Ý nghĩa vô song khi Thái tử xuất gia, hoằng Phật đạo

Ý nghĩa ngày Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia vẫn còn in đậm trong tâm tư của tất cả những người con Phật. Do đó kỷ niệm ngày Phật xuất gia nhằm nhắc nhở hàng Phật tử tại gia cũng như xuất gia noi theo gương sáng của Ngài để tu hành, để tinh tấn, để tăng trưởng trí tuệ và để giải thoát.


Trong Kinh Niết Bàn có dạy: “Sống trong nhà thì bị bức bách ràng buộc như lao tù, nó là nhân phát sinh ra các loại phiền lão. Người ra khỏi nhà thì thoải mái như hư không, nó là nhân làm tăng trưởng tất cả các thiện pháp”. Sự thể hiện rất rõ của việc xuất gia là việc từ bỏ đời sống trong ngôi nhà thế tục; cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa, dùng tâm thành kính mà thọ trì giới luật của đức Phật đã chế. Đúng theo lời Phật dạy thì người xuất gia phải mặc áo cà sa hay hoại sắc (áo nhuộm), là đắp y đã nhuộm màu sắc tối để người ta ít nhìn, ít chú ý. Y này còn gọi là y giải thoát, mỗi lần khoác y này người xuất gia phải tụng bài kệ:

Thiện tai giải thoát phục
Vô tướng phước điền y
Phi phụng trì giới hạnh
Quảng độ chư quần sinh.


Xuất gia là một tâm hạnh rất cao cả, siêu vượt cả thế gian, vì đã làm việc mà người thường khó làm được.

Cuộc đời của đức Phật là một cuốn phim dài sống động. Với từ bi và tuệ giác, Ngài đem đến cho tất cả chúng sinh đang chìm trong bóng tối vô minh một con đường đầy ánh sáng thiêng liêng, màu nhiệm. “Sau khi Như Lai vắng bóng, các thầy hãy nương tựa vào giới luật và giáo pháp để hành đạo. Giới luật và giáo pháp chính là thầy, là hải đảo, là chỗ ẩn trú, là hào lũy kiên cố, là phương tiện quí báu nhất để quý thầy đạt đến trạng thái toàn giác và an lạc”. Cho nên trong kinh Viễn Ly đức Phật đọc bài kệ:

“Người phát tâm xuất gia
Lập hạnh vững khởi đầu
Tự thiết tha học đạo
Tự tinh tấn hành trì
Phát tâm chỗ quan hệ
Bỏ ngã chấp cậy tài
Vì thoát ly sinh tử
Dứt phiền não trần lao
Niệm niệm hằng tỉnh giác
Thấu rõ muôn pháp không
Tự tánh thường sáng diệu
Nguyện dẫn độ quần sinh.”


Trong kinh Phước Điền, đức Phật có dạy đến năm đức tính cao rộng, sáng đẹp của người xuất gia:

1. Mến yêu chính pháp nhiệm mầu. Diệu lực hóa giải khổ sầu trầm luân.

2. Bẳng quên tuổi ngọc thanh xuân. Thuận đường giải thoát gội nhuần Phật ân.

3. Xa lìa quyến thuộc song thân. Mở tình thương rộng độ trần mê say.

4. Hiến dâng trọn vẹn đời mình. Hoằng dương chính pháp gởi tình muôn sinh.

5. Chí cầu giác ngộ tâm linh. Chúng sinh cứu khổ bốn ơn đáp đền.

Người xuất gia phải tự mình là ra khỏi ngôi nhà đang bốc cháy của ba cõi, là ra khỏi ngôi nhà luân hồi sinh tử; muốn làm được điều này người xuất gia cần phải chuẩn bị cho mình một chí nguyện vững chãi, một tấm lòng thành kính để trau dồi phước huệ, nâng cao tính thiện trong con người; tinh tấn thực hành từ bi và hỷ xả để bước vào cảnh giới giác ngộ viên mãn.

