Viết cho những người đã mãi mãi ra đi

Sự hi sinh của các anh đã thắp sáng thêm ngọn lửa, ngọn lửa của niềm tin rằng chúng ta đang được sống ở một đất nước với đủ đầy tình yêu thương, bao bọc và che chở. Các anh đã khẳng định rằng, là người lính, là công dân Việt Nam thì ở bất cứ thời đại nào, bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẽ luôn sẵn sàng dùng cả tính mạng của mình để đánh đổi lấy sự bình yên cho đất nước.


Những ngày của trời thu tháng 10 với muôn ngàn hạt nắng trong vắt và nhẹ dịu, cái tháng mà người ta vẫn thường ví là đẹp nhất trong năm, tháng của mùi hoa sữa nồng nàn len lỏi khắp mọi con đường, tháng của lá vàng khẽ rơi, của những yêu đương và lãng mạn của đôi trai gái. Thế nhưng, những ngày tháng 10 của miền Trung quê tôi đã diễn ra thật kinh hoàng, kinh hoàng theo cái cách mà chẳng ai muốn nó tồn tại. Mưa, lũ, sạt lở, mất mát, hi sinh. Đó là những gì bạn có thể nhìn thấy ở miền đất đầy nắng đầy gió này. Mỗi lần mưa lũ đi qua là lại thêm một lần miền Trung quê tôi khoắc khoải, hoang tàn, ngổn ngang, mất mát, cả về người lẫn tài sản. Mưa nối tiếp mưa, lũ cứ thế chồng lên lũ, tôi không nhớ hết bao nhiêu người đã nằm dưới lòng đất hay mất tích vì bị cuốn trôi, bao nhiêu ngôi nhà đã bị nhấn chìm trong dòng nước lũ, bao nhiêu lúa ngô, bao nhiêu trâu bò gà vịt đã trôi theo dòng xoáy đục ngàu. Tổn thất! đâu đâu cũng nhìn thấy điều đó.

Và hôm nay, tôi xin được viết bức thư này gửi đến các anh, những người đã ngã xuống vì bình yên của đất nước. Xin kính cẩn nghiêng mình trước những vị anh hùng của dân tộc Việt Nam, của nhân dân Việt Nam.
Trời chiều, một màu tang tóc phủ lên khắp miền Trung, thế là không có bất cứ phép màu nào xảy đến, các anh đã mãi mãi ra đi, đi về một nơi thật xa, nơi đó có lẽ các anh sẽ có một đời bình yên hơn, bớt âu lo và bớt đi những nhọc nhằn.

14giờ ngày 12/10/2020, theo lời hiệu triệu của trái tim mình, các anh một lần nữa lại lao vào nơi nguy hiểm, băng rừng, lội suối tìm đường đến hiện trường để nắm tình hình sau khi tiếp nhận thông tin hàng chục công nhân thi công thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) đang bị uy hiếp tính mạng do lũ dữ. Các anh nhận nhiệm vụ, chẳng kịp đắn đo, suy nghĩ, có người chỉ kịp ghé nhà để lấy thêm một ít tư trang, có người vừa trở về từ dòng nước lũ, quần áo còn chưa kịp khô đã vội vã lên đường, có những cuộc điện thoại ngắn ngủi, có những lời nhắn gửi chưa kịp thốt lên, “con đi rồi con sẽ lại về!”. Hành quân dưới trời mưa như trút nước, trong đêm tối mịt mùng, đồi núi hiểm trở, đất đá có thể đổ sập, vùi lấp bất cứ lúc nào. Thế nhưng các anh không hề chùn bước. Những lời cầu cứu thảm thiết của các công nhân từ Thủy điện Rào Trăng 3 như thôi như thúc bước chân các anh phải nhanh hơn, mặc cho hiểm nguy luôn rình rập.

