Hai thai nhi được cứu sống nhờ trì tụng kinh Địa Tạng và niềm tin Phật pháp nhiệm màu

Thật may mắn, nếu gia đình mình không học Phật, không có lòng tin kiên cố thì đã hai lần bỏ đi hai giọt máu vô tội rồi. Nay cả 3 cháu đều lớn vui, khỏe mạnh là minh chứng cho Phật pháp nhiệm màu, nhất là sự kỳ diệu của Kinh Địa Tạng.

Chị là con gái Hà Nội, có pháp danh là Diệu Hạnh. Chị lấy anh – một người đồng tu, cùng ăn chay và tín tâm theo Phật giống chị. Kết quả của cuộc hôn nhân này là tháng 10-2015, chị sinh một bé trai kháu khỉnh tại bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), đặt tên là Tường Hạo – theo hình thức sinh mổ.

Tuy nhiên, cuộc sống gia đình khi có thêm con nhỏ dường như lại mang đến nhiều nỗi niềm cho chị hơn, khi những lo toan, vất vả của người làm mẹ chưa được san sẻ và không nhận được sự đồng cảm, thấu hiểu từ người chồng.

Cuối năm 2016, chị quyết định chia tay, không muốn những hạt mầm của khổ đau nở thành cây trong nhau. Nhưng oái oăm thay, sau khi ra tòa li dị được 2 tháng xong, chị mới biết mình có thai lần thứ 2. Cả gia đình và bác sĩ đều lo lắng bởi vết mổ của lần sinh trước còn chưa lành hẳn, giờ lại mang thai nữa thì khá nguy hiểm.

Giữa nhiều lời khuyên của gia đình, họ hàng, chị đắn đo thật nhiều việc giữ hay bỏ thai nhi trong lúc mới được vài tuần tuổi. Đã mấy lần chị tìm đến cổng viện, rồi chị lại lặng lẽ quay về. Trái tim một người mẹ, một Phật tử trong chị lên tiếng, không muốn chị làm một việc tội lỗi, bỏ đi một sinh linh vô tội.


Tròn tháng thôi nôi, gia đình anh Tịnh Liên – Diệu Hạnh làm lễ chay tịnh dâng cúng, mời quý sư đến cầu phúc cho các con.

 
Mọi lo lắng gạt sang một bên, chị hướng về Tam Bảo, trì tụng Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện và lễ chiêm sát ngài Địa Tạng mỗi ngày, với hi vọng sự nhiệm màu chư Phật hộ niệm xuất hiện. Để thay đổi không khí,  tránh nghĩ ngợi nhiều, chị chuyển vào tịnh dưỡng chờ ngày sinh nở tại một ngôi chùa ở thành phố Long Xuyên (An Giang) do một người bạn giới thiệu. Tại đây, một duyên lành đã đến, đưa chị bước sang trang khác của cuộc đời.

Anh có pháp danh là Tịnh Liên, thường xuyên ghé ngôi chùa gần nhà để cầu nguyện cho người vợ đã mất, và vô tình gặp chị vào tháng 12/2016. Sau một thời gian trò chuyện, chia sẻ, thấy mỗi người đều có nỗi niềm riêng nên cả hai quyết định gắn bó, chia sẻ cuộc sống cùng nhau, nhờ nhà chùa làm lễ hằng thuận cho anh chị. Anh coi đứa trẻ trong bụng chị như con mình, hết lòng chăm sóc. “May mắn thay, thai nhi phát triển bình thường. Khi đi kiểm trai, bác sĩ bất ngờ bởi không nghĩ thai phụ trường chay mà cả mẹ và con lại có sức khỏe tốt như vậy.” – Anh hào hứng chia sẻ.