Vì vậy hình ảnh của người xuất gia cũng có nghĩa là người có chí nguyện vững chãi, có định lực kiên trì, có phẩm chất kham nhẫn trước nghịch cảnh của cuộc đời. Chính vì vậy mà hình ảnh và vai trò của người xuất gia trở nên cao quý. Giới phật tử tại gia và nhiều người hết lòng cung kính, hết lòng hộ trì đoàn thể xuất gia cũng chính vì lẽ ấy mà đức Phật thường xưng tán phẩm hạnh của người xuất gia:

Thế gian đầy quyến rũ
Tâm vững không động lay
Kẻ chiến thắng trăm trận
Không bằng tự thắng mình.
Kẻ chiến thắng ưu việt
Vượt ái dục vô minh
Thắng oán thù sân hận
Bậc tôn quý trên đời
(Dhramapada Suttra)


Người xuống tóc xuất gia là chính thức dấn thân vào cuộc đời, vì cuộc đời đau khổ chúng ta nguyện xin cứu khổ, lấy niềm vui của mọi người để làm niềm vui của mình, lấy hạnh phúc của mọi người làm hạnh phúc của mình, thực hành hạnh Bồ tát không vì an lạc cá nhân mà nguyện giúp hết thảy chúng sinh hết khổ được vui. Như vậy chính là đi vào thực tiễn của cuộc đời, tiếp tục thắp sáng ngọn đèn Chính pháp. Người xuất gia lấy việc lợi ích cho mọi người làm sự nghiệp; giúp xây dựng xã hội thanh bình, cải thiện nhân tâm; dùng từ bi mà bổ chính, hỗ trợ cho những thiếu sót của giáo dục; góp phần xây dựng một quốc độ an lành, hạnh phúc cho mọi chúng sinh.

Cho nên trong Quy Sơn Cảnh Sách, Tổ sách tấn rằng: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục”. Nghĩa là người xuất gia cất bước vượt lên đến phương trời cao rộng, không phải chỉ đạp dưới đất, dưới bùn này thôi.“Tâm hình dị tục” tức là về tâm tư và thân tướng của người tu phải khác thế tục. Thân cạo bỏ râu tóc, mặc áo nhuộm và tâm cũng phải đổi khác để làm người xuất gia tu hành, làm những việc khó làm, nhẫn những việc khó nhẫn, không vướng bận những của cải, danh vọng, sắc thân ở thế gian; Vì vậy, xuất gia là đánh dấu một bước đi, một cái mốc quan trọng của đời mình, chứ không phải là chuyện dễ dàng, chuyện tầm thường.

Lý tưởng ban đầu của người xuất gia là cầu mong giải thoát, cũng có nghĩa là giải thoát ra ngoài những danh lợi, vật chất, tiền của, tình cảm ở thế gian. Thay vào đó bằng một lý tưởng trong sáng, lành mạnh mong cầu được sự giác ngộ giải thoát tâm hồn an lạc với cuộc sống thánh thiện ở chốn thiền môn. Xuất gia là việc làm siêu trần thoát tục, luôn luôn phải tỉnh thức nội tâm, tham học cầu tiến, giải trừ cho được cái khổ sinh, già, bệnh, chết, diệt trừ cho được mê hoặc, thăng cao quả vị chứng đắc. Làm được như thế thì việc xuất gia mới tích cực đối diện với cuộc đời.

Hướng đi của người xuất gia trước hết là hướng đến đời sống nội tâm, luôn kiểm soát lấy mình, làm chủ lấy mình và không để cho những tham đắm, khát vọng bên ngoài lôi cuốn. Chính niệm là đề mục làm chủ tâm và khảo sát tâm. Thân ở đâu tâm ở đó. Làm chủ được tâm, thấy rõ được bản lai diện mục của tâm là thấy rõ nguồn gốc của mọi nguyên nhân đau khổ và con đường dẫn tới hạnh phúc chân thật, toàn diện.