Và rồi, khi cách hiện trường không còn bao xa, vào khoảng 0h ngày 13/10, những tiếng nổ lớn bắt đầu xuất hiện, núi, đất đá bị sụt đổ trùm lên nhà kiểm lâm nơi các anh đang nghỉ ngơi lấy lại sức. Đã có những người may mắn thoát nạn, họ trở về trong cảm giác bất lực và đau thương khi các anh, các đồng chí, đồng đội, những người anh em không thân thích ruột rà nhưng luôn chung một chí hướng đã bị vùi lấp dưới hàng triệu mét khối bùn, đất, đá. Đêm hôm trước, các anh còn quây quần bên bếp lửa hồng giữa rùng thiêng, cùng hong khô bộ quần áo ướt sũng với hi vọng trời mau sáng để có thể lên đường, những câu chuyện những nụ cười, những lời han huyên vẫn còn ở đó, thế mà chỉ ít phút sau, người mất, người còn.


 
Các anh hi sinh, để lại trong lòng người dân cả nước sự tiếc thương vô hạn, các anh đã ngã xuống giữa thời bình để cho người dân xứ Huế bình yên trong lũ giữ. Thắp lên ngọn lửa hồng, ngọn lửa của niềm tin mãnh liệt về anh bộ đội cụ Hồ giữa trắng trời mưa rơi xứ Huế mộng mơ.

Còn đó hình ảnh vị tướng Nguyễn Văn Man, sinh ra và lớn lên trên vùng quê nghèo khó, thường xuyên gánh chịu thiên tai bão lũ Quãng Bình. Thế nên những nỗi đau và sự mất mát của người dân vùng lũ luôn làm trái tim vị tướng nhói đau, ở đâu nhân dân cần, ở đâu nhân dân gặp nguy hiểm, vị tướng ấy luôn có mặt. Hình ảnh vị tướng hiền từ nhân hậu, yêu thương nhân dân, yêu thương bộ đội như con em trong một nhà mãi mãi in sâu trong lòng cán bộ chiến sĩ và người dân Việt Nam. “Nhân dân đang cần chúng ta đến thì bất luận có hi sinh cũng phải đến”, đó là câu nói cuối cùng và cũng sẽ là lời dặn dò mà vị tướng can trường ấy gửi gắm đến thế hệ mai sau.

Còn đó hình ảnh Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, người đã trực tiếp chỉ huy giải cứu thành công 12 công nhân trong vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) 6 năm trước, những tiếng hô vang: "Hoan hô thủ trưởng! Hoan hô thủ trưởng!" của anh em bộ đội trẻ về người chỉ huy tài ba của mình vẫn còn đó, nụ cười anh rạng rỡ sau khi giải cứu thành công toàn bộ 12 công nhân bị kẹt trong hầm tối và lạnh, ngập nước suốt 82 giờ, tính mạng tưởng như "ngàn cân treo sợi tóc" đã mãi in sâu trong tim những người ở lại nhưng giờ đây, tại Thủy điện Rào Trăng 3, anh chẳng thể giải cứu chính mình và đồng đội.

Còn đó lời chúc mừng sinh nhật anh nhà báo sắp tuổi về hưu đang bị bỏ ngõ, ngày anh sinh cũng là ngày anh và các đồng đội được tìm thấy dưới mặt đất lạnh lẽo. Anh đã từng nói sau này khi không còn được làm việc, anh sẽ về quê, trồng rau nuôi cá, sống những ngày tuổi già bình yên nhìn con cái trưởng thành. Thế rồi anh được trở về quê hương sớm hơn dự định, nhưng ngày anh trở về lại đem theo nỗi đau xót cho họ hàng, làng xóm, cho hai đứa trẻ từ nay vắng bóng cha mà nước mắt nhạt nhòa. Tiếc thương anh, một đời tận tụy vì dân.


 
13 con người là 13 câu chuyện đau lòng nhưng cũng rất đỗi hùng tráng, 13 tấm lòng ấy, dung dị, hiền hòa, yêu nước thương dân. Các anh đi bỏ lại những dự định còn dang dở, ngôi nhà kia còn chưa kịp lợp mái, vôi ve; lời hứa kia còn chưa kịp thực hiện và những dự định về một tương lai tươi sáng sẽ không bao giờ có cơ hội được hoàn thành. Anh đi vì đất nước, đi trong vinh quang, trong ngàn tiếc thương và hàng ngàn giọt nước mắt đã rơi của người ở lại.