Anh chị cho hay: đến tháng thứ 7 của thai kỳ, hai vợ chồng vẫn trì tụng kinh Địa Tạng và cùng lễ chiêm sát hàng ngày, không nghỉ một thời nào. Căn phòng nhỏ vang tiếng radio niệm Phật 24/24. Ngày khai hoa nở nhụy đến vào cuối tháng 4/2017 trong niềm hỷ lạc khi một bé trai khôi ngô chào đời theo hình thức sinh mổ, mẹ tròn con vuông trong sự hân hoan, hạnh phúc của họ hàng hai bên. Cậu bé được đặt tên là Tường Nghị, và mang họ của anh.

Vốn đều là những người nhất tâm học Phật, nên khi anh liên lạc với bố đẻ bé Tường Nghị. Cả hai đều vui vẻ coi nhau như anh em bạn bè.  Anh thường xuyên kết nối qua mạng internet để bố đẻ và bà nội Tường Nghị ở ngoài Bắc có thể nhìn thấy, trò chuyện cùng con.

Từ lúc lễ hằng thuận đến khi sinh bé Tường Nghị, anh và chị mỗi người ở một phòng riêng. Chỉ khi Tường Nghị được hơn 7 tháng tuổi, cả hai mới về ở chung phòng. Và nhân duyên lại đến thêm một lần nữa khi rạng sáng ngày mùng 8-2 âm lịch (ngày lễ thánh vía Đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni xuất gia), chị phát hiện ra mình tiếp tục mang thai lần nữa.

Chị ngỡ ngàng, lo lắng vào viện để thăm khám. Bác sĩ khuyên chị nên bỏ thai đi, vì lần sinh mổ thứ 2 đã là nguy hiểm rồi, nếu sinh mổ lần 3 sẽ còn nguy hiểm gấp nhiều lần. “Nhất định phải bỏ thai để cứu lấy mẹ. Các bác sĩ đều khuyên mình vậy. Hai vợ chồng tôi ngồi ôm nhau khóc biết bao nhiêu nước mắt. Lúc siêu âm, bác sĩ nói thai nhi được 4 tuần tuổi, nên hẹn tuần sau thai nhi được 5 tuần đến, lúc đó tìm cách giải quyết mọi thứ dễ hơn”, – chị Diệu Hạnh chia sẻ.

Về đến nhà, hai vợ chồng anh chị quên ăn mất ngủ vì lo cho sinh mạng của cả hai mẹ con. Đúng ngày hẹn một tuần sau,  anh chị trở lại bệnh viện. Khi siêu âm kiểm tra,  thai nhi đã trưởng thành được 7 tuần tuổi – lệch 2 tuần so với dự đoán. “Vì thai lớn nên không thể bỏ thai được, vì nếu bỏ sẽ nguy hiểm đến tính mạng sản phụ. Nhưng để lại thì cũng vẫn nguy hiểm – không chỉ một mà là cả hai mạng người. Các bác sĩ ở bệnh viện đều ái ngại nói rằng: Trường hợp liên tiếp các năm liền nhau sinh mổ 3 lần thì xác suất vỡ tử cung, nhau thai bám cài răng lược rất cao, cộng thêm các tai biến hậu sản sau khi sinh”. Anh Tịnh Liên nói.


Ăn chay trường và phát nguyện trì kinh Địa Tạng, chép kinh là lựa chọn giúp chị Diệu Hạnh chiến thắng 3 lần vượt cạn sinh tử.