Sống trong môi trường xã hội đầy rẫy sự quyến rũ của vật dục, tình cảm mà tâm hồn người xuất gia không hề bị dao động, đó quả là một hành trình vô cùng khó khăn và đầy thử thách.

Xuất gia, tiếng Phạn là Pravrajya, là để chỉ cho người theo Phật giáo, từ bỏ gia đình, sống đời phạm hạnh, không màng danh lợi hay dục lạc, chỉ mong cầu giải thoát; tu ở trong rừng hay những nơi thanh tịnh, xa rời đời sống thế tục. Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm có dạy: “người xuống tóc xuất gia học đạo thì phải có niềm tin kiên cố, nếu không đủ ý nghĩa như tên gọi này thì không nên xưng là đệ tử của đức Thích Ca”. Thật vậy, sau khi xuất gia, sa môn Cồ Đàm (đức Phật Thích Ca) đã phát bốn lời hoằng nguyện, đó là nguyện cứu các khổ nạn của chúng sinh, nguyện trừ các chướng duyên của chúng sinh, nguyện đoạn các tà kiến của chúng sinh và nguyện độ chúng sinh ra khỏi vòng sinh tử.

Đức Phật là người đã giác ngộ niềm tin cho chính Ngài rồi sau đó lấy sự chứng đắc để giáo dục cho hàng đệ tử, nhưng con đường Ngài đi không hề đơn giản… và cho đến tận ngày hôm nay đã hơn 26 thế kỷ duy chỉ có Ngài mới được xưng Tôn trong trời người. Phàm là người con Phật chân chính hẳn nhiên phải ngẫm lại những gì mà Đấng Từ Phụ đã làm, nghĩa là phải noi theo dấu chân Ngài bước đi, phải tu theo những gì Ngài có được và phải làm theo những gì Ngài đã làm cho muôn loại để tiếp nối sự trường tồn của Phật pháp.

Người xuất gia học Phật, thân hằng ngày không phụng dưỡng mẹ cha, chí chưa đền ơn Tổ quốc, nương tựa cửa thiền chỉ mong sớm kệ chiều kinh, ăn vừa đủ no, mặc không quá ấm, chấp lao phục dịch không để uổng phí thời gian. Vì thế, kẻ xuất trần phải rạng bày dấu chân tam Tổ, hoằng dương tông chỉ Phật gia, tinh cần từ ái, không hơn thua tranh giành nọ kia, để xứng đáng là người Thích tử thiền môn và là nơi nương tựa tinh thần cho bốn chúng. Tự nghĩ mỗi việc làm, mỗi lời nói cho đến mọi ý nghĩ đều là những sức mạnh gieo vào bầu không khí của pháp giới duyên sinh.

Do đó,“Tâm ư trung xuất hình ư xuất hình ư ngoại” bản chất người tu chân chính sẽ hiển lộ tất cả những đặc tính cần thiết để làm bậc gương mẫu của bốn chúng. Tất cả người con Phật phải thấy ngọn lửa bừng cháy trong tâm của đức Phật, Ngài không chỉ chuyên cần về sự phát triển tri thức mà Ngài còn đặc biệt chú trọng về sự phát triển nhân cách nữa, nên những lời Ngài giáo huấn cho hàng đệ tử không ngừng quan tâm nhắc nhở hàng Tỳ kheo và Tỳ kheo ni phải nỗ lực đoạn trừ tham ái vì nó là nguyên nhân khổ đau. Đồng thời, đức Phật còn huấn thị cho hàng đệ tử phải đối xử tế nhị chân chính đối với cuộc đời, vì sự thiện cảm của quần chúng là điều quan trọng đối với việc truyền bá chính pháp.

