, nó bây giờ chỉ còn là những câu chuyện của con người, về những người đã ngã xuống, hay những người còn sống nhưng phải mang theo những vết thương chẳng bao giờ lành lặn,...

Và ngay ở đây, giữa mảnh đất Ngã ba Đồng Lộc này, nơi đã ghi dấu những câu chuyện hào hùng về những con người như thế. Mười cô gái thanh niên xung phong, 10 cái tên, 10 đóa hoa bất tử. Tuổi đời của họ vừa chớm độ mười tám, đôi mươi - cái tuổi đẹp nhất của đời người đã mãi mãi ra đi. Họ đi, mang trong tim bao nhiệt huyết, bao khát vọng và ước mơ còn dang dở. Mười đóa hoa trinh liệt ấy đã hy sinh cả tuổi xuân của mình cho non sông, đất nước, để rồi vào một ngày hè, nắng bỏng gắt, các cô đã ngã xuống, những trái tim “xanh” giờ đây cùng hòa chung nhịp đập, máu xương và tuổi trẻ của các cô đã hòa làm một, góp phần tô thắm màu cờ của Tổ Quốc thiêng liêng.

“Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc”

Quả thật, Ngã ba Đồng Lộc – một cái tên mà chỉ nghe đến thôi thì tất cả chúng ta hay những người còn sống và có lương tri trên thế giới này đều mong muốn được một lần ghé thăm, để được nhìn, được nghe kể, để hiểu và chia sẻ với những con người, những câu chuyện đã trở thành huyền thoại. Họ đã sống và cống hiến cho đất nước, cho ngày hòa bình dân tộc, họ đã chiến đấu và can trường như thể ngày hôm nay là ngày cuối cùng họ được sống trên đời.

Nhưng ngày tổ quốc rợp bóng cờ hoa, họ chẳng kịp trở về để góp mặt chung vui nữa. Chẳng ai có thể tưởng tượng được rằng, những cô gái nhỏ bé kia ngày đêm phải đối mặt với hiểm nguy, ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mỏng manh, dù trên đầu cô là mưa bom hay bão đạn, dù là hố sâu đang chờ chực để nhấm chìm các cô bất cứ lúc nào, vậy mà họ vẫn say sưa làm việc, vẫn vui đùa và hát ca, vẫn rạng ngời niềm tin vào chiến thắng. Họ chiến đấu, chiến đấu cho tương lai của một đất nước, của hàng triệu triệu con người thống khổ, họ sẵn sàng dùng cái chết của mình để ngăn chặn những cái chết khác, đau đớn hơn – cái chết của một đất nước bị đế quốc xâm lược.


 
Hơn 50 năm trôi qua, chiến tranh đã lùi vào quá khứ, mảnh đất Đồng Lộc năm xưa mang trên mình chi chít những hố bom giờ đã hồi sinh và khoác lên mình màu áo mới. Thế nhưng những câu chuyện về 10 cô gái thanh niên xung phong năm ấy dường như vẫn thật gần. Nó là một phần đau thương mà hào hùng của Ngã ba Đồng Lộc, dù thời gian có trôi qua, tấm di ảnh có thể mờ đi nhưng câu chuyện về các cô sẽ vẫn luôn được muôn đời sau kể lại. Như câu chuyện về một lần nghỉ giải lao khi thực hiện nhiệm vụ, họa sĩ Trần Từ Thành đã hỏi chuyện chị Tần: "Sao o lại đi thanh niên xung phong?"/ "Ban đầu tôi ước mong được trở thành người lính, nhưng không được nên tôi vào thanh niên xung phong"/ "O ước mong điều gì?"/ "Tôi ước mong hòa bình, sau chiến tranh tôi sẽ trở về quê hương lấy chồng, xây tổ ấm"…

Tưởng chừng như những ước mơ nhỏ bé đó rồi sẽ thành hiện thực thì ai ngờ đâu, chỉ mấy ngày sau đó, chị Tần cùng với chín người em của mình: Nhỏ, Xuân, Hà, Hường, Hợi, Rạng, Xuân, Xanh, Cúc đã mãi mãi nằm lại, họ gửi tuổi trẻ, gửi lại ước mơ của mình nơi Ngã ba Đồng Lộc máu lửa này. Nhũng lời hẹn thề với người ra trận, những mối tình mới vừa chớm nở chưa kịp ngõ lời yêu, hay ước mơ với chính mình của 10 nữ thanh niên xung phong ấy bởi chiến tranh mà trở thành dang dở...