Anh và chị xin được về nhà suy nghĩ thêm. Suy đi tính lại, cuối cùng cả hai vẫn quyết định giữ lại thai nhi. “Giọt máu của mình, nào ai nỡ cắt ruột từ bỏ một sinh linh có quyền được sống.” – chị Diệu Hạnh bày tỏ. “Với niềm tin vào sức mạnh của Phật pháp, vợ chồng mình tiếp tục phát nguyện trì Địa Tạng: sáng dành 2 giờ tụng kinh, trưa dành 2 giờ chép kinh, tối cũng dành 2 giờ để trì kinh lễ sám pháp. Cả hai đều đặn thực hiện như thế ngày đêm, không gián đoạn để tạo duyên bòn phúc, cầu mong chư Phật, Bồ tát gia tâm cảm ứng hộ niệm cho hai mẹ con được bình an. Thật tuyệt vời là đến thăm khám bác sĩ, thấy thai nhi vẫn phát triển tốt, và dù hai vợ chồng mình trường chay nhưng thai nhi không hề có dấu hiệu còi hay thiếu chất. Sức khỏe thai phụ tốt thêm, da sắc hồng hào hơn lúc chưa mang thai, chân không thấy đau nhức như nhiều mẹ bầu khác”.

Đến tháng thứ 7-8-9 của thai kỳ, bụng chị ngày một lớn thêm ra khiến cho sự lễ lạy cũng khó khăn. Nhưng chị vẫn ngồi để lễ chiêm sát hàng tiếng đồng hồ với tinh thần và sức khỏe mà mọi mẹ bầu khác ít ai có được .

Và may mắn thay khi vào phòng sinh, bác sỹ cho mang máy niệm Phật vào. Để thực hiện được ca mổ này, anh và chị đều phải ký tên vào nhiều văn bản, giấy tờ cam kết, đảm bảo việc đối diện với rủi ro không may có thể xảy ra – nếu không bệnh viện sẽ chuyển chị lên tuyến trên cách hơn 200km.


Bàn thờ Phật và thất nhỏ của gia đình anh chị Tịnh Liên – Diệu Hạnh

 
Anh nói: “Mình ký tên mà nước mắt cứ chảy ròng ròng. Người thân trong gia đình ai cũng lo lắng, lộ rõ vẻ sầu bi cả một góc bệnh viện. Các bác sĩ ai cũng thương, đều động viên sẽ cố gắng hết y đức của minh còn mọi việc thì do số mệnh.

Rồi ca mổ 20 phút cũng xong, chiều hướng tốt và nhanh hơn dự đoán của ê kíp mổ. Một giờ sau, bé gái đã được đưa vào bú mẹ. Cả gia đình vẫn hồi hộp theo dõi. 5 giờ đồng hồ trôi qua, sức khỏe sản phụ bình yên, không có dấu hiệu bất thường, tất cả đều vỡ òa trong niềm hạnh phúc tột cùng.  Các bác sĩ đều ngỡ ngàng, vì ca sinh mổ cho thai phụ gần nhau  giữa các lần sinh như thế này mà bệnh viện nhận làm, là ca đầu tiên. Họ bảo thường 10 ca sinh mổ lần 2, lần 3 như vậy thì hầu như tháng thứ 5, thứ 6 có nguy cơ vỡ tử cung, không kịp cứu cả mẹ lẫn con. Vợ chồng mình chỉ biết cảm ơn chư Phật, Bồ tát đã gia hộ cho mọi sự nhiệm màu đã đến với gia đình”.

Chị Diệu Hạnh mỉm cười: “Bé út là mình đặt tên là Nhã Phương, nay được gần 5 tháng tuổi, rất dễ nuôi, không thấy quấy khóc hay ốm đau như trẻ hàng xóm. Thật may mắn, nếu gia đình mình không học Phật, không có lòng tin kiên cố thì đã hai lần bỏ đi hai giọt máu vô tội rồi. Nay cả 3 cháu đều lớn vui, khỏe mạnh là minh chứng cho Phật pháp nhiệm màu, nhất là sự kỳ diệu của Kinh Địa Tạng. Mình thấy xã hội ngày nay việc phá thai diễn ra thật đáng sợ. Cầu mong cho tất cả mọi người biết gìn giữ tính mạng của nhau”.
 
Bài viết: "Hai thai nhi được cứu sống nhờ trì tụng kinh Địa Tạng và niềm tin Phật pháp nhiệm màu"
Lương Đình Khoa/ Vườn hoa Phật giáo