Người xuất gia phải biết cầu tiến, vượt ra khỏi ba cõi, dùng trí huệ liễu ngộ của mình mà phục vụ chúng sinh, làm cho chúng sinh được lợi ích thiết thực, từ vô minh mà đi vào giác ngộ. Dùng Phật pháp để hướng dẫn chúng sinh, lấy Lục độ để giáo hóa muôn loài; do đó, người xuất gia trước hết phải vì lợi ích cho chúng sinh, thành tựu Phật đạo, chỉ như vậy thôi mới xứng đáng là một người xuất gia chân chính, không trốn tránh cuộc đời, không rời bỏ thế gian. Xuất gia là truyền thống tốt đẹp của Phật giáo, là sự cầu tiến của con người, tìm tự tại giải thoát và chân thành sống với đời. Cho nên Ngài Hàn Sơn nhắn nhủ người xuất gia hãy tự kiểm lại đức hạnh, oai nghi của mình xem có tương ưng với hạnh xuất gia chưa? Công đức tu hành có xứng với cái hạnh giải thoát chưa? Để tự hổ thẹn mà tiến tu. Đâu phải ở chùa lâu năm thấy thường nên lơ là. Phải xét kỹ như vậy mới không tự dối mình, thấy mình còn những cái dở, cái kém, rồi hổ thẹn thức tỉnh để vươn lên.

Vì vậy Ngài Đạo An khuyên nhắc môn nhân như sau: “Xuất gia vì đạo rất nặng rất khó chẳng thể tự xem thường, chẳng thể tự cho là dễ dàng. Nghĩa là gánh vác đạo đức, đeo mang nhân nghĩa, vâng giữ tịnh giới đến chết mới thôi. Còn khó là sao? Nghĩa là, dứt lìa thế tục cắt đứt hẳn đường ân ái, xa tình đổi tính chẳng đồng với mọi người, làm những điều mà người đời không thể làm, cắt đứt những điều người phàm không thể cắt, nhẫn chịu khổ nhục, bỏ cả thân mạng nên gọi là khó, được tên là đạo nhân”. Xuất gia hoàn toàn là một sự tự nguyện cá nhân không có bất kỳ một sự gán ép nào. Xuất gia là sống với một đoàn thể Tăng già hòa hợp, dung hòa một cá thể vào trong đại chúng để rèn luyện chất lượng bản thân, thực hiện lý tưởng giải thoát; đồng thời, đem năng lượng từ bi và trí huệ của đại chúng chuyển hóa thế gian, thúc đẩy cá nhân và cộng đồng không ngừng tinh tấn.

Đức Phật dạy, người xuất gia phải ý thức việc thoát ly sinh tử, mà cố gắng thực tập vững chãi các điều giới luật và oai nghi. Ta đừng để xảy ra sự chung đụng trái phép. Ta cũng đừng nên tự phụ quá đáng là mình đã giỏi, không cần quan tâm tới những chi tiết nhỏ nhặt của giới luật lẫn oai nghi. Vì vậy, chúng ta cần phải phát đại thệ nguyện giống như đức Phật khi xưa dưới cội Bồ đề: “Ta dù thịt nát, xương tan, nếu không thành tựu đạo vô thượng Chính Đẳng Chính Giác, quyết không rời khỏi chỗ này”.

Tâm nguyện hay chí nguyện là một nguồn năng lượng rất lớn, không thể thiếu. Không có tâm nguyện, ta khó bề vượt qua cạm bẫy cuộc đời, bởi sự hấp dẫn của lợi dưỡng, danh vọng, sắc đẹp và sự cung kính. Ta hãy nên tự hỏi rằng: “Mình có đủ sức mạnh và nguồn năng lượng đó hay chưa?”. Nếu chưa đủ, ta vẫn phải thường xuyên quán chiếu, xem xét từng ý nghĩ, lời nói và hành động; bằng không, chỉ cần một ngọn gió thổi tới, mình sẽ ngã quỵ như thường. Người xuất gia học đạo, như trong kinh La Ma, đức Phật đã diễn tả là từ bỏ gia đình, cạo bỏ râu tóc…, nghĩa là từ bỏ tất cả những gì mà thế gian cho là quan trọng, cao sang nhất của đời người.