Thương cho những kiếp người sinh ra thời bom đạn, họ khổ, khổ đến tận cùng nhưng có lẽ chưa một lần họ oán trách cuộc đời hay số phận. Họ chỉ sống và chiến đấu, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Trong vô vàn bức thư gửi về hậu phương, đọc bức thư của chị Võ Thị Tần gửi mẹ lúc ấy, tôi vẫn luôn xúc động: “Mẹ ơi, ở đây vui lắm mẹ ạ, ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, còn ban ngày chúng mang bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con. Mẹ ơi, thời gian này mặc dù địch đánh phá ác liệt nhưng bọn con vẫn tập được nhiều bài hát mới. Cuốn sổ tay mẹ mới gửi cho con dạo nọ đã gần hết giấy rồi, mẹ gửi thêm cho con ít giấy. Mới về thăm mẹ mà sao con thấy nhớ mẹ quá, mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều”.


 
Thế mới thấy, dù hằng ngày phải đi dưới mưa bom nhưng trong tim các cô vẫn chất chứa những nỗi yêu thương,nhớ nhung khắc khoải. Nhớ quê hương, gia đình, người thân và muôn nghìn nỗi nhớ chưa kịp gọi tên khác nữa. Chiến tranh – Đó là điều không bất kì ai, bất kì dân tộc nào mong muốn. Nhưng khi nó xảy đến, tất thảy đều phải đương đầu.

Xa xa, anh hướng dẫn viên mang bộ quần áo thanh niên xung phong, phía sau là chiếc mũ tai bèo đã bạc màu vì nắng gió vẫn say sưa kể cho du khách nghe những câu chuyện về 10 cô gái anh hùng. Nhắc về sự ra đi của cô, anh không khỏi xúc động: “Một ngày tháng 7 nắng gắt ở Đồng Lộc, Tiểu đội 4 được lệnh san lấp hố bom ở khu vực địch vừa thả bom để nhanh chóng thông đường cho xe qua. Họ làm việc không ngơi tay, vừa cười, vừa nói vừa í ới gọi nhau và đã ba lần các cô bị vùi lấp, nhưng tất cả đều rũ đất đá đứng dậy tiếp tục làm việc. Đến 16 giờ 30 phút ngày 24/7/1968, bỗng một tốp máy bay phản lực hướng từ Bắc vào Nam vượt qua trọng điểm. Tất cả chị em nhanh chóng nép mình vào triền đồi, nơi thành hố bom cũ tạo nên một cái rãnh lớn. Hết tiếng máy bay các cô lại chồm dậy làm việc. Bất ngờ tốp máy bay phản lực quay lại bay từ trong ra thả một loạt bom rơi đúng vào đội hình 10 cô gái. Tiếng nổ chát chúa, đất đá tung toé, khói bom mù mịt, đen ngòm.

Các tiểu đội thanh niên xung phong đi sau chồm lên gào thét, nhân dân xóm Bãi Dĩa quanh đấy cũng lao ra gọi tên từng người. Khi đến nơi quả bom vừa nổ chỉ thấy một hố bom sâu hoắm, một vài chiếc xẻng, cuốc vǎng ra nhưng không còn thấy một ai, không nghe thấy một tiếng người. Mặt đất mù mịt. Cả trận địa lặng đi rồi tiếng khóc vỡ òa. Tất cả 10 cô gái trẻ ấy đã hy sinh. Suốt đêm hôm đó và cả ngày hôm sau, đồng đội đã đào bới, tìm kiếm thi hài các chị, đem về tắm rửa sạch sẽ. Tất cả đều như đang vừa đi vào giấc ngủ dài. Đồng đội đã đặt các chị vào khu đồi Bãi Dĩa với lòng xót thương vô hạn."


Riêng chị Hồ Thị Cúc, mãi sang ngày thứ 3 đồng đội mới tìm thấy chị trên đồi Trọ Voi cách hố bom cũ chừng 20m trong tư thế ngồi, đầu đội nón, bên cạnh là cái cuốc, 10 đầu ngón tay bị ứa máu vì đang bới đất để tìm đường ra. Thương xót người em, người đồng đội có số phận không may mắn, tác giả Yến Thanh (tên thật Nguyễn Thanh Bính - cán bộ phụ trách kỹ thuật ngành Giao thông vận tải) cùng có mặt lúc đó nghẹn ngào viết lên bài thơ: “Cúc ơi”:

Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc
Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần
Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng
Cúc ơi! em ở đâu?
Đất nâu lạnh lắm
Da em xanh
Áo em thì mỏng!
Cúc ơi! em ở đâu?”


