Hòa Thượng Thích Thiền Phương

Hành trang oai đức của Ngài ai nghe cũng mến phục, uy danh lừng lẫy khắp Phật giáo Trung Việt thời bấy giờ.

Trong thời kỳ phôi thai của công cuộc chấn hưng Phật giáo, Ngài đã đóng góp rất nhiều ý kiến thiết thực với chư Tôn đức có trách nhiệm, và gởi gắm nhiều hoài vọng của mình vào tương lai Phật giáo. Ngài đã có công đào luyện được những bậc Tăng tài khả kính, quan tâm đến việc mở mang trùng tu tự viện, chùa chiền.
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam 
Phật Lịch 2539 – 1995 
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP I 
Thích Đồng Bổn Chủ biên 
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành
 
----------------------
 
HÒA THƯỢNG 
THÍCH THIỀN PHƯƠNG 
(1879 - 1949)
 
Hòa thượng pháp danh Như Đắc, pháp tự là Giải Tường, pháp hiệu là Thiền Phương, thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 41, Ngài họ Dương, sinh năm (Kỷ Mão) 1879, tại làng Phong Thắng, huyện Tuy An, thuộc tỉnh Phú Yên, Trung Việt. Ngài lớn lên trong một gia đình Nho phong, lễ giáo, có lòng kính Phật trọng Tăng.
 
Năm Ất Dậu (1885) khi lên 7 tuổi, Ngài đã theo thân mẫu đến chùa lễ Phật và quy y Tam Bảo với Tổ Pháp Tạng, và được Tổ đặt pháp danh là Như Đắc. Trong lúc đảnh lễ Tam Bảo, mắt Ngài không rời tượng Phật, mặt đượm vẻ vui tươi sùng kính. Xem thấy khí sắc như thế, Tổ Pháp Tạng biết là đã gặp người có túc thế thiện căn. Tổ bèn tỏ ý với thân mẫu Ngài nên cho Ngài xuất gia. Mẹ Ngài hoan hỷ thuận lời và việc chuẩn bị cũng bắt đầu từ hôm ấy.
 
Ngài bước vào nếp sống thiền gia được nhiều cơ duyên thuận lợi. Truyền thống gia đình cùng sự hỗ trợ tích cực của song thân và đặc biệt là Ngài được trực tiếp thọ giáo với Tổ Pháp Tạng, bậc tu hành lừng lẫy với công hạnh to lớn thời bấy giờ. Đó là niềm vinh dự rất lớn không riêng cho bản thân mà cả gia đình Ngài. Do đó, Ngài luôn tỏ ra xứng đáng với sự tin yêu của Bổn sư và càng chuyên cần tu học. Trong thời gian chấp tác, chưa bao giờ Ngài để Bổn sư và gia đình buồn lòng.
 
Chẳng bao lâu sau, Ngài được Bổn Sư cho thọ Sa Di giới để khuyến khích sự tinh tấn. Đặc biệt, Ngài còn được Bổn sư tận dụng những lúc Ngài gần gũi hầu Thầy, để đưa ra những bài trắc nghiệm về Phật học nhằm khảo sát một cách nhẹ nhàng với Ngài. Trong những lúc ấy Tổ thường đặt những câu hỏi đúng vào nơi yếu chỉ của Kinh, Luật và lần nào Ngài cũng làm cho Tổ hài lòng. Nhờ năng khiếu biện luận cũng như khả năng nhận thức giáo lý tinh thông. Tổ Pháp Tạng biết rằng người đệ tử thông minh này mai sau sẽ là người đống lương cho Phật giáo.
 
Năm Mậu Tuất (1898), Ngài 20 tuổi, Tổ Pháp Tạng cho Ngài thọ Cụ Túc giới. Từ đây Ngài luôn phát tâm dõng mãnh, bồi lực chuyên tu, sưu tầm diệu nghĩa kinh điển. Sự học hỏi đối với Ngài không bao giờ đủ, Ngài thường tạo ra nhiều thắc mắc để được đồng môn giải thích hoặc tầm thầy truy thông. Nhờ vậy nơi Ngài đã có được một cung cách, một sức tiến nổi bật hơn hẳn các bạn đồng môn. Bấy giờ, Bổn sư phú pháp cho Ngài, ban pháp tự là Giải Tường, hiệu Thiền Phương, đồng thời cử Ngài làm trụ trì Tổ đình Phước Sơn tại thôn Đồng Tròn, làng Phú Phong, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
 
Với việc tiếp Tăng độ chúng, Ngài thường dùng những lời thâm thiết trong kinh luật để nhắc chúng tu hành. Do công hạnh quý báu đó Ngài được Tăng chúng và Phật tử bấy giờ tôn Ngài là Cụ Nhãn Tôn Sư.
 
