Trong con người cái gì là quan trọng nhất?

Chí nguyện của ta là gì? - Trên cầu thành Phật, dưới cứu độ tất cả chúng sinh. Ta có thật sự muốn đạt được những chí nguyện đó hay không? Nếu thật sự muốn hoàn thành chí nguyện lớn lao và cao cả đó, thì tại sao mình cứ dễ duôi buông trôi theo ngày tháng?


Mẹ chúng tôi khi còn sống thường đố rằng, “cái gì quan trọng nhất trong cơ thể?” Khi còn nhỏ, chúng tôi thường cho rằng, âm thanh là quan trọng nhất của con người, nên nghĩ tai là số một.
  
Mẹ tôi nói, “không phải đâu con ạ. Nếu con nói tai là quan trọng, vậy tại sao rất có nhiều người điếc trên thế gian này. Thôi con hãy chịu khó suy nghĩ tiếp đến khi nào trả lời được chính xác câu hỏi của mẹ”.

Khi tôi lớn lên một chút, bao nhiêu hình ảnh thân thương đều hiện ra rõ ràng trước mắt, nên tôi cho rằng mắt là quan trọng. Tôi liền tìm đến bên mẹ, quả quyết rằng mắt là hơn hết.
  
Mẹ âu yếm nhìn tôi và nói, “thời gian đã giúp cho con tiến bộ thêm quá nhiều, nhưng câu trả lời của con cũng chưa hoàn toàn đúng, vì trên thế gian này còn cả một khối người mù”.
  
Rồi thời gian cứ thế trôi qua, tôi lại nghĩ miệng là quan trọng hơn hết, nên lần này khẳng định với mẹ.
  
Nhưng lần nào cũng vậy, mẹ tôi đều nói “chưa đúng đâu, con ạ”. Tôi mới nói với mẹ, “miệng nói năng, giao tiếp để giữ mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống và ăn, nhằm để nuôi sống bản thân, tiếp thêm năng lượng cho các bộ phận khác trong cơ thể cùng hòa hợp với nhau hoạt động và làm việc, nên miệng là quan trọng nhất”.
   
Mẹ nói, “con càng ngày lớn khôn, có thêm sự hiểu biết, nhưng hãy suy nghĩ thêm một chút nữa đi con, để rồi một ngày nào đó, con sẽ nhận ra phần nào là quan trọng nhất trong cơ thể?”
   
Cứ như thế, lần nào tôi đến bên mẹ để trình bày đều không được mẹ đồng ý và chấp nhận. Mẹ chỉ khuyên tôi, “hãy nên dùng trí tuệ để soi sáng thì con sẽ từ từ thấu rõ, con sẽ biết cái gì là quan trọng nhất trong cơ thể?”
   
Rồi đầu năm nay, mẹ tôi sau cơn bạo bịnh và mất tại chùa Giác Ngộ, tôi và một vài người trong gia đình khóc. Lúc bấy giờ, tôi mới chợt nhận ra, đôi vai là phần quan trọng nhất trong cơ thể. Vì khi mẹ còn sống, mẹ thường dùng đôi vai để bao bọc và che chở, nâng đỡ cho các con, nhờ thế chúng tôi có cơ hội khôn lớn và trưởng thành.
  
Bây giờ, sau khi được tu học tại Thiền Viện Thường Chiếu, tôi càng thấy rõ hơn sự san sẻ, giúp đỡ để làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh là quan trọng hơn hết; vì trong thân, đôi vai chịu trách nhiệm để nâng đỡ đầu, mình, tay, chân và gánh vác toàn thân, cộng với sự ý thức của tâm biết bao dung, độ lượng, biết nâng đỡ, sẻ chia bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.
   
Nói cho dễ hiểu hơn, mỗi người chúng ta ai cũng có đôi bàn tay và khối óc, cùng với sự mầu nhiệm của hiểu biết và tu tập. Cho nên, cuộc sống lúc nào cũng cần có sự yêu thương chân thành, biết chia vui, sớt khổ trong mọi hoàn cảnh. Giờ thì chúng ta thử luận bàn về thân có đầu, mình, tay, chân, mắt, tai, mũi, lưỡi, cùng với sự hiểu biết của tâm ý thức.
   
Để duy trì cho thân được làm việc có lợi ích, chúng ta phải biết sắp xếp hài hòa, cái nào là bộ phận chủ đạo, và cứ như thế theo thứ tự sinh hoạt nhịp nhàng. Nếu trong ta chỉ một bộ phận chống trái lại thì mọi cái cũng đều bị đình trệ theo.
   
Chỉ đạo điều hành chính là anh ý thức, cộng với nhận thức sáng suốt do biết tu tập, chuyển hóa, thì mọi việc sẽ dung thông, tốt đẹp; còn nếu ta chỉ sử dụng bằng ý thức thôi thì sẽ sinh ra lòng tham đắm, rồi chấp trước, bám vào đó mà muốn chiếm hữu, từ đó phát sinh ra tranh chấp, phân định, rồi dẫn đến chiếm giữ vì ta và của ta.
   