Các cô đi trong một ngày hè nắng bỏng rát, nước sinh hoạt thiếu thốn, trên trời bom vẫn không ngừng rơi. Người ta nhắc lại rằng, khi khâm liệm, nhiều nữ thanh niên xung phong đầu còn chưa được gội sạch, quần áo vẫn lấm bùn. Có lẽ vì thế mà khi đến thăm Nghĩa trang 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc và phát hiện ra tất cả “chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu”, “Bữa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo/ Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường” nên nhà thơ Vương Trọng đã có những “Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc” gây rúng động tâm can người đọc. Trong đó có những câu được khắc lên bia đá:

“Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang”.


Và lời thỉnh cầu đó đã trở thành sự thật khi Anh hùng - Đại tá Nguyễn Tiến Tuẫn, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, nguyên cảnh sát giao thông thời chống Mỹ sau khi đọc được bài thơ đã lặn lội lên Hương Sơn tìm cho được 2 cây bồ kết đem vào trồng trong Nghĩa trang ngã ba Đồng Lộc bên cạnh mộ 10 liệt nữ thanh niên xung phong. Đến thăm 10 cô gái năm xưa, bạn sẽ được ngắm nhìn 2 cây bồ kết xanh rờn, xanh hơn tất thảy những loài cây khác trong khu mộ, có lẽ các cô đang vui sướng lắm. Ngắm nhìn hình ảnh cây bồ kết, đơn giản mà thân thương, hít một hơi thật sâu mùi hương bồ kết thoang thoảng trong gió để cảm nhận rằng các cô dù đã đi thật xa nhưng vẫn luôn ở đâu đó quanh đây, trong trái tim những người đang sống.

Khép lại những dòng nhật kí dành cho những người đã khuất, tôi muốn nhắn nhủ đôi lời đến những người đang sống trên đời, nhất là các bạn trẻ, là tương lai của đất nước rằng:

Chúng ta, không ai có quyền quyết định nơi mình sinh ra, càng không có quyền quyết định thời điểm mình sinh ra nhưng chúng ta có quyền quyết định cách mình sẽ sống. Ai rồi cũng chỉ sống một lần duy nhất, bạn sống mười năm, hai mươi năm hay năm mươi năm sau không quan trọng, quan trọng là bạn đã sống như thế nào. Cuộc đời cũng giống như một thước phim đa màu sắc mà chính chúng ta là người tạo ra những khoảnh khắc cho thước phim của cuộc đời mình. Dù ta không có quyền được lựa chọn một thước phim hay nhưng chính chúng ta lại được toàn quyền chỉnh sửa nội dung của nó.

Người ta thường than thân, trách phận nhưng mấy ai hiểu rằng chúng ta không thể lựa chọn cho mình một số phận tốt đẹp hơn nhưng chúng ta lại có thể lựa chọn cách sống để tạo ra những may mắn cho chính cuộc đời mình. Bạn sinh ra ở đâu không có nghĩa là bạn phải kết thúc cuộc đời mình ở đó. Bạn sinh ra nghèo khó nhưng không có nghĩa bạn phải chết trong nghèo khó. Bạn thường kém may mắn hơn người khác không có nghĩa là bạn không cố gắng để tìm cơ hội cho riêng mình. Có lẽ cách sống là thứ duy nhất quyết định con người bạn, làm thay đổi điểm xuất phát vốn không được tốt đẹp của bạn.

Thế nên, hãy sống một đời đáng sống. “Khi bạn chào đời bạn khóc, còn mọi người xung quanh cười. Hãy sống sao cho đến khi qua đời, mọi người khóc, còn bạn, bạn cười”. Đó là nụ cười của “ngày ra đi” thanh thản, mãn nguyện vì đã sống trọn vẹn một đời người với tất cả những hoạch định, những ước mơ và niềm hanh phúc tràn đầy nhất... Bạn nhé!

Bài viết: Những hồn trinh nữ tuổi đôi mươi
Tác giả: Thích Nghiêm Thuận