Do đó, người đã xuất gia, nguyện tu theo giáo pháp của Phật thì ý thức từ bỏ lợi dưỡng phải luôn luôn được đề cao. Vì sao vậy? Vì ngũ dục thế gian có những vị ngọt mà nếu ta không đủ sự tỉnh giác thì sẽ bị chúng lôi kéo, khiến cho đời sống Phạm hạnh bị thất bại, ta phải trở lại đời sống có nhiều trói buộc mà trước kia ta đã nguyện từ bỏ. Người xuất gia có ý chí mạnh mẽ với mục tiêu đạt được Niết bàn thì lẽ cố nhiên dù làm việc gì, suy nghĩ điều gì, mong mỏi sự gì thì những thứ đó đều không được rời xa mục tiêu giải thoát. Khi đã có mục tiêu như vậy tức là đã có sự mong muốn, ước nguyện, nhưng sự mong muốn, ước nguyện này là phù hợp với chính pháp.

Người xuất gia thọ dụng của đàn na thí chủ không phải là việc nhỏ, cái nợ này lấy cái gì đền đáp lại cho được đây? Cho nên, mỗi bửa ăn của người xuất gia phải nhớ niệm tam đề ngũ quán1. Ngũ quán là phải quán kỹ năm điều để sách tấn bản thân, thấy hổ thẹn mà tiến lên. Nhưng có khi vì quen quá nên chúng ta dễ lơ là, làm lấy lệ cho qua. Vì vậy khi thầm ngũ quán là phải quán cho kỹ để thấy rằng người tu hành thọ của đàn na thí chủ nợ rất là lớn, rất là nặng, phải tu hành sao cho xứng đáng để đền đáp ơn thí chủ. Cho nên, người làm việc ở nhà bếp, nhà kho cũng cần nhớ là phải giữ gìn của thí chủ kỹ lưỡng. Nhưng hiện nay, trên thực tế cho thấy xã hội càng văn minh phát triển thì nhu cầu hưởng thụ của con người lại càng cao. Ở đây, người xuất gia chúng ta không phải lẩn tránh mà là tiếp cận xã hội để học hỏi phát huy mặt tích cực của mình, chứ không phải để bám víu vào những pháp thế gian phàm tình ấy. Chỉ cần một niệm xả thôi thì chúng ta được nhẹ nhàng giải thoát. Nếu chúng ta không khéo giữ gìn tâm nguyện và lý tưởng ban đầu thì sẽ bị lung lạc, sa ngã trong dòng đời xuôi ngược, sẽ dễ bị dính mắc tham cầu vật chất xa hoa dục lạc.

Với tính tích cực của người xuất gia học Phật luôn nhìn đời bằng con mắt tuệ giác. Nhìn thấy được hai mặt ở thế gian tức là một bên thánh thiện và một bên là phàm tình. Cũng có nghĩa là mặt tốt lẫn mặt xấu, vui khổ đan xen lẫn nhau, và lý tưởng của bậc thánh thiện là cầu mong sự an lạc, giải thoát không vướng mắc vào pháp thế gian, còn tính phàm tình thì luôn mong cầu cuộc sống vật chất sung túc, danh lợi rõ ràng…Vì vậy, cuộc sống xã hội hiện nay đa phương diện hấp dẫn cuốn hút con người, thì giáo lý của đạo Phật cũng có đa pháp môn để ứng phó, đối trị một cách tương ứng thích hợp và có hiệu quả. Đó chính là sự ly tham, ly bất thiện, luôn quán chiếu cuộc đời là vô thường có-không, hợp-ly, tụ-tán… tất cả đều do nhân – duyên – quả mà có. Hiểu như vậy chúng ta mới dễ dàng xa lìa các pháp, không bị buồn đau nhiễu hại, không bị luật vô thường chi phối. Cho nên người xuất gia chúng ta cần “như lý tác ý” và một niệm xả lấy đó làm hành trang cho lý tưởng giải thoát của mình. Với tuổi trẻ năng động thì cần nên khép mình trong giới luật để trau dồi phạm hạnh. Chúng ta không để vọng niệm buông lung thì sẽ bị tình đời chi phối.