Có mẹ già tóc bạc trắng ngồi trước di ảnh con trai mà khóc tên người đã khuất, có những người vợ trẻ, đầu chít khăn tang, đôi mắt thẫn thờ, mới vài hôm trước đây còn tiếng vợ tiếng chồng, vậy mà giờ đây, người mất người còn đôi ngã chia ly. Có những đứa con thơ dại, chúng thậm chí còn chưa biết từ nay mình sẽ không còn được vòng tay bố ẵm bồng, không được nhìn thấy nụ cười bố hiền hòa như trước nữa. Đôi chân nhỏ bé chập chững trong dòng người chỉ mong nhìn thấy gương mặt bố, đôi môi mấp mé nhưng tiếng gọi “Bố ơi” ơi chưa kịp tròn vành, thế mà người đã vội đi. "Nhiều ngày nay rồi, cháu cứ liên tục đòi gặp bố. Nó chưa đầy 2 tuổi, còn quá nhỏ để biết chuyện gì đang xảy ra. Cháu cứ nghĩ là bố đi công tác xa không chịu về sớm như mọi khi..."

Những tiếng thơ như xé lòng lại hiện lên ngay trước mắt:

Trắng một trời tang
Đời tuôn nước mắt
Con vẫn lăng xăng
Nhìn quanh thắc mắc
"Sao áo con mặc
Cũng giống bạn kia?"

Đồng đội bố về
Bác già, bác trẻ
Sao nhiều người thế?
Cả ông, bà, mẹ
Đông đủ cả rồi
Thiếu mỗi bố thôi
Con đi tìm bố...

"Bố ơi ảnh bố,
nay đẹp lạ thường
Vai áo bố thương,
có thêm sao đó!
Có lá cờ đỏ
Ở giữa sao vàng
Có tấm huy chương
Ai trao bố vậy?"

Con đi tìm bố
Bố ở đâu rồi?
Bố chẳng trả lời
Bạn kia cũng gọi...

Con đi tìm bố
Giữa màu áo xanh
Ú tìm trốn quanh
Nhưng con chẳng thích

Họ đọc lý lịch
Có tên bố kìa
Họ bảo tiễn chia
Bố đi "Hoàn Vũ"

Là gì hở bố?
Hoá thân thế nào?
Bố hoá trời cao?
Hoá thành mây trắng?

Bố hoá thành nắng?
Hay thành cánh chim?
Bố cứ lặng im...
Sao con biết được?

Bố ơi con ước,
Bố chẳng hoá gì,
Bố chẳng là chi,
Ngoài là Bố cả!!!

Sự hi sinh của các anh đã thắp sáng thêm ngọn lửa, ngọn lửa của niềm tin rằng chúng ta đang được sống ở một đất nước với đủ đầy tình yêu thương, bao bọc và che chở. Các anh đã khẳng định rằng, là người lính, là công dân Việt Nam thì ở bất cứ thời đại nào, bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẽ luôn sẵn sàng dùng cả tính mạng của mình để đánh đổi lấy sự bình yên cho đất nước, cho nụ cười của những đứa trẻ thơ ngây, cho sự an yên những cụ già lúc trời chiều, cho tương lai tươi sáng về một Việt Nam hòa bình và thịnh vượng.

Mai đây, khi thời gian trôi đi, sự hi sinh của các anh hôm nay, có người còn nhớ, có người cũng sẽ quên, nhưng tôi tin tận sâu sâu trong tâm của mỗi người sẽ luôn còn đó sự tự hào, tự hào về một thế hệ “lính cụ Hồ” quả cảm và can trường.

Rào Trăng ngày mai bừng tỉnh lại
Núi đồi cây cối sẽ xanh tươi
Hóa thân thành đất rừng mãi mãi
Điều kỳ diệu chính là các anh rồi!

Nghiêm Thuận/ Tổng Biên tập Vườn hoa Phật giáo