Cuộc đời và Đạo hạnh của Hòa thượng Thích Thanh Viên

Xiển pháp đời thứ 4, Hòa Thượng Pháp Húy là Tiến Ngự, pháp hiệu là Nhân Từ, đạo hiệu Thích Thanh Viên, thế danh Nguyễn Ngọc Viên, sinh ngày 28 tháng 02 năm 1921 tức ngày 20 tháng Giêng năm Tân Dậu tại thôn Vũ Lăng, Tổng Thủy Cam, tỉnh Hà Đông

Nay là thôn Vũ Lăng, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống Nho học, nhiều đời kính tin Tam Bảo, sâu trồng ruộng phúc chốn Tăng già. Thân phụ là một thầy đồ có tiếng tăm được nhiều môn đồ kính trọng.

HÒA THƯỢNG THÍCH THANH VIÊN ( 1921- 1993)

Thuở ấu thơ, Ngài là một người cần mẫn lại có thiện duyên với Phật Pháp, sớm nhận ra được trần gian ảo mộng, cuộc đời huyễn giả vô thường. Do vậy, Ngài đã lập chí xuất gia tìm thầy học đạo. Cơ duyên hội đủ, mượn cảnh xuất gia để hiển bày giác tính, Ngài đã đến quy y với Sư Tổ chùa Đông Tân, thuộc Sơn Môn Xiển Pháp, Thiền Phái Tào Động (87 Triệu Việt Vương, Hà Nội) và được thế phát năm 17 tuổi.

Với nhân duyên sẵn có và lòng quyết chí tu hành, năm 18 tuổi, Ngài được thọ giới Sa di tại giới đàn chùa Quang Hoa – Hà Nội. Là người có nền tảng Nho học cùng với tâm khát khao Phật học, ngày đêm tinh tiến tu hành, tháng năm phụng trì chánh giới nên năm 20 tuổi (1940), Sư Tổ cho thấy Ngài là bậc pháp khí Đại thừa, lại có đủ duyên lành liền cho thọ giới Tỳ Kheo và Bồ tát giới tại giới đàn chùa Bà Đá – Hà Nội. Kể từ đó, Ngài luôn mở quyển khêu đèn, tham thiền vấn đạo tại các chốn tổ đình lớn như: Hòe Nhai, Quang Hoa, Bà Đá, Xiển Pháp…

Đối với sơn môn chốn Tổ, Ngài đã làm tròn sứ mệnh kế thừa Tổ nghiệp, rạng rỡ tông phong:

- Năm 1940 – 1943 , cùng Sư Tổ trùng tu chùa Đông Tân – Hà Nội.

- Năm 1944, xây dựng chùa Đạo Ngạn, xã Hợp Đồng, Chương Mỹ, Hà Tây.

- Năm 1946 – 1947, tham gia công tác tại Hội Thanh niên Phật giáo Cứu quốc ở Thành phố Hà Nội.

- Năm 1974, phụng mệnh Sư Tổ trông nom và nhiều lần trùng tu chùa Lại Yên, Hoài Đức, Hà Tây.

- Trong những năm 1954, 1981, 1992 trùng tu, xây dựng nhiều công trình tại chùa Vũ Lăng, Dân Hòa, Thanh Oai, Hà Tây.

Đối với Đạo pháp và Giáo Hội, Ngài là người hòa mình chung với phong trào chung của Giáo Hội để xây dựng ngôi nhà Phật giáo thống nhất vững mạnh.

- Tháng 05 năm 1959 đến năm 1981, Ngài được cử vào ban lãnh đạo Chi hội Phật giáo Thống nhất Hà Đông Hà Tây, làm Phó thư ký rồi Chánh thư ký, Phó Ban Thường Trực.

- Năm 1982, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Hà Sơn Bình lần thứ I, Ngài được bầu làm Phó Trưởng Ban Thường trực ban trị sự Tỉnh hội.

- Năm 1987, tại Đại hội kỳ II Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài được tấn phong lên hàng Giáo phẩm Hòa Thượng và được bầu vào Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam với chức vụ Trưởng Ban Hướng dẫn nam nữ cư sĩ Phật tử.

- Năm 1989, khi cố Hòa Thượng Thích Thanh Chân viên tịch, Hòa Thượng được bầu làm Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Hà Sơn Bình.

- Trong thời gian từ năm 1959 – 1991, Ngài tham gia Hội đồng nhân dân huyện Thanh Oai, Phó Chủ Tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Thanh Oai và là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tây, Hà Sơn Bình.

- Năm 1991, tỉnh Hà Sơn Bình đổi thành tỉnh Hà Tây. Với uy tín và lòng nhiệt tình, tận tụy vì sự nghiệp chung, Ngài được nhân dân tín nhiệm bầu vào Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tây khóa XI, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tây đến khi viên tịch.

Với hoài bão lớn mong Phật pháp hưng long, Ngài từng tâm sự: “Đạo pháp suy vong là do chư Tăng thất học”. Bởi vậy, vất vả tấm thân bao quản Hòa Thượng đã cùng với tỉnh hội xin mở Trường Cơ bản Phật học của tỉnh để đào tạo Tăng Ni. Năm 1991, Trường Cơ bản Phật học tỉnh Hà Tây được thành lập, Ngài được suy cử làm Hiệu trưởng. Đứng trước khó khăn về sự đi lại quá xa của Tăng Ni trong mùa an cư, Ngài đã mạnh dạn đề nghị mở thêm cơ sở an cư như Hội Xá, Giang Xá… và chính bản thân Ngài đã tu sửa chùa Vũ Lăng thành chốn hạ trường để thỉnh Chư Tăng vể an cư.

Tại Đại hội Phật giáo Việt Nam kỳ III (1992 – 1997), Hòa Thượng lại được cử vào Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam với cương vị Trưởng Ban Từ thiện xã hội.

Trong suốt quá trình hoạt động hết lòng vì đạo pháp và dân tộc, Hòa Thượng đã có nhiều cống hiến to lớn cho Phật giáo nói riêng và trong công cuộc xây dựng bảo vệ đất nước nói chung, nên Ngài không những được Trung ương Giáo hội và tỉnh hội tặng bằng khen, mà còn được chính quyền các cấp tặng thưởng.

- Năm 1990, Ngài được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng 3.

- Năm 1992, Ngài được Ủy ban Trung Ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng bằng khen.


Là hàng giáo phẩm Trung ương của Giáo hội, uy đức của Ngài luôn là nền tảng cho Phật giáo tỉnh nhà, nên Ngài được cung thỉnh làm Giới sư trong hầu hết các đại giới đàn do tỉnh hội tổ chức.

Thuận thế vô thường, Ngài an nhiên thị tịch vào hồi 11 giờ trưa ngày 16 tháng 04 năm Quý Dậu ( 1993 ).

Chốn Tổ đình Vũ Lăng đã vắng bóng bậc trụ trì long tượng, trải qua 73 năm trụ thế và 53 năm hành đạo, Hòa Thượng đã cống hiến trọn vẹn tâm lực cho quê hương, đạo pháp và dân tộc.
 
Nguồn: Bản Tự Cung cấp Tư liệu.
Vườn hoa Phật giáo