Do đó, cảm thông nỗi đau của người khác và biết san sẻ cho nhau là quan trọng hơn hết; vì trên thế gian này, còn người cần đôi vai che chở, nhiều người đói tình thương, khát khao sự sống, họ bị đau thương và mất mát bởi sự tác động của nhân quả quá khứ.
   
Chính vì vậy, ta không thể làm ngơ trước những mảnh đời bất hạnh, mà cần phải biết mở rộng tấm lòng sẻ chia, giúp đỡ, bao dung và độ lượng, biết cảm thông nỗi đau của người khác.
  
Bản thân tôi đã từng sống trong si mê, sa đọa hơn 20 năm, vì hiểu biết sai lầm. Tôi có được người mẹ giúp đỡ, tạo điều kiện làm lại cuộc đời nhờ tấm lòng bao dung, độ lượng rộng lớn của bà. Nhờ vậy, tôi được xuất gia và tu học tại Thiền Viện Thường Chiếu cho đến ngày hôm nay.
   
Nhớ về quá khứ khổ đau do thấy biết sai lầm, nên tôi cảm thấy xót xa não nề, bởi đứng giữa dòng đời nghiệt ngã, nhiều người đã chìm đắm trong si mê và tội lỗi. Họ đáng thương hơn là đáng ghét, bởi họ đã đánh mất đi trái tim hiểu biết, nên họ nói lời thô lỗ, cộc cằn, khó nghe, họ làm những việc mà xã hội không thể chấp nhận được; vì mất lương tâm và đạo đức, họ làm cho gia đình, người thân bị liên lụy và ảnh hưởng.
   
Phật dạy, họ là những người đang sống trong cảnh tối tăm, mờ mịt, họ đang làm mất dần tình yêu thương của nhân loại. Nếu không có ai giúp đỡ và cứu vớt họ, cuộc đời của họ càng đi xa hơn chỗ ánh sáng yêu thương, và cuối cùng chỉ lẫn quẫn trong vòng tối tăm, mờ mịt, biết chừng nào mới ra khỏi.
   
Phật dạy, đó là những người từ trong chỗ tối đi vào chỗ tối, nhưng tại sao họ phải nên nông nỗi như thế? Vì họ không có đủ niềm tin, hiểu biết về cuộc sống. Niềm tin ở đây không phải là niềm tin đối với thần linh thượng đế mà là niềm tin đối với Tam Bảo, niềm tin đối với nhân quả, và niềm tin đối với chính mình. Ta phải có niềm tin như thế nào để ta có hiểu biết bằng tình yêu thương chân thật, mà không bị rơi vào hố sâu của tội lỗi.
  
Niềm tin đối với thần linh thượng đế chỉ phù hợp khi con người còn ăn lông, ở lỗ; vì khi đó, ta cảm thấy con người quá nhỏ bé với bầu vũ trụ bao la này. Ta cứ nghĩ rằng, cuộc đời của ta có một bàn tay sắp đặt, định đoạt; và cứ như thế, ta an phận nơi niềm tin đó mà không cần tìm hiểu.
   
Bây giờ, chúng ta thử suy nghĩ cho chín chắn, nếu thượng đế có đủ quyền năng ban phước thì phải cho đều hết, vì cớ sao có người được, có người không? Rõ ràng niềm tin này không còn phù hợp nữa; vì hiện nay, khoa học đã khám phá ra mọi sự hình thành trong bầu vũ trụ bao la này do nhiều nhân duyên kết hợp, không có gì do một nhân mà tồn tại được. Khám phá của khoa học phù hợp với lời dạy của Phật khi xưa đã cách nay trên 2600 năm.
   
Vậy niềm tin đó là gì? Trước nhất, ta phải có niềm tin đối với Tam Bảo, tức tin vào Phật-Pháp-Tăng. Phật là một con người giác ngộ, có tình thương yêu bình đẳng bằng trái tim hiểu biết, có trí tuệ, có từ bi và sẵn sàng chia vui, sớt khổ với tất cả muôn loài chúng sinh. Vì thế, chúng ta gọi là Phật Bảo; và ta phải tin rằng, nếu ta thực tập những lời dạy chân chính đó, ta sẽ mở rộng được sự hiểu biết, yêu thương, để tiếp nhận bình an, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
  
Ta phải tin chính mình có Phật tính sáng suốt, nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng, không lầm lẫn, tai-mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế. Nếu ai không có niềm tin đó thì không bao giờ có đủ khả năng, để trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh.
  