Cũng vậy, về nhu cầu sống, chúng ta phải luôn ý thức “ít muốn, biết đủ” tức là sống trong thế tục mà chúng ta đừng để thế tục hoá, thì lý tưởng giải thoát của chúng ta sẽ không bị lung lay. Hay nói cách khác, người xuất gia phải luôn gắn mình trong một trọng trách vì Phật pháp, vì trách nhiệm “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sinh vi bổn hoài” để nhắc nhở mình hằng tỉnh giác, chính niệm trong mọi hành vi lời nói và ý tưởng sao cho phù hợp với chính pháp. Điều quan trọng đối với hàng tu sĩ trẻ ngày nay, chúng ta cũng đừng nên xem thường việc giao tiếp xã hội quá nhiều, và cũng đừng ỷ lại hay tự mình với một số kiến thức mình đã được học, mà phải hằng “phản quang tự kỷ” để biết rằng mình chưa đủ năng lực, tâm tu chưa vững, nên hướng tâm và sự tu tập phát triển tâm linh để nuôi dưỡng, hun đúc cho lý tưởng giải thoát của mình ngày được kiên cố vững vàng hơn.

Ngày kỷ niệm Phật xuất gia là nhắc lại, tán thán công đức cũng như hạnh nguyện tu hành của Phật. Điều này giúp người tại gia tăng trưởng niềm tin, gia tăng sự tinh tấn cũng như trưởng dưỡng những yếu tố nuôi dưỡng tâm linh của mỗi một người con Phật, nhằm đem lại sự an lạc cho gia đình và người xung quanh. Tiến hơn một bước nữa, người tại gia nuôi dưỡng ý chí xuất trần để khi đủ điều kiện họ cũng từ bỏ con đường thế tục và đứng trong hàng ngũ của Tăng đoàn, có thể ngay trong kiếp sống này cũng có thể trong kiếp sống vị lai.

Lễ Phật xuất gia mang ý nghĩa là giúp người tại gia tin sâu vào Tam Bảo, từng bước tu tập theo gương của Phật, tu tập đến đâu thì an lạc đến đó chẳng những lợi lạc ngay trong đời này và cả trong các kiếp sống vị lai. Vì xuất gia là sự quyết định cho một lối rẽ của cuộc đời, tiến bước đi lên trên con đường giải thoát.

CHÚ THÍCH:

1- Giải Nghĩa: Tam đề – Ngũ Quán Tam Đề:

1. Một là không làm các điều ác,

2. Hai là siêng làm các việc lành,

3. Ba là giữ tâm ý thanh tịnh.

Ngũ quán:

1. Một là nghĩ đến công sức cực khổ của thí chủ cúng dường vật thực,

2. Hai là xem xét đức hạnh có xứng đáng thọ dụng vật thực,

3. Ba là ngăn ngừa lòng tham ăn và thói quen chê khen,

4. Bốn là xem vật thực như món thuốc trị bệnh đói,

5. Năm là tạm dùng vật thực để có sức khỏe hành đạo.

Tam đề và ngũ quán là phương tiện chư Tổ dạy người tu để nhiếp phục tâm, trước và trong khi thọ dụng vật thực cúng dường, để tăng trưởng từ bi và trí tuệ.

Tác giả: Thượng tọa Thích Thiện Hạnh – Phó Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 3/2019