Để mở rộng phạm vi hoằng pháp, Ngài khai Phật học đường gia giáo, quy định mỗi khóa học 3 tháng, hết khóa này đến khóa khác liên tục thường xuyên dung nạp Tăng Ni hiếu học từ khắp nơi về. Tại đây đã đào tạo được rất nhiều tầng lớp Tăng sĩ có đủ tài đức khả dĩ thừa kế Phật sự ngày mai. Phần đông đã trở thành những bậc cao Tăng danh đức, làm cho cảnh Tòng lâm Phước Sơn một thời hưng thạnh.
 
Ngoài việc đào tạo Tăng tài cho Phật giáo, Ngài còn quan tâm đến việc mở mang trùng tu tự viện, chùa chiền. Biết chùa nào bị hư hao sụp đổ Ngài liền dùng mọi phương tiện, đem hết tâm lực và khả năng của mình mà tô bồi xây đắp. Trong rất nhiều những công trình ấy, điển hình đáng kể nhất là nét đồ sộ trang nghiêm của hai ngôi chùa nổi tiếng Từ Quang và Bửu Sơn.
 
Hành trạng oai đức của Ngài ai nghe cũng mến phục, uy danh lừng lẫy khắp Phật giáo Trung Việt thời bấy giờ. Do đó chư Tôn đức xa gần thường hay tìm đến thưa hỏi đạo tình và thỉnh ý Phật sự cần thiết.
 
Năm Đinh Sửu (1937), do mến tài cảm đức, Hội Phật Học Thừa Thiên (Huế) cung thỉnh Ngài làm Chứng minh Đạo sư cho toàn kỳ, truyền thọ quy giới và làm mô phạm cho tất cả Tăng Ni và thiện tín khắp Trung Việt.
 
Trong thời kỳ phôi thai của công cuộc chấn hưng Phật giáo, Ngài đã đóng góp rất nhiều ý kiến thiết thực với chư Tôn đức có trách nhiệm, và gởi gắm nhiều hoài vọng của mình vào tương lai Phật giáo.

Ngài là một bậc cao Tăng có nếp sống chuẩn hạnh, nhưng sự cởi mở, biết nhìn xa trông rộng cũng là điều Ngài hằng quan tâm. Lúc nào Ngài cũng mong sao cho Phật giáo và tông môn có được nếp sống thiền gia đúng nghĩa. Bởi Ngài đã và đang sống lầm than như đồng bào mình trong bối cảnh đất nước bị xâm lăng, đô hộ của thực dân. Do đó nên Ngài có nhiều trăn trở về tiền đồ đạo pháp. Giáo huấn một đội ngũ kế thừa có khả năng đức độ truyền bá giáo pháp để mọi nơi mọi xứ đều được học hỏi vượt qua đau khổ tìm được an vui là hoài vọng tha thiết của Ngài.
 
Ngài đã có công đào luyện được những bậc Tăng tài khả kính, đóng góp nhiều công lao cho Giáo Hội, cho công cuộc hoằng hóa độ sinh, như Hòa thượng Phúc Hộ, Hòa thượng Phước Bình (Hành Trụ), Phước Trí, Phước Cơ, Phước Ninh...
 
Thời kỳ hóa duyên đã mãn, Ngài đã ung dung thâu thần thị tịch vào ngày 10 tháng 08 Â.L năm Kỷ Sửu (1949). Hưởng thọ 70 tuổi đời, 55 tuổi đạo. Bảo tháp được xây dựng tại Tổ đình Phước Sơn, nơi mà Ngài đã sống và hoằng hóa trọn cuộc đời của một bậc cao Tăng, vang danh Phật giáo Phú Yên và tiêu biểu cho miền Trung nước Việt.