Con người của ta có khả năng yêu thương bằng trái tim hiểu biết, nên mình dễ dàng tiếp nhận bình an, hạnh phúc thật sự ở cõi lòng, mà không hề có sự van xin, cầu cạnh từ bên ngoài. Niềm tin này không phải là sự mê tín, mà là niềm tin bằng sự giác ngộ, do trí tuệ khai mở và phát sáng, ta thấy trong mình có khả năng mở rộng sự hiểu biết, làm lớn thêm lòng thương yêu bình đẳng, không phân biệt người thân hay kẻ thù.
  
Nhờ vậy, ta biết cách chuyển hóa tất cả mọi phiền não, khổ đau, và ta có quyền làm chủ bản thân để tạo dựng một đời sống bình yên, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ mà chẳng phải tìm cầu đâu xa.
   
Đó là ta tin vào tính biết sáng suốt ngay nơi thân của mỗi người, mà trong kinh gọi là Phật tánh. Niềm tin này không phải là niềm tin mù quáng bằng lý thuyết suông, mà là một thực tại nhiệm mầu, có sự tu tập và thường xuyên quán chiếu, xem xét rõ ràng. Nhờ vậy, ta thấy ai có hiểu biết, có yêu thương, có trí tuệ, có từ bi và hay làm lợi ích cho nhiều người mà không bao giờ tính toán, so đo tốt xấu, đúng sai, thì mình biết người đó có bình yên và hạnh phúc thật sự.
   
Niềm tin của ta được trải nghiệm qua cuộc sống thực tế bằng cách tu học và dấn thân, chứ không phải ngồi không mà hưởng nhàn, với quan niệm ta là thầy của thiên hạ. Khi ta có ý chí, có niềm tin, có lý tưởng vì lợi ích tha nhân bằng trái tim yêu thương, hiểu biết, thì mình sẽ có đủ sức mạnh để đi tới phương trời cao rộng, cho đến khi nào đạt được chí nguyện đó mới thôi.
   
Lời nguyện chân chính luôn giúp cho ta đem lại rất nhiều năng lượng có ích, để mình không thất chí, nản lòng mà vững niềm tin hơn mỗi khi gặp việc không được tốt đẹp theo ý muốn. Người tu là người có chí nguyện cao cả vì sự sống còn của nhân loại, ta bình yên, hạnh phúc mà không an phận hưởng nhàn, luôn vì lợi ích tất cả chúng sinh. Đó là tâm Bồ Đề kiên cố của những con người đi theo con đường hiểu biết và thương yêu, để được chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc.
  
Ta phải sống làm sao để cho chí nguyện của mình ngày thêm lớn mạnh, vững vàng.  Ta càng lớn tuổi thì chí nguyện càng thêm bền bỉ, chắc thật, không bị mọi thế lực bên ngoài làm suy giảm. Nếu chí nguyện của ta bị lung lay bởi những danh vọng, lợi dưỡng, sắc đẹp, tiếng tăm chi phối, thì mình sẽ không thành công trên con đường tu tập, và  có khi bỏ cuộc nửa chừng. Ta phải giữ vững ý chí và lập trường, theo đuổi chí nguyện không một giây phút nào lơ là trong hiện tại, và phải biết sử dụng những giây phút đó để làm tròn ước nguyện.  
   
Thế gian này là một dòng đời nghiệt ngã với vô vàn khổ đau, bởi do tham đắm, luyến ái, thương tiếc, nhớ nhung; vì yêu thương mà xa lìa nên khổ, oán ghét mà gặp nên khổ, nên ta tu là chuyển khổ thành vui, chuyển mê thành ngộ, chuyển xấu thành tốt. Ta học hỏi Phật pháp và tu tập để giúp mọi người cùng nhau sống, có yêu thương bằng trái tim hiểu biết.
  
Tâm nguyện hay chí nguyện là một nguồn năng lượng rất lớn không thể thiếu trong ta. Không có tâm nguyện đó thì mình khó bề vượt qua cạm bẫy cuộc đời, bởi sự hấp dẫn của lợi dưỡng, danh vọng, sắc đẹp và sự cung kính.
  
Ta hãy nên tự hỏi rằng, mình có đủ sức mạnh và nguồn năng lượng đó hay chưa? Nếu chưa đủ thì ta vẫn phải thường xuyên quán chiếu, xem xét từng ý nghĩ, lời nói và hành động của mình; bằng không, chỉ cần một ngọn gió thổi tới, ta lại sẽ ngã quỵ như thường.
   
Vậy chí nguyện của ta là gì? - Trên cầu thành Phật, dưới cứu độ tất cả chúng sinh. Ta có thật sự muốn đạt được những chí nguyện đó hay không? Nếu thật sự muốn hoàn thành chí nguyện lớn lao và cao cả đó, thì tại sao mình cứ dễ duôi buông trôi theo ngày tháng?
   
Vậy chí nguyện của ta là biết kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống và mong mỏi tất cả mọi người cùng muôn loài đều được sống bình yên, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.